GiadinhNet - Giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng nhất của ngày tết. Đó là lúc khép lại một năm cũ và đón một năm mới đến.
Vương Trọng
Giao thừa đến lúc nửa đêm
Những ai mãi ngủ sẽ quên giao thừa
Không ngại rét, chẳng sợ mưa
Giao thừa đã hẹn, giao thừa đến thôi
Một lần đến được trăm nơi
Chắc giao thừa phải là người đi mau
Giao thừa giống hệt cô dâu
Đến đâu ở đó bắt đầu pháo ran
Giao thừa chẳng dự liên hoan
Dù cho mâm cỗ trên bàn bày ra
Chia vui, chia tuổi mọi nhà
Giao thừa chẳng chịu nhận quà một ai.
Lời bình
Giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng nhất của ngày tết. Đó là lúc khép lại một năm cũ và đón một năm mới đến. Trong ký ức của tuổi thơ, giao thừa bao giờ cũng là niềm hồi hộp phất phỏng đón đợi. Nhà thơ quân đội Vương Trọng đã chọn tứ thơ độc đáo khi anh viết về giao thừa: "Giao thừa đến lúc nửa đêm- Những ai mãi ngủ sẽ quên giao thừa". Khoảng thời gian chờ đợi giao thừa quá dài, nhiều bạn nhỏ dễ ngủ quên. Hai câu thơ mở đầu như một lời nhắc khẽ rút ngắn lại khoảng cách đồng cảm của nhà thơ với các bạn nhỏ.
Hình ảnh giao thừa trong bài thơ hiện ra như một người bạn ngộ nghĩnh, dễ thương: "Không ngại rét, chẳng sợ mưa- Giao thừa đã hẹn, giao thừa đến thôi". Giao thừa là cái mốc của thời gian theo chu kỳ tuần tự nhưng ở đây nhà thơ đã nới rộng cả biên độ không gian thời tiết tạo ra khoảng thời gian tâm lý phù hợp với trí tò mò của các em và, cũng chỉ các em mới có nhận xét bằng cái nhìn trực giác của tuổi thơ: "Một lần đến được trăm nơi- Chắc giao thừa phải là người đi mau". Người lớn ít khi nói "đi mau". Chỉ có nhịp đập rộn ràng, háo hức của trái tim tuổi thơ mới có cái nhịp giao hòa tình cảm bạn bè đó.
Trẻ em thường hiếu động, thích sự bất ngờ chuyển tiếp linh hoạt bằng sự so sánh, nhận xét qua quan sát của mình: "Giao thừa giống hết cô dâu- Đến đâu, ở đó bắt đầu pháo ran". Phải có sự hồn nhiên, nhập cuộc nhà thơ mới phát hiện được cái nhìn của các em: "Giao thừa giống hệt cô dâu" vừa lộng lẫy, vừa mới mẻ mang niềm hạnh phúc tinh khôi đến cho mọi nhà. Nhưng tất cả những câu thơ trên mới chỉ là cái nền, cái phông cho sân khấu để bất ngờ xuất hiện một giao thừa hiện ra như ông già Nô-en tình nguyện mang niềm vui đến với mọi người, mọi nhà mà không cần hưởng thụ. Đây cũng chính là bài học giàu lòng nhân ái nâng cánh cho tâm hồn các em bởi lòng bao dung độ lượng: "Giao thừa chẳng dự liên hoan- Dù cho mâm cỗ trên bàn bày ra". Hóa ra, giao thừa là người khách xông đất năm mới đầu tiên không quên một ai: "Chia vui, chia tuổi mọi nhà- Giao thừa chẳng chịu nhận quà một ai". Năm mới các bạn nhỏ thích được người lớn mừng tuổi lì xì. Và giao thừa chính là món quà vô giá mang niềm hạnh phúc chia sẻ đến với mọi người, mọi nhà mà chẳng chịu "nhận quà một ai".
Nguyễn Ngọc Phú
|