Gặp và yêu nhau trong những ngày quyết tử bảo vệ thủ đô, nàng Nguyễn Thị Bích Thảo và chàng Đỗ Đình Sửu chờ đợi nhau suốt 8 năm trời, vượt bao gian khó để đến với nhau, nhưng sum họp chưa lâu thì ông Sửu lại hy sinh.
>Những nữ cảm tử quân giữ thành Hà Nội
Trong khu tập thể ở phố Lý Nam Đế (Hà Nội), người dân vẫn nhắc đến tấm gương bà Nguyễn Thị Bích Thảo, cô gái Hà thành can đảm, khéo tay. Bà còn là hình tượng người phụ nữ Việt Nam chung thủy, đảm đang, đã một mình chèo chống gia đình, thay chồng nuôi 4 con khôn lớn.
Tay cầm tuyển tập thư tình đánh máy, bà Thảo cho hay, đó là tất cả yêu thương mà ông bà gửi gắm cho nhau trong những năm tháng chiến tranh. Hàng trăm cánh thư tay đã được Bảo tàng phụ nữ Việt Nam xin lưu giữ và họ đánh máy lại nội dung để lại cho bà. "Đây là tài sản, là kỷ vật lớn nhất cuộc đời tôi", bà Thảo chia sẻ, đôi mắt chợt nhòe đi vì nhớ lại kỷ niệm xưa.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, cô gái đang tuổi trăng tròn Bích Thảo cùng với anh trai Nguyễn Đình Thạc và hai chị gái Bích Tần, Bích Hạnh tình nguyện ở lại bảo vệ thủ đô. Trong 60 ngày đêm khói lửa ấy, mối tình của Thảo được nảy nở nhờ mai mối của các em thiếu sinh quân.
|
Nữ cảm tử quân năm xưa nay đã gần 90 tuổi. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Những chú bé 13-14 tuổi làm liên lạc trong thành phố thấy anh Sửu chiến đấu dũng cảm và chị Thảo xinh đẹp nên gán ghép hai người. Dù cùng mặt trận, nhưng Bích Thảo chiến đấu ở Đồng Xuân, Đình Sửu ở Đông Thành. Ban đầu Thảo rất ngại vì nhiệm vụ quan trọng lúc này là bảo vệ tổ quốc, thế nhưng sự chân thật, quả cảm và tinh thần chiến đấu anh dũng của chàng trai cảm tử quân đã làm bà cảm mến.
Mối liên hệ của hai người trong những ngày khói lửa ấy chủ yếu bằng cánh thư do thiếu sinh quân chuyển hộ. Số lần gặp mặt chỉ đếm trên đầu ngón tay. "Sau 60 ngày đêm chiến đấu, tôi về làm trong bệnh viện của bác sĩ Nhữ Thế Thảo. Khi hành quân đi qua, ông Sửu nhìn thấy đã xin chỉ huy chạy lại nói lời từ biệt: Nếu còn sống hẹn ngày chiến thắng trở về anh sẽ đến xin cưới Thảo", bà Thảo nhớ lại.
Người con gái Hà Nội tuổi trăng tròn ấy không ngờ rằng, sau lời từ biệt vội là suốt 8 năm trời đằng đẵng phải sống trong chờ đợi. Ông Sửu hành quân chiến đấu ở nhiều nơi, về sau lên Việt Bắc rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến tranh liên miên khiến hai người bặt tin nhau. Thế nhưng Bích Thảo vẫn ghi nhớ lời hẹn ước và tin tưởng ngày người yêu trở về.
Niềm vui như vỡ òa khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, trung đoàn thủ đô trở về trong niềm hân hoan chào đón của nhân dân. Đôi uyên ương Thảo - Sửu mừng mừng tủi tủi hội ngộ. Cứ ngỡ tình yêu sau bao năm chờ đợi sẽ được đánh dấu bằng đám cưới, nhưng gia đình Bích Thảo lại bị quy vào tầng lớp tiểu tư sản nên mối lương duyên không được tán thành.
|
Những bức thư tình vượt qua lửa đạn của bà Thảo và ông Sửu vẫn còn được lưu giữ ở bảo tàng phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Thùy. |
"Chúng tôi lại phải tiếp tục chiến đấu, thuyết phục đơn vị. Vào lúc tưởng như đã hết hy vọng thì người ta điều tra rõ việc cha tôi làm thư ký cho một cơ quan của Pháp chỉ để che mắt quân thù cho con trai hoạt động cách mạng. Đám cưới được lãnh đạo đồng ý cho tổ chức vào năm 1955", nữ cảm tử quân năm xưa cho hay.
Đó là đám cưới giản dị ở ngôi nhà đi mượn số 55 Hàng Bông. Khách mời chỉ khoảng 10 người, đều là bộ đội, mỗi người được mời uống một chén nước chè xanh, hút một điếu thuốc lá và lấy bài hát làm quà. Bích Thảo mặc bộ quần áo bộ đội màu xám nhạt do mẹ may cho. Đám cưới diễn ra nhanh chóng, sau đó mọi người kéo nhau ra hồ Gươm dạo chơi.
"Ông Sửu xin nghỉ một tuần để lo hạnh phúc trăm năm, thế nhưng mới cưới được hai ngày thì nhận lệnh phải về đơn vị gấp", bà Thảo kể và cho hay, ngay cả đến khi là vợ chồng, điều duy nhất bà biết về ông là sự nhanh nhạy, dũng cảm, yêu nước, còn quê quán, gia đình cũng không rõ. Đó chính là lý do mà 10 năm sau ngày cưới, bà phải nhờ người đi tìm quê cho chồng.
Người thân bà tìm được là hai vợ chồng người bác đã nuôi nấng chồng ngày bé, còn gia đình đều không còn ai. Bích Thảo thay chồng mời hai cụ về phố Hàng Than ở cùng để tiện chăm sóc.
Sau đó ông được cử đi Liên Xô học 4 năm, khi về lại hành quân vào Nam chiến đấu. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do bà Bích Thảo lo liệu. Có những lúc không thể xoay xở nổi việc ở bệnh viện, chăm sóc hai bác và bốn đứa con, bà phải gửi các con vào khu tập thể, cuối tuần lại về thăm.
Bao nỗi vất vả, mệt nhọc ấy vụt tan biến khi bà cầm trên tay lá thư của chồng. Vẫn những lời nói ngọt ngào như "Thảo yêu thương của anh", sự nhung nhớ và động viên của chồng khiến người phụ nữ có thêm nghị lực. Đáp lại thư chồng, bà thông báo tình hình ở nhà, bố mẹ và các con.
|
Bức ảnh kỷ niệm chụp ngày đám cưới bên hồ Gươm. Ảnh: Hoàng Thùy. |
"Anh ơi, hãy trút hết mọi căm thù lên đầu bọn giặc cướp nước. Vì nó mà vợ chồng con cái chúng mình phải xa nhau, tình cảm bị chia cắt. Riêng anh thì phải giữ sức khỏe, đừng lo nhiều về gia đình. Anh cứ tin tưởng rằng Thảo của anh sẽ làm tròn ba nhiệm vụ để cho anh yên tâm chiến đấu", bà viết.
Những lá thư tình yêu đôi lứa lồng trong tình yêu đất nước ấy đều đặn được viết và gửi đi vào thứ bảy hàng tuần. Đó là kỷ vật vô giá đối với bà Thảo.
Khi đang chuẩn bị cho một kỳ thi quan trọng của lớp học y sĩ ở Hà Đông, bà Thảo nhận hung tin chồng hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân ở chiến trường Thừa Thiên - Huế. Cố gắng nén nỗi đau vì sợ làm các chị có chồng đi B hoảng loạn, bà thưa với anh rể xin dời ngày làm lễ truy điệu chồng để các bạn yên tâm làm bài thi.
"Dù trong lòng đau đớn, đêm khóc một mình nhưng tôi không thể tâm sự với ai. Nếu tính số năm thì chúng tôi cưới nhau được gần 15 năm, nhưng thực chất những ngày bên nhau chỉ tính bằng tháng", bà Thảo nghẹn ngào và kể, lần cuối cùng chia tay, hai người chỉ nắm chặt tay nhau mà không nói câu gì. Nếu lần ông đi Liên Xô bà tiễn ra tận ga Hàng Cỏ thì khi đi B ông chỉ cho tiễn ra đến cầu thang. Đó cũng là lần cuối cùng hai vợ chồng nhìn thấy nhau.
Một mình làm nuôi 7 miệng ăn, bà Thảo đã phải vất vả trăm bề. Có những lúc tưởng chừng như không vượt qua nổi khi bà bác bị ngã gãy chân, con cái đang tuổi ăn tuổi lớn. Bà Thảo phải bán máu cho bệnh viện để kiếm thêm tiền lo liệu. Nhiều người khuyên bà đi bước nữa để lấy nơi nương tựa, nhưng người con gái ấy kiên quyêt không nghe.
Lúc mệt mỏi, bà Bích Thảo lấy chồng thư ra đọc. Những kỷ niệm, những trận đánh, tinh thần chiến đấu, không khuất phục trước mọi kẻ thù của ông Sửu lại dội về, giúp bà có thêm nghị lực làm việc và nuôi dạy con.
"Giờ các con đã thành đạt, có gia đình riêng êm ấm, thế là tôi đã làm tròn nghĩa vụ làm vợ rồi. Con gái về nhà chồng, tôi sống một mình nhưng chẳng bao giờ thấy cô đơn, vì nhìn ảnh ông trên tường, và có tập thư của ông bên cạnh", bà Thảo nói, hướng ánh mắt về phía bức ảnh cưới, nơi giữ nụ cười tươi rói của hai người chụp bên bờ hồ Gươm.
Hoàng Thùy
Theo vnexpress
|