Non nửa thế kỷ sau chiến tranh, những vật dụng gắn với thời bom đạn, rồi cùng ta đi qua những tháng ngày bao cấp đã dần tuyệt chủng. Nếu còn chăng, chỉ trong những bộ sưu tập của giới chơi kỷ vật chiến tranh, hay lẻ tẻ trong góc tủ những người ưa hoài niệm.
Lon Guigoz
Nhà văn Đồng Sa Băng quê gốc Quảng Ngãi. Ông viết ít. Những truyện ngắn của ông không thật sắc sảo cá tính, nhưng đầy hồn hậu và nhân cảm về thân phận người bình dân nhập cư Sài Gòn giữa thời loạn lạc.
Một bộ sưu tập của giới chơi kỷ vật chiến tranh. Ảnh: NVN
Ông có truyện ngắn Lon Ghi-gô kể về bi kịch của hai cha con nghèo miền Trung vào Sài Gòn làm thuê kiếm sống trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc. Một hôm, tai hoạ đến với họ: người cha bị tai nạn phải nằm viện; Du, cậu con trai nhỏ đã phải tìm cách xoay sở kiếm tiền nuôi cha nằm bịnh trong những ngày cuối đời. Chỉ với “vốn liếng” là một chiếc lon Ghi-gô trong tay, cái khó ló cái khôn, cậu bé nhanh trí nghĩ ra cách dùng nó nấu nước sôi ở hành lang nhà thương để chào bán cho những thân nhân đi nuôi bệnh. Truyện ngắn kết thúc như một tiếng thở dài, khi đứa trẻ không đủ tiền mua vé máy bay theo cha về quê, nó đánh rơi cái lon Ghi-gô trống, hắt hiu nhìn cha mình đi vào cõi chết.
Lon Ghi-gô, có người gọi là lon gô, hay có nơi đọc trại đi là mi-gô, bi-gô... đã gắn bó nặng tình nặng nghĩa với đời sống người bình dân, kẻ sa cơ thất thế trước và chừng chục năm sau chiến tranh, cũng theo cái nghĩa “xoay sở” đó.
Người thiết kế ra chiếc lon thon dài, có những đường viền nổi, có nắp đậy kín là ai, không ai biết. Nhưng chắc rằng, khi sáng tạo ra loại lon đặc biệt này cho nhãn sữa Guigoz của ông Maurice Guigoz, ông (bà) ta không thể ngờ được rằng, nó hữu dụng, đa năng đến như vậy với người dân ở một thị trường xa xôi đang đắm chìm trong khói lửa chiến tranh và giai đoạn tái thiết hậu chiến.
Làm những vật dụng vô tri đầy thương tích mà trôi dạt xuyên thời, đôi khi còn lưu giữ, lay động ký ức cộng đồng chân thực hơn nghìn trùng trang sử dối.
Nghe kể, trước 1975 tại Sài Gòn, những đứa trẻ xuất thân từ gia đình trung lưu đều có may mắn thụ hưởng nguồn dinh dưỡng từ một loại sữa bột mang họ của một gia đình sống tận bên Thụy Sỹ [*]. Nhưng giới bình dân, người nghèo khó tỉnh lẻ như cậu bé Du trong truyện ngắn trên, lại được hưởng sái những chiếc lon tốt để sử dụng trong công việc hàng ngày như: đựng thức ăn, gia vị, cau trầu, tiền bạc, thậm chí có thể nấu nướng vô tư thay cho chiếc xoong nhỏ.
Trong một bức ảnh tư liệu chụp quán cháo lòng lề đường Sài Gòn trước 1976 mà chúng tôi tìm được, có thể thấy trên bàn của chị chủ hàng, hai chiếc lon Ghi-gô đựng đũa, muỗng trông rất vệ sinh. Hẳn là vệ sinh hơn các ống đũa bằng nhựa sản xuất hàng loạt mà ta vẫn thấy ở những quán sá vỉa hè nhếch nhác vừa bán vừa canh công an giải toả thời buổi này. Nếu sữa Ghi-gô chỉ dành cho con cái những nhà có tiền thì cái lon nhôm đựng nó lại đạt tới sự đại đồng rất sớm, nó không câu nệ người dùng và không hạn chế sự sáng tạo trong cách dùng.
Trong hồi ký của những người đi cải tạo sau 1975, cũng nói nhiều đến cái lon Ghi-gô. Trong hoàn cảnh thiếu thốn và khắc nghiệt, chiếc lon sống với người tù như vật bất ly thân, đơn giản vì gọn nhẹ dễ xoay sở (lại “xoay sở”), dùng được cho nhiều việc, từ đựng bàn chải đánh răng, thuốc men, cho đến thay ca múc nước, thay nồi nấu cơm, luộc rau, khoai, mì... Lúc đó, bên ngoài xã hội đang nhá nhem bao cấp, những vùng khó khăn, chiếc lon Ghi-gô cũng kiêm nhiệm những việc tương tự. Chiếc lon theo những gia đình xê dịch, li tán để rồi tiếp tục trở thành vật bất ly thân của họ trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề.
Chiếc lon nhôm gầy có nắp đậy kín xuất hiện khắp nơi, từ hàng nước bà già quê dùng đựng mớ tiền lẻ cho đến chạn bếp bảo quản mấy tán đường cho đỡ ruồi, kiến, rồi nhà khó khăn quá, con cái bệnh tật, dùng cái lon nhôm mỏng đó mà nấu miếng cháo muối thiệt gọn gàng. Mấy ông già ghiền thuốc rê kỹ tính còn dùng cái lon Ghi-gô để đựng nào giấy vấn, nào lá thuốc nào bật lửa, khư khư trong tủ, có khách quý, ngày lễ tết mới dọn ra bàn rồi cẩn thận mở nắp như cướp biển khoe kho báu.
Chuyện cũ qua rồi. Sức sống của một đồ vật là ở công năng của nó và một phần ở sự thói quen, ký ức gắn bó của người sử dụng. Có lẽ vì cũng quá đa năng, đa dụng mà những chiếc lon nhôm đã cùng chúng ta kinh qua lửa đạn cuộc chiến, cùng trôi nổi với ta trong những ngày khốn khó đầu hoà bình đã trở thành thứ đồng nát toàn diện chỉ có thể gom đổi càrem trong thời buổi trẻ con còn thiếu thốn quà vặt.
Và như thế, anh bạn mang cái gốc gác Thụy Sỹ đã vẫy chào ta vĩnh viễn trong thời đầu đổi mới, thời hàng nhựa tái chế lên ngôi.
Sữa Guigoz vẫn được nhập sang Việt Nam cho tới hôm nay, nhưng không nổi danh như trào cũ.
Còn nhớ, có ông già ở làng quê nọ trước khi tắt thở, chẳng trối trăng gì, chỉ dặn con cái nhớ cho cha mang theo chiếc lon Ghi-gô mới nhất còn lại trong nhà. Một chiếc lon quen thuộc và đa dụng chắc sẽ giúp người ta yên tâm hơn trong một hành trình đi từ thế giới này sang thế giới khác. Mà chưa biết đích đến là đâu.
Ca inox US
Chiếc ca làm theo khối hình ô van được nắn lõm một bên, xét về đặc điểm tạo hình, phải nói là không lẫn vào đâu. Và muốn xác minh là “con nhà nòi” bước ra từ máu lửa chiến trường, cần nhận diện thêm, trên chiếc đai sắt của ca có in dập chữ "US W.C.W" rất sắc nét. Cái đai sắt vuông được thiết kế khớp vào chỗ lượn của hình khối tạo ra thế kềm chắc chắn, rất tiện cho lính tráng đeo lên mình trong những cuộc chinh chiến dài ngày.
Sau chiến tranh, dấu tích chiến trường có khi còn hằn trên bề mặt những chiếc ca US được Mỹ sản xuất và đưa vào chiến trường trong giai đoạn 1964-1975. Đó là những vết khắc bằng mũi dao lên đáy ca tên một cô Linda, Sophia hay Anna nào đó mà chủ nhân cái ca mang theo hình bóng đi vào khói lửa chiến trường, có khi là một đường “sẹo” do va đập mạnh trên đường hành quân, cũng có khi là một câu chửi F*** bâng quơ khắc vụng vào ánh thép. Tất cả xuất phát từ tâm trạng tham chiến, tâm lý ức chế về sự vô nghĩa của cuộc chiến. Tất cả những thông điệp hằn lên chiếc ca sắt đó lại được vô tình gửi tới tương lai, vào tay những chủ nhân xa lạ chỉ quan tâm tới chức năng sử dụng, ngoài ra, đã quá mệt mỏi để tái hiện hay suy diễn những tình huống chiến tranh. Những cái ca US đường hoàng đi vào đời sống người dân Việt Nam như chưa hề bị phân biệt là vật dụng của bên này hay bên kia chiến tuyến.
Xét về độ bền và khả năng kinh qua phong trần thì các loại ca, bình inox hiện đại sau này phải gọi ca US bằng sư cụ.
Thời bao cấp, chiếc ca US quen thuộc với những gia đình người dân miền Trung, miền Nam, đặc biệt những vùng ngày trước từng hứng chịu chiến sự khốc liệt. Thời chưa có nước đá, ở mấy vùng quê, người ta cho nước giếng vào ca US đựng một lúc, có cảm giác nước mát hơn, có vị ngọt hơn. Và cũng nhờ chất liệu inox giữ nhiệt tốt, nên mấy bà già quê vẫn dùng ca US để đựng nước chè xanh, lâu ngày bợn chè quánh vàng đáy ca, vậy mà chỉ cần mang ra chà rửa lại một nước là sáng bóng như mới.
Bây giờ, khi phong trào sưu tầm kỷ vật thời chiến và bắt chước lối sống bụi bờ của lính tráng đang lên trong giới trẻ mê phượt ở đô thị, thì mấy ông Trung Quốc xứng danh là bậc thầy hàng chế khi đã luộc, nhái những sản phẩm ca US thời chiến tranh Việt Nam để tung ra thị trường. Nhưng dân nhà nghề trên mạng bảo nhau rằng, ngó qua nước màu, nhìn độ sắc sảo của chữ in, nhìn cái vẻ ngụy quân tử của mấy bã khựa là biết ngay.
Với dân sành chơi, anh hùng đoán giữa trần ai mới già.
Bình toong và mũ cối, nón sắt
Mới đây, trên mạng kienthuc.net.vn có đăng loạt ảnh chủ đề “Lính Mỹ lỉnh kỉnh quân trang trong chiến tranh Việt Nam”. Trong 18 bức thì cường độ xuất hiện cao nhất là... súng. Dĩ nhiên. Và tiếp theo là những chiếc bình toong (bidong US) và mũ cối, nón sắt mà người lính mang theo trong chiến trường khắc nghiệt.
Bình toong đựng nước uống được người Mỹ mang qua Việt Nam cơ bản có hai loại. Một, bằng nhựa tốt, nhẹ, có màu xanh ôliu và một, bằng inox trắng. Bình được thiết kế dáng mềm mại, có bao, đai đeo. Loại bình inox phần lưng cũng hơi móp như ca US, có một viền nổi trên thân bình, phần cổ bình có khoen cài một sợi xích nhỏ nối với nắp, trông chắc chắn. Loại bình này, cũng như số phận của ca US, được tận dụng trong những ngày tháng đầu hoà bình. Có thể thấy nó đồng hành với người dân nhiều nơi trên dải đất chữ S. Nó theo mấy bác nông dân ra đồng, theo bác đưa thư đi rong ruổi khắp nơi đến một lúc, ngược trở lại vào quân đội chính quy và khoác áo chiến lợi phẩm... Thậm chí, ở vài vùng quê khó khăn trong thời bao cấp, có khi học trò cấp một cũng phải mang bình toong nước lủng lẳng trên đường đến trường xa xôi.
Dạo gần đây, bình toong lính Mỹ một thời trở thành món trang sức được ưa chuộng của những tay chơi xe cổ. Diện đồ lính, quần rằn ri lủng gối, đội nón cối, cưỡi Honda 67, móc lủng lẳng bên hông một chiếc bình toong vừa đấu giá được trên mạng... vậy là đủ sức “lên màu hầm hố”. Khi đô thị đang ướp con người ta thơm tho trong sự chật chội và khuôn khổ, thì việc trình diễn chút phong trần lơ láo đôi khi cũng giải quyết được phần nào cái ẩn ức bị đè nén mất tự do và quyền được phá phách bụi bặm trong lối sống.
Cái bình toong của mấy tay chơi giả cầy này như râu của ông diễn viên, không biết đâu là thật đâu là giả, có khi chỉ dùng cho mục đích trình diễn không chừng. Đa phần thì... không có đựng nước.
Một thứ vật dụng khác rất quen thuộc là chiếc nón cối của lính Mỹ làm bằng một loại bố màu xanh, cũng được những tay trình diễn đường phố ưa sử dụng thay cho nón bảo hiểm. Mặc dù, qua thời gian, quai đeo “gin” bên trong của những chiếc nón cối này cũng đã hỏng, thường cải thiện bằng hàng độ.
Bây giờ, thứ nón này rất quý, có cái mới toanh thấy rao bán trên mạng đến gần 3 triệu đồng, chứ vào thời hợp tác xã tăng gia sản xuất ở thôn quê, nhiều vô kể. Thời hợp tác xã, những chiếc nón cối Mỹ có độ trũng sâu, được bà con mình tận dụng làm gàu múc nước giếng, tát nước mương. Phải công nhận là thứ vải dù nón cối rất bền. Chúng từng được đem vào chiến trường để bảo vệ cho những cái đầu đa phần bấn loạn mệt mỏi trên chiến trường xa lạ khắc nghiệt và khi cuộc chiến kết thúc, chúng là vật dụng để đựng một vốc nước sạch cho những con người bị đày ải bởi chiến tranh lâu năm có dịp nhìn lại chân dung mình được phản chiếu sóng sánh, vẹo vọ, méo mó bên trong. Mặt người chắc chi còn ra cái mặt người.
Lại nhớ, có một bài hát dành tặng lính miền Nam tử trận, có chi tiết rất đắt: vào mùa mưa, con ễnh ương đã trú ngụ trong chiếc nón sắt để gọi tên người đã khuất.
Zippo & sự vô tri
Nhiều, nhiều lắm những vật dụng trong thời chiến mà tới hôm nay vẫn còn xuất hiện, hay đồng hiện trong đời sống chúng ta, sau gần nửa thế kỷ hoà bình. Từ cái ca US, chiếc nón cối hay bình toong, thường được làm ra cho chiến trường, nên bản thân mỗi vật dụng đã sẵn tính đa năng. Và đương nhiên, tính đa năng đó có ích trong mọi hoàn cảnh.
Có những món đồ khác có thể kể ra đây: như chiếc mâm nhôm, nhẫn US. Army, mùng mền dù, thẻ bài hay một vật dụng quá phổ biến như quẹt Zippo, xin phép không được nhắc đến trong bài viết này. Nhiều người mê tiếng cò đánh “tíc” của chiếc quẹt Zippo mà không cho phép ai được luận về nó ở góc độ hiện tượng luận. Có người công khai nâng chiếc bật lửa này lên hàng siêu hình học về cuộc chiến. Và xét về tính khoa học, đã có hàng chục công trình trong ngoài nước nói về nó, đó là chưa kể hết những diễn đàn trao đổi nảy lửa về cái vật dụng gần như là biểu trưng văn hoá từ một cuộc chiến khiến người viết bài không khôn hồn cũng phải tính đường chuồn sớm.
Điều đáng nói là, trong lịch sử chiến tranh Việt Nam hàng ngàn năm nay, mỗi khi kết thúc một triều đại, một chế độ chính trị, thường xảy ra không ít cảnh đòi nợ máu, quật mồ cuốc mả, san lấp lăng tẩm chùa chiền để xóa đi những di chỉ của hào quang quyền lực đối kháng. Nhưng, chẳng ai bận tâm đi dập tắt thứ ký ức của cộng đồng dưới dạng thức phân mảnh được ghi lại qua những đồ vật vô tri. Chúng trôi nổi trong dân gian và kể với ngày sau từng câu chuyện khốc liệt về cuộc chiến, về một lai lịch, tiểu sử nào đó trong quá vãng, kể cả những điều không còn ai muốn nhớ.
Làm những vật dụng vô tri đầy thương tích mà trôi dạt xuyên thời, đôi khi còn lưu giữ, lay động ký ức cộng đồng chân thực hơn nghìn trùng trang sử dối.
Tùy bút: Nguyễn Vĩnh Nguyên / sgtt - Nguồn mekongnet.ru