Cứ vào độ rằm tháng Chạp hàng năm, khi nhà nhà bắt đầu tước lá cho cây mai trước cửa, cũng là lúc Nội tôi chọn mua loại nếp ngon nhất. Tự tay bà ngồi sàng hơn chục ký nếp để lựa sạn và bỏ đi những hạt nếp xấu. Rồi bà lui cui xắt khóm ngâm cùng phân nửa số nếp đã sàng để bắt đầu khâu gói bánh tét và bánh ít.
Là tay sai vặt trong nhà nên những ngày cuối năm này, chị em tôi cũng tất bật theo Nội. Bắt đầu là rọc lá chuối, phơi lá, lau lá để Nội xé sẵn kích thước phù hợp với hai loại bánh. Tiếp đến là chọn dây buộc bánh tét sao cho thật chắc và đủ dài để bao quanh bánh. Rồi dằn bột, phơi bột, mua đậu xanh, đường, chọn dừa và mua thịt mỡ để làm nhân bánh… và chọn củi để hấp bánh. Chừng ấy việc tưởng chừng đơn giản nhưng nếu sơ suất ở công đoạn nào là bánh mất ngon ngay.
Nội đi lại rất khó khăn kể từ khi mắc chứng tai biến mạch máu não, vì vậy, hễ thấy bà cháu tất bật chuẩn bị gói bánh tết là mẹ và các cô cứ can ngăn. “Con cháu đi làm ăn xa, một năm đoàn tụ chỉ có ba ngày Tết, thôi thì gói chút bánh cúng ông bà tổ tiên cho vui nhà vui cửa khi tụi nó ghé thăm, sẵn tiện làm quà Tết cho chúng nó”. Nội thường trả lời như thế khi có ai hỏi sao già rồi mà bày vẽ chi cho cực, trong khi bánh Tết bày bán đầy ngoài chợ. Mẹ và các cô cũng thường giả bộ cằn nhằn rằng “Tết nhứt người ta cầu cho sung túc, đầy đủ, Má cứ gói bánh tét, bánh ít thì biết khi nào làm ăn mới khá” để Nội thôi không gói bánh nữa. Thế nhưng nhìn bà cười hề hề và vẫn vui vẻ chuẩn bị tất-tần-tật mọi thứ ai cũng thương nên không càm ràm thêm nữa.
Ba mươi Tết, sau mâm cỗ cúng tổ tiên, Nội nhờ mẹ và thím Út sang phụ Nội gói bánh. Mẹ xào nhưn, thím Út nhồi bột rồi phụ Nội bắt bánh ít và gói bánh tét, còn nhiệm vụ của chị em tôi là đun sôi nồi nước thật to và lần lượt cho bánh vào nồi. Nhà đông cháu, thế nhưng chỉ có chị em tôi là được ưu ái đun bếp hấp bánh Tết. Nội nói rằng mấy đứa lì và cứng đầu không được hấp bánh vì như vậy bánh sẽ không chín, hoặc chín không đều. Tôi thắc mắc tại sao, Nội cười tủm tỉm bảo ông bà già xưa nói vậy.
Nồi bánh Tết được giữ lửa đến tận nửa đêm để cùng cả nhà đón giao thừa. Trong khoảng thời gian đó, Nội bày bánh mứt lên bàn thờ để cúng tổ tiên và rước ông Táo về nhà trước khi pháo hoa bắn mừng năm mới được tường thuật trực tiếp trên ti-vi. Bà cháu phấn chấn giở nồi bánh để nếm thử những chiếc bánh nóng hổi đầu tiên. Mùi bánh thơm nức mũi, béo ngậy thịt mỡ và thật ngon miệng. Dĩ nhiên người xông đất nhà bà và nhận được bao đỏ đầu năm trước tiên cũng là chị em tôi vì hai đứa đã diện quần áo mới sang nhà bà từ lúc chiều.
Sáng mồng Một, bánh tét được xắt khoanh thật đều tay và bánh ít được bày ra trên mâm cỗ. Con cháu về quây quần bên Nội và thưởng thức những chiếc bánh bà tự tay làm. Suốt cả năm, đây là ngày tôi thấy Nội tôi cười nhiều nhất.
Một mùa xuân nữa sắp về. Rằm tháng Chạp này, mẹ tôi đã chọn được nếp ngon và chuẩn bị mọi thứ để gói bánh Tết. Chị gái đã lập gia đình nên năm nay chỉ có mình tôi dưới bếp. Ngày gói bánh năm nay sẽ là ngày 29, tối giao thừa, tôi sẽ đặt lên bàn thờ Nội đĩa bánh Tết để bà về quây quần bên con cháu. Cái Tết đầu tiên không có Nội ở bên, chúng tôi sẽ nhớ và thương bà thật nhiều.
Một mùa xuân mới sắp về, tôi nghe mùi bánh Tết bà gói thoảng vấn vương trong làn gió mới.
(Phụ nữ TP)