...Tôi đưa ba tôi ra khỏi quán ăn, đi dọc theo bờ sông Seine trắng mờ trong sương mù buổi tối. Ông đã nhìn thật lâu theo dòng nước chảy chậm và êm đềm, như muốn thả trôi hết theo dòng nước đó những muộn phiền và tủi nhục của một thời xưa cũ...
Tôi dìu ba tôi xuống khi chiếc xe buýt của hãng du lịch ngừng lại tại một con đường vắng thuộc Quận 13 của thành phố Paris. Lúc đó khoảng 8 giờ rưỡi sáng ngày thứ Bảy.
Tại một thành phố công nghiệp, vào giờ ấy trong một ngày cuối tuần, thì thật ra còn quá sớm. Thế nhưng ở nơi đây đã tấp nập người đi lại. Đa số là dân người Châu Á, họ đi sắm sửa cuối tuần và đi ăn điểm tâm tại các cửa tiệm người Việt hay người Hoa.
Sau một đêm ngồi trong chuyến xe buýt từ thủ đô Berlin của nước Đức tới đây, cả hai chúng tôi, già trẻ đều mệt nhừ. Và có lẽ gần hai mươi khách đồng hành đi cùng chuyến xe với chúng tôi đều như thế cả. Nhưng khi vừa đến nơi thì họ đã hoan hỉ reo hò. Thành phố Paris như có một sức quyến rũ và thu hút nào đó, khiến mọi người dễ quên đi sự mệt nhoài của một chuyến đi xa.
Và xe đỗ ở đây. Trên con đường vắng, cạnh một công viên. Ông tài xế phát cho mỗi người một tấm bản đồ bỏ túi về thành phố Paris, bảng ghi giờ tàu xe điện ngầm cùng với một tờ thông báo địa chỉ khách sạn. Và nói thêm rằng, từ giờ phút này, mọi người được tự do sắp xếp chuyến du lịch, thăm danh lam thắng cảnh của mình, chỉ có ngày đi trở về lại Berlin thì phải tập họp đông đủ và đúng giờ trước khách sạn.
|
Sau khi nghe xong thông báo, tôi mang cái túi xách trên vai, mua vội mấy chai nước rồi cùng ba tôi đi dài theo con đại lộ. Ba tôi cảm động lắm khi biết mình đang bước chân đi trong lòng thủ đô nước Pháp. Ba tôi từ Việt Nam qua thăm chúng tôi tại Đức đã hơn một tháng. Chuyến đi qua Paris lần đầu tiên này là một kỷ niệm quí giá trong đời ông. Ở đây ba tôi thấy gần gũi với mình hơn là ở Berlin.
Cách kiến trúc nhà cửa, khu phố buôn bán, và nhất là những quán cà-phê dọc theo vỉa hè, nó giống như ở Sài Gòn mình lắm, ba tôi bảo thế.
Buổi trưa, tôi đưa ba tôi lên đỉnh tháp Eiffel, nhìn xuống thấy được thành phố Paris rộng lớn và sang trọng, với dòng sông Seine uốn quanh co, lượn dưới những chiếc cầu. Buổi chiều, tôi đưa ông đến thăm đại lộ Champs Elysées và đi xuyên qua Khải Hoàn Môn. Tối xuống, đèn lên rực rỡ, chiếu sáng lộng lẫy khắp mọi phố phường. Sau đó chúng tôi bước vào một quán ăn sang trọng, ăn món tôm nướng, vịt hầm và uống rượu Sâm-banh. Ba tôi khen sự tiếp đãi lịch sự và kiểu cách sang trọng của các tiếp viên người Pháp. Khi ông vừa cạn xong ly rượu, là có ngay người đứng bên cạnh đến xin phép được rót đầy ly cho mình. Sau lưng chúng tôi là ba chàng nhạc sĩ, với các nhạc cụ khác nhau, đàn hát những bản nhạc nhẹ và vui tai để phục vụ thực khách.
Thế nhưng chẳng may, có lẽ vì hơi vội, một anh tiếp viên đã vô ý làm đổ ly cà-phê trên bàn, khi mang đến cho ba tôi. Nước cà phê thấm ướt cả tấm khăn trải bàn, chảy xuống trên cái quần, và làm ướt sũng một chiếc giày mới của ông. Rồi thì như một lệnh báo động. Cả đám tiếp viên nam nữ xôn xao. Anh tiếp viên làm đổ ly cà-phê không tiếc lời xin lỗi ba tôi, mặt mày nhợt nhạt. Một cô chạy ngay vô nhà bếp, và chỉ vài phút sau cô dẫn ra một ông người Pháp đứng tuổi, có bộ râu quai nón, khệ nệ mang theo một hộp đồ nghề. Ông đến hỏi han ba tôi đôi câu, mà chúng tôi không hiểu hết, rồi ngồi xuống bên cạnh, mở nắp đồ nghề ra, xin phép ba tôi được chùi khô và đánh bóng lại đôi giày.
Ba tôi ngại ngùng lắm. Vì ông chưa hề quen như thế. Ngay khi ở Việt Nam, ông cũng tự chùi giày một mình, dù cho bất cứ ai đã làm dơ. Hơn nữa, ai lại để cho một ông Tây ăn mặc lịch sự như thế, đi lau giày cho mình. Ông còn nghĩ xa hơn nữa, về người Pháp theo ký ức thế hệ ngày xưa. Người Pháp là dân mẫu quốc, còn ta là dân thấp cổ bé họng của vùng thuộc địa. Họ chẳng có nguyên cớ gì để hạ mình phục vụ ta cả. Thế là tôi phải giải thích cho ba tôi hiểu, đây chỉ là việc họ muốn xin lỗi mình vì một việc xảy ra ngoài ý muốn. Vả lại ông Tây đây chẳng phải là dân cai trị nào cả, họ cũng đi làm việc kiếm sống như ta, là nhân viên làm theo lệnh của chủ nhà hàng, họ cũng cần có khách và giữ khách. Sau đó ba tôi mới chịu cho ông Tây ngồi xuống bên cạnh, chùi khô bóng lại đôi giày của mình, mặc dù ông cũng còn chút chột dạ.
Ba tôi kể cho tôi nghe thời thuộc địa mấy mươi năm về trước, khi lính Tây đi vào khu làng nào thì đều bắt trói mọi người lại để tra hỏi, hà hiếp, dọa nạt và cướp bóc. Có lần họ đã bắt một đám người như thế, trong đó có gia đình tôi. Khi dẫn lên một con đường dốc, ai yếu sức đi chậm đều bị lính Tây dùng báng súng đập vào sườn, hay dùng chân có mang đôi giày nhà binh đá ngã lăn quay. Đa số mọi người lúc ấy vừa đói vừa mệt, vừa bị trói tay trói chân và bị hành hạ đủ thứ, thì làm sao đi lên con đường dốc cho nhanh được, và như thế ít ai tránh khỏi chuyện bị báng súng nện vào người.
Ba tôi không kể cho tôi nghe là ông có bị như thế hay không, nhưng khi chăm chú, tôi đã thoáng nghe nhiều lần ông thở dài. Ông bảo, ngày ấy ai cũng sợ bọn lính Tây lắm, đứa nào cũng to lớn vạm vỡ, râu tóc bờm xờm, súng ống trên tay và đạn xâu thành từng băng dài, quấn đầy khắp cả người. Thế mà bây giờ, một người dân thuộc địa như ông, đã từng bị còng trói như một người tù, lại có dịp ngồi nơi đây, giữa thủ đô Paris tráng lệ, trong một quán ăn có bao nhiêu người Pháp phục vụ. Và lại có thêm một ông Tây quần áo lịch sự bảnh bao, đang lúi húi dưới bàn, chùi khô và đánh bóng đôi giày của mình đã bị ướt sũng vì nước cà-phê. Thật đúng là cảnh nghịch đời. Ngày xưa, trong thời thuộc địa, nếu ông nói trước được những điều như thế cho dân làng mình nghe, có lẽ họ sẽ cười chế nhạo mãi không thôi.
Tôi nhìn ba tôi, mái tóc đã nhiều sương bạc, cuộc đời ông đã chứng kiến nhiều chuyện đổi thay. Và bây giờ trong lòng ông, tôi nghĩ, đang có một điều thay đổi lớn.
Tôi đưa ba tôi ra khỏi quán ăn, đi dọc theo bờ sông Seine trắng mờ trong sương mù buổi tối. Ông đã nhìn thật lâu theo dòng nước chảy chậm và êm đềm, như muốn thả trôi hết theo dòng nước đó những muộn phiền và tủi nhục của một thời xưa cũ. Và thả trôi đi cả cái kỷ niệm hãi hùng khi thằng Tây đạp ông anh của tôi, lúc ấy đang còn nhỏ, lăn quay xuống bờ ruộng, vì đã không theo kịp đoàn người đang hối hả leo lên con đường dốc…
Sa Huỳnh (CHLB Đức)