ảnh minh họa
|
Ông Thiên không xấu trai và cũng chẳng phải là dạng trai đẹp, nghĩa là ông cũng bình thường như bao đàn ông khác, ngoại trừ một khiếm khuyết duy nhất là chiều cao của ông hơi khiêm tốn nhưng bù lại, ông là người có đầu óc.
Ngay từ thời trẻ ông Thiên đã thành danh. Bài thơ "Dâng triều" của ông ra đời năm ông hai mươi mốt tuổi và nó tức khắc trở nên nổi tiếng. Nổi tiếng đến nỗi sau này ông làm thơ ít hẳn đi. Ở bài thơ nổi tiếng ấy, ngay đoạn mở đầu ông Thiên đã viết: "Ngây thơ anh buộc tội biển/ Dâng triều xóa dấu chân em/ Đâu biết là em không lại/ Hoang mang những dải cát mềm". Có lẽ câu thơ đã vận vào đời ông? Nó vận luôn vào chuyện muộn vợ của ông?
Sống trong một khu dân cư ven Hồ Tây, cư dân ở đây nửa gốc gác, nửa nhập cư. Khu dân cư này vốn trước kia là một xóm nhỏ thưa vắng, từ khi thành phố mở rộng, làng lên phố, xã lên phường thì cái xóm thưa vắng trở nên đông đúc. Thời buổi đất cát lên ngôi nên những mảnh đất chó ỉa của cái xóm thưa thưa vắng vắng bỗng dưng được giá. Được giá nên đông đúc.
Ông Thiên có mảnh đất chừng tám mươi mét vuông hơn. Trước tiên phải nhờ đến công lao của một người bạn. Người bạn cùng học đại học này sớm thành đạt, quý trọng tài danh của ông, lại có ý tốt là mong muốn giúp ông ổn định việc nhà việc nghề trên đất Hà thành. Đó là năm ông Thiên tròn ba mươi bảy tuổi, ông vừa được một cơ quan văn hóa cấp thành phố nhận về, lý do hết sức đơn giản, cơ quan đó đang khuyết một chân cán bộ kiểu có danh, có nghề như ông, thế là thay vì cầm tấm bằng trở lại đơn vị cũ, ông lại cầm tờ công văn tiếp nhận. Ông Thiên được chuyển ngành. Quả như là có quý nhân phù trợ.
Người bạn cho ông vay tiền mua mảnh đất đó từ khi nó còn là mảnh đất chẳng ma nào nhòm ngó, nằm khuất nẻo trong cái xóm thưa vắng người ở, rẻ như cho. Mới đầu ông làm căn nhà cấp bốn ở tàm tạm. Bỗng dưng khi sự đời thay đổi, đất cát chuyển hóa, ông Thiên như người vớ được của, ông xẻ đôi mảnh đất, bán một nửa lấy tiền xây nhà trên phần nửa đất còn lại.
Chưa lấy vợ, anh em gia quyến lại ở mãi tận miền Trung, ông Thiên sống một mình nên căn nhà hai tầng của ông cửa giả im ỉm. Sáng sáng, ông dắt xe máy cà tàng ra khỏi nhà. Chập tối, người ta lại thấy ông dắt chính chiếc xe cà tàng ấy trở về. Đều đặn mấy năm qua như vắt chanh, chẳng khi nào ông ngó nghiêng xem hàng xóm "mặt ngang mũi dọc ra răng".
Không ở cùng ai, hiếm giao du nên nhà ông Thiên hầu như không có khách. Người khách duy nhất tới gõ cửa nhà ông là cô thu ngân. Chập tối của một đầu tháng, cô thu ngân tới gõ cửa nhà ông Thiên. Lạ thật, chẳng hiểu từ đâu mà cô này biết được bữa đó ông Thiên mới lĩnh lương, chẳng biết ai mách mà cô này biết ông vừa về nhà. Chập tối cô thu ngân tới gõ cửa và lần nào cũng một câu gọn lỏn, "tiền điện nước bác ơi". Giọng cô trong veo, khó đoán tuổi. Ông Thiên thò tay qua lỗ nhỏ khoét giữa cánh cửa, cái lỗ ông thường luồn tay để bấm khóa trái mỗi khi đi làm. Ông cầm tờ biên lai ghi tiền nước, tiền vệ sinh, tiền điện của tháng trước. Cô thu ngân chẳng vướng bận, cô kiên nhẫn đứng chờ. Năm phút sau ông Thiên lại thò tay qua cái lỗ khoét trên cánh cửa. Cô thu ngân cầm món tiền ông Thiên đưa ra. Đủ không thừa một hào, không thiếu một xu. Rất "trật tự" như chính người trả tiền và người nhận tiền vậy.
Nhà không có khách nên ông Thiên không lo chuyện chợ búa. Ông chưa khi nào phải tính chi phí, phải tính toán mua món gì cho bữa ăn của mình. Nói chung ông Thiên ăn quấy quá cho gọi là xong bữa.
Mọi chuyện chắc cứ thế trôi qua nếu không có một lần ông Thiên phải qua bên hàng xóm để nói chuyện "nhờ vả". Ông rụt rè bấm chuông căn nhà bên trái, liền kề với nhà ông. Một giọng nữ trong veo đáp vọng ra. Ông Thiên hơi lui lại giật mình, ông lần lần túi quần lục tìm tiền. Cái giọng trong veo khiến ông lầm tưởng cô thu ngân đến thu tiền điện nước. Trong nhà lại giọng trong veo: Cửa mở đấy, bác vào đi. Thật lạ cứ như người trong nhà thừa biết ai đứng bấm chuông cửa.
Dù không phải người hay xét nét nhưng vào nhà rồi ông Thiên vẫn để mắt. Hình như cô hàng xóm cũng ở có một mình? Ông Thiên thầm đoán thông qua sự sắp xếp đồ đạc trong nhà đến quá ngăn nắp. Cô chủ nhà không ngẩng mặt lên, chắc là cô không cần phải nhìn cũng biết người vừa bước vào nhà là ai. Cô không ngẩng lên, bác gọi em là Lan, Lan "hạt mít" ấy, cách nói nghe vui mà thấy không mặc cảm. Ông Thiên ngờ ngợ rồi thấy tự tin hẳn. Nói gì thì nói, chuyện chiều cao hơi khiêm tốn khiến ông tự ti khi tiếp xúc với phụ nữ. Cô này "hạt mít" nghĩa là chẳng cao, ông Thiên đoán nhanh và lại để mắt. Cô này ngoài băm, dáng thấp đậm, tuýp người cởi mở. Ông thẳng thắn đề nghị cô hàng xóm lúc rảnh qua bên nhà ông. Lý do rất đơn giản, bà cụ thân sinh ra ông mới từ miền Trung ra chơi, ông đi làm từ sáng tới chập tối, để bà cụ một mình không hay lắm.
Vậy là từ bữa đó, khi ông Thiên dắt chiếc xe máy cà tàng ra khỏi nhà là nhà ông có khách. Cô hàng xóm có biệt danh "hạt mít" gần như cả ngày ở bên nhà ông, cô ngồi chơi với bà cụ. Ngồi chơi chán cô quay ra thu xếp lại đồ đạc. Đàn ông mà ở một mình thì bừa bãi, thì cẩu thả đến ôi thôi rồi. Cũng từ đó, những bữa cơm tối của ông Thiên khác hẳn. Tươm tất hơn, nóng hổi hơn và căn nhà thấy ấm cúng lạ.
Dĩ nhiên khi chập tối nghĩa là lúc ông Thiên dong chiếc xe cà tàng về nhà, cô hàng xóm đã không ở đấy. Cô thật biết ý tứ. Cô trở lại nhà mình cứ như nắm quá chắc giờ về nhà của ông không bằng. Chẳng cho ông một cơ hội để hỏi chuyện. Chỉ có mẹ ông là khang khác. Bà cụ ngồi bên mâm cơm ngon nóng mà cứ thở dài sườn sượt. Vẻ thở dài không phải kiểu người đau mỏi hay buồn bã. Nó là cách thở dài trách khéo.
Chẳng quan tâm đến bà cụ thở sườn sượt, nói bóng gió, mẹ thấy nó được đấy. Ông Thiên chỉ thấy những thay đổi trong ngôi nhà. Đầu tiên là cơm canh ngon nóng như đã nói, tiếp đến là sự gọn gàng khiến ông ban đầu hơi tự ái nhưng rồi thấy thinh thích. Thấy thinh thích rồi thấy cũng hay hay, điều mà trước kia ông không để ý. Quả tình nhà cửa gọn gàng cũng thấy tiện. Tiện nên thành quen mà đã quen rồi lại thấy càng tiện.
Nhưng chẳng có gì là mãi mãi. Ở nhà ông chừng gần tháng thì bà cụ nằng nặc đòi về. Lý do thật dễ hiểu, người già vui con cháu là chính chứ ăn uống là mấy. Bà cụ thấy nhớ mấy đứa cháu con của chú em út ông. Chú em út của ông tính tình xởi lởi, chú lấy vợ sớm nên con cũng sớm. Chú đón bà cụ về ở cùng đỡ đần chuyện trông nom. Bà cụ ra Bắc lâu lâu làm chú cũng bấn, chú gọi điện ra nhắc "đòi" bà cụ.
Từ hôm bà cụ về, nhà ông Thiên lại như cũ, vắng người và nguội cơm. Đôi lúc ông Thiên chợt thẫn thờ như người nhớ nhà. Ông lén đưa mắt nhìn qua hàng xóm. Ông còn ngại lắm, chẳng hiểu cô Lan "hạt mít" có suy nghĩ giống ông không? Ở đời sợ nhất là ngộ nhận, ông Thiên nghĩ vậy và cố làm quen lại với những gì xưa cũ nhưng càng cố càng thấy thiêu thiếu.
Chập tối của một ngày đầu tháng sau, ông Thiên mới về nhà. Ông chưa vội thay quần áo. Tự dưng buồn vô cớ, nếu như vài ngày trước ông vừa tới cửa đã thấy dậy mùi thịt kho tương, món ông thích nhất, cùng mâm cơm đã chuẩn bị sẵn. Cảm giác hụt hẫng khiến ông còn thần người nếu không có tiếng gõ cửa của cô thu ngân. Cô thu ngân đến như hẹn. Cô gõ cửa và cất giọng trong veo, "tiền điện nước bác ơi". Giọng trong veo lọt qua cánh cửa khép hờ làm ông bồi hồi. Nó nghe quen quá, nó như gợi thêm cho ông một nỗi nhớ vô hình.
Ông Thiên đẩy hé cánh cửa, trước mắt ông là cô hàng xóm. Cô Lan "hạt mít" đầu cui cúi, nói ngượng ngùng, bà cụ... khỏe không ạ? Ông Thiên sững sờ, thì ra cô thu ngân chính là cô Lan "hạt mít", thì ra cô thu ngân chính là cô hàng xóm mấy hôm trước còn sang nhà ông chơi cùng bà cụ, thì ra cô thu ngân chính là người gần tháng trời vừa rồi ngày ngày qua nấu cho ông những món ăn ông thích, thì ra cô thu ngân chính là người tạo cho ông thấy sự ấm cúng, thấy hay hay chuyện nhà cửa gọn gàng.
Rồi như là chuyện của tự nhiên, ông Thiên đẩy cánh cửa mở rộng ra như lần đầu nó được mở.
Theo QĐND
Nguồn Quehuongonline.vn