GiadinhNet - Thời trước có một danh sĩ tên là Hứa Doãn, cưới người con gái họ Nguyễn về làm vợ.
Nguyễn thị vốn nhà giòng dõi, thuở nhỏ được ăn học nên rất giỏi văn chương, chữ nghĩa nhưng thân hình lại quê kệch, xấu xí, chỉ được mỗi bộ phận tuyệt đẹp là mũi...
1 Trái lại với nhan sắc thuộc loại Chung Vô Diệm của vợ, Hứa Doãn vừa học giỏi, vừa đẹp trai, chỉ có mỗi một khuyết điểm là cái mũi không mấy thanh nhã, vì vừa thấp lại vừa nhỏ không tương xứng với các bộ vị khác của khuôn mặt.
Thời xưa người ta thường có lệ hứa hôn ngay từ thuở lọt lòng và việc gả chồng lấy vợ cho con cái tùy thuộc hoàn toàn vào cha mẹ đôi bên. Hai họ Nguyễn và Hứa quen nhau từ lâu lắm,nhưng bên đằng trai thấy gái họ Nguyễn quá xấu xí đã hơi ngán, nên trước khi quyết định chung cuộc đã nhờ một nhà tướng thuật nổi tiếng đến quan sát kỹ càng diện mạo cô dâu tương lai. Thầy tướng quan sát xong nói cho cha mẹ Hứa Doãn biết rằng cô con gái đó có tướng giúp đỡ, phò tá chồng một cách đắc lực cả trong lẫn ngoài. Nghe lời quả quyết của thầy tướng, họ Hứa yên tâm cử hành hôn lễ cho đôi trẻ.
Theo tập quán, nam nữ "thọ thọ bất thân" thời đó, Hứa Doãn và Nguyễn thị chỉ biết tiếng đồn về nhau chứ chưa từng được gặp mặt hay có dịp chuyện trò. Sau khi thành hôn, Hứa Doãn thấy vợ thật là xấu xí, còn mình thì đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu, bèn tự nghĩ là con gái họ Nguyễn lấy được mình là phúc lớn lắm rồi. Nhớ lại lời thầy tướng nói là phải nhờ có cô gái xấu xí kia, giúp đỡ mình mới mong thành đạt được, Hứa Doãn rất lấy làm hoài nghi, không biết ông ta căn cứ vào đâu mà dám nói như vậy.
Do đó, một hôm trong chốn phòng the, Hứa Doãn mới hỏi vợ rằng: "Tôi nghe thầy tướng nói mình có tướng làm sếp chồng, mình có tin như thế không?". (Nguyên là chữ "tướng" trong “phu chi tướng” có nghĩa là dẫn dắt, điều khiển chồng hầu đạt đến thành công. Nói rộng ra là chồng phải nhờ có tay vợ mới nên thân người).
Ngày xưa, vợ rất trọng chồng nên nghe chồng hỏi như vậy, Nguyễn thị tủm tỉm cười đáp rằng: "Thiếp không tin rằng mình lại có tướng làm sếp chồng, nhưng thiếp tin chắc rằng mình là kẻ có phúc". Hứa Doãn hỏi: "Mình có phúc gì?". Nguyễn thị đáp: "Thiếp có cái phúc trời ban là khiến chồng". Người chồng nghe thấy hai chữ "khiến chồng" lấy làm thắc mắc bèn hỏi: "Khiến chồng là gì?". Vợ đáp: "Ðó là khiến cho chồng yêu mình, nể mình, khiến cho chồng phú quý vinh hoa. Một cô gái xấu xí như thiếp nếu trời không ban cho phúc đó thì làm sao sánh duyên với người tài mạo như chàng".
2 Dẫu không biết tướng học, nhưng là kẻ lanh lợi, học thức nên nghe vợ đối đáp một cách thông minh như vậy, Hứa Doãn thấy quả nàng cũng có điểm khiến cho mình tâm phục. Tuy nhiên, vì vẫn chưa giải được nghi ngờ nên Hứa Doãn hỏi tiếp:
- Mình có nghe thấy ông thầy tướng nói quý tướng của mình ở chỗ nào không ? Cái quý tướng đó có phải là ở chỗ mắt đẹp, mũi tốt không? Có phải trời sinh ra toàn thân xấu xí là quý tướng khiến cho chồng phải yêu chiều mình không? Hoặc giả quý tướng đó là cái gì khác nữa chăng?
Nguyễn thị thấy rằng qua những điều chồng thắc mắc rõ ràng là chàng ta không ưng ý về dung mạo của mình nhưng không dám tỏ vẻ bất bình chỉ nhỏ nhẹ đáp lại:
- Thiếp có nghe thầy tướng nói, thiếp cũng tự biết là mình không được xinh đẹp nhưng thiếp có một điểm tướng rất tốt đó là phu tinh cực tốt.
- Phu tinh? Phu tinh của mình chính là tôi, giữa cái đó và diện mạo của mình có quan hệ gì?
- Thầy tướng nói rằng: Mũi là cung thê của đàn ông và là cung phu - chủ về người chồng của đàn bà. Ông ta nói trong ngũ quan của thiếp hầu hết đều không tốt, nhưng mũi lại cực tốt, ngay thẳng, cao, mập, lỗ mũi không lộ cho nên mới gọi là phu tinh cực tốt. Bây giờ quả là đúng. Hiện giờ chàng chẳng phải là phu tinh của thiếp hay sao? Sách tướng có câu: "Coi tướng đàn bà không cần coi mệnh của họ, chỉ cần coi phu tinh của họ". Cho nên muốn biết số kiếp thiếp tốt hay xấu chỉ cần coi cách đối xử của chàng đối với thiếp tốt xấu ra sao là đủ".
Nghe vợ nói đến mũi, Hứa Doãn tiện tay lấy gương soi mặt để quan sát chính khuôn mặt của mình thấy mũi tuy khá thẳng nhưng lỗ mũi hơi lộ và sơn căn nhỏ, thấp so với vợ thì kém xa lắm, bèn quay sang nói với vợ:
- Nếu nói như mình, thì mũi của mình mới được xem là tốt thì quả là mũi tôi không tốt bằng mũi của mình phải không? Như thế thì tôi cần phải nương dựa vào mình chứ gì?.
Nói xong, Hứa Doãn tỏ vẻ bực dọc và không tin rằng mình tướng cách lại thua vợ vì thấy rõ là vợ xấu xí còn mình vừa đẹp trai vừa học giỏi.
Người vợ thấy chồng không hiểu rõ bèn tủm tỉm cười nói rằng:
- Thiếp thấy chàng cái gì cũng sáng suốt thế mà đối với phép xem tướng chàng có một điểm hết sức tối tăm chẳng thông minh chút nào cả!
Hứa Doãn nói:
- Tại sao lại tối tăm? Tôi dựa theo điều mình nói cả mà. Mình nói rằng mũi của mình tốt như thế này thế nọ, còn mũi tôi so với mũi mình không tốt bằng, như thế có gì gọi là không thông minh?
Vợ đáp:
- Chàng không thông minh chính là ở điểm đó. Thiếp đã chẳng từng nói rõ là thầy tướng nói rằng mũi của vợ chính là ngôi sao chủ về chồng, còn mũi của chồng chính là ngôi sao chủ về vợ. Mũi thiếp cực tốt nghĩa là chồng thiếp sẽ là một văn nhân tài mạo song toàn, được hưởng vinh hoa phú quý, còn mũi chàng không được hoàn toàn tốt đẹp có nghĩa là cung thê của chàng không được hoàn hảo. Nói khác đi là thiếp xấu xí, vô tài. Thực tế quả là đúng như vậy, cho nên chàng đừng thắc mắc bực mình gì cả chỉ thêm vô ích.
3 Sau lời bàn luận với vợ về tướng học, Hứa Doãn cảm thấy vợ mình không còn là một cô gái đáng chê một cách ghê gớm như trước, vì Doãn thấy vợ là người thông minh, hiền thục. Hơn nữa vợ xấu là bởi cái mũi của mình không được đẹp, cái đó là số mạng tiền định, đâu phải do lỗi của nàng. "Cái nết đánh chết cái đẹp", nghĩ như vậy, nên trong lòng Hứa Doãn không còn ấm ức và đối với vợ, mối thiện cảm ngày càng một gia tăng. Càng chung sống với nhau lâu ngày, Hứa Doãn càng thấy vợ mình quả là có tướng làm sếp mình thật.
Một hôm, hai vợ chồng đàm luận về việc vợ chồng tương hỗ nhau, Hứa Doãn hỏi vợ:
- Ðàn bà có tứ đức là "công, dung, ngôn, hạnh". Mình tự xét xem có được mấy đức?
Nguyễn thị nghe hỏi biết ngay là chồng nhạo báng mình xấu xí nên đáp lại:
-Ðàn bà có bốn đức thì thiếp đây chỉ thiếu có một đức về dung mạo không được xinh đẹp mà thôi. Nhưng xấu đẹp là do trời xếp đặt chẳng phải cha mẹ hay bản thân muốn mà được, nên việc thiếu sót về dung mạo không phải tội lỗi của thiếp và cũng chẳng lấy thế làm nhục.
Hứa Doãn nói:
- Ðàn bà phải có đủ tứ đức thì mới gọi là hoàn hảo. Thế mà mình thiếu mất một đức tức là chỉ được ba phần, có phải vậy không?
Vợ đáp:
- Ðúng vậy, "nhân vô thập toàn". Thiếp được tới 3 phần đức tính của phụ nữ, cũng đã được kể là nhiều rồi chứ quả là không được hoàn toàn đầy đủ.
Doãn nói:
- Nhưng mà tôi lại thích người đàn bà đẹp vì vậy cần phải có người vợ đầy đủ tứ đức mới hoàn toàn thỏa nguyện. Mình nghĩ xem, nguyện vọng của tôi như vậy có đúng không? Có nên có tư tưởng đó không?
Nghe chồng nói như vậy, Nguyễn thị nhịn hết nổi, nàng nhận thấy chồng kiêu ngạo, vô lễ, không còn giữ được truyền thống "tương kính như tân" của kẻ sĩ. Nàng tự nhủ, cần phải cho anh chàng kiêu ngạo, háo sắc này một bài học đạo lý để anh ta bớt lố lăng, bởi thế nàng bèn đáp:
- Ðúng, chàng nói đúng, nghĩ đúng, nguyện vọng cũng chính đáng luôn nhưng chàng cũng nên tự xét xem mình có phải là người hoàn hảo hay hoàn toàn tốt không đã?
Nghe vợ vặn lại, Hứa Doãn có vẻ không được vui, nhưng ý đã quyết răn chồng, Nguyễn thị giả bộ như không thấy, lại tiếp tục hỏi bồi thêm:
- Ðàn bà có tứ đức, thiếp tự biết mình thiếu một đức. Vậy xin phép được hỏi chàng là kẻ sĩ có cả trăm nết tốt, chẳng hay chàng có được bao nhiêu nết?
Hứa Doãn vênh váo đáp ngay tức khắc:
- Ta đây có đủ trăm nết.
Vợ hỏi thêm:
- Chàng cho phép thiếp hỏi thêm một câu nữa được chăng?
Hứa Doãn đáp:
- Ðược lắm chứ! Mình có gì cứ việc nói ra ngay đi.
Lúc đó, Nguyễn thị mới thủng thẳng nói:
- Trong trăm nết tốt của kẻ sĩ thì đức độ là nết tốt đứng đầu, trong muôn ngàn nết xấu thì dâm xếp vào số một. Vậy mà giờ đây chàng nói ra miệng là rất trọng đàn bà có sắc đẹp, chứng tỏ rằng chàng là kẻ rất háo sắc. Như thế rất là tai hại cho nết tốt số một trong 100 nết rồi thì làm sao có thể nói là mình có đủ cả trăm đức tính cần thiết của kẻ sĩ? Thiếp chỉ khuyết có phần dung mạo là phần phụ thuộc nên chỉ dám nhận là mình chỉ có 3/4 đức tính đàn bà, chứ không dám nói là mình có đủ nết na. Nay chàng thiếu mất ngay cái nết số một của kẻ sĩ thì chẳng hiểu trong số 100 nết hay đó chàng còn thiếu những gì nữa?
Nghe vợ nói đến đây thì Hứa Doãn chết điếng, đứng ngay như bị trời trồng, vô phương chống chế. Từ đó, hết sức nể nang vợ và gần như bị vợ thuần phục.
4 Theo truyền thuyết còn lưu lại thì trong lúc thầy tướng khuyên cha mẹ Hứa Doãn hãy cưới kỳ được con gái họ Nguyễn cho con trai mình, nếu muốn cho Hứa Doãn nên người, vì cô con gái đó có tướng "Tướng phu chi tướng", nhiều bà con bên trai đều nghi hoặc cho là đứa con gái xấu xí như ma lem lấy được trai họ Hứa là có phúc rồi chứ làm gì lại mang phúc đến cho chồng. Bị gạn hỏi quá gắt, thầy tướng buộc phải giải thích: "Ngôi sao vợ của Hứa Doãn đã không đẹp mà cái tính Hứa Doãn lại là kẻ háo sắc, nếu lấy một người con gái bình thường thì sau khi cưới vợ rồi sẽ không dứt được thói trăng hoa, khiến cho gia đình sinh tai tiếng hoặc mình bị mang vạ đào hoa. Nếu phối hợp với con gái họ Nguyễn là kẻ có bản lĩnh, đủ sức kiềm hãm chồng, không cho sa đọa vào con đường hư hỏng thì hắn mới nên người và gia đình mới có hạnh phúc".
Trong tướng học, khi nói là kẻ có tướng vượng phu (tốt cho chồng) thì phải hiểu rằng không phải chỉ đơn thuần giỏi nấu nướng may vá, mà còn có nghĩa là hiểu rõ được cá tính và sở thích của chồng, khiến chồng được cảm thấy thoải mái về cả tinh thần lẫn vật chất... Điều đó giải thích được rằng tại sao có nhiều người giàu có, đẹp trai mà lại say mê, cảm mến những người phụ nữ nghèo túng, xấu xí hoặc già hơn mình.
Tuyết Nga
|