Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Tôi yêu Việt Nam - Võ Khắc Nghiêm Tôi yêu Việt Nam - Võ Khắc Nghiêm , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

VanVN.Net - Sáu mươi tám năm trước Bác Hồ đặt ra ba mục tiêu quan trọng: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm. Cả ba mục tiêu đó nhân dân ta đã thực hiện xuất sắc. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những dư chấn vẫn còn khá nặng nề, không chỉ còn bom mìn, chất độc màu da cam mà còn nhiều hệ lụy khác giày vò nhiều gia đình cho dù không còn mấy ai bị đói hay mù chữ...

 

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945

 

 

Trong cuộc sống hằng ngày ta thường gặp những điều ngang trái, những chuyện bực mình rồi oán trách, chê bai, than vãn... Nhưng hồi ức lại chặng đường mình đã đi qua, đất nước đã vượt qua với biết bao gian khổ, nhọc nhằn và nhìn ra xung quanh, ta bỗng cảm thấy mình thật may mắn với những gì đã đạt được, đã có được. Tôi thường lắng nghe tiếng nói của các bạn Việt kiều và các nhà khoa học ở những nước phát triển. Dù còn những điều họ chưa hài lòng, còn mong muốn cao xa hơn, nhưng những nhận xét của họ về đất nước ta luôn khách quan, đúng đắn với niềm tự hào và sự thừa nhận về bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam. Một nhà sử học Anh nói: “Nếu năm 1945, chính phủ Mỹ công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì người Anh không thể cho quân Pháp núp bóng trở lại xâm chiếm Việt Nam, và vị trí của Hoa Kỳ ở Việt Nam và Châu Á đã đặc biệt hơn cả Nga lẫn Tàu, lại không phải hao tổn qua nhiều binh sĩ và tiền bạc sa lầy hàng chục năm để bây giờ Mỹ đang phải vội vàng trở lại giành ảnh hưởng ở Châu Á. Rõ ràng Chủ tịch Hồ Chí Minh không thiếu chữ nghĩa nhưng đã hướng về nước Mỹ bằng cách đưa tinh thần chủ đạo của tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ mở đầu cho bản tuyên ngôn độc lập khai sinh  nước Việt Nam Mới vì ông tin vào sự tốt đẹp của thể chế, tiềm lực và vị thế Hoa Kỳ...”. Theo tài liệu lưu trữ thì sau ngày 2/9/1945, Bác Hồ chỉ gửi đi 2 bức điện cho Hoa Kỳ và cho Trung Hoa Dân Quốc kèm theo bản Tuyên ngôn Độc Lập, tha thiết đề nghị họ công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta... Tiếc thay, phải mất hơn nửa thế kỷ sau Mỹ mới có Đại sứ tại Hà Nội... Người Mỹ đã đánh giá thấp người Việt...

 

Từ những quả dưa đỏ tượng trưng

Mùa hè năm nay, bạn tôi, một doanh nhân Việt kiều từ Vương quốc Bỉ về thăm quê hương cùng với cậu con trai vừa tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Paris. Chàng trai nói tiếng Việt chưa thật sõi, nhưng lại tỏ ra rất am hiểu văn hóa và tình hình kinh tế nước nhà: “Chuyện cổ tích Việt Nam rất hay, nhiều chuyện sâu sắc, độc đáo. Thích nhất là chuyện Cây tre trăm đốt với câu thần chú xuất - nhập thật tài tình. Cháu tin rồi sẽ có người Việt trồng được cây tre trăm đốt. Còn chuyện Quả dưa đỏ của An Tiêm thì có nhiều ý nghĩa sâu xa hơn cả Robinson giữa hoang đảo. Cộng đồng người Việt ở đâu cũng cần cù sáng tạo làm ăn, cũng muốn làm ra những quả dưa đỏ...”.

Anh bạn tôi ngày ấy chạy chọt mãi mới được đi lao động ở Liên Xô. Bán sạch cơ nghiệp mua được mấy chục chiếc đồng hồ điện tử và ít quần áo bò mang theo, vậy mà làm nên cơ nghiệp ở Nga, rồi lấy vợ Việt kiều ở Bỉ, trở thành nhà doanh nghiệp giàu có. Vì mặc cảm với cơ quan cũ và chẳng còn ai thân thích ở quê nhà nên anh ít về nước. Thời bao cấp lương không đủ nuôi con, hầu hết công chức nghèo phải làm thêm đủ thứ việc, từ nuôi lợn, nuôi gà đến may đan, chạy chợ bán gạo, bán chè... nhưng chẳng mấy ai dám bỏ cơ quan để trở thành “con phe”, “con buôn”. Chỉ riêng việc thay đổi cách gọi là “nhà buôn”, “nhà doanh nghiệp”, “doanh nhân” nghe sang như bây giờ đã là cả một quá trình chuyển biến lớn trong ý thức hệ người Việt Nam gắn liền với sự thừa nhận giá trị của kinh tế tư nhân trong cơ chế thị trường.

Nhờ sự điều chỉnh mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế, trong chính sách đối ngoại mềm mại, mở rộng quan hệ đa phương, Việt Nam đã nhanh chóng tăng trưởng cao trong nhiều năm liền, đưa nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh chiếm lĩnh thị trường thế giới. Kiều bào ta ở hải ngoại vui mừng chào đón những mặt hàng chất lượng cao mang thương hiệu Việt Nam, tự hào trước vị thế mới của Việt Nam khi gia nhập khối ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, rồi gia nhập WTO, mạnh mẽ vươn lên trong hội nhập toàn cầu, vững vàng vượt qua hai cuộc khủng hoảng kinh tế lớn của cả thế giới.

Bạn tôi tâm sự: Thấy Việt kiều khắp nơi về nước làm ăn, vợ chồng tôi cũng muốn lắm, nhưng cứ ngài ngại... không biết có hiệu quả, có bền vững được không. Nay biết tin Nhà nước sẽ cho Việt kiều có visa trên ba tháng sẽ được mua nhà, vợ tôi vui lắm, giục tôi phải về ngay...

Tôi nói rõ thêm với anh những chủ trương mới của Nhà nước về cải cách hành chính, về cơ cấu lại các doanh nghiệp, điều chỉnh thuế thu nhập, mạnh dạn kích cầu tiêu dùng, nhất là về bất động sản: Hiện đã có trên 3.600 doanh nghiệp Việt kiều đầu tư 8,6 tỷ USD và kiều hối gửi về nước đã trên 10 tỷ USD/năm, chiếm gần 10% GDP của cả nước. Phải chăng đó là những “quả dưa đỏ tượng trưng” của cộng đồng người Việt ở hải ngoại luôn hướng về Tổ quốc. Bố con anh bạn nhìn nhau gật gù. Chàng trai nhỏ nhẹ: Lâu nay qua báo chí, truyền hình, cháu vẫn biết đất nước mình đã thực sự đổi mới, đang hội nhập toàn cầu, nhưng không thể hình dung nổi chất lượng cuộc sống của toàn dân đã nâng lên vượt bậc như thế này. Quả thật ở Bỉ cũng không nhiều xe sang, nhiều hàng xịn của khắp thế giới như ở Việt Nam..

Trầm ngâm nhấp ngụm trà Tân Cương, bạn tôi nhắc lại gói chè Hồng Đào và bao thuốc Điện Biên tôi tặng dịp Quốc Khánh năm nào... Chàng trai chăm chú lắng nghe chúng tôi hồi ức, không như cô con gái ông hàng nước đầu ngõ chẳng chịu đi xe Chaly của bạn trai mà đòi phải là xe Liberti chính hãng kia. Bà mẹ mắng: Thời chúng tao yêu nhau chỉ mong có chiếc xe đạp đèo nhau lên Hồ Tây đã hạnh phúc lắm rồi. Cô gái xẵng giọng: Thời mẹ khác, so sánh thế nào được... Quả là không nên lấy cái sự khổ cực của đời mình mà bắt con cháu phải sống như mình, và cũng chẳng nên lấy sự nghèo khó làm niềm tự hào cho cái sự trong sạch hay biện minh cho sự bất tài vô dụng. Nhưng trong no ấm, đầy đủ, người ta thường có những đòi hỏi, những mong muốn vật chất quá cao, thậm chí lố lăng. Cô gái không thể nào hiểu được với cái ấm chè chén vỉa hè mẹ cô đã nuôi ba đứa con tốt nghiệp đại học đã là chuyện phi thường. Rất nhiều người mẹ đã quên cả tuổi xuân, thức khuya dậy sớm bán xôi, bán bún, nuôi lợn nuôi gà, chạy chợ kiếm từng mớ rau vì tương lai con cháu... Có nhớ lại thời xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, xóa bỏ tem phiếu khó khăn, lấn cấn thế nào mới hiểu được giá trị của những phiên chợ sầm uất, những siêu thị ngập hàng hôm nay...

 

Việt Nam đã có nhiều người giàu

Vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 năm nay, lượng du khách vào Việt Nam tăng khá cao mặc dù đang mùa mưa bão. Cùng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thảo khoa học, hội chợ, lễ vu lan rằm tháng bảy... Chính phủ đang có những quyết sách mới mang tính chiến lược nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và kích cầu tiêu dùng nội địa. Nhiều Việt kiều đã xin gia hạn visa để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Một nhà báo trẻ theo dõi phiên họp của ủy ban Thường vụ Quốc Hội thảo luận về việc cho phép mở Casino và cá cược bóng đá đã nhận xét rằng đây thực sự là một cuộc cách mạng trong nhận thức của cơ quan Lập pháp và Hành pháp của nuớc nhà, đồng thời cũng phản ánh nhu cầu chính đáng của đông đảo công chúng khi đã thực sự được ăn ngon mặc đẹp, tìm niềm vui trong những trò chơi tốn kém. Thực ra thì xổ số cũng là trò chơi cờ bạc hợp pháp đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách. Lâu nay dù ngăn cấm thì vẫn không cấm nổi những người máu mê lô đề, cờ bạc, cá độ cả ra nước ngoài, để mất những khoản ngoại tệ khổng lồ. Khi chấp nhận cơ chế thị trường quốc gia nào cũng nhận thức được những mặt trái của hội nhập, cạnh tranh. Với Việt Nam, sự thận trọng quá mức đã để lỡ nhiều cơ hội phát triển nhanh hơn. Thay cho những lời hoa mỹ sáo rỗng, nhân dân đang nóng lòng đón đợi những quyết sách  đột phá cho mục tiêu Dân giàu - nước mạnh, xã hội dân chủ - công bằng - văn minh. Cùng với những biện pháp quyết liệt chống tham nhũng, việc cho hình thành những Đặc khu kinh tế như Vân Đồn, Phú Quốc, thí điểm tổ chức Thành phố Đô thị, bỏ Hội đồng nhân dân các cấp Quận, Huyện, Xã, Phường và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo hướng cổ phần hóa nhanh và những điều chỉnh về thuế... báo hiệu Việt Nam đang thực sự đổi mới toàn diện hơn. Dịp này, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) cũng đã có cuộc khảo sát thận trọng và thay đổi nhận định về Việt Nam rằng: Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang phát triển ổn định, giảm lạm phát đáng kể, xuất khẩu tăng cao, năm 2013 có thể đạt tăng trưởng 5,5%..

Nhiều phóng viên nước ngoài thừa nhận: Dù thu nhập bình quân của người Việt còn thấp, nhưng mức sống khá cao nhờ giá lương thực, thực phẩm, điện, nước rẻ. Phần lớn các gia đình ở các đô thị đều đã sắm được đủ tiện nghi sinh hoạt cao cấp không kém gì các nước phát triển. Dường như hàng điện tử, điện lạnh, xe đạp, xe máy đang quá dư thừa. Hàng may mặc Việt Nam ngày càng có uy tín, xuất khẩu đã vượt mốc 10 tỷ USD/năm. Cùng với gạo, cà phê, hồ tiêu... các mặt hàng thủy sản, da giày, đồ gỗ Việt Nam đang chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng. Cùng với sự tăng tốc nhanh sản lượng Than, Điện lên hơn 10 lần trong 20 năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong thăm dò, khai thác dầu khí và công nghiệp hóa dầu, phát triển nhanh các hải cảng. Việt Nam đã thực sự làm chủ an ninh lương thực và an ninh năng lượng, không chỉ bảo đảm cho dân chúng đủ tiêu dùng với giá hợp lý mà còn xuất khẩu khá nhiều. Từ vài trăm triệu đã nhanh chóng vươn lên 60-70 tỷ USD, góp phần chủ lực đưa GDP Việt Nam vượt lên gần 130 tỷ USD/năm... Tuy nhiên cũng có những cây bút nước ngoài thích bới lông tìm vết, thích xỉa xói, mới đây, một trang mạng “phát hiện” rằng đồng tiền Việt Nam có giá trị thấp nhất, 33.000 VNĐ mới đổi được 1 Bảng Anh. Bạn Việt kiều cười to: Nhưng một Bảng ở London chỉ mua được ba quả ớt thôi, còn ở Việt Nam thì 33 ngàn đồng đã là một bữa cơm bình dân có cả bia hơi của một sinh viên đấy. Chính Bảng Anh là đồng tiền mất giá nhất so với các ngoại tệ mạnh, từ 1 Bảng được 2 USD nay chỉ còn 1,54 USD. Tuy đồng tiền nước ta có bị mất giá do lạm phát nhiều năm, nhưng xem ra lại vẫn còn dễ chi tiêu và phù hợp với mọi đối tượng...

Mấy anh bạn Việt kiều tỏ ra rất ngạc nhiên khi chứng kiến việc Ngân hàng Nhà nước đã bán ra 54 tấn vàng trong có vài tháng với 52 lần đấu giá. Sức mua lẻ vàng của người Việt đã tăng nhanh trong vài năm gần đây dù giá cao hơn giá thế giới có lúc đến 10%. Họ coi đó là thước đo quan trọng đánh giá nội lực của sức dân, cùng với số lượng người đi du lịch, đi chùa cúng bái. “Phú quý sinh lễ nghĩa” mà. Tôi bỗng nhớ năm 1975, khi  tìm hiểu về 16 tấn vàng dự trữ của ngân khố Việt Nam Cộng Hòa để viết kịch bản phim và tiểu thuyết, mới nghe 16 tấn vàng thì thấy ngợp quá, nhưng quy ra tiền lúc ấy có 220 triệu USD, chỉ bằng một phần tư viện trợ Mỹ dành cho Sài Gòn năm 1974 (năm 1975 giảm xuống còn 750 triệu USD, nhưng chỉ mới chi trên 200 triệu). Trong tâm linh người Việt Nam, vàng là thứ để dành cho con cháu và phòng thân. Không chỉ người giàu có mà người nghèo cũng muốn tích cóp chút vàng. Chưa ai thống kê chính xác được số lượng vàng trong dân chúng, nhưng chỉ cần thống kê số lượng vàng đã nhập, đã xuất (kể cả vàng chế tác trang sức) thì có thể đã lên đến cả nghìn tấn. Xin đừng quá bận tâm đến việc ngân hàng Nhà nước có nên kinh doanh vàng không, mà hãy nhìn vào nhu cầu tiêu dùng của dân.

Quả là đời sống của nông dân vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, nhưng từ 40% hộ nghèo, nay chỉ còn trên 10% theo chuẩn nghèo mới của Liên Hợp Quốc, thì đó thực sự là một kỳ tích, một buớc phát triển quan trọng, được thế giới ca ngợi.

Dân có giàu nước mới mạnh. Điều đó ai cũng biết, nhưng làm thế nào để dân giàu lên nhanh chóng thì quả là vô cùng gian nan, mà những nôn nóng đòi “đi tắt, đốt cháy giai đoạn - duy ý chí...” đều phải trả giá đắt. Nhưng cũng thật tai hại khi lưỡng lự trong hoạch định phát triển kinh tế để mất những cơ hội tăng trưởng thuận lợi. Vậy nên cần có cái nhìn khách quan để trân trọng hơn trước tất cả những gì đã đạt được và nhìn thấu những việc cần làm trước mắt. Từ một đất nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, luật pháp chưa hoàn chỉnh, việc chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường thực chất là chuyển đổi ý thức hệ, đòi hỏi phải thay đổi từ cách nghĩ đến cách làm, từ tổ chức quản lý đến hệ thống điều hành luật pháp... Khi gia nhập WTO, chúng ta phải vội vàng xây dựng hàng loạt bộ luật mà đến nay vẫn phải tiếp tục hoàn thiện và xây dựng thêm nhiều bộ luật mới. Vậy mà vẫn còn khá nhiều lệ gây không ít phiền hà.

Công cuộc đổi mới đã giúp cho một nhiều người Việt giàu lên. Đành rằng có những kẻ giàu lên bằng tham nhũng, buôn lậu... Đó là những con sâu trong nền kinh tế. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều doanh nhân tài năng đã giàu lên nhờ năng động làm ăn chân chính, đã rất sáng tạo, mạnh bạo trong sản xuất kinh doanh, tạo dựng những thương hiệu Việt nổi tiếng, thu hút hàng triệu lao động. Tuy khoảng cách giàu nghèo đã gia tăng, nhưng so với các nước phát triển thì chưa lớn. Người Việt hôm nay đã nhận thức được giá trị của làm giàu chân chính. Người giàu phải có trách nhiệm với người nghèo và người nghèo cần tôn trọng người giàu để họ giúp mình thoát nghèo. Dường như đã có thêm những bản sắc mới mẻ trong cách sống, cách nhìn nhận của người Việt ta... Thói đố kỵ, ghen ăn tức ở giảm rất nhiều. Cả làng mừng vui khi có cô bé thi đậu thủ khoa, cả huyện tưng bừng đón doanh nhân nhận được cúp vàng thương hiệu uy tín nhất ASEAN... Mới đây cả nước xúc động chia sẻ với gia đình chàng trai đã nhường áo phao cho đồng đội, tự nguyện chấp nhận hy sinh trong biển lạnh. Giữa sự xô bồ cạnh tranh vẫn lấp lánh những vẻ đẹp cao quý, sang trọng được tôn vinh xứng đáng. Sức mạnh đoàn kết cùng lòng yêu nuớc nồng nàn chính là nguồn năng lượng vô giá của BẢN SẮC VIỆT NAM.

 

(ảnh: tamnhin.net)

Tôi yêu Việt Nam

Sáu mươi tám năm trước Bác Hồ đặt ra ba mục tiêu quan trọng: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm. Cả ba mục tiêu đó nhân dân ta đã thực hiện xuất sắc. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những dư chấn vẫn còn khá nặng nề, không chỉ còn bom mìn, chất độc màu da cam mà còn nhiều hệ lụy khác giày vò nhiều gia đình cho dù không còn mấy ai bị đói hay mù chữ... Ngày nay với gần 90 triệu dân, mỗi năm có trên một triệu sinh viên đại học, cao đẳng ra trường, dù khó tìm việc làm thì ít ra những thanh niên được học hành cũng có thể đủ kiến thức để lập nghiệp. Rất nhiều cử nhân đã trở thành những tỷ phú, những chủ doanh nghiệp, chủ trang trại, tạo biết bao công ăn việc làm cho bà con xóm làng. Sự lo lắng về chất lượng giáo dục rất đáng được quan tâm đặc biệt cùng với những đòi hỏi cao hơn về y tế, văn hóa. Nhưng không ai có thể phủ nhận những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước đã nâng tầm vóc Việt Nam, nâng giá trị con người Việt Nam. Trong chương trình “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9” với sự tham dự của hàng trăm nhà khoa học nổi tiếng thế giới, trong đó có 5 người từng đoạt giải Nobel, với 4 cuộc hội thảo quan trọng, nền khoa học của Việt Nam được bạn bè Thế giới ca ngợi, đặc biệt nhất là việc chăm chút cho những tài năng trẻ và coi trọng khoa học cơ bản... trong thời gian tới, trước những biến động phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu và biến đổi khí hậu, Việt Nam cần phải tìm ra những giải pháp hữu hiệu từ nguồn năng lực tiềm tàng của chính mình với tầm nhìn khoa học thông minh.

Để vươn tới một nền kinh tế tri thức thông minh, đưa đất nước tiến nhanh trên con đường công nghiệp hiện đại, muốn cho dân giàu, nước mạnh cần phải vỗ về sức dân, mở rộng dân chủ hơn nữa, phải thực sự công bằng trong mọi lĩnh vực. Đặc biệt là công bằng với mọi doanh nghiệp, mọi tầng lớp nhân dân, công bằng trong đãi ngộ mới tận dụng được nhân tài mới huy động được sức lực toàn dân, mới chiếm được niềm tin của nhân dân. Hãy mạnh mẽ cải cách chế độ tiền lương đã quá lỗi thời, không thể kéo dài tình trạng tăng lương nhỏ giọt hàng năm chỉ xấp xỉ với mức lạm phát, thực chất chẳng tăng được gì. Cùng với việc chấn hưng đạo đức, kiện toàn bộ máy công chức Nhà nước cần dũng cảm, kiên quyết chống đặc quyền đặc lợi, coi đó là quả đấm thép  chống tham nhũng... Đó là những ý kiến tâm huyết, chân thành của nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia kinh tế rất đáng trân trọng, rất cần được đưa vào những chương trình hành động thay cho những lời hoa mỹ sáo rỗng. Lịch sử đang bước sang những trang mới, thời cơ mới rồi...! 

Tết Độc Lập, gặp lại chàng cử nhân Việt kiều Bỉ, thấy anh say sưa kể về chuyến hành hương xuyên Việt cùng nhiều sinh viên tình nguyện của Pháp, Mỹ, úc, Nhật, Singapore, rồi tự bỏ tiền xây nhiều nhà tình nghĩa ở miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, tôi hỏi cảm xúc thế nào? Chàng trai nhanh nhảu đáp: Cháu xin mượn câu trả lời của một bạn gái Singapore, rằng: Tôi yêu Việt Nam, một đất nước giàu đẹp, nhiều sông núi, hoa quả, nhiều món ăn ngon và rẻ, con người hiền hậu, chất phác và hiếu khách.... Chắc chắn tôi sẽ trở lại Việt Nam nhiều lần nữa...

“Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời...”. Chàng trai ngẩng cao đầu hát vang bản Tình ca bất hủ của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Nắng đầu thu đang dát vàng loang loáng mặt hồ Tây. Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe... tiếng thì thầm của núi sông, tiếng thì thầm của lòng dân.

 

(Văn nghệ số 35 – 36/2013)

Theo Hội nhà văn Việt Nam


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 65242448

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July