Trong thời đại hiện nay, nhắc đến kỹ thuật, người ta sẽ nghĩ ngay đến các loại công nghệ như: Tự động hóa, công nghệ số, công nghệ nano, công nghệ năng lượng mới, công nghệ vũ trụ... Sự phát triển chóng mặt của khoa học kỹ thuật biến rất nhiều loại máy móc, vũ khí trang bị trong một quãng thời gian… không dài lắm trở nên lạc hậu. Tuy nhiên, với một đất nước chưa có điều kiện như nước ta, rất nhiều chuyên ngành, Quân đội mới chỉ dám xác định “chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, vậy thì, sẽ phải làm thế nào để những vũ khí, trang bị chưa thể hiện đại hóa ngay ấy, không bị lạc thời? Tôi đã dành hỏi câu hỏi đó cho Trung tướng Hà Minh Thám - Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật trong một cuộc trò chuyện vào những ngày đầu hạ này và nhận được từ ông nụ cười ấm áp cùng những chia sẻ hết sức thú vị.
Bằng giọng chậm rãi và chắc nịch, cái chắc nịch đầy hồ hởi của chàng thanh niên 17 tuổi ở một vùng quê Hải Dương viết đơn bằng máu vào những ngày cuối năm 1972 để được đi chiến đấu, cái chậm rãi, chắc nịch của một người lính mà sự dãi dầu trận mạc, vào sinh ra tử, chinh chiến hết chiến trường này đến chiến trường khác qua hai cuộc chiến tranh chống Mỹ và bè lũ diệt chủng Polpot vẫn hằn in trong đôi mắt điềm tĩnh thuần hậu, ông bảo, trong lịch sử chiến tranh giữ nước của ta, nói về vũ khí trang bị kỹ thuật, chưa bao giờ chúng ta hơn đối phương, mà cơ bản thô sơ, lạc hậu hơn là chủ yếu. Chả nói đâu xa, hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, rõ ràng nếu nói đến tương quan vũ khí trang bị, quân đội ta làm sao bì được với các loại máy bay, chiến hạm, xe tăng, trọng pháo và tên lửa, thậm chí vũ khí nguyên tử của đối phương? Ấy vậy mà đối phương vẫn thua, thua một cách tâm phục khẩu phục! Để lý giải điều đó, nếu đặt các yếu tố khác ra một bên, mà chỉ nhìn dưới góc độ nghệ thuật sử dụng vũ khí trang bị có trong tay, ta có thể khẳng định rằng: Một trong những yếu tố làm nên thắng lợi, đó chính một phần bởi vì chúng ta giỏi “xoay xở!”. Xoay xở với những vũ khí, trang thiết bị mà ta đang có theo cách của ta, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, trong đó, vai trò của những người lính kỹ thuật là hết sức to lớn! Còn bây giờ, chúng ta đang làm thế nào với những lĩnh vực chưa được Quân đội xác định tiến thẳng lên hiện đại ư? Thì mời các nhà văn xuống các nhà máy, đơn vị của Tổng cục kỹ thuật để “tận mục sở thị” xem những người lính kĩ thuật chúng tôi “xoay xở” thế nào.
|
Lãnh đạo Tổng cục Kỹ thuật kiểm tra chất lượng thực hiện công tác kỹ thuật tại Kho J106 (Cục Xe máy, Tổng cục Kỹ thuật) |
“Xoay xở” với kỹ thuật công nghệ mới
Đơn vị đầu tiên mà chúng tôi xuống đó là nhà máy sửa chữa ô tô Z157. Vốn là một nhà máy chuyên sửa chữa khắc phục các loại xe chỉ huy đời cũ của các nước Xã hội chủ nghĩa trước đây, nên sau khi Liên Xô tan rã, xe chỉ huy của rất nhiều cơ quan, đơn vị trong toàn quân bắt đầu được thay thế bằng loại xe thế hệ mới của các hãng nổi tiếng thế giới như Toyota, Ford, Nissan, Missubisi... Trong khi đó, nhà máy lại chưa được trang bị con người cũng như nhà xưởng để đáp ứng việc tiếp cận các dòng xe ấy. Làm thế nào để nắm bắt công nghệ và có một hạ tầng cơ sở phục vụ cho việc sửa chữa chúng? Đó là một bài toán không hề dễ dàng đặt ra cho lãnh đạo nhà máy. “Cái khó ló cái khôn” các anh ạ! Đại tá, giám đốc Nguyễn Đắc Ngọc vừa cười rạng rỡ vừa đưa tay chỉ khu nhà xưởng hợp tác với hãng Toyota Việt Nam mới xây dựng nằm ở phía bên phải của sở chỉ huy. Quả thật, thời gian đầu số lượng xe chỉ huy đời mới của Nhật, Hàn Quốc… đưa về sửa chữa còn ít, các vấn đề hỏng hóc về kỹ thuật chưa đa dạng, chúng tôi còn mầy mò tự khắc phục, nhưng về sau thì càng ngày càng nhiều và phức tạp, trong khi kỹ sư, thợ xe, nhà xưởng thì lại không thể đáp ứng. Giữa các dòng xe cùng một thời thôi, đã có rất nhiều khác biệt về kỹ thuật rồi chứ nói gì đến giữa các thế hệ xe của các nước ở hai hệ thống Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa. Vậy là Đảng ủy, Ban giám đốc chúng tôi ngồi lại với nhau để tìm biện pháp khắc phục. Chúng tôi xác định, phải tìm cách “xoay xở” trong cái vốn mà mình đang có, cái vốn đó, chính là đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề và cơ sở nhà xưởng. Chỉ cần họ được tiếp xúc, học hỏi, chắc chắn việc tiếp thu công nghệ của các dòng xe mới sẽ rất nhanh. Để giải quyết vấn đề sửa chữa trước mắt, vì không có liên kết chính thống với các hãng xe đời mới để đào tạo cán bộ, thợ kỹ thuật, nên chúng tôi đành phải tìm cách học “chui” học “lỏm”. Chúng tôi chọn một số cán bộ, thợ sửa chữa lành nghề của mình cho ra các ga ra lớn, các xưởng sửa chữa ở ngoài, để làm thuê nhằm làm quen với kỹ thuật và tiếp nhận “công nghệ” của các loại xe đời mới. Khi đã có một đội ngũ có vốn hiểu biết về các dòng xe này, chúng tôi liên hệ với các hãng lớn đang có trụ sở ở Việt Nam như Toyota chẳng hạn, để họ giúp về lý thuyết, liên kết với họ để có cơ sở nhà xưởng với các thiết bị sửa chữa cũng như phụ tùng thay thế chính hãng nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời nâng cao tay nghề kỹ sư, thợ lành nghề của nhà máy… Song song với việc đó, chúng tôi chú trọng tuyển dụng với chính sách ưu tiên thu hút các kỹ sư, thợ bậc cao của các dòng xe mới… Xuất phát từ hướng đi đúng ấy, chúng tôi ngày càng có đông đảo đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật lành nghề của các dòng xe thế hệ đời mới để có thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Năm 2010, chúng tôi đã làm “sống lại” 2 con xe Ford của Bộ Tổng tham mưu… Có con người trong tay, nhà máy bắt đầu mở rộng đào tạo cho toàn quân, tạo nên một thế hệ những người lính kỹ thuật biết và sửa chữa được các loại xe hiện đại hiện nay.
Cũng là một nhà máy sửa chữa ô tô, nhưng là dòng xe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Nhà máy Z151 - Nhà máy được công nhận anh hùng thời kì đổi mới - lại có cách “xoay xở” theo hướng khai thác tiềm lực nội sinh để phát triển. Nhớ lại những năm 2000, Chính ủy nhà máy, Đại tá Trần Văn Chất chia sẻ, đó là quãng thời gian thực hiện nhiệm vụ theo mô hình biên chế, tổ chức mới, khi vừa sát nhập hai nhà máy Z151 và Z155 thành nhà máy Z155. Khi ấy, ngân sách quốc phòng còn khó khăn, cơ cấu lao động chưa thật ổn định, làm sao để đời sống của hàng ngàn cán bộ công nhân không bị xáo trộn? Chỉ có một cách duy nhất đó là đẩy mạnh tiến độ sửa chữa, sản xuất, tìm, tạo đủ việc làm bảo đảm thu nhập ổn định cho đời sống cán bộ, công nhân viên. Ban giám đốc quyết định khẩn trương triển khai thực hiện dự án, tự nghiên cứu thiết kế, chế tạo nhiều bộ khuôn dập, cắt đột lớn như các bộ khuôn để sản xuất các loại thùng xăng xe ZIL30, 131, GAZ53, GAZ66, UAZ469… và khoảng 60% chi tiết vỏ xe CH551 như sàn xe, thành xe, cụm tai trước, tai sau, cánh gà, cánh cửa, khung mui, khung kính, capo… Đồng thời tiến hành xây dựng và bảo vệ các dự án đầu tư chiều sâu công nghệ nhà máy, dự án đầu tư công nghệ sản xuất… Sau một thời gian, thu nhập của cán bộ, sĩ quan, công nhân viên được cải thiện rõ rệt, nhà máy được Bộ trưởng Phạm Văn Trà khi đó khen ngợi. Theo đà đó, nhà máy mỗi ngày một phát triển, đời sống cán bộ công nhân viên ngày càng ổn định, nộp ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Những năm gần đây, nhà máy đã sửa chữa, đại tu, lắp ráp, cải tiến đồng bộ hàng ngàn lượt xe ô tô, trạm nguồn điện các loại, sản xuất hàng chục ngàn tấn vật tư, kỹ thuật, tổ chức nhiều đội cơ động làm nhiệm vụ sửa chữa xe máy cho các đơn vị trên mọi miền đất nước góp phần đảm bảo trang bị, bảo đảm kỹ thuật xe máy cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, Giám đốc nhà máy, Đại tá Nguyễn Duy Chiến cho biết, nhà máy đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị tạo nguồn đưa xe máy vào sửa chữa, đồng thời tổ chức tốt các đội cơ động sửa chữa tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Thường xuyên duy trì nghiêm kỷ luật công nghệ và kiểm tra chất lượng sản phẩm ở tất cả các cung đoạn sản xuất, sửa chữa, 100% xe máy, vật tư kỹ thuật được kiểm tra và bảo đảm chất lượng trước khi xuất xưởng, không có xe máy giao cho các đơn vị bị phản tu, đảm bảo tốt hệ số kỹ thuật xe máy. Nói về vấn đề “xoay xở” bằng nội lực, giám đốc Chiến hóm hỉnh ví von: Một nhà máy sửa chữa ô tô cũng giống như một bệnh viện trong đó đội ngũ kỹ sư, thợ máy chính là y, bác sĩ. Chẩn và chữa bệnh cho xe cũng giống như chẩn và chữa cho bệnh nhân, bao giờ cũng là công việc tối quan trọng, thế nên các thiết bị phục vụ cho quá trình đó đóng vai trò rất lớn. Chính vì vậy, nhà máy chúng tôi đặc biệt chú trọng khuyến khích từ kỹ sư tới công nhân, phát huy trí tuệ trong việc phát minh ra các sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ cho việc “chẩn bệnh và chữa bệnh” ấy. Những năm qua, chúng tôi đã có hàng trăm đề tài, sáng kiến áp dụng trong thực tiễn sản xuất làm lợi hàng tỉ đồng.
Trong tiếng máy chạy rầm rầm ở xưởng, giữa những người lính thợ với bộ quần áo bảo hộ lấm lem dầu mỡ đang miệt mài bên các chi tiết máy, thiếu tá chuyên nghiệp Đặng Cao Sơn - Phó phòng kĩ thuật chia sẻ với tôi về phong trào cải tiến sáng kiến kỹ thuật ở nhà máy. Anh bảo, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở nhà máy có rất nhiều, từ cấp Bộ, cấp Tổng cục, cấp Cục, cho đến cấp nhà máy. Có thể kể những đề tài được áp dụng vào thực tiễn phát huy hiệu quả như “Thiết kế chế tạo băng chạy rà và thử có tải hộp số xe ô tô”, “Thiết kế thi công lò phản hồi ủ thép” của kỹ sư Hoàng Đức Bình (giám đốc nhà máy trước đây), “Thiết kế, chế tạo khuôn rập la răng trạm nguồn điện 12,8 KW”, “Nghiên cứu công nghệ phục hồi thân động cơ xe UAZ – 3160” của kĩ sư Nguyễn Duy Chiến (hiện đang là giám đốc nhà máy). Rồi các sáng kiến “Thiết kế chế tạo thiết bị kiểm tra giảm xóc ống thủy lực xe ô tô”, “Nghiên cứu chế tạo gioăng cao su kính xe PAZ – 3205” của kĩ sư Nguyễn Quang Tuấn, “Thiết bị kiểm tra hệ thống lái xe KrAz – 255”, của Nguyễn Hoài Nam… Hiện nay, nhà máy đang hoàn chỉnh đề tài cấp cơ sở “Thiết bị kiểm tra khởi động động cơ xe ô tô” đưa vào chạy thử nghiệm. Các sáng kiến chế tạo thiết bị kiểm tra các bộ phận của xe, sẽ giúp giảm thời gian cũng như công sức tháo lắp của công nhân rất nhiều, đồng thời dữ liệu cũng chính xác hơn. Chẳng hạn như thiết bị kiểm tra giảm sóc, hệ thống lái... nếu như không có nó, mỗi lần thử, công nhân phải tháo lắp và thử trực tiếp trên xe thì mới có thể cho ra kết quả được, mà như vậy sẽ tốn rất nhiều công sức và thời gian, lại không cho ra được một thông số về số liệu chính xác. Còn nếu dùng thiết bị sáng chế, chỉ cần một số thao tác tháo lắp, có thể “chẩn” chính xác “bệnh” các bộ phận tương ứng của xe… Ở Z151 chúng tôi, các sáng kiến không phải là độc quyền của các kỹ sư ngồi ở phòng kỹ thuật mà là của cả những người trực tiếp sản xuất. Chẳng hạn như đồng chí Nguyễn Tất Lành - Công nhân viên quốc phòng ở Phân xưởng mui bạt, thùng xe, năm nào cũng có sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Năm 2010 có 2 sáng kiến: Phục hồi tay mở cửa hậu xe U oát 31602 và tự chế chắn đòn xe Huyn-dai, 2011 có ba sáng kiến: “Tự chế bản táp lô xe Transinco từ nhựa composite chuyển sang tôn”, “Cải biên cơ cấu đóng mở cử thông gió nóc xe Kamaz”. Năm 2012 là hai sáng kiến: “Tự chế mẫu để sản xuất phôi che ống thoát khí cho xe công trình xa” và “Cải biên tay khóa quai kính của xe Zil 130 lắp cho xe 157”. Rồi Nguyễn Thị Phượng – Tổ trưởng sản xuất tổ tiện – mặc dù con nhỏ, tất tả sau giờ làm việc lo “lửa tắt, cơm sôi, lợn kêu con khóc…”. Nhưng mỗi khi có mẫu mới lại thức trắng đêm nghiên cứu đọc bản vẽ, từ bản vẽ phải nghĩ cách hô “biến” cái hình và các thông số trên giấy kia thành các chi tiết “cầm, nắm và sờ” được...
Tôi nhớ đã đọc ở một tài liệu nào đó có nói rằng trong chiến dịch Điện Biên Phủ ta có thu được một bộ tài liệu trong hầm tướng Đờ Cát dùng để tra cứu các loại vũ khí do quân giới Việt Nam cải tiến, sửa đổi, chế tạo. Trong phần mở đầu tài liệu đó, có nhận xét đại ý rằng, Việt Minh đã có những cố gắng rất lớn trong việc nghiên cứu cải tiến, áp dụng có sửa đổi, một số lớn vũ khí nhẹ cổ điển, và lúc nào cũng có rất nhiều cải tiến, sáng chế đạt tới trình độ hoàn thiện… Nhận xét ấy cho thấy, kể cả đối phương có vũ khí trang bị hiện đại cũng đánh giá rất cao khả năng “xoay xở” của chúng ta giỏi như thế nào trong việc dựa vào các vũ khí, trang bị sẵn có, nâng tầm hiện đại cũng như tính hiệu quả của chúng phù hợp với con người cũng như địa hình và chiến thuật của Quân đội Việt Nam trong từng giai đoạn. Vấn đề “xoay xở” trên cái nền vũ khí trang bị có sẵn ấy, đã phát huy tốt hiệu quả ở hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, vậy hiện nay, nó có còn giá trị thực tiễn? Xin thưa, nó không những còn nguyên giá trị, mà còn được nâng lên một tầm cao mới! Đó là sự chia sẻ của Giám đốc nhà máy Z133 Nguyễn Đức Đoái, một người con quê Hải Dương, vốn là một kỹ sư kinh tế chế tạo máy gắn bó với nhà máy này từ những năm đầu của thập kỉ 80 thế kỉ trước, khi chúng tôi xuống thăm nhà máy. “Với nhà máy chúng tôi, pháo vào là pháo cũ, bình thường, nhưng pháo ra lại “không bình thường chút nào!” bởi những khẩu pháo ra khỏi nhà máy ấy, được lập trình số hóa toàn bộ tính toán phần tử bắn, rồi trang bị kính nhìn đêm... Cũng theo Giám đốc Nguyễn Đức Đoái thì ngoài việc chiếm lĩnh công nghệ cao áp dụng vào nâng cấp vũ khí trang bị vốn đã khá cũ, có từ thời chống Mỹ, nhà máy còn nghiên cứu sản xuất các chi tiết, thiết bị thay thế sửa chữa cho các loại súng, pháo đảm bảo độ chính xác cao chẳng hạn như nghiên cứu sản xuất thành công cụm máy ngắm cho pháo 105 (phục vụ thay thế trong nước và xuất khẩu sang Cu Ba). Bên cạnh đó, nhà máy cũng đang triển khai về chiều sâu một chương trình nhằm áp dụng công nghệ hiện đại như số hóa... theo hướng giảm trọng lượng thiết bị để tăng tính cơ động, giảm thời gian tác chiến, tăng độ chính xác của phần tử bắn, và trên tất cả, các cải tiến đó phù hợp với địa hình, điều kiện tác chiến của Việt Nam. Song song với nhiệm vụ sửa chữa, cải tiến súng pháo, nhà máy còn tận dụng năng lực của mình sản xuất các mặt hàng gia dụng trong đó có nhiều mặt hàng đạt tiêu chuẩn DIN của Đức, có uy tín trên thị trường được các nhà thầu có uy tín chọn để cung cấp để nâng cao đời sống cho người lao động, bảo đảm việc tự hạch toán, kinh doanh của nhà máy như các sản phẩm: Phễu thu nước sàn, mái, lọc nước sân vườn, phễu dùng trong phòng bếp...
“Xoay xở” với những… hạnh phúc đơn sơ
Từ chính ủy Quân đoàn 3 - một đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sau khi chuyển sang cương vị Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật – đơn vị đặc thù chuyên môn kỹ thuật, Trung tướng Hà Minh Thám đã làm một cuộc “vi hành” trong 6 tháng để đi đủ 79 đơn vị đầu mối nằm rải rác ở 23 tỉnh thành nắm tình hình, tâm tư tình cảm của bộ đội đồng thời nghiên cứu thêm về các chuyên ngành kỹ thuật. Sau chuyến đi ấy, vị Chính ủy của Tổng cục Kỹ thuật đã rút ra được rất nhiều điều, đặc biệt, ông nhận ra có rất nhiều đơn vị, nhất là các đơn vị ở vùng sâu vùng xa, chẳng hạn như các kho vũ khí, ngoài kinh tế khó khăn, tính chất công việc phức tạp, còn có một vấn đề hết sức tế nhị, đó là do điều kiện đặc thù nên những người lính ở đó hầu như phải ở trong một môi trường biệt lập với bên ngoài, vì thế, ước mơ về một cuộc sống gia đình bình dị, đầm ấm hai vợ chồng trong ngôi nhà nhỏ cùng tiếng bi bô của đứa con, với người ngoài là hết sức bình thường, thì với lính kho, điều ấy đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Vì nhiệm vụ, họ có thể sẵn sàng chấp nhận gian khổ hy sinh, sẵn sàng chịu thiệt thòi, nhưng cái quyền mưu cầu hạnh phúc nhỏ bé, đơn sơ kia, là hết sức chính đáng, là hết sức bình thường và họ xứng đáng được hưởng… Viết đến đây, tôi chợt nhớ tới mấy câu thơ vui mang đặc thù của người lính kỹ thuật nhưng cũng đầy tâm tư mà tôi đã được nghe trong lần đến thăm một kho quân khí ở Miền Trung: Anh lặng lẽ một mình gọt giũa/ giũa tim mình cho khớp với tim em/ Tim anh là cục phôi đồng/ Giũa đi giũa lại vẫn còn độ dơ... Thật may mắn, cái “độ dơ” kia đã được những người chỉ huy cao nhất của Tổng cục Kỹ thuật thấu hiểu! Và chủ trương tuyển nữ về các kho để “hợp lý hóa, cân bằng giới tính” đã ra đời sau chuyến đi ấy. Đợt tuyển đầu tiên, 50 nữ cho kho K896 ở Tây Nguyên, thật tuyệt vời, chỉ sau một năm sau, ở mảnh đất ấy, đã mọc lên 50 mái ấm gia đình… Tiếp sau chính sách “cân bằng giới tính”, Lãnh đạo Tổng cục Kỹ thuật lại có một quyết sách khác để “an cư” cho những mái ấm kia, đó là tổ chức thống kê số liệu các gia đình chưa có nhà ở và từng bước giải quyết vấn đề đó cho họ…
Tôi đã đem theo cái hình dung tương phản về một kho vũ khí giữa vùng đất Tây Nguyên nắng nôi xa xôi hun hút, một bên là trước đó đôi năm thôi, mỗi khi nắng tắt, cũng đồng nghĩa với sự lạnh lẽo cô đơn trùm phủ… Một bên là bây giờ, mỗi chiều về, những làn khói bếp bay lên từ các ngôi nhà dẫu chỉ là tranh tre hay nhà tạm, những ánh nhìn sự ấm áp, hạnh phúc của nhiều lứa đôi dành cho nhau trong tiếng bi bô con trẻ… để đến với những người lính kho 680. Dù nằm trên địa bàn thủ đô và chỉ cách trung tâm thủ đô Hà Nội chừng vài chục cây số, nhưng giống như mọi kho vũ khí khác, 680 nằm ở một nơi khá xa khu dân cư xung quanh nên khiến ta không khỏi có cái cảm giác heo hút, tách biệt với đời sống thường nhật của xã hội. Nhưng đó chỉ là cảm giác bề ngoài, còn khi đặt chân vào trong xưởng thì lại là tiếng máy đinh tai nhức óc, là mùi sơn nồng nặc. “Người ta bảo con gái đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên, nhưng con gái kho bọn em thì cứ gọi là “nói rổn cười rảng” anh ạ! Thế nên chỉ có các anh cùng xưởng mới “vừa thông vừa cảm” với gái kho để tính chuyện trăm năm…! Cô thủ kho… với nụ cười rất tươi trên môi giọng tếu táo pha trò. Còn thiếu tá chuyên nghiệp Phạm Văn Hậu, phân xưởng phó phân xưởng sửa chữa bảo dưỡng pháo, quê Tứ Kì, Hải Dương, làm việc ở kho năm nay bước sang năm thứ 21 thì bộc bạch: “Bọn tôi làm việc ở đây, thời gian đầu chưa quen, buổi trưa, buổi tối về ngủ, cứ lịm đi, còn hơn uống seduxen ấy, anh ạ”. Lý giải về cái sự lịm đi ấy, anh Hậu cho biết là do mùi sơn quá nồng nặc nên ai chưa quen, đều bị như thế cả. Khi hỏi về chuyện gia đình, anh tủm tỉm: Đa số bọn tôi có cái kiểu yêu “rất… lính kho”, tức là theo đúng quy trình: “đánh gỉ, tra dầu mỡ và… niêm cất”… Công đoạn “đánh gỉ” vì kho ở cách biệt và khá xa khu dân cư nên “mục tiêu” thường là các cô gái làm cùng ngay trong kho. Hết công đoạn đánh gỉ, nghĩa là đã nhận lời yêu, sẽ đến công đoạn “tra dầu mỡ”, khi ấy cả hai xác định cuộc sống gia đình sau này bằng việc… “Góp gạo thổi cơm chung” theo đúng nghĩa đen, tức là bắt đầu dành dụm cho đến khi đủ tiền làm một cái nhà nho nhỏ ở khu tập thể mà kho tạo điều kiện chia cho. Có cái nhà nho nhỏ ấy rồi, mới đem “hai trái tim vàng” vào đó để “niêm cất”, tức là đăng ký kết hôn, và cưới cũng ngay tại kho. Như tôi chẳng hạn bà xã làm cùng xưởng đang ở dưới kia kìa - anh mỉm cười chỉ xuống chỗ có các chị em công nhân đang bôi dầu mỡ cho vũ khí - Hồi yêu nhau, tôi “báo cơm” ở phòng của cô ấy với mục đích hai đứa cố gắng dành một phần lương để chuẩn bị cho công đoạn “niêm cất”! Vậy mà cũng phải mấy năm sau mới có tí chút để cùng với 6 “cặp đôi hoàn hảo” khác góp vào làm chung cái nhà cấp bốn, kiểu nhà tập thể, 6 phòng mỗi phòng 20m2 để cưới. Tính từ khi lấy vợ tới giờ cứ dăm năm lại làm nhà một lần... Vậy mà rồi cũng ổn… Thế mô hình “cặp đôi hoàn hảo” ở kho mình có nhiều không? - Tôi nhìn nụ cười nhẹ nhõm “biết đủ là đủ” của anh, hỏi thêm một câu nữa trước khi anh phải xuống xưởng để thực hiện nhiệm vụ. Tỉ lệ “cặp đôi hoàn hảo” thực hiện theo chu trình “đánh gỉ, tra dầu mỡ, niêm cất” ở kho 680 này của chúng tôi, tính đến thời điểm hiện tại là… 40 đôi (80 người) trên tổng số 200 người! Tức là chiếm khoảng trên dưới 40% anh ạ.
*
* *
Trước chuyến đi này, tôi có ngồi với một người bạn vốn đã từng là lính kỹ thuật. Bạn tôi cười ý nhị và bảo: Lính kỹ thuật thời bình “hiền, lặng thầm và khô khan”! Quả thực khi ấy, tôi có ý nghi ngờ nhưng lại chẳng cách gì phản biện lại ý kiến ấy của người bạn. Vâng, bạn ạ, giờ thì tôi đồng ý với bạn, đồng ý với cả cái nụ cười đầy ý nhị kia. Phải, lính kỹ thuật thời bình lành, hiền, nhưng là cái lành, hiền của những suy tư, “xoay xở” làm sao vượt lên hoàn cảnh, chiếm lĩnh những giá trị cao nhất của kỹ thuật công nghệ cho vũ khí trang bị, máy móc, cũ mà không mòn, cũ mà không lạc thời trong điều kiện, hoàn cảnh chưa cho phép trang bị hoàn toàn mới của đất nước. Phải, lính kỹ thuật thời bình khô khan, nhưng là cái khô khan của ấm áp, của chân tình của yêu thương và chia sẻ. Phải, lính kỹ thuật thời bình lành hiền nhưng không khô khan bạn ạ…
N.M.H
Theo tạp chí Văn nghệ Quân đội