Cứ vào dịp mùa Trung Thu, khí trời thay đổi hẳn. Tiết thu hơi se lạnh, se lại những hạt cốm Vòng, khoác cái áo lụa xanh nõn nà, anh ánh màu vòng cườm thạch anh trên cổ tay. Cốm Vòng gói trong lá sen, còn thoảng hương thơm lưu luyến của mùa hạ. Cốm Vòng là thứ quà quê ẩm thực thú vị với chuối ngả màu trứng cuốc chín thơm.
Và cũng đến độ thu về, chuối chín mới ngả sang cái màu bắt mắt ấy. Không hiểu sao vào mùa Trung Thu có rất nhiều loại quả nhiều sắc màu, hương vị. Hình như những thứ quả ngon nhất trong năm đều dồn lại cho mùa này. Quả hồng như chiếc đèn lồng, có hồng ngâm da diết xanh, có quả hồng trứng mọng đỏ. Rồi bưởi, mâm cỗ Trung Thu không thể thiếu: Có bưởi đặc sản Phúc Trạch vị ngọt và thanh, Bưởi Đoan Hùng quả căng tròn, mọng nước. Độ này nhãn cũng từng chùm lúc lỉu. Còn na cứ mong mở mắt: Na bở và na dai, dẫu có dai gì đâu?! Từng múi na thơm trắng lịm như sữa. Và ổi, ổi đào ruột đỏ, ổi bo quả to ruột trắng, xoài tượng miền Nam thì có quanh năm, rồi chôm chôm, măng cụt. Ôi bao thứ quả nghe cái tên có vẻ xù xì thô rám, nhưng ăn thì ngọt mát tận lòng. Hình như thiên nhiên thời tiết giao hòa đúng nhịp để dành cho mùa Trung Thu, tất cả vị ngọt ngào chắt lọc căng đầy. Có quả, có hương là có chim. Bao loài chim từ đâu bay về ríu rít vườn nhà. Cứ lần theo dấu chim, tiếng chim ta sẽ tìm ra quả chín…
Có lẽ mười hai mùa trăng rằm trong năm thì trăng Trung Thu sáng nhất, tròn nhất và gợi cảm nhất! Cũng ít có vật thể nào trong vũ trụ lại mang hai cái tên thuộc hai giới tính khác nhau theo cách gọi trìu mến khác nhau như vầng trăng. Trăng được các em gọi: Là ông trăng, là chị Hằng. Gọi ông Trăng là một sự tôn kính, chị Hằng là một sự mến thương. Gần gũi hơn cả là hình ảnh chú Cuội trong trăng với con trâu dưới gốc cây đa đã in vào tâm thức trẻ nhỏ. Dám chơi với chú Cuội mà không học theo chú Cuội là một phẩm cách tự lớn của mình.
Mùa Trung Thu bắt đầu từ trước đó cả một thời gian dài khi ông ra vườn chặt tre vót nan hong khói cho dẻo cho mềm để uốn thành đèn ông sao, đèn kéo quân. Rồi công phu hơn thì sắm cả đầu lân, rước múa sư tử. Đây quả là một công trình đòi hỏi thời gian và bàn tay khéo léo của nghệ nhân, tất cả dành tình yêu thương cho trẻ nhỏ. Rồi nhịp trống “tùng… ring” cũng được căng ra từ da bò, da trâu đã ngâm, đã thuộc với tang trống là gỗ mít. Tiếng trống vừa xưa, vừa nay, vừa cũ vừa mới, vừa náo nức vừa như hoài niệm. Tiếng trống Trung Thu cũng có hồn, có sinh khí trí lực, ở đây nhịp trống là nhịp bước đi từng chùm ngắn nhưng đĩnh đạc rộn ràng. Tiếng trống lan từ ngõ này sang xóm khác, cứ nối dài thêm ra. Mùa Trung Thu như trẻ lại, như hồi sinh. Tình xóm nghĩa làng lan rộng ra thành tình yêu đất nước. Mới hay, tre già cũng thường chọn tháng 8 để mọc măng, măng Trung thu là măng thẳng, căng tràn khát vọng …
Mùa Trung Thu cũng bắt đầu từ trước đó rất lâu, khi bà và mẹ đã chọn gạo nếp thật trắng, thật thơm để xay bột phơi khô làm bánh. Bánh Trung thu hình vuông, khuôn như dấu triện xưa ấn xuống bởi đức sinh thành và ước vọng. Nhân bánh là nhân đậu, nhân thịt, nhân đường. Có lẽ đây cũng là một loại “Bánh Chưng” độc đáo, không cần vỏ lá không luộc mà hấp thành bánh dẻo, nướng thành bánh nướng. Cái bánh nhìn đã thấy gọn, vừa vặn lòng tay. Bánh thật mềm, thật dẻo để bà cũng có thể thưởng thức khi răng đã yếu, bé có thể ăn khi răng sữa mới mọc. Đến cái bánh Trung Thu cũng hàm chứa bao triết lý chia sẻ cộng đồng. Bánh không chỉ dành để ăn mà để điểm tô trong mâm cỗ như một tác phẩm hội họa sắp đặt theo trí tưởng tượng của các em bày ra thật hoàn hảo.
Mỗi năm có hai cái tết dành cho tuổi thơ. Cái Tết Trung Thu là Tết trăng rằm thật tròn đầy khao khát viên mãn. Tết vào dịp giữa năm sau một mùa hè vui chơi để bước vào năm học mới. Sau tiếng trống khai trường là nhịp trống Trung thu …
Nguyễn Ngọc Phú (giadinh.net)