Thơ là phiên bản của tâm hồn. Đọc thơ, trước hết là “đọc” tâm hồn của người sáng tác. Có kẻ làm thơ cố công trau chuốt câu chữ đến mức cầu kỳ, bóng loáng, lại có người làm thơ hồn nhiên trôi theo dòng cảm xúc, chủ ý vun đắp cho cái tình đầy đặn. Thơ cần dụng công trong câu chữ, nhưng không vì thế mà coi nhẹ cảm xúc. Không có hoặc vơi kiệt cảm xúc, thơ sẽ trở nên cằn cỗi, khô héo và “chất đời” cũng nghèo nàn như hạt gieo trên đá. Đọc thơ ai, trước hết, tôi cũng lấy cảm xúc chân thành để đo độ “thực” của nó, xem thi phẩm ấy có đúng là phiên bản của tâm hồn tác giả không, hay là mình đang cầm trên tay một “món ăn” có màu sắc rất “bắt mắt”, nhưng khi dùng thì nhạt nhẽo, vô vị.
Thơ của Nguyễn Hồng Vinh chủ tâm vun đắp ân tình cuộc sống; là giai điệu cuộc đời. Nói về đất nước, nhân dân, về đồng chí, bạn bè hay tình yêu đôi lứa, tác giả đều hướng quy cái vầng sáng ấy, tỏa ra từ tấm lòng yêu Tổ quốc, sự quý trọng quá khứ bi tráng đã thấm rất nhiều máu, mồ hôi của nhân dân và đồng đội; thương mến, nâng niu những điều tốt đẹp tuy là bé nhỏ trong xã hội. Có thể nói, thơ Nguyễn Hồng Vinh đầy đặn tình yêu cuộc sống, tình thương con người. Phải chăng đó là cảm xúc chủ đạo của thơ Anh? Và, có lẽ cũng vì thế nên nó giản dị, trong trẻo, hòa đồng.
Cảm hứng đất nước, nhân dân, đồng đội là phần quan trọng trong thơ Nguyễn Hồng Vinh từ trước đến nay và ở tập Miền thương nhớ này. Vóc dáng, tâm hồn Tổ quốc Việt Nam được người làm thơ cảm nhận thông qua những tri ngộ lịch sử và hồi ức cá nhân mà Nguyễn Hồng Vinh là người trong cuộc. Nói cụ thể hơn, anh đã từng được hai lần vào Trường Sơn chia lửa cùng đồng đội trong những tháng năm chống Mỹ, cứu nước. Tri ngộ lịch sử thắp lửa trong thơ anh cùng những hồi niệm bừng thức, đôi khi thật trăn trở, dứt day từng câu chữ.
|
Tập thơ "Miền thương nhớ"
|
Ngưỡng vọng quá khứ dân tộc xa xăm, Nguyễn Hồng Vinh tự tin khi đứng trước Hồ Gươm đúng đêm mồng 1 Tết:
Đêm xuân, Tháp Rùa lung linh
Hồ Gươm khi đầy, khi cạn
Lòng người ăm ắp khí thiêng!
(Một thoáng tháp Rùa)
Tôi nghĩ, đấy cũng là một cảm thức đúng. Ai đó đánh mất niềm tin vào dân tộc mình thì khó thể trụ vững và tiến bước trong sự chuyển vần mạnh mẽ của thời cuộc. Tự tôn, tự hào về những giá trị lịch sử văn hóa của cha ông để lại, chính là chất kết nối hàng triệu con dân đất Việt lại với nhau trong hành trình đi tới tương lai đầy gian khó và phức tạp này.
Viết về những người lính hi sinh vì Tổ quốc, một đề tài không mới nữa, Nguyễn Hồng Vinh đã có những vần thơ xúc động:
Mùa chiến dịch trải theo mặt trận
Các anh đi đêm ấy…mãi không về!
Tuổi đôi mươi trắng trong hoa Đại
Thiếu bàn tay hơi ấm buổi xa quê…
Trong khói hương nghi ngút nghĩa trang
Những ngôi mộ thiếu tuổi, tên, năm sinh, ngày mất,…
Gần bốn thập niên, bao kiếm tìm dằng dặc
Như cây khô khắc khoải ngóng mưa xuân!
(Hoa thiêng)
Có rất nhiều xót xa thấm đẫm trong bài thơ này, và không hề có chút hư cấu, ngoa ngôn, phóng đại nào cả. Cái giá dân tộc này trả cho nền độc lập tự do cho hòa bình là vô cùng lớn. Biết bao chàng trai, cô gái trẻ ra đi không trở lại; và giờ đây khi cuộc chiến đã rời xa hàng mấy thập kỷ, họ vẫn chưa về! Trên đất nước này, nhiều lắm những ngôi mộ không tên tuổi, không ngày tháng, năm sinh, không ngày mất trong các nghĩa trang trắng rờn hoa đại. Lời ngợi ca thường thấy đã nhường chỗ cho tiếng kêu đau xé được hình tượng hóa bằng phép so sánh rất chông chênh: (Những người lính hi sinh: Như cây khô khắc khoải ngóng mưa xuân). Vậy đó, còn rất nhiều việc chúng ta phải làm, cần làm cho những người đã mất.
Chưa hết, tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ còn rung lên nhiều lần khi đi qua những vùng đất một thời là chiến tranh. Anh nghe trong thì thầm những dòng sông từng kỉ niệm thức dậy:
Cùng đồng đội vượt qua Vàm Cỏ Đông
Tím với lục bình che mắt giặc
O du kích dẫn vào hầm bí mật
Tấm khăn rằn hay châu thổ thêu lên?
(Thì thầm những dòng sông)
Năm tháng qua đi, nhưng nét đẹp những cô gái du kích Nam Bộ còn lưu lại thật rõ trong anh và đáng yêu làm sao câu thơ đầy sáng tạo: Tấm khăn rằn hay châu thổ thêu lên? Sau những chi tiết cụ thể, Nguyễn Hồng Vinh đã có khái quát đầy thuyết phục rằng:
Sông thì thầm với người hôm nay
Trong xanh biếc một mầm cây cỏ
Bao nhiêu giọt quê hương thắm đỏ
Sông –
Mẹ hiền –
Đất nước thiêng liêng!
(Thì thầm những dòng sông)
Hình như đi đến đâu, Nguyễn Hồng Vinh cũng đau đáu nghĩ về, thương tới Tổ quốc mênh mang. Kể cả lúc bay trên bầu trời cao xanh, anh cũng để lòng mình đắm vào bùn đất, cây cỏ thân thương:
Dưới cánh bay
Bán đảo Cà Mau – Mũi tàu Đất nước
Những binh đoàn tràm, đước
Cắm rễ phù sa trấn giữ biển trời…
(Dưới cánh bay)
Tình yêu Tổ quốc bắt đầu từ tình yêu quê hương, xứ sở. Điều ấy thể hiện thật rõ trong thơ Nguyễn Hồng Vinh. Ký ức của nhà thơ còn hằn sâu những kỉ niệm về con sông Đào ở Nam Định quê anh:
Sông Đào thẳm sâu kí ức
Trống trường vọng cuộc đời ta
Con phà nối nhà tới lớp
Mùa mưa trôi dạt bao lần!
Bom rơi Hàng Thao nhà sập
Thăm Mẹ chờ tới canh năm
Thuyền nhỏ thay phà năm trước
Tiếng ai khe khẽ lặng thầm?...
(Về lại sông Đào)
Có thể kể thêm những bài thơ xúc động khác khi anh viết về sự hi sinh mất mát trong chiến tranh, như Mộ chí chưa có tên, Còn mãi Truông Bồn,…
Từ những thấm thía với nỗi mất mát trong chiến tranh, Nguyễn Hồng Vinh càng nâng niu, ân tình hơn với cuộc sống hòa bình hôm nay. Anh mê đắm trước sắc thu Hà Nội:
Cốm đã xanh Thủ đô
Cúc triền đê mát mắt
Sóng vỗ về lay thức
Nhớ chập chờn đầy vơi…
(Xanh)
Tình thơ cứ vậy bén vào cuộc sống, không ồn ào cao giọng, không đắp điếm tô vẽ; thành thật, tự nhiên, hồn nhiên và đằm thắm. Khi là nét chấm phá “bốn dòng” dăng díu giữa hoa và người:
Phượng đỏ bừng chiếu hạ
Tím Đà Lạt trời mưa
Giọt hồng lung linh má
Cứ chập chờn trong mơ…!
(Giọt hồng)
Khi miên man suy tưởng một tà áo dài của ai đó ở cuối mùa thu:
Cuối thu cù lao sẽ hiện
Màu xanh ngút ngát đất trời
Áo em tím chiều bờ bãi
Nhành hồng như cũng vợi gai?!...
(Sau cơn áp thấp)
Tôi nghĩ, bốn câu thơ này nếu để riêng ra, nó đã đủ thành một bài thơ đầy sức gợi cảm về mùa thu, đặc biệt là hai câu cuối khá hay: Áo em tím chiều bờ bãi/ Nhành hồng như cũng vợi gai.
Nét đáng yêu của cuộc sống thường nhật được biểu hiện trong những chi tiết gần gũi quen thuộc của tổ ấm gia đình. Bài thơ “Yêu ai nhất” kể về Cu Tết thật dễ thương:
Cháu yêu ai nhất?
Cu Tết nhoẻn cười:
-Ông, Bà, Bố, Mẹ
Đều nhất ông ơi
Vì Bà mỗi sáng
Đưa cháu đến trường
Chiều lại đón sớm
Dạo quanh phố phường
Còn Ông ít mắng
Khi cháu xem phim
Nhận phiếu bé ngoan
Ông thưởng liền cháu!
Bố đi công tác
Mua nhiều đồ chơi
Đêm hay kể chuyện
Trăng sao, núi đồi
Thi thoảng Mẹ quát:
“Đang học lại chơi?”
Nhưng nhìn vào vở
Mẹ ôm cháu cười
Đọc thơ Nguyễn Hồng Vinh, tôi cảm mến cái sự thảng thốt, bâng lâng trong những góc riêng tư của anh. Không nhiều lắm, không phải là tiếng nói chủ đạo của tập Miền thương nhớ, nhưng tôi có ấn tượng đẹp với cách biểu đạt nhẹ nhàng, kín đáo khi anh viết về tình yêu:
Rét cóng lui dần, nắng tràn lên
Biển chiều kiều diễm dáng hình em
Hơi xuân bay lượn ngoài song cửa
E ấp trà mi hé nụ hồng!
(Vô đề 1)
Với tình yêu theo quy luật muôn đời, nó đều phải bồi hồi, bồn chồn, dồn nén; và đến lúc phải bật lên “tiếng hát” theo cách diễn đạt dung dị và hình tượng có độ lắng sâu:
Ngập ngừng dòng tin
Bồi hồi trang giấy
Bồn chồn hò hẹn
Thẹn thùng nắm tay…
Tháng Ba mưa bay
Hạt gieo trồi đất
Con tim nén dồn
Bật lên tiếng hát!...
(Mưa bay tháng Ba)
Và làm sao thoát nổi những cuộc đuổi bắt, trốn tìm triền miên của những cặp yêu nhau giữa cõi đời vừa mênh mang, vừa chật chội này:
Trốn ai như trốn nắng
Bỗng gặp đợt mưa dài
Hai phương trời xa ngái
Gió cứ hoài đuổi nhau!...
(Vô đề 3)
Trong “Vô đề 2”, Nguyễn Hồng Vinh đã “gặp may” khi tìm được cái tứ hay cùng với cách diễn đạt súc tích mà nhiều sức gợi. Tôi xin trích hết bài thơ ngắn khá gợi cảm này:
Chờ ai mòn mỏi
Điện thoại ngủ quên?
Chắc nơi xa hút
Cỏ may ngập đường?
Muốn như tên bay
Lao về nơi ấy
Nhặt hết cỏ may
Dù đêm khuya khoắt!...
Đường thơ vốn quanh go, gập ghềnh, bất định, chẳng ai nói trước được điều gì cả. Tôi nghĩ, Nguyễn Hồng Vinh cũng chẳng lạ gì điều ấy. Và, anh cũng không giận ai khi người đó chưa yêu thơ mình. Viết theo “tạng” và đọc cũng theo “tạng” người. Điều đó rõ như ban ngày. Đọc thơ nhau, hiểu thơ nhau, không thể không cần tới sự thấu tỏ, sẻ chia. Khen, chê cũng vì mong có điều ấy. Trong tập này, có bài anh muốn nói hết, nói đủ những gì mình chất chứa trong lòng nên thành ra đôi lúc dài dòng, thiếu độ sâu khái quát. Tuy nhiên, người đọc sẽ dễ đồng cảm với những suy tư về thế sự, về các sự kiện đa chiều của thời cuộc hiện hữu (Trước đền Nguyễn Trãi, Thêm một nhành xuân, Sài Gòn mặt trước, mặt sau; Suy ngẫm phút giao thừa, Thì thầm những dòng sông,...). Đây là đề tài chiếm vị trí hàng đầu trong thơ Anh. Những bài thơ tiêu biểu nêu trên đánh dấu bước tiến mới của tác giả so với các tập trước đây trong việc đưa ra những triết lí cuộc sống, lời nhắn gửi về đạo lý làm người thông qua cách biểu đạt dung dị, nhưng có chiều sâu nội tâm. Chính vì vậy, từ những bài về nhân tình, thế thái đó, ta vẫn gặp cái bất chợt, thảng thốt, làm cho thơ anh mềm mại hơn, có sức gợi cảm hơn:
“Hiểm họa không đến từ bom
Từ lặng im lòng người”
(Lặng im)
“Em – phép thần mầu nhiệm
Gọi gió mưa yên lành”
(Mong từ biển)
“Có ngách nhỏ ngày xuân
Lộc ngỡ ngàng ta hái”
(Vui - buồn)
“Biết chăng từng cành gân guốc
Lại đang ấp ủ bao mầm?!”
(Cây mùa đông)
Xin được chúc mừng Miền thương nhớ tràn đầy ân tình đằm thắm của Anh!.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
(Nguồn: ĐCSVN)