Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 26/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Vở này ta tặng cháu yêu ta - LÊ XUÂN ĐỨC Vở này ta tặng cháu yêu ta - LÊ XUÂN ĐỨC , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Nông Thị Trưng là tên do “chú Thu” (bí danh của Bác Hồ khi về nước hoạt động ở Cao Bằng) đặt năm 1941. Tên thật của Nông Thị Trưng là Nông Thị Bảy, dân tộc Tày, sinh năm 1920, quê xã Phú Ngọc, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Cô Nông Thị Bảy tham gia làm liên lạc cho cách mạng từ năm 19 tuổi. Năm 1941, Mặt trận Việt Minh ra đời đã thành lập Đội du kích đầu tiên (tiền thân của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân sau này) có 12 đội viên do đồng chí Lê Quảng Ba làm đội trưởng và duy nhất có một đồng chí nữ là cô Nông Thị Bảy. Cô Bảy nhanh nhẹn, dũng cảm, hoạt động tích cực, được mọi người yêu quý, được tổ chức quan tâm, bồi dưỡng. Đồng chí Lê Quảng Ba và đồng chí Vũ Anh là hai người trực tiếp rèn cặp, bồi dưỡng, dìu dắt cô Bảy.

Một hôm đồng chí Lê Quảng Ba và đồng chí Vũ Anh đưa cô Bảy đến lán của đồng chí Dương Đại Lâm ở rất sâu trong rừng Pác Bó. Cô Bảy ở đây một ngày, sáng hôm sau đồng chí Dương Đại Lâm bảo cô cùng đi với mình đến gặp ông Ké. Cô rất hồi hộp, không biết ông Ké là ai và là người như thế nào, nhưng chắc là người tốt. Đến nơi, thấy ông Ké đang ngồi đọc sách, ông cụ mặc bộ quần áo Nùng màu chàm, người gầy, trán cao, mắt sáng. Nhìn ông cụ toát ra vẻ cương nghị, đôn hậu. Giọng ông cụ trầm ấm, hỏi han thân tình về gia đình, về hoạt động trong Đội du kích, rồi ông cụ giảng giải rành rọt mục đích của cách mạng, tổ chức cách mạng, hành động cách mạng. Khi mặt trời gần thẳng đỉnh đầu, đồng chí Dương Đại Lâm và cô Bảy chuẩn bị ra về, ông cụ nói: “Cháu sẽ ở nhà anh Sù (tức Dương Đại Lâm) một thời gian, mỗi ngày cháu đến đây gặp chú một giờ để học tập. Nếu có ai hỏi thì cháu trả lời là “Cháu là cháu chú Thu – già Thu””.

Sau một thời gian già Thu dạy bảo chỉ dẫn, đầu óc Nông Thị Trưng sáng ra nhiều thứ. Kết thúc thời gian học cô về lại Đội du kích năng nổ luyện tập, hoạt động, vận động bà con tham gia cách mạng và được già Thu kết nạp vào Đảng. Bẵng đi một thời gian khá lâu cô không gặp được chú Thu. Đầu năm 1944, khi gặp lại cô mới biết chú Thu đi Trung Quốc và bị bắt, nay mới trở lại Việt Nam. Chú Thu tặng cô cuốn sách Binh pháp Tôn Tử mình dịch trong những ngày bị giam cầm tại nhà tù của Tưởng Giới Thạch. Ngoài bìa cuốn sách, chú Thu đề mấy câu thơ sau:

                                    Vở này ta tặng cháu yêu ta

                                    Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là

                                    Mong cháu ra công mà học tập

                                    Mai sau cháu giúp nước non nhà

Đấy là những gì bà Nông Thị Trưng kể lại cho người viết bài này vào đầu năm 2000 khi đến thăm bà trong một căn nhà đơn sơ ở một khu phố cổ có tên là Phố Cũ tại thị xã Cao Bằng. Năm ấy, sức khoẻ bà đã giảm sút, yếu nhiều vì trải qua một cơn tai biến não.

Chuyến đi trở lại Cao Bằng và vùng Pác Bó của tôi lần ấy là để tìm hiểu thêm và xác định một số tư liệu về thời kỳ Bác Hồ ở đây và những bài thơ Bác viết ở Pác Bó. Và, nếu có thể thì tìm gặp bà Nông Thị Trưng để tìm hiểu kỹ về bài thơ Tặng cháu Nông Thị Trưng. Trước đó  tôi đã nhầm khi căn cứ vào một số tài liệu cho rằng Nông Thị Trưng là một thiếu nhi cùng lứa tuổi với Kim Đồng và Bác Hồ đã tặng vở để “cháu” Trưng đi học.

Rất may mắn, gặp được bà, nhưng trong hoàn cảnh sức khoẻ không tốt, tôi phải giãi bày chân thành cặn kẽ về việc đang nghiên cứu về Bác Hồ và thơ văn của Bác nên muốn được bà giúp đỡ, bà mới từ từ, thong thả kể, như tôi đã kể lại ở đoạn trên.

Trong câu chuyện, đã hiểu nhau, tôi hỏi bà: Có phải Bác Hồ nhận bà là con nuôi như mọi người thường kể cho nhau?

Bà nói ngay: Không phải. Nhiều người cứ tưởng thế. Tôi không phải là con nuôi của Bác Hồ mà chỉ là cháu thôi, cháu của chú Thu – già Thu – Thu Sơn (những bí danh của Bác Hồ). Tôi vẫn chỉ biết chú Thu và gọi chú Thu, chào chú Thu mỗi lần đến gặp chú. Mãi sau này mồng 2 tháng 9 năm 1945 chồng tôi(1#) đưa cho tôi xem bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở vườn hoa Ba Đình, tôi thốt to: Chú Thu, vậy ra chú Thu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi oà khóc, sung sướng quá vì thật không ngờ tôi đã được lãnh tụ dạy bảo những ngày đầu theo cách mạng, lại được nhận là cháu, được đặt tên mới và được kết nạp Đảng. Ơn này lớn lắm, làm sao mà đền đáp được.

Tôi hỏi bà: Bà nghĩ gì và tại sao Bác Hồ tặng bà cuốn Binh pháp Tôn Tử  với bài thơ Vở này ta tặng cháu yêu ta.

Bà chậm rãi: Tôi là nữ du kích duy nhất của Đội du kích, có thể Bác có dụng ý cho tôi đọc Binh pháp Tôn Tử để hiểu biết thêm về quân sự, để cùng Đội du kích sáng tạo cách tổ chức, sáng tạo cách hoạt động và cách đánh địch. Tôi đã đọc nhiều lần, cố gắng hiểu và thuộc lòng ngay bài thơ Bác tặng, quyết làm theo lời Bác dạy.

Tôi từ tốn hỏi: Cách mạng thành công, rồi đất nước trải qua hai cuộc kháng chiến, bà đảm nhận những công việc gì?

Bà nói: Đảng phân công tôi công tác gì, điều động tôi làm gì, tôi đều cố gắng hoàn thành tốt. Từ năm 1964 đến năm 1980 (trước khi nghỉ hưu) tôi được phân công làm Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Cao Bằng, tôi đã làm hết sức mình, chính trực, liêm khiết, thực hiện công bằng. Tôi luôn luôn nhớ và thực hiện theo lời Bác dạy chí công vô tư trong công việc.

Ngày Bác ra đi vào cõi vĩnh hằng gặp các cụ Các Mác, Lênin, tôi tham gia đoàn cán bộ và nhân dân Cao Bằng về Hà Nội dự tang lễ. Tôi vinh dự được túc trực bên linh cữu Bác hai lần sáng và chiều ngày mồng 8 tháng 9 - 1969. Bên linh cữu Bác, nước mắt chảy ròng ròng, tôi thầm thưa trước anh linh Người: “Chú Thu ơi, Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Cháu Trưng đang bên Bác, vâng lời Bác cháu đã “ra công học tập”, phấn đấu trọn đời, đem sức nhỏ nhoi của mình “giúp nước non nhà”, xứng đáng là cháu gái, là học trò yêu quý, trung thành của chú Thu năm xưa”

L.X.Đ

---------

 (1)  Chồng bà Nông Thị Trưng là ông Hoàng Văn Thạch, họ yêu nhau lúc bà 19 tuổi, rồi xây dựng gia đình với nhau. Ông Thạch sinh trưởng trong một gia đình yêu nước và cách mạng. Khi hoạt động cách mạng ông lấy tên là Hoàng Hồng Tiến, bị giặc Pháp bắt giam ở nhà tù Hoả Lò, rồi đày đi nhà tù Sơn La từ năm 1941 đến năm 1945. Cách  mạng tháng Tám, ông được giải thoát khỏi nhà tù, năm 1946 là Bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn.

Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65247079

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July