Anh hùng lao động Hồ Giáo
Có một buổi chiều, khi đi qua cánh đồng ngoại ô thì trời nổi mưa giông, tôi vội trú dưới một tán cây. Bất chợt lúc đó, tôi nghe thấy tiếng ai gọi: “Hồ Giáo ơi, Hồ Giáo!”. Tôi nhìn ra cánh đồng đang mù mịt mưa gió và thấy những con bò chạy mưa. Chúng vừa chạy vừa rống lên da diết.
Sau những giây phút hoang mang, tôi nhận ra tiếng gọi “Hồ Giáo” dường như là những tiếng rống vang vọng trên những triền cỏ ngút ngát. Và tôi biết tiếng gọi đó sinh ra bởi sự ám ảnh từ trong tôi. Có một sự thật là đã từ lâu lắm rồi, hễ cứ nhìn thấy những con bò trên đường về quê tôi lại nghĩ đến Hồ Giáo.
Tôi gặp ông lần đầu tiên trong phần đọc của trích giảng văn học hồi còn ngồi ghế nhà trường. Rồi sau này, tôi đã đọc nhiều trang sách viết về Hồ Giáo. Bây giờ ông đã 79 tuổi và đã hai lần được phong Anh hùng Lao động. Nhưng ông vẫn vậy. Vẫn như ngày đầu tiên đến với đời sống của những con bò.
Hồ Giáo quê ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Năm 1954, ông ra Bắc tập kết. Cũng như mọi người miền Nam ra Bắc tập kết ngày ấy, ông nghĩ sẽ trở lại quê hương mình sau hai năm. Nhưng hơn hai mươi năm sau ông mới được trở về. Nhà thơ, nhà báo Phạm Đương đã viết thật xúc động và ám ảnh ngày trở về của người anh hùng Hồ Giáo: “Vai ông nặng trĩu mấy mươi chiếc lốp xe đạp Sao Vàng, món quà đã theo ông trên ngàn cây số để về tặng bà con. Sau này khi đã thấm thía với cảnh xếp hàng để mua gạo và củi, hình ảnh ấy lại hiện lên trong tôi với câu hỏi không bao giờ giải đáp nổi: Ông đã xếp hàng bao nhiêu năm để mua được ngần ấy chiếc lốp xe?
Ông cười hiền lành khi nghe tôi nhắc lại chuyện cũ: “Ai mà xếp hàng cho nổi anh. Mỗi lần đi dự hội nghị người ta bán lốp xe cho đại biểu. Tôi tích góp như thế mà thành”. “Bác quy đổi ra tiền để biếu cho bà con có gọn nhẹ hơn không?”. “ấy chết, anh đừng nói thế. Anh không sống vào thời điểm đó nên không hiểu hết cái chuyện quy đổi ấy đâu. Tôi là thằng cùng đinh áo rách, điên khùng chi để người ta gán cho cái tội tư thương. Với lại hồi đó người ta nói quê mình thằng Mỹ kìm kẹp, đến cái xe đạp cũng hiếm nên tôi tin rằng lốp xe sẽ là món quà đáng giá nhất lúc ấy. Ai ngờ…” Ông bỏ lửng câu nói rồi cười phá lên”.
Có lẽ bây giờ còn lại rất ít người nhớ đến Hồ Giáo. Nhưng với tôi, ông luôn luôn là một hình ảnh xúc động, ám ảnh và nhiều suy ngẫm. Lần thứ nhất trở thành Anh hùng, nhiều người nghĩ ông sẽ ngồi vào vị trí một người quản lý. Nhưng người anh hùng ấy vẫn dậy sớm mỗi ngày để buồn vui cùng những con bò và âu lo cho chúng; và đêm đêm người anh hùng ấy vẫn xách đèn đi dọc những dãy chuồng lắng nghe tiếng thở từng con bò như một bà mẹ lắng nghe tiếng thở của những đứa con. Cách đây mấy năm tôi gọi điện cho ông, năm đó ông đã bước vào tuổi 80 và chuyện phong Anh hùng lần thứ nhất của ông đã trở thành chuyện cũ như của trăm năm trước nhưng nó vẫn còn nguyên giá trị về một điều không ít lớn lao trong cuộc đời này. Và cho đến lần thứ hai trở thành Anh hùng, người ta lại nghĩ ông sẽ làm một chức vụ nào đó. Nhưng ông vẫn không làm gì. Hình như ông không hề hay biết ông được phong tặng Anh hùng hai lần. Hình như ông không biết rằng ngoài những con bò và những đồng cỏ còn có những thứ khác đang càng ngày càng làm mê lú triệu triệu người. Nhưng chỉ có những con bò là có thể thay đổi ông. Bò vui thì ông vui, bò no thì ông no, bò ốm thì ông ốm…
Khi người ta hỏi ông là sau khi được phong Anh hùng thường người ta sẽ làm giám đốc, cớ sao ông lại không màng tới một chút gì. Ông đã nói như nổi giận: “Mỗi người làm một việc, hãy làm đúng khả năng của mình. Anh tưởng người ta không gợi ý tôi làm giám đốc chắc? Có đấy. Nhưng tôi chối từ vì nghĩ rằng mình chỉ biết mỗi việc nuôi bò. Đừng ham những gì mà khả năng mình không có, điều đó chỉ làm khổ mình thôi”. Câu trả lời này của ông thực sự là một chân lý của cuộc sống. Ông không đọc triết học, ông không là tiến sĩ, ông không là nhà văn, nhà thơ… nhưng ông thấu hiểu lẽ đời này hơn quá nhiều những người với cái danh nói trên.
ở nước ta trong thời đại này, có những nhà triết học không làm triết học, có những tiến sỹ không làm khoa học, và có cả những nhà văn, nhà thơ không làm văn, làm thơ mà họ lại u mê trong những gì mà họ không có. Bởi cái mà xã hội cần ở nhà triết học là triết học, ở tiến sĩ là những công trình tầm cỡ tiến sĩ và ở nhà văn, nhà thơ là tác phẩm chứ không phải những cái khác. Ông là một ví dụ sống của một chân lý giản đơn mà quá ít người trong chúng ta nhận ra.
Một chiều mùa thu tôi gọi điện vào nhà riêng của ông. Tôi chỉ muốn nghe giọng nói của ông và hỏi ông một vài điều vu vơ nào đấy mà tôi cũng không biết là cái gì. Nhưng ông không có nhà. Ông đi làm chưa về. Tôi thực sự bất ngờ. Tôi nghĩ ông đã nghỉ hưu như muôn vàn người khác. Nhưng ông vẫn đi làm, vẫn không thể nào rời xa những con bò được. Tôi chỉ gặp vợ ông. Tôi hỏi bà tại sao vẫn cứ để ông đi làm khi tuổi đã rất cao. Bà cười và nói ông ấy yêu những con bò hơn cả con người. Sống với ông, những con bò thực sự được đối xử như những con người. Trong khi không ít nơi trên thế gian này, có nhiều con người chỉ được đối xử như những con bò. Ngày nào ông cũng cuốc bộ hai lượt đi về mười mấy cây số từ nhà đến trang trại chăn nuôi trâu bò quê ông. Hầu hết các câu chuyện của ông với những người thân là câu chuyện về những con vật yêu thương ấy. Ông đã sống cùng chúng, chăm sóc chúng, lo âu cho chúng gần cả cuộc đời ông. Tôi cứ có cảm giác nếu ông không có chúng thì ông đã rời bỏ thế gian này từ lâu rồi và nếu chúng không có ông, thì chúng đã trở thành những con vật điên khùng.
Anh hùng Hồ Giáo lấy vợ muộn. Vào tuổi 50 ông mới lấy vợ. Ông nói với đồng nghiệp khi còn ở miền Bắc là chỉ khi nào trở về cố hương ông mới lấy vợ. Và ông đã làm đúng như thế. Tôi hỏi bà Huỳnh Thị Thành là ông đã ngỏ lời yêu bà như thế nào. Bà cười và nói rằng ông gửi cho bà một bức thư vô cùng ngắn ngủi và khô như đất tháng Ba ở quê bà. Bà cũng không hiểu vì lý do gì mà bà yêu ông và nhận lời chung sống với ông cả đời. Nhưng chắc chắn bà yêu ông và lấy ông không phải vì ông là người đã hai lần là Anh hùng. Tiền phụ cấp cho người hai lần Anh hùng chỉ là 300.000 đồng một tháng. Lương hưu của ông là 1.500.000 đồng và thêm 700.000 đồng cho công việc làm thêm sau ngày về hưu. Ông làm thêm bởi ông không thể nào xa được những con bò chứ không phải là chuyện mưu sinh.
Nhà thơ, nhà báo Phạm Đương rất tự hào về quê hương Quảng Ngãi của anh có hai người rất nổi tiếng. Một người làm Thủ tướng và một người chăn bò. Đó là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Anh hùng Hồ Giáo. Phạm Đương viết: “Sau khi rời cương vị đứng đầu Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng thường xuyên về thăm quê Quảng Ngãi của ông hơn. Mỗi lần về Quảng Ngãi, một trong những người mà ông không thể không ghé thăm là Anh hùng Hồ Giáo. Lúc thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng lên trại trâu của ông Giáo tận trên Nghĩa Hành, khi thì ông cho người mời ông Giáo xuống chỗ ông nghỉ để hai người thăm hỏi, hàn huyên hàng giờ. Chỉ một lần gặp gỡ cách nay đã 45 năm mà hai con người ấy đã gắn với nhau như những người ruột thịt. Năm 2000, đồng chí Phạm Văn Đồng từ trần. Trong ngày đại tang ấy tại Hà Nội, giữa một rừng mũ mão cân đai, người ta lại thấy một ông già, tóc húi cua, chân vẫn mang dép lốp, chen giữa đám đông để tiến về phía linh cữu người đã khuất và thắp một nén hương. Người đó là Hồ Giáo. Ông đã thủy chung với Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến những giây phút cuối cùng. Đó cũng là lần thứ ba trong đời, Hồ Giáo đã rơi nước mắt, sau hai cái chết của cha mẹ ông.
Hình ảnh trên của người anh hùng Hồ Giáo làm tôi vô cùng xúc động. Chỉ có rất ít người như ông mới làm được thế. Còn hầu hết mọi người không làm được. Tôi có lẽ cũng khó làm được thế. Chúng ta thường sợ hãi trước quyền thế mà lại không hề sợ hãi với những việc làm thiếu nhân cách của chính bản thân mình. Sau câu chuyện của Phạm Đương, tôi cứ nghĩ mãi về hai con người kỳ lạ ấy của đất Quảng Ngãi. Một nhân cách lớn được đặt vào hai con người với hai vị trí khác nhau. Một nhân cách lớn đặt trong con người của một vị Thủ tướng và một nhân cách lớn được đặt trong con người của một người chăn bò. Hiện thực đó cho tôi nhận ra rằng cho dù ở địa vị nào thì một nhân cách lớn mãi mãi là một nhân cách lớn và một nhân cách tầm thường mãi mãi là một nhân cách tầm thường.
Bây giờ Hồ Giáo vẫn ở trong ngôi nhà ở quê hương ông do bố mẹ ông xây từ năm 1964. Tôi hỏi ông vì sao ông không xây một ngôi nhà khang trang hơn để ở vì ông có quyền được sống trong một ngôi nhà tốt hơn và tiện nghi hơn. Bởi ông đã lao động hết mình cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông cười bảo tôi vì không có tiền để xây chứ không phải lý do nào khác. Ông không có tiền là đúng sự thật. Bởi chỉ với đồng lương như ông đã nhận, thì ông không thể có cơ hội xây một ngôi nhà mới. Tôi hỏi ông ở tuổi 80 ông còn điều gì quan trọng chưa làm được mà nó làm ông dày vò. Ông nói rằng chuyện đó khó nói lắm. Tôi không dám gạn hỏi ông đó là điều gì. Và tôi tin chắc rằng có gạn hỏi thì cũng không bao giờ ông nói. Nhưng ông có than thở về tình người mỗi ngày một khác xưa. Có phải vì thế mà nhiều lúc ông thấy nhớ những con bò ông đã chăm sóc. Nhiều đêm ông tỉnh giấc và nhớ về chúng. Ông nhớ những cái tên đầy yêu thương ông đặt cho chúng. Có những con đã chết, có những con đã già lắm rồi và nhiều con ông không biết số phận sau đó của chúng ra sao. Ông nhớ những con bò như nhớ kẻ tri âm.
Hồ Giáo, ông là ai và ông mang cho chúng tôi điều gì trong cuộc sống này? Đấy chính là câu hỏi quan trọng nhất của tôi. Điều gì đã làm cho ông chưa một ngày vơi lòng yêu thương da diết với những con bò? Điều gì làm cho ông không hề một ngày nao núng với cuộc sống đạm bạc của gia đình ông trước sự giàu có quá trọc phú của nhiều kẻ quanh ông? Tôi thấy, chưa bao giờ chúng ta lại cần đặt lại câu hỏi này như bây giờ. Tình yêu thương với những con vật và sự đắm say với công việc của ông làm cho không ít người chúng ta xấu hổ. Liệu có bao nhiêu người trong chúng ta yêu được như thế và đắm say được như thế? Chính sự hờ hững và nguội lạnh của chúng ta đối với con người, thiên nhiên và đối với công việc hàng ngày đã làm con người và công việc của chúng ta trở nên nhạt nhẽo.
Trong một thời gian quá dài từ thuở đôi mươi đến bây giờ, ông vẫn mải miết đi với đàn bò qua những cánh đồng, những thảo nguyên mà không hay biết quanh ông bao vô cảm, bao tranh giành, bao đố kị, bao ích kỷ, bao trục lợi, bao ngạo mạn, bao thù hận… đang tua tủa mọc lên như gai sắc, như nấm độc. Con đường ông đã đi là con đường của một vẻ đẹp tinh khiết và dâng hiến. Hồ Giáo đã được phong Anh hùng hai lần. Chúng ta có nghĩ tới việc phong Anh hùng lần thứ ba cho ông không? Nhưng phong Anh hùng lần này không phải phong cho việc chăn bò của ông mà vì một điều khác. Điều đó vô cùng cần thiết cho đời sống của con người giờ đây trong xã hội hậu hiện đại.
Theo tôi, lớn hơn tất cả những gì ông đã làm là: Ông là người khắc họa một cách mãnh liệt và lộng lẫy một ví dụ về Hình ảnh nhân tính của thế gian. Và tôi là người đề cử đầu tiên danh hiệu ấy cho một người chăn bò có tên Hồ Giáo.
(Văn nghệ số 42/2013)
Theo Hội nhà văn Việt Nam
|