Bạn tôi, nhà báo Bùi Ngọc Nội trước khi bước lên chiếc máy bay số hiệu SU 183E của Hãng hàng không AEROFLOT từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Thành phố Hồ Chí Minh đi Minxcơ thủ đô nước Cộng hoà Belarus cứ ao ước trong chuyến công tác này anh sẽ được thấy tuyết, bởi tuyết đối với anh – một người Sài Gòn, cái thành phố nằm ở nam bán cầu quanh năm chỉ có nắng và nóng thật vô cùng xa lạ xa xỉ, nhưng cũng thật là thú vị!. Anh nói, bà xã anh còn nhắn người thân gửi từ Hà Nội gửi vào cho anh cả măngtô dạ, găng tay da, ủng lội tuyết và mũ lông thú để anh mang sang xứ bạch dương tuyết phủ!
Nhưng, ngay từ khi máy bay vừa sắp hạ cánh xuống sân bay quôc tế thủ đô Nga trong một “chiều Matxcơva” thì hy vọng…thấy tuyết của anh đã bị lung lay!. Đang là tiết cuối thu, cả thành phố dường như ngập tràn một sắc vàng – cái màu sắc đặc trưng của mùa thu Nga đầy quyến rũ mà chúng tôi chỉ mới thấy trong tranh của danh hoạ Lêvitan và đôi dòng trong bức thư bạn gái thuở thiếu thời gứi cho từ hồi còn Ététxerờ(CCCP)… Và, buổi sáng đầu tiên đến với chúng tôi ở thành phố Minxcơ thanh bình và tráng lệ cái sắc thu vàng buồn đến lộng lẫy kia cũng đã nhanh chóng hút hồn mấy anh em. Quên cả những giấc mơ về tuyết đêm qua, chúng tôi ùa ra phố và hoà mình trong sắc vàng. Cả thành phố lộng lẫy và quý phái trong một sắc vàng tươi. Vàng của nắng thu, vàng của những chiếc lá còn ở trên cây, vàng của những chiếc lá đang rơi rơi ào ạt như mưa, như vãi giừa tầng không, bập bềnh trên mặt nước sông hồ và đậu trên những mái nhà…Chưa thôi, chưa dừng, sắc vàng của lá những rừng phong, những hàng bạch dương và cả những cây sồi còn cấy quấn quýt, còn như muốn níu kéo chân người trên khắp lối đi về…xào xạc, âm vang, nhẹ dịu như một tiếng thu, như những khúc nhạc thu.
Một góc quảng trường trung tâm thành phố Minxcơ (Ảnh: N.V.B)
Ngay hôm làm việc đầu tiên với các đồng nghiệp Belarus ở Trung tâm truyền hình Quân đôi vừa qua cổng gác chúng tôi đã gặp cả một tốp chiến sĩ làm nhiệm vụ thu gom lá phong rơi hai bên lối ra vào một cách bền bỉ… Cả mấy tiếng sau, lúc ra vẫn thấy họ làm một công việc cũ. Tôi chợt liên tưởng tới công việc của những người thợ sơn cầu Long Biên nơi quê nhà “sơn đầu này thì đầu kia sơn lóc”
Anh Nguyễn Hoài Nam, một cựu sinh viên trường báo chí Lơvốp thời Xôviết (đoàn nhà báo quân đội Việt Nam đến Belarus có tới 3 người từng theo học báo chí tại Liên Xô cũ là các anh Lê Phúc Nguyên, Trịnh Văn Hào và Nguyễn Hoài Nam) cùng trong đoàn các nhà báo quân đội ta thăm Belarus cuối thu rồi không khỏi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm của thời trai trẻ. Anh kể, anh nhớ nhất những mùa thu xưa ở nơi này là những sớm mai hồng. Trong công viên thành phố, những thiếu nữ, những nữ sinh trung học chạy nhảy chơi đùa rất hồn nhiên dưới tán những cây phong già. Họ đuổi nhau trên thảm lá, gom những ôm lá to tướng vàng tươi ném vào nhau rồi cười năc nẻ; lại kết những chiéc lá phong thành đội lên đầu giả làm vương miện hoa hậu. Những chiếc lá phong đẹp còn được ép làm kỷ niệm tuổi học trò đôi khi họ chỉ mặc mỗi bộ đồ bikini phơi mình trên thảm lá phong vàng i như những nàng tiên giáng thế!
Trong thời gian công tác ở Belarus dẫu chưa “về được mùa đông”, chưa được nhìn thấy tuyết, nhưng chúng tôi đã gặp được mùa thu vàng và tìm thấy trong đó những tình cảm ấm nóng, gần gụi của bạn bè nơi đây.
Belarus là quốc gia nằm ở phía đông châu Âu. Diện tích tổng cộng 207.600 km², dân số chừng 9 triệu người. Belarus đã từng là một trong 15 nước cộng hòa của Liên Xô trong 70 năm cho đến khi tách ra và tuyên bố độc lập năm 1991. Tuy nhiên, đất nước này vẫn giữ mối quan hệ gần gũi với Nga; đồng thời là một thành viên của Cộng đồng các Quốc gia độc lập SNG cùng với Azerbaizan, Armenia, Gruzia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Ukraina.
Cộng hòa Belarus thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 24 tháng 1 năm 1992…Cộng đồng Việt Nam ở Belarus có khoảng 600 người, nhìn chung được bạn tạo điều kiện tương đối thuận lợi trong học tập, cư trú và kinh doanh theo pháp luật sở tại. Tổng thống A. Lucasencô vừa ký sắc lệnh cho phép những công dân Việt Nam đã lao động tại Belarus trước năm 1992 được định cư hợp pháp, lâu dài ở Belarus.
Cũng như Việt Nam, Belarus là một đất nước có ngàn năm lịch sử, một dân tộc có nền văn hoá giàu bản sắc và can trường trong chiến đấu giành độc lập tự do. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc, chống phát-xít 1939 – 1945 quân và dân Belarus đã anh dũng chiến đấu và lập lên những chiến công vang dội, trong đó có đại chiến thắng Xtalỉngat của quân đội và cả những chiến công thầm lặng nhưng vĩ đại của những người du kích. Cho đến nay, gần 70 năm đã trôi qua rồi, nhưng tinh thần của cuộc chiến đấu năm xưa như vẫn còn tươi nguyên.
Đến Minxcơ, dù ở nơi nào chúng tôi cũng thấy toát lên niềm kiêu hãnh của người dân về đất nước tươi đẹp và anh hùng của mình. Những dòng chữ như Minxcơ – Thành phố - Anh hùng (Minxcơ – Gôrog – Gerôi) được treo gắn ở những ngã ba ngã tư, trên lối vào, lối ra thành phố. Rồi tường đài chiến thắng với ngọn lửa vĩnh cửu; tượng Mẹ Tổ quốc, tượng Lênin sừng sững nơi quảng trường trung tâm thành phố…Và, ngay cả khách sạn mà bạn bố chí cho các nhà báo Việt Nam ở cũng mang tên 40 năm Chiến thắng (Khách sạn được xây dựng vào dịp Kỷ niệm 40 năm chiến thắng phát- xít (1945- 1985) và mang tên Sôrôc Gotxtrinhisa Pabeđư). Ấn tượng hơn cả đối với những người lần đầu được đến Minxcơ như chúng tôi là được tới các bảo tàng.
Bảo tàng Lịch sử chiến tranh Vệ quốc vĩ đại còn có tên là Bảo tàng của Hôm qua, Hôm nay, Ngày mai. Ấn tượng nhất là khu vực giới thiệu những hoạt động du kích trong thời kỳ đầu chiến tranh, những công binh xưởng chế tạo vũ khí rất thủ công trong rừng; những lán lều bằng gỗ lá đơn sơ là sở chỉ huy, là đại bản doanh của những Tư lệnh chiến dịch; và đây, những phương tiện thô sơ vận chuyển vũ khí, lương thực, vận chuyển thương bệnh binh ra mặt trận, về hậu phương... Rồi những cuốn nhật ký chiến trường nhàu nhĩ, những bức thư, tấm ảnh được tìm thấy trong những cuộc điền dã, khai quật tìm kiếm liệt sĩ... Bức chân dung bà Kupriannốpva, một bà mẹ Belarus tiêu biểu đã lần lượt tiễn 5 người con ra trận, để rồi chỉ còn một người sống sót trở về trên đôi nạng gỗ…Và đây nữa, những bức ảnh của các nhà lãnh đạo đất nước, những tướng lĩnh…Tất cả đã gợi lên một thời binh lửa bi hùng của dân tộc này.
Chúng tôi đặc biệt chú ý đến một hiện vật, đó có khẩu súng AK47 của một chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam và đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Khẩu súng được Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tặng cho đồng chí Mirôsôvích Masêrốp, Anh hùng Lao động, Anh hùng Liên Xô, nguyên Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Belarus, trong một lần đồng chí sang thăm Việt Nam
Bảo tàng Phòng tuyến Xtalin được xây dựng, tôn tạo từ những năm đầu thế kỷ 21 và khánh thành vào năm 2005, đúng dịp kỷ niệm 60 năm “Ngày chiến thắng” chủ nghĩa phát-xít. Năm năm 2005 là năm chiến tranh Vệ quốc đã lùi xa tròn sáu chục năm, Liên Xô tan rã cũng đã 15 năm; lại nữa, đất nước Belarus đang gặp không ít khó khăn sau khi tuyên bố độc lập vậy mà, nhà nước vẫn đầu tư phục dựng và xây dựng một cụm di tích lịch sử quy mô hoành tráng với rất nhiều mô hình và cả hàng ngàn hiện vật, vũ khí, khí tài có từ thời chiến tranh thế giới thứ 2 gợi lại một cách sinh động cuộc chiến đấu vĩ đại của nhân dân Belarus và Hồng quân Xôviết, trong đó nổi bật lên là cuộc chiến đấu ở Phòng tuyến Xtalin…
Không chỉ ở các bảo tàng lớn như Bảo tàng Chiến tranh Vệ quốc, Bảo tàng Phòng tuyến Xtalin mà ngay ở những bảo tàng, nhà truyền thống nhỏ khác, truyền thống anh hùng của quân đội và nhân dân Belarus cũng rất được chú ý. Hôm về thăm Lữ đoàn công binh số 2 Anh hùng chúng tôi thật sự bất ngờ và xúc động trước những hiện vật thời chiến được lưu giữ trong nhà truyền thống của đơn vị, trong số hiện vật được trưng bày có cả chiếc đĩa sơn mài của một vị tướng Việt Nam, tướng Nguyễn Quốc Khánh. Đồng chí thượng tá Lữ đoàn phó - Tham mưu trưởng nói, những hiện vật, những hình ảnh ở đây là niềm kiêu hãnh của người lính; đồng thời, là cội nguồn tạo nên sức mạnh của đơn vị…
Chiến tranh đã lùi xa, thế giới đang đổi thay từng ngày, nhưng lịch sử đất nước và truyền thống của dân tộc thì không thể đổi thay. Trong buổi làm việc với chúng tôi, đại tá Anđơrây Subađêrốp, Giám đốc Trung tâm thông tin thuộc Tổng cục công tác Tư tưởng quân đội Belarus đã nói như vậy. Ông cho biết thêm: Cũng như ở Việt Nam, đài và báo luôn có mục “Nhắn tìm đồng đội” và ngày đêm những người lính vẫn miệt mài “đi tìm đồng đội”, trên báo Quân đội Belarus (Vaiar) vẫn thường xuyên có chuyên mục “Những lá thư từ mặt trận” đăng những lá thư của những chiến sĩ Hồng quân ở mặt trận phía Tây những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX gửi về cho gia đình và người thân ở hậu phương. Tổng biên tập báo quân đội của bạn còn cho biết: Suốt mấy chục năm nay, báo “Vaiar” vẫn giữ đều đặn chuyên mục này và không biết đến bao giờ mới cạn nguồn tư liệu. Tổng cục Công tác tư tưởng của quân đội Belarus còn có một cơ quan gọi là “Cục hồi tưởng chiến tranh” chuyên việc giải quyết những vấn đề tồn đọng sau chiến tranh. Hiện nay, quân đội Belarus vẫn tồn tại một tiểu đoàn đặc biệt, ngày ngày mải miết đi kiếm tìm đồng đội trên khắp các chiến trường xưa...
Đến Belarus thu này, chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi biết cũng như ở quê mình, người dân nơi đây rất kiêu hãnh về quá khứ, tôn vinh và tri ân những người con yêu quý đã ngã xuống vì Tổ quốc. Chúng tôi cũng cảm nhận được tình người nơi đây. Tuy bỏ lỡ mất cơ hội được gặp gỡ giao lưu với các cựu chiến binh Belarus – những người đã góp phần làm nên chiến thắng của Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ, đặc biệt là trong chiến dịch Điên Biên Phủ trên không dịp Nôen 1972, nhưng chúng tôi cũng đã có cơ hội được gặp và giao lưu với những người thày ở Học viện Báo chí thuộc Đại học Tổng hợp Belarus. Các thày cô nhớ từng sinh viên người Việt Nam từng học ở đây, trong đó tỏ ra tự hào về ông Dương Xuân Sơn – một sinh viên cũ của trường này, hiện đang công tác tại Khoa báo chí Đại học Quốc gia Hà Nội…
Ở Minxcơ có ít ngày, nhưng chỉ trong một lần đến thăm Sứ quán Việt Nam tại Belarus ngắn ngủi chúng tôi đã phần nào biết được về mối quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc. Đại sứ Đỗ Văn Mai cho biết: Ngày 27/12/1991, Việt Nam công nhận độc lập của Belarus, sau đó ngày 24/1/1992 Việt Nam và Belarus và thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ và cử Đại sứ thường trú đầu tiên tại Belarus tháng 3/2005. Đại sứ cũng cho biết thêm, ngay từ thời Xô-viết mối quan hệ Việt Nam – Belarus đẽa rất thắm nồng, bạn không chỉ giúp ta về giáo dục, đào tạo, nhất là dạy nghề cơ khí, cử cố vấn chuyên gia sang trực tiếp giúp Việt Nam những năm chiến tranh mà sau đó còn đưa cả những sản phẩm “đặc biệt” sang ta…ví như xe máy Minxcơ. Nói đến xe Min, tôi chợt nhớ tới một bài báo của mình in trên tờ Sài Gòn giải phóng cách đây hơn 20 năm (1992) có tựa đề Lạng Sơn – thành phố đỏ xe Min. Bài báo có đoạn:
“…Ấn tượng đầu tiên đến với tôi trong chuyến đi thăm Lạng Sơn là lần này không phải là những đoàn người “cửu vạn” thồ, cõng, gánh, khiêng hàng hóa qua những con đường cheo leo nhỏ hẹp dọc biên giới Việt – Trung cũng không phải là những núi bia Vạn Lực, những sọt những thùng táo Quảng Tây hay đồ gốm sứ, thủy tinh và bình thủy Trung Hoa mốt thời đại hay giả cổ mà là những chiếc xe, xe máy nhãn hiệu Minxcơ do Belarus thuộc Liên Xô cũ sản xuất. Tôi có cảm giác rằng, dường như tất cả xe Min được sản xuất từ cái nhà máy ở thủ đô Minxcơ đều được chuyển về đây – đất Lạng Sơn này của Việt Nam. Dọc đường 1A, đường 4 ào ạt xe Min. Và xe Min “hội quân” đông hơn cả là ở các chợ Đông Kinh, Kỳ Lừa, Đồng Đăng, Chi Lăng, Thất Khê, Na Sầm... Ở đây màu đỏ của những chiếc xe sản xuất từ xứ sở bạch dương xa xôi này như lấn át, như làm mờ phai cả sắc chàm, cái màu đặc trưng của những phiên chợ vùng cao xứ Bắc. Xe Min không phải là loại xe máy thời thượng, thời trang, ăn xăng dầu nhiều nhưng bù lại giá cả phải chăng vừa với túi tiền của người lao động, lại thích hợp với địa hình rừng núi nênnó đến với đất này một cách tự nhiên. Xe Min được dùng để thồ hàng qua những con đường tiểu nghạch cheo leo, ngoằn nghoèo, nhỏ hẹp thay cho việc gùi vác bằng đôi vai của dân cửu vạn. Người ta cũng dùng xe Min để đưa đón khách du lịch, người thương gia đi giao dịch, đi khơi nguồn hàng. Xe Min trở thành cái cầu nối giữa những đoàn xe mang biển số Quảng Đông, Quảng Tây ( Trung Quốc) với những xe mang biển số của Hà Nội, Hải Phòng và cả Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt, Sài Gòn ..xa xôi của Việt Nam. Tôi đã thử ngồi sau một con Min đẻ vào chợ Đồng Đăng sầm uất, ngược đường số 4 dọc đường biên đến tận Bông Lau, Thất Khê và quẹo qua các cửa khẩu nơi ta và bạn chỉ cách nhau mỗi một chiếc barie mảnh mai. Nhờ có chiếc xe Min, tôi đã len lỏi được tới bao ngõ ngách nơ đường biên xứ Lạng, đôi khi còn đưa được cả một bàn chân sang nước láng giềng”…
Nhà báo Tô Thành Tuyên, thành viên của đoàn nhà báo quân đội đến Belarus nước bạn thu này cứ tha thiết với Trung tướng Lê Phúc Nguyên – trưởng đoàn được đến “mục sở thị” nơi ra lò những chiếc xe Min vừa nói tới, nhưng trong chương trình làm việc của đoàn ta không có việc này…và thời gian về Hà Nội cũng đã cận kề, đành lỗi hẹn, biết làm sao?!.
Hy vọng sẽ còn gặp lại Minxcơ trong một mùa tuyết lại chưa rơi …Và, cám ơn hai bạn Côlia và Xecgây – những người bạn Belarus, những đồng nghiệp thân mến đã cùng chúng tôi đi sưốt cuộc hành trình trên xứ bạch dương thơ mộng và hiếu khách, ngắn ngủi nhưng đầy kỷ niệm!
Minxcơ – Hà Nội, cuối thu vàng 2013
N.V.B
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội
|