Chủ nhật này là tròn một tháng Đại tướng đi xa. Mới thế mà đã ba mươi ngày, ba mươi ngày Đất nước đau thương tiễn đưa và không nguôi nhắc nhớ về Người. Chuyện tưởng như mới hôm qua, nghĩ tới lòng lại nấc nghẹn. Nghĩ tới lòng lại bồi hồi bao ký ức. Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đã có vinh dự được nhiều lần gặp Đại tướng. Khi thì đến để phỏng vấn Người, khi thì đến để ghi lại những hình ảnh dung dị giữa đời thường của Người và khi thì đến để mừng thọ Người. Lần nào chúng tôi được gặp Đại tướng đều vậy, cũng đều hồi hộp trông ngóng, cũng đều nhận được ở Đại tướng sự trìu mến đến giản dị.
Tháng Tư năm 1994, lần ấy ở Điện Biên Phủ, dịp đó chúng tôi lên Điện Biên Phủ dự kỷ niệm bốn mươi năm chiến thắng Điện Biên. Thị xã mới hình thành được ba năm nên còn nhiều bề bộn. Sáng hôm ấy trời có mưa rào nhẹ. Thứ mưa rào miền Tây Bắc lúc mau, lúc hửng, lúc ngỡ sương bay. Đại tướng xuất hiện bên ô cửa máy bay trực thăng, đây có lẽ là lần trở lại Điện Biên đầu tiên sau những năm tháng thăng trầm của thời cuộc, Đại tướng đứng ngay trên bục cửa máy bay, mái tóc bạc ẩn dưới vành mũ và bộ quân phục thấm màu chiến trận. Đại tướng nở nụ cười hồn hậu, giơ tay vẫy chào rừng người ra đón. Cơ quan tỉnh Lại Châu mới chuyển từ thị xã Lai Châu về, khoảng sân trước nhà khách ủy ban tỉnh còn sũng nước mưa, vậy mà giữa vòng người trùng điệp, hình ảnh của Đại tướng vẫn ung dung vẫn bình dị như ngày nào Đại tướng đứng chỉ huy ngoài mặt trận. Cố lắm chúng tôi cũng chỉ ghi được hình ảnh Đại tướng giữa vòng người cùng muôn vàn ánh mắt hồ hởi của bà con các dân tộc Tây Bắc.
Rồi mùa hè năm 1996, năm đó Hà Nội kỷ niệm trọng thể 50 năm ngày “Toàn quốc kháng chiến”. Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội có sản xuất một bộ phim tài liệu 3 tập, mang tên “Chúng ta là Hà Nội”. Nhóm làm phim được phép tới số nhà 30 Hoàng Diệu để phỏng vấn Đại tướng. Lần đầu có được vinh hạnh trực tiếp phỏng vấn Đại tướng thật hồi hộp. Như để giúp chúng tôi xua tan hồi hộp, Đại tướng thân tình dẫn chúng tôi ra khu vườn phía sau nhà. Một mảnh vườn nhỏ với những giò phong lan treo cao, nở chùm hoa đầu cành, khoe mình trước gió. Trời nắng nhẹ và không khí dịu nhẹ. Đại tướng ngồi hiền hòa như một lão ông bên con cháu. Rất thân tình, Đại tướng nhắc lại câu chuyện ngày nào. Chuyện trước ngày nổ ra “Toàn quốc kháng chiến”, Đại tướng tới gặp Bác Hồ để báo cáo. Bác Hồ hỏi Đại tướng “Nổ ra toàn quốc kháng chiến thì liệu Hà Nội giữ được bao lâu?”. Đại tướng sau giây lát suy nghĩ thì trả lời Bác Hồ “Cùng lắm có thể giữ được một tháng”. Kể xong câu chuyện Đại tướng cất tiếng cười vui “Giữ được một tháng là thắng lợi. Giữ được những hai tháng là đại thắng lợi”. Mùa đông năm 46 quân và dân Hà Nội đã đặt những viên gạch đầu tiên xây bức tường chiến thắng của “Chín năm kháng chiến gian lao và anh dũng của dân tộc”.
Lại nhớ cũng vào một mùa hè chói chang nắng lửa. Mùa hè năm 2005, Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội làm tiếp một bộ phim tài liệu nữa. Phim tài liệu “Hà Nội của chúng ta”, dài 8 tập. Tôi được giao làm 3 tập đầu, trong đó tập thứ 3 mang tên “Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ”. Nội dung của tập phim nói về việc bộ đội ta tiến về giải phóng Thủ đô. Ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu chúng tôi thêm một lần được tới thăm. Đại tướng đã ngồi đợi chúng tôi bên bức tượng Bác Hồ. Trong lòng Đại tướng thì hình ảnh và những di huấn của Bác Hồ chưa khi nào nguôi cạn. Chúng tôi bước vào, sắp thành hàng ngang để chào Đại tướng. Thong thả như một tiên ông, Đại tướng đứng dậy và hỏi vui “Đồng chí nào là trưởng đoàn?”. Tôi sung sướng “Báo cáo Đại tướng, là cháu ạ”. Nở nụ cười thân ái, Đại tướng bước lại gần bắt tay “Đồng chí trưởng đoàn” rồi lần lượt bắt tay từng người một.
Tháng 10 năm 1954, Đại tướng được Bác Hồ giao nhiệm vụ làm “Trưởng ban chỉ đạo giải phóng Thủ đô”, khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng Bác Hồ căn dặn “Phải làm sao để cho đồng bào Thủ đô thêm tin, thêm yêu Chính phủ”. Rất giản dị nhưng lời căn dặn ấy của Bác trước khi lên đường từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội Đại tướng còn giữ mãi.
Người dân Thủ đô thêm tin và thêm yêu Chính phủ cũng có nghĩa là Chính phủ luôn tin cậy vào tình cảm và trách nhiệm của người dân Hà Nội trong công cuộc kiến thiết lại sau chiến tranh. Những năm kháng chiến là những năm người Hà Nội luôn biết rắng: Chính phủ và cả nước dù “Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô”. Tự đáy lòng đấy như là lời hứa “Xây dựng Đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Mùa thu năm 2008, tôi lại có dịp được vào gặp Đại tướng. Năm đó sức khỏe Đại tướng đã yếu. Chúng tôi ngồi trong phòng khách nơi Đại tướng thường tiếp khách để đợi Người mà lòng đầy lo âu. Mà không lo âu làm sao được khi đại tá Nguyễn Huyên, trợ lý của Đại tướng cho biết “Đại tướng mệt, hôm nay không trả lời phỏng vấn được”. Chúng tôi bảo nhau ra về, lòng chưa dứt lo âu nên chùng chình ngoài sân. Bất chợt Đại tướng bước ra từ sau cánh cửa, quân phục chỉnh tề. Đại tướng đã biết được chúng tôi muốn phỏng vấn Người về điều gì. Hà Nội cùng cả nước đang náo nức chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đại tướng bước tới, vẻ như Người rất muốn nói gì đó. Với Hà Nội, Đại tướng bao giờ cũng dành những tình cảm tốt đẹp nhất và gửi gắm nhất. Chúng tôi được phép chụp chung với Đại tướng một bức ảnh ngay ngoài sân. Ánh mắt của Đại tướng nhìn chúng tôi như Người nói sẽ hẹn dịp khác.
Dịp khác lại tới, tháng 3 năm 2009, chúng tôi lại được phép vào gặp. Đại tá Nguyễn Huyên thông báo Đại tướng đang chuẩn bị. Mười phút rồi mười lăm phút, chúng tôi nghe được thông báo tiếp “Đợi chiều nay, nếu sức của khỏe Đại tướng ổn, Đại tướng sẽ gặp”. Hơi thất vọng nhưng hy vọng. Chiều ấy lại không ngờ là buổi chiều cuối cùng chúng tôi được ghi hình Đại tướng tại số nhà 30 Hoàng Diệu. Người gặp chúng tôi nhưng không nói được gì nhiều, sức khỏe của Đại tướng đã giảm. Hình như lời hẹn sẽ nói nhiều, góp ý nhiều với đồng bào và chiến sĩ Thủ đô hôm nào của Đại tướng vẫn còn đó. Người đã hẹn.
Những ngày thu này. Mỗi khi đi ngang qua ngôi nhà 30 Hoàng Diệu trong tôi lại dấy lên những tình cảm không sao nói hết được. Lòng nấc nghẹn và trái tim thổn thức. Tưởng như trong khu vườn im lặng kia đang thấp thoáng bóng hình quen thuộc của Đại tướng. Tưởng như trong tĩnh lặng đó Người lại bước ra từ sau cánh cửa và nở nụ cười hồn hậu. Tưởng như Đại tướng đang nói với chúng tôi, nói với ước nguyện năm nào của Bác Hồ “Phải để cho đồng bào Thủ đô thêm tin thêm yêu Chính phủ”. Tưởng như Đại tướng đang ngồi đó, bên tượng Bác Hồ, Đại tướng đang nói lên tâm nguyện của mình những lời góp ý chân thành “Để Hà Nội xứng đáng là niềm tin yêu của nhân dân cả nước”.
Và tôi chợt bật lên tiếng khóc
Khu vườn thu lãng đãng sương thu
Đôi sóc nhỏ chuyền cành tìm quả chín
Trong cõi lặng, hoa bạch trà nở muộn
Đỗi nhẹ nhàng, ngan ngát tỏa hương mây
Người đã đi. Không, Người vẫn đâu đây
Đang thong thả rẩy từng giọt nước
Đang thong thả nâng từng cánh biếc
Chợt khu vườn như ánh vệt nắng rơi
Người đã đi. Không, Người vẫn dạo chơi
Đang chậm rãi từng bước chân suy nghĩ
Những dấu chân xuyên qua mười thế kỷ
Đọng trong vườn, bên xào xạc tiếng thu
Người đã đi. Không, Người còn đó ưu tư
Đời là một vòng xoay không nguôi nghỉ
Trên vầng trán đã ẩn bao chan chứa
Hoa trong vườn im như thể lắng nghe
Người đã đi. Không, Người vẫn đâu kia
Cùng cháu nhỏ dõi theo đôi sóc nhỏ
Quả đã chín và mùa thu đã mở
Hoa đã ngần, từng cánh ngát tinh khôi
Người thong dong bên năm tháng cuộc đời
Dẫu chiến trận cùng biết bao biến cải
Người đã đi nhưng hồn vương vấn mãi
Khóm bạch trà gom nắng, tỏa hương thu
25/10/13
Theo Hội nhà văn Việt Nam