Mọi người thích vẻ mộc mạc, giản dị chân chất của chợ phiên, vẫn nguyên nét đơn sơ chứ không bị ảnh hưởng vẻ đô thị hóa hiện đại. Những tôm, cá, cua, gà, ếch tươi ngon đảm bảo chất lượng từ những người bán hàng dân tộc. Có những người nói tiếng kinh còn chưa sõi, trao đổi giá tiền còn khó khăn nhưng những món hàng của họ rất ngon và không bị đội giá như các mặt hàng nơi phố thị.
Chợ họp lặng lẽ, khiêm nhường song thu hút lượng người đông đúc. Người từ thị trấn lên yêu thích món hàng của đồng bào dân tộc: măng, rau zút, tôm tép, cua,… Đồng bào dân tộc thỉnh thoảng mới ra phố, họ tụ tập đi cùng nhau, gặp nhau và cười nói bên những hàng bánh trái, các quán chè, khoe với nhau món hàng vừa mua được, niềm vui ánh lên trong những nụ cười hồn nhiên, chân thật.
Mỗi lần được về nhà, tôi và cô bạn gái thân lại tíu tít rủ nhau cùng đi chợ phiên mà chúng tôi vẫn quen gọi là "chợ Trên”. Dù chẳng mua gì nhiều, dù có thể chỉ cần chạy 5 – 10 phút ra chợ huyện gần nhà có thể mua ngay những món hàng mình cần. Món hàng tôi thích thú nhất mỗi lần về nhà và dạo chợ phiên là măng. Măng do đồng bào dân tộc hái từ trong rừng mang ra rất tươi ngon. Món ăn dân dã này đã khắc vào ký ức tôi thành nỗi nhớ da diết.
Xa quê ra thành phố sống, học tập rồi làm việc, tôi được tiếp xúc với nhiều những phiên chợ thường nhật hiện đại, đầy đủ nơi phố thị nhưng không hiểu sao tôi vẫn luôn canh cánh hình ảnh chợ phiên quê tôi. Phải chăng nó là bóng dáng tuổi thơ, của quê hương, của những điều gần gũi neo đậu trong tâm hồn đứa con xa quê?
Bùi Thị Hồi (ĐĐK)