Chiếc xe chở chúng tôi vượt qua chặng đường dài rồi dừng chân nghỉ trưa tại Lạng Sơn. Đứng trước ga xe lửa Đồng Đăng, tôi cảm thấy vô cùng thú vị vì nhớ tới câu ca dao mà tôi được nghe từ thuở còn là cô học trò trung học tại Sài Gòn “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”. Đối với trẻ thành thị miền Nam như tôi thì tên gọi của những địa danh này là chuyện dường như chỉ có trong cổ tích. Chiếc xe lăn bánh trên những cung đường ngoằn ngoèo, như đang đi lơ lửng giữa mây trời, vì đường đi giống như là một sợi chỉ buộc vòng ngang lưng núi, mà bên này là dốc núi thẳng đứng, bên kia là vực sâu thăm thẳm.
Hang Pắc Pó
|
Sau khi vượt qua Cao Bằng, một thị trấn thu mình gọn lỏm trong vòng ôm của sông Hiến và sông Bằng, tôi thực sự ngỡ ngàng khi thấy như mình đang lạc vào mê cung của một trận đồ “Kỳ Môn Độn Giáp” mà các thần linh nước Việt đã sắp đặt công phu ngay tại vùng biên giới quan trọng của quốc gia này. Đoạn đường chỉ khoảng 40 cây số, nhưng chúng tôi phải lần dò mất nửa buổi chiều. Chúng tôi nói như reo với nhau: “Ai có thể xâm lược được Việt Nam khi chúng ta có cả một vùng rừng núi biên giới tuyệt với như thế?”
Chúng tôi đi xuyên qua những khe núi ngoắt ngoéo, hiểm trở, rồi đến con đường mòn ven suối. Đi ngược dòng con suối tới đầu nguồn, chính là nơi Bác Hồ trở về lãnh đạo cuộc kháng chiến của dân tộc, sau 30 năm buôn ba đi tìm đường cứu nước. Và dòng suối này, đã vinh dự được Bác đặt tên cho là suối Lê-nin. Trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ này, Bác đã xúc cảm viết ra bài thơ ca ngợi cảnh đẹp nơi đầu nguồn đất nước:
Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lê -nin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà
Cố gắng kìm vững từng bước chân, trên từng hòn đá suối rêu phong, trơn trượt, chúng tôi đã tới tận nơi Bác Hồ đã ngồi làm việc trong những tháng ngày đầu tiên trở về nước: Hang Pắc bó.
Có một câu chuyện mà bà con nơi đây còn nhắc nhiều: Đó là chuyện hai đôi giày bện bằng cỏ của một người dân thôn bản, địa phương tặng Bác, Bác chỉ nhận một đôi. Đôi giày còn lại, Bác đề nghị bà con mang tặng cho người già neo đơn nào đang cần để đôi giày ấy có thể thực hiện hết hiệu quả của nó. Và Bác cũng khẳng định với bà con rằng Bác yêu quý đôi giày ấy không kém gì người già kia. Ở đây, không chỉ còn là câu chuyện về đôi giày vô tri nữa, mà là cách ứng xử chân tình, mộc mạc của một vị lãnh đạo luôn hết lòng với dân. Người đã sống, chiến đấu trong gian khổ, đồng cam cộng khổ cùng nhân dân chỉ với một niềm mong muốn là đất nước được độc lập tự do, nhân dân được hạnh phúc.
Khi trả lời phóng viên, anh Peter, chồng tôi, một người khách TâyÂu, đã nói thật rõ ràng rằng: “Bác Hồ là một khuôn mẫu người Lãnh đạo điển hình sáng giá của thế giới và Việt Nam ta thật may mắn đã có Người”.
Tôi đã may mắn được tham dự nhiều chuyến tham quan tới nhiều vùng miền khác nhau trên quê mẹ Việt Nam như Cao Bằng Lạng Sơn hay Bến Tre, Đồng Tháp hoặc những chuyến đi dọc Trường Sơn. Mỗi nơi mỗi vẻ, có thể là do sự khác biệt về vùng điạ lý, nhưng con người, rừng núi, ruộng đồng trên quê Việt của tôi vẫn cứ mãi ngút ngàn xanh và khoe sức sống mãnh liệt sau những cơn mưa rừng nhiệt đới.
Đinh Kim Nguyệt- kiều bào Canada
Theo UBVK TPHCM