Căn nhà sàn nơi Bác Tôn sống thời niên thiếu
Tưởng nhớ Bác Tôn
Những ngày giữa tháng Tám, chúng tôi về xã Mỹ Hòa Hưng trong không khí lễ hội tưng bừng diễn ra. Chính quyền và nhân dân An Giang đang chuẩn bị lễ kỉ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đối với nhân dân Mỹ Hòa Hưng nói riêng và nhân dân An Giang nói chung, mỗi dịp sinh nhật Bác Tôn đều như những ngày hội. Năm 2012, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Mỹ Hòa Hưng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vui lớn cho quê hương Bác Tôn và nhân dân tỉnh An Giang.
Từ thành phố Long Xuyên, mất khoảng 15 phút để đi phà qua Mỹ Hòa Hưng, một khoảng không gian yên bình, trên con đường trải nhựa dài thẳng tắp, đi tiếp vài trăm mét, Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng hiện ra vừa uy nghi vừa giản dị.
Không nhớ rõ đây là lần thứ mấy tôi đến Mỹ Hòa Hưng, nhưng mỗi lần đến trong tôi lại mang nhiều cảm giác khác nhau. Không chỉ là sự ngưỡng vọng, tôn kính trước tấm gương của một người cộng sản bất khuất, một nhân cách sống mẫu mực, một đạo đức cách mạng trong sáng; mà còn được đắm mình trong một không gian thoáng đãng, khí hậu trong lành, yên ắng, khác xa với sự ồn ào, hối hả và ngột ngạt nơi phố thị. Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng được bao bọc bởi một vườn cây mát mẻ, những thảm cỏ xanh tươi. Khu này bắt đầu hình thành từ 12/1988, khi Bộ Văn hóa Thông tin có quyết định công nhận ngôi nhà ở ấp Mỹ An, xã Mỹ Hòa Hưng là di tích lịch sử lưu niệm thời niên thiếu của chủ tịch Tôn Đức Thắng. Sau đó, chính quyền tiến hành việc tôn tạo, trùng tu và quy hoạch xây dựng, để đến hôm nay, nơi đây trở thành khu di tích lịch sử phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch.
Khu di tích gồm nhiều hạng mục như: Nhà trưng bày giới thiệu về cuộc đời hoạt động của Bác Tôn, nhà lưu niệm thời niên thiếu, đền tưởng niệm, nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ, chiếc phi cơ chở Bác vào Sài Gòn dự lễ mít tinh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mô hình nhà lán của Bác Tôn ở ATK (Thái Nguyên), cầu treo dài 80m đón khách tham quan bằng đường sông và nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật khác… Mỗi khu có một vẻ đẹp riêng, được thiết kế lồng ghép với hệ thống công viên, cây xanh, những con rạch nhỏ, cầu kiều, ao cá cùng với những con đường nội bộ thoáng và đẹp.
Cứ mỗi lần trở lại Mỹ Hòa Hưng, tôi đều đến ngôi nhà thời niên thiếu Bác từng sống, để nhớ lại một thời tuổi thơ Người ở nơi đây, và mảnh đất này, ngôi nhà này đã hun đúc nên ý chí của một người cộng sản kiên trung. Ngôi nhà được xây theo kiểu nhà sàn ba gian, một kiểu nhà truyền thống của người dân Nam bộ, có chân tán, cột gỗ, nền sàn lót ván, mái lợp ngói âm dương. Bên trong ngôi nhà còn lưu giữ nhiều hiện vật như bộ ngựa gỗ, tủ thờ cẩn ốc xà cừ… Phía sau ngôi nhà là phần mộ song thân của Bác. Dù đã được nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nhưng khu này vẫn được bảo tồn nguyên trạng. Mỗi lần tham quan xong ngôi nhà thời niên thiếu của Người, tôi thường đứng trầm mặc rất lâu, mọi sự vật xung quanh dường như cũng im ắng, theo những dòng suy nghĩ của tôi. Trong ngôi nhà đó, tôi cảm thấy, từng thước đất đều mang đậm dấu ấn và hơi ấm của Người. Mỗi câu chuyện về Bác và gia đình Bác đều làm cho người người khâm phục, mến yêu lẫn kính trọng.
Nhà trưng bày cuộc đời hoạt động của Bác Tôn tại xã Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên, An Giang)
Sắc mới Mỹ Hòa Hưng…
Đến Mỹ Hòa Hưng, không những chúng ta được nghe nhiều mẩu chuyện về Bác Tôn và gia đình Bác, mà còn được nghe nhiều giai thoại về vùng đất và con người nơi đây. Trong những giai thoại đó, có giai thoại vì sao nơi đây mang tên là Cù lao Ông Hổ. “Hồi xưa, khi vùng đất này còn là một cồn nhỏ, cây cỏ mộc rậm rạp hoang vu, bãi bồi um tùm lau sậy, thú dữ khắp nơi, nhất là hổ, báo từ vùng Thất Sơn thường về đây kiếm ăn. Nhưng dần dần con người đến đây sinh cơ lập nghiệp ngày một đông nên cồn được phát hoang trống trải, hổ, báo lặng lẽ vượt về Thất Sơn. Tuy nhiên, năm ba tháng đầu vẫn còn gặp dấu hổ rải rác trên cồn. Chắc nhớ đất xưa, rừng cũ nên hổ ta lặn lội về thăm lại cù lao. Vào một đêm trăng sáng, dân làng chợt thấy một con hổ to cỡ con bò ngồi lặng im trên đầu cồn nhìn xuống cù lao. Dân làng hò nhau tay gậy, tay dao cùng đuổi hổ. Lạ thay, hổ không hốt hoảng cắn người mà ung dung đập đuôi nhảy tõm xống nước lội qua sông, đi về hướng Thất Sơn. Và nhiều lần như thế, vào những đêm trăng sáng người ta lại thấy hổ về… Dân làng bàn tán xôn xao: Hổ không hại người? Hổ còn nhớ xóm cũ về thăm? Nếu vậy thì không phải hổ thường mà là Thần Hổ về viếng đất cồn. Kể từ đó dân làng dựng lên một ngôi miếu thờ Ông Hổ. Ngôi Miếu Ông Hổ hiện vẫn còn trên đất cù lao”. Và còn rất nhiều giai thoại về vùng đất này, con người sống chan hòa và cảm hóa được thú dữ… Đó là giai thoại đẹp về một thời khẩn hoang lập ấp.
Ngày nay, Mỹ Hòa Hưng đã khoác lên mình chiếc áo mới, đầy kiêu hãnh. Không chỉ tự hào là nơi sinh ra người con ưu tú Chủ tịch Tôn Đức Thắng, mà còn tự hòa là một xã văn hóa, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, Mỹ Hòa Hưng thật sự tạo nên sức bật từ phong trào xây dựng nông thôn mới và cũng là một trong những xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Sau thời gian triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các địa phương được chọn đều có sự nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí đặt ra và hơn hết từ những việc làm đầy ý nghĩa này mới thấy được sự đồng thuận cao của nhân dân, chung tay cùng chính quyền từng bước đưa bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, người dân là chủ thể, mỗi gia đình phải đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới
Chị Nguyễn Thị Xuân Đào, Chánh Văn phòng UBND xã cho biết: “Đến nay, xã đã có 8/20 tiêu chí đạt hoàn chỉnh, 8/20 tiêu chí đạt một phần, 35/59 chỉ tiêu đã đạt hoàn chỉnh. Nhìn chung, qua thời gian triển khai thực hiện đa số cán bộ và nhân dân rất đồng thuận về chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhằm đưa xã nhà ngày càng phát triển và khang trang hơn”.
Những ngày ở Mỹ Hòa Hưng, bà con nông dân đang trúng vụ thu hoạch mè nên rất phấn chấn. Đa phần đất nông nghiệp của xã trồng cây màu như hành, ớt, khổ qua, cải xanh, cải bắp… đặc biệt là trồng mè. Trồng mè chỉ khoảng hai tháng rưỡi là thu hoạch. Trồng mè ít tốn công sức, vốn đầu tư hơn trồng lúa nên bà con nông dân xen canh một vụ lúa, một vụ mè hoặc một vụ hoa màu và một vụ mè. Mè thu hoạch xong có thương lái đến tận nhà thu mua, hoặc đã được bao tiêu sản phẩm. Anh Trần Văn Hên, vừa thu hoạch xong vụ mè, chia sẻ niềm vui với chúng tôi: “Vụ mè mùa này trúng hơn những mùa trước và cũng được giá hơn, bỏ mọi chi phí thì cũng lãi khoảng 30-35 triệu/ha. Chúng tôi rất vui, và đang chuẩn bị giống cho mùa sau, theo đà như vầy, trồng mè là “chắc ăn như bắp” khỏi bị lỗ, chỉ lãi ít hay nhiều mà thôi”. Nhìn nét mặt rạng ngời của một nông dân chân chất, tôi hiểu hơn giá trị thật sự của những giọt mồ hôi trên cánh đồng và quý trọng những người nông dân chân lắm tay bùn này, bằng sự cần cù, miệt mài lao động đang góp phần là giàu cho gia đình và xã hội.
Chạy xe vòng quanh xã Mỹ Hòa Hưng, đường sá đã được nâng cao và trải nhựa phẳng lì, nhà nhà làm lại hàng rào dâm bụt thông thoáng và mát mẻ, hệ thống đèn chiếu sáng đã được gần 15 km, những cây cầu được xây mới bằng bê tông, kiên cố… Đúng là, Mỹ Hòa Hưng đã có một cuộc “cách mạng” về cơ sở hạ tầng. Vậy là, dù là vùng đất thấp, nhưng từ nay mùa lũ về, dân cù lao Ông Hổ không còn lo sợ nữa.
Chuyến phà đưa tôi rời Mỹ Hòa Hưng, gió sông Hậu lộng lộng thổi vào người, một thứ cảm giác rợn ngợp và bịn rịn. Mỹ Hòa Hưng khuất dần, một mảnh vườn cây cối xanh um, hiển hiện ra giữa dòng sông Hậu, bao bọc xung quanh bởi làng bè nuôi cá khiến cho tôi liên tưởng, những làng bè nuôi cá như những chiếc phao cứ nâng dần Mỹ Hòa Hưng lên sánh ngang và vượt trội các địa phương khác trong tỉnh về sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đầu tôi chợt ngân lên câu đối của nhà thơ Hồ Thanh Điền về con người và vùng đất này:
“Tựa lưng Bảy Núi, uống nước Cửu Long, Mỹ Hòa Hưng ngời danh xứ sở
Khơi lửa Ba Son, kéo cờ Hắc Hải, Tôn Đức Thắng rạng tiếng non sông”
Theo Hội nhà văn Việt Nam