Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 29/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Mùa xuân, cảm hứng và phong cách Mùa xuân, cảm hứng và phong cách , Người xứ Nghệ Kiev
 

  Người xưa thường coi trọng cảm hứng: “Người làm thơ không thể không có hứng, cũng như tạo hoá không thể không có gió vậy... Tâm người ta như chuông như trống, hứng như chày và dùi. Hai thứ đó gõ, đánh vào chuông trống khiến chúng phát ra tiếng; hứng đến khiến người ta bật ra thơ...” (Nguyễn Quýnh). Cách so sánh cụ thể này có thể không hợp với tư duy của thời nay nhưng qua những cách diễn đạt như coi sáng tạo văn chương là chuyện gan ruột, tâm huyết, muốn viết những gì không thể không nói ra... là một sự chứng minh rằng người nay cũng rất coi trọng cảm hứng, quan tâm đến việc tạo ra cảm hứng. Cảm hứng là gì? Đó là một trạng huống tâm lý dồn nén căng thẳng nhưng say mê. Sự dồn nén của trí tuệ gặp gỡ sự say mê của tình cảm, trong một thời điểm nào đó tạo ra những thăng hoa ở nhà văn, kết quả là sự ra đời của tác phẩm đích thực. Bài thơ Bên kia sông Đuống được Hoàng Cầm viết liền mạch trong một đêm cuối năm 1948 tại Việt Bắc là một trường hợp tiêu biểu cho sự thăng hoa của cảm xúc (còn gọi là thần hứng). Cảm hứng không làm nên phong cách nhưng góp phần định hình, làm rõ, làm nổi phong cách. Vì phong cách là những gì đã ổn định của sự độc đáo về tư tưởng cũng như nghệ thuật có phẩm chất thẩm mỹ. Chính vì thế có những phong cách văn học đi tìm hoặc gây cảm hứng theo những kiểu khác nhau, ví như Andersen chỉ có thể viết được những câu chuyện cổ tích thần kỳ khi ông đi dạo trong khu rừng vắng, Puskin sống ở thôn quê thì thi hứng mới dồi dào, còn Dickens, ngược lại chỉ có thể viết được ở nơi phố phường đông đúc…

Có một điểm gặp gỡ của các nhà văn Việt Nam xưa nay là lấy Tết - mùa xuân làm cảm hứng, qua đó thể hiện phong cách của riêng mình. Điều này không khó lý giải. Vì sống ở xứ nhiệt đới nên cảm quan hoa lá cỏ cây đã ăn sâu vào tâm thức người Việt; Tết là thời điểm giao mùa từ lạnh lẽo sang ấm áp, cây cối đang úa héo trở nên tốt tươi, do vậy mùa xuân đã trở thành biểu trưng cho sự phát triển sinh sôi, cho những gì là tốt lành may mắn. Ngày Tết đã trở nên rất đỗi thiêng liêng không chỉ đối với các văn sĩ, thi nhân vốn nhạy cảm trước sự đổi thay mà còn ở tất cả mọi người trên vùng đất “thi ca chi bang” này. 
Sáu trăm năm trước, trong một ngày xuân Ức Trai tiên sinh nhìn nõn cây chuối liên tưởng đến một lá thư tình: Tự bén hơi xuân tốt lại thêm/ Đầy buồng lạ mùi thâu đêm/ Tình thư một bức phong còn kín/ Gió nơi đâu gượng mở xem. Cái nhân cách cứng cỏi không chịu luồn cúi khuất phục, cái chất đa tình, cái tài sử dụng hình tượng lấp lánh sự đa nghĩa của phong cách Ức Trai thể hiện tập trung ở bài thơ Cây chuối. Cần một sự lý giải thêm về biểu trưng người quân tử trong thơ cổ không chỉ là cây thông (Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo - Nguyễn Công Trứ). Đấy là sau này, còn trước đó, các nhà nho thường lấy cây chuối làm biểu tượng cho cốt cách trong trắng thẳng ngay. Theo giáo sư Nguyễn Khắc Phi, xuất phát từ một nét nghĩa gốc từ hình tượng: nõn cây chuối bao giờ cũng trắng, khi chặt ngang thân cây chuối thì chỉ một lúc sau cái nõn ấy lại trồi lên, có chặt tiếp nó lại trồi lên tiếp. Nhân cách ấy, cảm hứng ấy thì sẽ có những câu thơ đắm đuối tiếc nuối về thời gian một đi không trở lại như thế này:

Xuân xanh chưa dễ hai phen lại

Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên 


                                                     (Tích cảnh)

Xuân xanh vừa chỉ thời gian, không gian vừa chỉ tuổi trẻ. Đây là cách nói vừa quý trọng con người vừa yêu mến mùa xuân của người Việt (tuổi xuân, tuổi xanh, hồi xuân...). Ức Trai mượn cách nói dân gian ấy để khái quát: tuổi trẻ cũng như mùa xuân là quý nhất, hãy biết hưởng thụ nó kẻo rồi sau này thấy cảnh càng thêm tiếc.

Hồ Xuân Hương, người được phong là “bà chúa thơ Nôm” (Xuân Diệu), cũng rất mực yêu quý và tôn trọng con người. Hãy xem cái cảnh đánh đu ngày xuân ấm áp, tươi vui: Trai đu gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng/ Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới/ Đôi hàng chân ngọc duỗi song song. Không phải là gối, lưng, chân bình thường mà là gối hạc, lưng ong, chân ngọc, có nghĩa là con người được xem như những gì quý giá nhất, đẹp nhất. Và đặc biệt là con người phụ nữ trong thơ bà luôn chủ động, một sự chủ động muốn vượt qua tất cả: Sáng mồng Một lỏng then tạo hoá, mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân vào. Ai mở “then tạo hoá”, ai đón xuân? Là người thiếu nữ. Mở “then tạo hoá” có nghĩa là trên cả tầm tạo hoá. Thiếu nữ đón xuân, dĩ nhiên thiếu nữ là chủ, xuân kia chỉ là khách. Đọc câu đối này ta lại liên tưởng đến bài Mời trầu, cũng một sự chủ động như thế; nếu ở Mời trầu còn có sự chua chát ngậm ngùi thì ở câu đối mừng xuân này có “khẩu khí”, rõ với phong cách Xuân Hương hơn.

Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh thôn quê Việt Nam. Chỉ cần qua hai câu thơ của ông, người hôm nay thấy hiển hiện cảnh quê ngày Tết thời trước ấm cúng, bận bịu thế nào - một cách tả đúng phong cách Nguyễn Khuyến, không lẫn với ai được: Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng/ Ngoài cửa bi bô rủ chung thịt. Còn Tú Xương, là nhà thơ trào phúng, ông mượn ngay ngày Tết để mỉa mai cái sự chúc nhau của lũ nhà giàu hợm của: Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau/ Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu/ Phen này ông quyết đi buôn cối/ Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu... 

Phan Bội Châu là nhà cách mạng làm thơ, nên Bài ca chúc Tết thanh niên không chỉ là lời chúc Tết mà còn là lời kêu gọi: Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi/ Xếp bút nghiên mà tu dưỡng lấy tinh thần... nhằm mục đích hối thúc những người trẻ đồng lòng đứng dậy rửa vết nhơ nô lệ. Mở đầu bài thơ là ba chữ Dậy! Dậy! Dậy! như giục giã. Đây không chỉ là lời của một người mà là lời của non sông đất nước đang đắm chìm trong nô lệ. Đặt ba chữ mở đầu bài này bên cạnh lời của cụ Phan trong Trùng Quang tâm sử càng thấy rõ hơn điều đó: “Non sông như cũ, thành quách y nguyên! Chủ nhân là ai? Quốc dân ơi! Đồng bào ơi! Dậy! Dậy! Dậy!”. 

Cảm hứng nếu được chắp cánh bởi ấn tượng của nghệ sĩ sẽ cho ra đời tác phẩm có giá trị. Hình như mỗi nhà văn đều ghi sâu vào tâm hồn mình một ấn tượng nào đó. Có thể là ấn tượng tuổi thơ: một điệu hò xứ Huế ở Tố Hữu, một dòng sông quê hương ở Tế Hanh, hình ảnh người mẹ ở Nguyên Hồng, hình ảnh người chị ở Hoàng Cầm… Có thể đó là ấn tượng về một sự kiện sâu sắc, không bao giờ quên, một khi được đánh thức dậy cũng khơi nguồn cảm hứng. Thời ấu thơ, vào ngày Tết, Nguyễn Tuân đã say sưa ngắm những bức tranh Đông Hồ, để rồi khi đã có tuổi, cảm hứng ngày Tết bắt gặp ấn tượng tuổi thơ đã cho nhà văn những con chữ đầy cảm xúc về văn hoá dân tộc: 

…Từ ngày còn ít tuổi, tôi đã biết thích những tranh lợn, gà, chuột, ếch, tranh cây dừa, tranh tố nữ, tranh truyện cổ tích của làng Hồ. Mỗi lần Tết đến, đứng trước những cái chiếu bày các thứ tranh làng Hồ rải trên các lề phố đông Hà Nội, lòng tôi thấm thía một nỗi biết ơn đối với những người nghệ sĩ tạo hình của nhân dân đã đem vào cuộc sống một cách nhìn thuần phác, càng ngắm càng thấy đậm đà, lành mạnh, hóm hỉnh và tươi vui. Phải yêu mến cuộc đời trồng trọt chăn nuôi lắm, mới khắc được những tranh lợn ráy có những cái khoáy âm dương rất có duyên, mới vẽ được những đàn gà con tưng bừng như ca múa bên gà mái mẹ.

                           (Nguyễn Tuân – Bến Hồ và làng tranh) 

Đoạn văn tả cảnh mùa xuân dưới đây của Vũ Tú Nam không chỉ là sự quan sát trực tiếp mà còn huy động cả ký ức tuổi thơ:

Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim ríu rít. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ: hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi, hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh, tất cả đều lóng lánh, lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen,… đàn đàn lũ lũ bay đi bay về, lượn lên lượn xuống. Chúng gọi nhau trò chuyện, trêu ghẹo và tranh cãi nhau, ồn mà vui không thể tưởng tượng được. Ngày hội mùa xuân đấy…

                                                                          (Vũ Tú Nam - Cây gạo)

Cùng cảm hứng Tết - mùa xuân, cùng một thái độ trân trọng, tự hào, tình cảm yêu mến tha thiết con người, thiên nhiên và di sản văn hoá của đất nước, nhưng trong đoạn văn của Nguyễn Tuân thái độ và tình cảm được biểu hiện một cách trực tiếp qua cách dùng từ như tôi đã biết thích..., lòng tôi thấm thía một nỗi biết ơn..., đúng với phong cách lấy cái tôi ra để viết, viết bằng cái tôi của mình. Vũ Tú Nam lại biểu hiện tâm trạng một cách gián tiếp qua sự miêu tả cây gạo vào lúc chớm xuân với những hình ảnh thật đẹp và thật vui, hợp với phong cách nhẹ nhàng, tinh tế của ông. 

Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài - nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhạc sĩ. Ông không chỉ có thơ hay mà chất thơ còn có mặt ở các thể loại khác tạo nên một đặc trưng trong phong cách văn xuôi, kịch và dĩ nhiên ở cả âm nhạc Nguyễn Đình Thi. Đây là một ví dụ về chất thơ trong văn xuôi của ông:  

Mùa xuân đã đến, những buổi chiều hửng ấm, từng đàn chim én từ dãy núi biếc đằng xa bay tới, lượn vòng trên những bến đò, đuổi nhau xập xè chung quanh những mái nhà toả khói. Những ngày mưa phùn, người ta thấy trên mấy bãi soi dài nổi lên đây đó ở giữa sông, những con giang, con sếu cao gần bằng người, không biết từ đâu về, theo nhau lững thững bước thấp thoáng trong bụi mưa trắng xoá. Có những buổi cả một quãng sông phía gần chân núi bỗng rợp đi vì hàng nghìn đôi cánh của những đàn sâm cầm tới tấp sà xuống, chẳng khác nào từng đám mây bỗng rụng xuống, tan biến trong các đầm bãi rậm rạp lau sậy.

Mùa xuân đã đến hẳn rồi, đất trời lại một lần nữa đổi mới, tất cả những gì sống trên trái đất lại vươn lên ánh sáng mà sinh sôi nảy nở với một sức mạnh không cùng. Hình như từng kẽ đá khô cũng cựa mình vì một lá cỏ non vừa xoè nở, hình như mỗi giọt khí trời cũng rung động không lúc nào yên vì tiếng chim gáy, tiếng ong bay…

                                  (Nguyễn Đình Thi – Vỡ bờ, tập 2)

Nếu chất thơ được biểu hiện ở cảm xúc nồng nàn, tinh tế, ở nhịp điệu tạo nhạc tính, ở hình ảnh gợi cảm... thì ở hai mảnh đoạn trên là rất tiêu biểu. Cảnh vật ấm áp, trữ tình và thật sống động bởi sự hoà sắc, hoà âm. Năm câu văn đều tập trung làm nổi bật cảnh mùa xuân bên bờ sông Lương. Mở đầu hai mảnh đoạn là điệp khúc Mùa xuân đã đến... như liên kết các cảnh, các đoạn đồng thời cũng nhấn mạnh với người đọc: mùa xuân thật đẹp đang về! 

Khép lại bài viết chúng tôi xin dẫn tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một hiện tượng văn chương độc đáo, để chứng minh: cảm hứng về Tết - mùa xuân rất rõ phong cách tác giả. Cách nay tròn 60 năm, năm Nhâm Thìn 1952, Bác Hồ có Thơ chúc Tết. Như mọi bài thơ chúc Tết khác của Bác, vẫn một phong cách thơ ngắn gọn, trong sáng, giản dị mà chân thành, lấy thơ làm vũ khí tuyên truyền kháng chiến: Xuân này, Xuân Nhâm Thìn/ Kháng chiến vừa sáu năm/ Trường kì và gian khổ/ Chắc thắng trăm phần trăm/ Chiến sĩ thi giết giặc/ Đồng bào thi tăng gia/ Năm mới thi đua mới/ Thắng lợi ắt về ta/ Mấy câu thành thật nôm na/ Vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân. Câu thơ đi năm chữ chắc gọn, khái quát cả một đường lối chiến lược, khẳng định một niềm tin, và đặt ra nhiệm vụ chính của toàn quân, toàn dân. Ở hai câu cuối, nhịp thơ mở ra, mềm mại trong thể lục bát quen thuộc. Tư cách lãnh tụ (kêu gọi) và tư cách nhà thơ (mừng Xuân) hài hoà thống nhất trong một chủ thể trữ tình. 

Ngày xưa vào phút giao thừa thiêng liêng hoặc buổi sớm đầu năm các cụ ta có tục khai bút. Phải chăng đây cũng là một cách nói “lí luận”: tác phẩm đầu xuân sẽ nói được nhiều nhất vẻ đẹp, tình ý của người viết 

NGUYỄN THANH TÚ

Theo Vannghequandoi


  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 60472592

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July