20 giờ ngày 10/10, những thời khắc cuối cùng để người dân có thể đến 30 Hoàng Diệu viếng Bác Văn. Tôi đi trong dòng người mà như trôi, hồi hộp chờ đến giấy phút chạm cổng nhà. Và đây, vẫn khuôn viên quen thuộc ấy, vẫn mái nhà sau tán cây xanh mướt ấy, 5 ngày rồi, ngập tràn hoa và hoa trên lối đi, trước cửa nhà. Tôi vào phòng viếng, kính cẩn ba lạy, bước gần dến cửa, còn quay lại, ngắm nhìn ảnh Bác Văn một lần nữa nghẹn ngào... thầm gọi Bác Văn ơi!
Tôi đã từng đọc A lếch-xăng Ma- xê -đoan thời cổ đại, vó ngựa phi khắp đế quốc La Mã , Na-pô-lê-ông của nước Pháp chinh phục cả châu Âu thời cận đại, Cu-tu-dốp của nước Nga bách chiến bách thắng, được nhân dân Nga tôn thờ.
Bác Văn của chúng ta là thiên tài quân sự, nhưng trước hết và trên hết, Người sống trong lòng dân, bởi Người biết thương lính, thương dân, biết hy sinh bản thân mình vì nghĩa lớn của dân tộc. Hàng nghìn trang sách Người đã đúc kết chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật chiến tranh nhân dân, từ trận Tổng giao chiến đầu tiên của quân dân Việt Nam trên mặt trận Hà Nội mùa đông năm đến chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh. Tâm sức, trí tuệ đổ trên trang sách, cũng chính là hướng tới cái đích nhân dân được an vui, hòa bình, đất nước ngày càng giàu đẹp.Tinh thần Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh “gan không núng, chí không mòn”, “thần tốc,thần tốc hơn nữa, táo bạo,tạo bạo hơn nữa” đã được thổi vào công cuộc đổi mới trong thời khắc hiểm nghèo của đất nước để chiến thắng đói nghèo. Người không chỉ là một Đại Tướng thiên tài mà còn là một nhà sử học lớn, nhà văn hóa lớn của dân tộc ở thế kỷ XX.
Như những vì tinh tú sáng chói trên bầu trời, mà sự ra đi của các vĩ nhân khiến nhân loại bàng hoàng, tiếc thương; nhưng hơn ai hết, là học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh, Bác Văn đã làm cho thực dân châu Âu đã từng gây ra chiến tranh tàn ác dưới chiêu bài đi khai hóa văn minh phải ngoảnh đầu lại, nhìn về Việt Nam như một biểu tượng của khát vọng sống trong độc lập-tự do- hòa bình, dân chủ, quyết vươn lên xây dựng đất nước giàu mạnh- khát vọng chính đáng của mỗi con người, mỗi dân tộc dưới ánh mặt trời.
Đôi mắt trên ảnh Bác Văn- đôi mắt đã từng thấu suốt bốn phương, đôi mắt đã từng rơi lệ khi anh em hy sinh không một dòng địa chỉ, thương xót chị em nữ dân quân Ngư Thủy, sống vất vả, thiếu thốn… giờ đã khép lại trong cõi vĩnh hằng. Trái tim nhân ái, bao dung của Người, đã tỉnh ngộ cho những thân kiếp người đầy tham- sân- si, đố kỵ, bon chen, tham quyền, cố vị;đã nối kết những vòng tay của muôn dân nước Việt yêu Tổ quốc mình.
Vẫn biết lẽ sinh tử trong cõi vô thường; nhưng tôi tin, Người nằm xuống cũng là lúc một sức sống mới của dân tộc Việt Nam sẽ bừng khởi, để xứng đáng với Người đã suốt đời vì Nước, vì Dân, đạp bằng gian khó, tiếp bước con đường Người đã đi.
Bao em thơ đang về bên Người, chắp đôi tay bé bỏng như búp hoa lạy Người. Sức mạnh của lòng dân, của muôn triệu người tôn người như Đức Thánh của dân tộc, hôm nay, tôi đã thấy khi dòng người vào thắp hương cho Người ở Hoàng Diệu cứ nối dài mãi trong sương se lạnh, nước mắt rơi lã chã trên khuôn mặt em thơ, và cả trên khuôn mặt đã trải bao gió sương của các cựu chiến binh Điện Biên, Tuyên Quang,Hà Nội, vượt hàng trăm cây số, khấn lạy trước di ảnh Người. Xin Người yên giấc ngàn thu trong lòng đất quê hương. Người đã hóa Thánh, vạn cổ anh linh.
Hà Nội, giờ Tý, ngày 11/10/2013( tức mồng 7/9 âm lịch)
Theo Blog của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý