Nguyễn Ái Quốc sinh ra, trưởng thành, chịu ảnh hưởng tư tưởng ở vùng văn hóa có nhiều nhà yêu nước trí tuệ quảng bác, trọn cuộc đời hy sinh cho nền độc lập tự do, thống nhất đất nước, sự nghiệp Hồ Chí Minh được nhân loại tôn xưng là Anh hùng giải phóng - Danh nhân văn hóa, Người uyên thâm học thuyết Đông, Tây, kim, cổ, viết nhiều thể loại phong phú, đa dạng trong đó có bài triết lý về rồng.
Rồng là con vật được suy tôn theo trí tưởng tượng của con người, hàng nghìn năm từng trải nghiệm linh thiêng ứng hiện, các bậc trí tuệ viết lời ca ngợirồng là chúa tể muôn loài, đứng đầu trong bốn con vật linh thiêng nhất rồng - phượng - lân - rùa. Kinh dịch là bộ sách lớn có ảnh hưởng đến nền triết học phương Đông. Nhiều học giả cho đến nay chưa tìm thấy tác giả, nhưng trên trống đồng có ghi rõ một số quẻ của kinh dịch, tổng số sáu mươi tư quẻ, càn là quẻ đầu tiên chỉ trời, lấy rồng làm tượng gắn với cõi thượng chín tầng, biến hóa uy linh hiển hách. Hình tượng rồng ở quẻ Càn ghi “Rồng hiện ở ruộng, đức lan rộng”, “Rồng bay ở trời, lợi về sự thấy người lớn”... ảnh hiện lẽ huyền vi thiêng liêng đạo trời. Lá số tử vi có cặp phạm trù nhị hợp, vận hội Thanh Long - Thiên Mã công việc, đi lại đều thuận lợi, tốt đẹp mang ý nghĩa cõi người.
Đôi rồng đá tại Điện Kính Thiên - Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội
|
Từ quan niệm triết học phương Đông, rồng nhập thể là con trời, thiên tử, đấng anh minh sáng suốt, giáng hạ xuống làm vua cõi trần, mở mang nền văn hóa, kinh tế phát triển, nhân dân no ấm. Vua có sứ mệnh cao cả, gạch nối giữa trời - đất - con người, lắng nghe lời kêu cầu của muôn dân, hàng năm có những sự kiện lớn hạn hán, lũ lụt, chiến tranh... Vua phải thân chinh làm lễ tại đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc... cầu xin thượng đế, các đấng bề trên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh trưởng, giảm bớt thiên tai, chiến tranh loạn lạc, con người có cuộc sống từ tâm, đủ đầy, trở về với bản năng hướng thiện. Hàng năm, mong hài hòa ba cõi trời - đất - con người, vua ký sắc phong danh vị, ghi công trạng cho các thánh, thần, danh sĩ, võ tướng, người có công với dân với nước. Vua nhập thể rồng có tên: mình rồng, mặtrồng, nét chữ rồng bay, ngai rồng, sân rồng, sập rồng, thuyền rồng... Vùng đất linh thiêng gắn tên rồng: Thăng Long, Hạ Long, Cửu Long, Bái Tử Long, Bạch Long Vĩ...
Con người cần hình tượng làm điểm tựa suy tưởng vươn tới, trải nghiệm nhiều đời, nét vẽ hình ảnh rồng từ sơ khai từng vùng văn hóa có khác nhau đôi chút, mỗi thời luôn được bổ sung linh diệu. Người nghệ sĩ tài hoa vẽ, khắc hình rồng chất tinh tế, thần thông biến hóa, hòa hợp nét đặc trưng tiêu biểu của con thú đứng đầu các loài, đầy uy lực. Rồng có mũi sư tử, hàm răng nanh của hổ, quyền uy dữ tợn, thân hình giao long vần vũ uốn lượn, móng vuốt quặp chặt trụ vững của chim đại bàng, sừng hươu, vẩy cá chép... vẫy vùng trên chín tầng trời mây. Mỗi khi đất nước hạn hán, vua thần dân làm lễ cầu xin rồng phun mưa tưới mát ruộng đồng, mang lại sự sống cho muôn loài sinh thể, là khởi nguồn, nguyện ước gắn liền từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước, rất ít thấy xuất hiện ở nền văn minh thảo nguyên, du mục.
Rồng đứng đầu bốn con vật thiêng, chạm khắc trang trọng uy linh chính giữa tòa thượng điện cung vua, chùa, đền, đình, miếu... vào văn thơ thấm đẫm lưu truyền, giãi bày lẽ cao cả, niềm ao ước:
“Một ngày tựa mạn thuyền rồng
Còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài”
Huyền thoại dân gian, sự lý duy linh trong triết học, nghệ thuật phương Đông lấy rồng là biểu tượng tối cao, minh triết mà ước vọng vươn tới.
Từ xa xưa, người Việt coi mình là “con rồng cháu tiên” luôn tự hào thờ kính hai đấng thủy tổ Lạc Long - Âu Cơ, truyện kể “Hễ dẫu có việc, cứ gọi Lạc Long rằng Bố ơi sao không về cứu chúng con... Lạc Long liền về ngay. Sự oai linh cảm ứng không tài nào lường được... Lạc Long dạy : Ta là giống rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên...” (Lĩnh Nam Chích Quái, tr.157).
Rồng được tôn thờ, ca ngợi trong truyền thuyết, trên minh khí trống đồng, đồ đồng xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử của người Việt.
Gần một thế kỷ, nhân dân Việt Nam chịu sự đô hộ của thực dân Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám... và các phong trào yêu nước của vua Thành Thái, Duy Tân đến Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du... đều thất bại. Phần lớn nhân dân và trí thức Việt Nam đều cầu mong sự ra đời thánh nhân theo câu sấm “Độn Sơn phân giái, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh”. Các danh sĩ cho rằng nhà văn hóa lớn, chí sĩ Phan Bội Châu là thánh Nam Đàn và hỏi, ông minh định: “Nam Đàn có thánh thực thì chính là ông Nguyễn Ái Quốc...”.
Nguyễn Ái Quốc sinh ra, trưởng thành, chịu ảnh hưởng tư tưởng ở vùng văn hóa có nhiều nhà yêu nước trí tuệ quảng bác, trọn cuộc đời hy sinh cho nền độc lập tự do, thống nhất đất nước, sự nghiệp Hồ Chí Minh được nhân loại tôn xưng là Anh hùng giải phóng - Danh nhân văn hóa, Người uyên thâm học thuyết Đông, Tây, kim, cổ, viết nhiều thể loại phong phú, đa dạng trong đó có bài triết lý về rồng.
Năm 1922, vua Khải Định, vị vua bù nhìn, đớn hèn sang thăm nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết bài gửi Quốc vương nước Nam: “Theo tập tục nghìn năm của nước Nam ta xưa cũ thì Hoàng Đế là chịu mệnh trời để trị dân, vì thế mà được coi là con của trời, cha mẹ của dân?... Vua phải tuân lệnh trời, mà tiếng dân chính là truyền lại ý trời...” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, tr.79). Trong tiến trình lịch sử, không phải vua nào cũng được ca ngợi, có vua là đấng minh quân, trí tuệ lỗi lạc, bậc “Đế Vương muôn đời”, có vua hoang dâm, tàn bạo, đớn hèn là bài học xấu xa, muôn dân hờn oán. Nguyễn Ái Quốc luận lý về rồng trong vở kịch Con Rồng tre và bài viết gửi Khải Định: “Đó chính là lúc thiên tử nằm mơ. Ngài mơ thấy những con rồng chạm trên tủ, bàn bỗng biến động, hóa thành những con rắn gớm ghiếc, mở thao láo những con mắt đỏ ngầu tia máu. Còn những con phụng hoàng, giống chim tượng trưng cho uy quyền vua chúa... Rồi những bóng ma trùm khăn... Nhà vua kinh hoàng run lên cầm cập...”, Người vạch trần vị thế, bản chất Khải Định bị: “Trời đoạn tuyệt, tổ tiên từ bỏ, nhân dân ruồng rẫy” (Sđd, tập 1, tr.78).
Lịch sử nhân loại nhiều vị Phật, thánh, vua hiền, danh nhân văn hóa, vận tâm trí, tận thức khai sáng vai trò của mình trong xã hội loài người theo triết học phương Đông. Đức Phật Thích Ca dạy tăng đồ, chúng sinh vững niềm tin: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”... Đức chúa Jesu đã nói: “Ta là đức chúa con, ta tuân theo lệnh cha ta ở trên trời”. Khối trí tuệ khoa học lớn của mọi thời đại - Nhà vật lý học Einstein khẳng định: “Tôi không phải là người tin vào thuyết vô thần... và niềm tin dành cho Thượng Đế” (Einstein cuộc đời và vũ trụ, trang 382, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh). Thêm vào đó: Lão Tử, Khổng Tử, Thánh Ala, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... từng khai sáng “Ngẫm hay muôn sự tại trời”, là điều hiển nhiên thường thấy trong tư duy minh triết thấu hiểu ba cõi trời - đất - con người của các bậc trí tuệ.
Hồ Chí Minh từng chỉ dạy thơ là xúc cảm tinh tế, tâm hồn, trí tuệ, trong nhiều bài viết thường nhắc đến con Rồng cháu Tiên, con Hồng cháu Lạc... đặc biệt những tháng năm bị giam cầm, tù đày đen tối, Người nhìn thấy ánh sáng, viết đôi dòng chỉ rõ mệnh lớn của mình:
“... Mọi người ngẩng lên ngắm trời tự do;
Khách thần tiên trên trời tự do,
Biết chăng trong tù cũng có tiên” (Sđd, tập 3, tr.277)
Bài thơ trong tập Nhật ký trong tù được viết hai năm 1942 - 1943, giai đoạn này chiến tranh thế giới thứ hai đang ở thời kỳ căng thẳng, dữ dội nhất, toàn thể loài người bị cuốn vào cuộc chiến tranh tổng lực, hàng chục triệu người bị sát hại, tiền của mất mát, con người bi thương, sầu thảm. Mọi người dân vô tội đáng thương chỉ còn biết chắp tay ngưỡng vọng cầu xin thượng đế, các vịkhách thần tiên (sống) trên trời tự do phù hộ cứu giúp để chiến tranh sớm chấm dứt, cuộc sống yên vui trở lại. Hồ Chí Minh thẩm thấu vị thế Biết chăng trong tù cũng có (ông) tiên.
Bài khác, Hồ Chí Minh gợi mở chân lý, tin tưởng mãnh liệt:
“Người thoát khỏi tù ra dựng nước...
Nhà lao mở then cửa trúc, rồng thật sẽ bay ra” (Sđd, tập 3, tr.356)
Hai năm sau (1945) sự thật sáng tỏ, Hồ Chí Minh (Ông tiên) “thoát khỏi tù” và trực tiếp đón thời cơ lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhanh chóng giành chính quyền “dựng nước”, một Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đầu tiên trong lịch sử dân tộc ra đời, xóa bỏ hàng nghìn năm chế độ quân chủ chuyên chế, kìm hãm sức sáng tạo của con người. Hơn nữa, càng kỳ lạ, Hồ Chí Minh tiên tri trước đó hơn chục năm, trực tiếp nhắc nhở, điều hành trao cho những người cộng sự chuẩn bị công việc đến từng chi tiết và giành thắng lợi vang dội nhiều trận đánh quan trọng, có ý nghĩa lịch sử giành độc lập thống nhất Tổ quốc. Ngay từ thuở nhỏ, Hồ Chí Minh đã có chí khí, Trần Dân Tiên (tức Hồ Chí Minh) viết: “... Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người thiếu niên mười lăm tuổi. Người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào... Người thanh niên yêu nước đầy nhiệt huyết ấy là Cụ Nguyễn Ái Quốc, là Hồ Chủ tịch của chúng ta ngày nay” (Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch - Trần Dân Tiên, tr.12).
Hồ Chí Minh thoát khỏi tù là hiển nhiên và rồng thật sẽ bay ra, không phải rồng giả, rồng tre, rồng gớm ghiếc như vua Khải Định. Người nhìn thấu, trải niềm tin đầy thi vị “Rồng quấn vòng quanh chân với tay”. Sự bừng tỉnh bất ngờ, Hồ Chí Minh sớm tiên tri đón thời khắc “thoát khỏi tù và dựng nước”, tư duy thấm sâu triết học phương Đông vượt không gian, thời gian:
“Đất trời phút chốc tràn sinh khí
Tù phạm cười tươi nở mặt mày” (Sđd, tập 3, tr.358)
Thời cơ vận nước phút chốc tràn sinh khí, ngày tươi sáng rất gần, Hồ Chí Minh gợi mở hình ảnh cụ thể không xa vời “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” mà cười tươi nở mặt mày... Hồ Chí Minh có đầy đủ năng lực trí tuệ hưởng cuộc sống sung sướng cho cá nhân mình ở Pháp, Anh, Mỹ hoặc Nga... trở thành người Việt ở nước ngoài có đẳng cấp cao, nhà khoa học, nhà giáo, nhà kinh doanh giàu có. Vì nỗi đau ai oán của dân tộc nô lệ, Tổ quốc bị xóa tên trên bản đồ thế giới, nhân nghĩa Hồ Chí Minh bỏ hết cuộc đời xa hoa, hưởng thụ, về nơi rừng sâu, hang đá lạnh lẽo, cô đơn, heo hút thiếu thốn, kham khổ hơn mười năm hoạt động cách mạng. Hơn nữa, năm tháng bị đầy đọa trong tù, như định mệnh “sự vật vần xoay vốn định sẵn” (Sđd, tập 3, tr.422), Hồ Chí Minh gầy đen như quỷ đói, ghẻ lở mọc đầy thân, thấm sâu đạo lý phương Đông, Người không trách lên án chính quyền Tưởng Giới Thạch, Trương Phát Khuê... đáng giận trời xanh, ông xanh, xanh kia... lại cố ý hãm tấm thân trong kiếp làm người tấc bóng chợt thoáng qua nhưng danh giá nghìn vàng.
“Trời xanh cố ý hãm anh hùng...
Tấc bóng nghìn vàng, đau xót thực” (Sđd, tập 3, tr.409)
Thời gian là thước đo chân lý, bài học lịch sử cần công khai, phân định công, tội mà phê phán. Vua - Hoàng Đế - (Thiên tử - Rồng thật) phải tỉnh táo, minh mẫn soi sáng sự nghiệp làm được gì, làm đến đâu, biết dừng kẻo không quá đà chuốc lấy sai lầm. Hồ Chí Minh trân trọng tài năng nhưng không khỏi nhắc đến sự nghiệp tội lỗi của Hoàng Đế đại tài Napoléon, hài hòa nguyên lý triết học Đông - Tây: “Napoléon là vị tướng có đại tài... làm Hoàng Đế cũng chưa đủ, còn muốn làm chúa cả thế giới... Mà ông Napoléon cũng giữ được địa vị thiên tử trong một nước giàu mạnh ở Âu Châu... Nhưng ông Napoléon đã làm con giời lại muốn làm cả giời, kết quả bị rơi xuống đất” (Sđd, tập 4, tr.357).
Hồ Chí Minh thoát khỏi tù, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân dựng nước trong vị thế hào hùng khác thường, hiếm có trong lịch sử dân tộc:
“Non nước của ta ta lấy lại
Nghìn thu sự nghiệp nổi từ đây” (Sđd, tập 3, tr.441)
“Nghìn thu sự nghiệp nổi từ đây” không phải tư duy hứng cảm bất chợt, từ lâu, Hồ Chí Minh phân tích kỹ theo mạch xuyên suốt (1940): “Người Việt Nam trong lòng không ai là không mừng rỡ... Muốn kêu gọi toàn dân đứng lên phải có người đủ uy tín danh vọng, nói được làm được đi tiên phong thì mới có kết quả... đang trong tư thế một người lên tiếng vạn người ủng hộ... chúng tôi có hy vọng thành công... không thể không tận dụng cơ hội tốt“nghìn năm có một” (Sđd, tập 3, tr.171).
“Một người lên tiếng vạn người ủng hộ” thẩm định vai trò tâm thế cá nhân có tầm nhất định trong sự nghiệp cách mạng là quy luật tất yếu từ hàng ngàn năm lịch sử nhân loại. “Kết cục thắng lợi thuộc về một người... Mới xứng là bậc Đại tướng anh dũng” (Sđd, tập 3, tr.286).
Buổi lễ tiễn đưa anh linh, hương hồn Chủ tịch Hồ Chí Minh về cõi thế giới người hiền, hiển hiện nguyên lý Hồ Chí Minh từng viết: “Mơ thấy cưỡi Rồng bay lên trời” (Sđd, tập 3, tr.274), Tổng Bí thư Lê Duẩn thành tâm, thẩm thấu vai trò lớn lao một thiên tài: “Hồ Chủ tịch đã... làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta..., mỗi người Việt Nam ta mãi mãi ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển của Người” (Điếu văn, tập 12, tr.513).
Công ơn trời biển của Người, trong tiến trình tiến hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, hiếm có nhân vật lịch sử nào dẫn dắt một dân tộc nghèo nàn, lạc hậu biết đoàn kết chặt chẽ, đón thời cơ, đánh thắng các đội quân thiện chiến, thế lực thực dân đế quốc mạnh hơn gấp bội. Hơn nữa, Người được nhân loại ca ngợi là vị Chủ tịch huyền thoại ngay khi còn sống. Và, nhân dân không ai bảo ai tự tâm lập bàn thờ trải dài khắp mọi miền Tổ quốc, ở một số nước, bàn thờ tôn kính trang nghiêm như nhiều đấng tối linh Phật, thánh, vua (rồng), thần... trong chùa, đình, đền, nhà thờ, nhà tưởng niệm cho đến từng nhà dân, con số hàng chục vạn. Thật kỳ lạ, từ lâu (1948) Trần Dân Tiên từng viết: “Tôi vừa nói vừa chỉ chân dung Hồ Chủ tịch treo trên bàn thờ giữa những bình hoa, bình hương, đèn nến” (Sđd, Trần Dân Tiên, tr.22), đúng như lời tiên tri hàng chục vạn bàn thờ đã được dựng lên, hòa hợp giá trị nhân văn:
“Thương dân, dân lập đền thờ
Hại dân, dân để ngập mồ thối thây”
Chủ tịch Hồ Chí Minh được người người ca ngợi, lập bàn thờ phù hợp nguyên lý triết học, là hiện tượng trong văn hóa tâm linh Việt.
Trần Dân Tiên viết tiếp tâm trạng, nỗi lòng sung sướng cực độ của con dân nước Việt từng bị đày đọa trong kiếp nô lệ, mất nước, muôn người hừng hực khí thế chào đón ngày lịch sử trọng đại 2/9/1945, “Người người chờ đợi một vị Chủ tịch... một nhân vật rất nhiều điều đặc biệt... trông thấy Chủ tịch đến... như một người cha hiền đến với đám con... Chủ tịch trở thành “Cha Hồ” của dân tộc Việt Nam” (Sđd, Trần Dân Tiên, tr.119).
“Chủ tịch trở thành Cha Hồ”, “Cha hiền đến với đám con”... là nguyên lý triết học phương Đông, Nguyễn Ái Quốc từng viết “Hoàng Đế là chịu mệnh trời... cha mẹ của dân...”. Trần Dân Tiên viết rõ vai trò Hồ Chí Minh: “Ông Nguyễn cũng là một anh hùng... cũng là một con rồng mắc cạn (đang bị tù). Rồng một ngày kia sẽ bay lên trời và làm chúa tể gió mây” (Sđd, Trần Dân Tiên, tr.87).
“Một anh hùng... Một con Rồng... bay lên trời và làm chúa tể gió mây” đã thành hiện thực, hiển hách vô song. Hồ Chí Minh thoát khỏi tù, trí tuệ siêu việt lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiến hành trường kỳ kháng chiến liên tục giành nhiều thắng lợi lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và cách mạng Việt Nam là một trong những sự kiện có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến các nước ở thế kỷ 20. Đánh giá sự nghiệp, công lao của Hồ Chí Minh đối với loài người, nhiều tổ chức uy tín trên thế giới có những nhận định tốt đẹp, xác đáng, đặc biệt báo Time (Hoa Kỳ) ca ngợi “Một trong những bộ óc vĩ đại nhất ở thế kỷ 20”.
Năm Nhâm Thìn (2012) - Nhâm biến vi vương - năm Rồng, 60 năm chu kỳ vận hội rồng thiêng vừa qua (1952 - 2012), dân tộc Việt làm nên những kỳ tích nổi tiếng, nhưng không khỏi có một số sai lầm và đã biết tự điều chỉnh. Bước vào vận hội mới, với nội lực và quyết tâm chung từ lãnh đạo đến mọi con người, chúng ta tin tưởng đất nước sẽ chuyển biến ngày một phát triển tốt đẹp hơn.
Cần hiểu thấu đáo về rồng trong tư duy minh triết Việt qua luận lý của Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh là điều cần thiết để vững tâm, sáng trí hài hòa giữa khoa học và tâm linh.
Lê Cường
Theo Quehuongonline