Cả làng Mai nắc nỏm: Bà cụ Ngàn giờ sướng rồi! Sướng bằng tiên rồi! Là bởi vì đang sống đơn thân, nghèo khổ quá người bần nông thời xưa, bỗng chốc như nhận được một phép màu, có được bước đổi đời nhảy vọt thế! Sự đâu có sự lạ! Lạ là bởi vì bà cụ Ngàn nghèo lắm. Nghèo vì vốn dĩ nghèo. Vì ốm đau lệt bệt và tăm tối. Vì có nhõn đứa con gái thì nó lại tếch đi lao động ở trời Tây đã năm năm. Nghèo vì anh em họ hàng cậy thế ông to bà cả bắt nạt, lấn chiếm hết mấy sào thổ canh, giờ trắng tay với một túp lều rách và mấy thước vườn viền quanh bằng rặng cây bụi mây gai, cỏ dại, uất quá đi thuê người ta làm đơn kiện, thì được hỏi: cụ có “đạn” không mà dám theo đòi, vỡ lẽ “đạn” có nghĩa là “tiền”, liền ngậm ngùi rút đơn về!
Nhưng bây giờ thì bà cụ Ngàn sướng rồi! Sướng rồi vì hôm qua, bà cụ vừa lên bưu điện huyện lĩnh những 500 đô la do con gái bà từ bên Đức gửi về! Chà! Những 500 đô la! 500 đô la tức là hơn mười triệu bạc. Mười triệu bạc tức là hai cái xe máy Tàu. Là cả một tài sản. Và với cái làng Mai cách Hà Nội có hơn chục cây số mà ruồi còn bay vu vu, đậu kín mâm cơm, trẻ con người lớn tứ thời đi đất, mùa rét đại hàn cắt ruột sang lắm là có được cái áo len cộc tay, thì mười triệu bạc là quá lớn, là không tưởng tượng được, là của trời cho. Vì ở đây, nghèo khổ là cái nghiệp chướng thâm căn. Đất đai mất dần cho đường sá, nhà máy, và kéo theo luôn sự mất tiêu nghề trồng rau muống, kế sinh nhai độc nhất vô nhị của đàn bà làng. Nghèo khổ còn là nghiệp dĩ của đàn ông vì đàn ông làng này xưa được ông Tả Ao đặt hướng đình yểm trợ, chỉ thạo mỗi nghề thợ cạo đi dong chuyên nghề vít đầu vít cổ thiên hạ, nay đang chào thua các cửa hàng cắt tóc lạnh, hớt tóc ôm hiện đại, chỉ còn biết sống lay lắt nhờ đám trẻ con thò lò mũi là khách hàng. Nên anh nào có sức bay nhảy thì kéo nhau đi làm thuê làm mướn tuốt luốt ở xứ người, kể cả xa tít như châu Phi, châu Mỹ La tinh. Làng bây giờ xác xơ từ cảnh vật đến con người, chỉ còn rặt đàn bà, ông già và đám các ông trung niên như anh Tửu công an cắt tóc dong bên hàng xóm thôi.
|
Nhận tiền con gái gửi, bà cụ Ngàn cảm động lắm. Ngân ngấn nước mắt, bà cụ nhóm nhém nói: “Cũng là đổ mồ hôi sôi nước mắt cháu nó mới có được đồng tiền gửi về, các bá ạ. Bên Tây tiếng thế giờ người nghèo đang đông nên cũng của khôn người khó rồi. Với lại, tiền này coi như cháu nó gửi bỏ ống để tôi nuôi con nó nữa đấy chứ!”.
Ra là vậy. Và đúng là như
bà cụ giãi bày, tuần lễ sau khi nhận tiền ở bưu điện, đã thấy đi đâu trên lưng bà cụ cũng nhong nhóng một thằng bé năm tuổi tóc nâu, mắt xanh, mũi cao, nhưng còm nhom như con mèo hen.
“Cháu tên là Giéc! Bà cụ Ngàn vân vi. Khổ! Ở bên ấy mẹ cháu bận buôn bận bán nên gửi cháu cho một bà đầm nuôi. Bà này cho cháu ăn rặt sữa. Nấu cháo cũng bằng sữa. Thành ra không quen dạ, cháu xọp cả người, chứ lúc mới đẻ cháu được những ba cân tám cơ”.
**́*
Giéc là đứa trẻ pha nòi. Điều ấy thì nhìn mặt nó, vóc dạc nó cũng biết. Nét ngoại chủng lồ lộ chả che giấu được là cái màu tóc nâu óng, là cái sắc xanh lơ nơi tròng mắt, cái độ cao của gò mũi, cái vóc dáng dẫu có lẳng khẳng nhưng cũng vẫn hiển hiện cái sức dài rộng khác thường ở sau này. Tuy vậy, Giéc không gây cảm giác xa lạ với mọi người, đặc biệt là với lũ trẻ con cùng lứa với nó. Kể cả cái tên Giéc! Thì cũng chỉ một âm tiết như quy tắc đặt ấu danh cho trẻ mỏ trong dân gian. Như Bi, như Bống, như Bầu. Hoặc âu yếm muôn phần khi lấy tên con vật đặt cho chúng. Như Nhím, như Cún, như Miu như Rô như Riếc vậy thôi. Không xa lạ vì Giéc nói tiếng Việt sõi chẳng khác gì mọi người. Nó nói lưu loát với một vốn từ khá phong phú. Nó chẳng lúng túng khi cần diễn đạt một ý tưởng phức tạp. Nó không ngọng elờ thành ennờ, như đa phần người làng này, như bà nó, mẹ nó. “Mẹ cháu bảo mẹ cháu ghét bố cháu nên ứ cho bố cháu về Việt Nam với bà, bà ạ. Giéc nói: Bà ơi, cháu là người Việt Nam, chứ không phải Tây lai bà nhỉ!”. Thú vị nữa là nó hòa hợp thật tự nhiên và nhanh chóng với hoàn cảnh sống ở làng quê với bà ngoại. Chả có gì là ngập ngừng, cấn cá, đắn đo cả. Nó là cái cây được bứng đến trồng ở mảnh đất hợp thung thổ. Như mọi đứa trẻ, ngủ nó sờ tai, ôm tay bà, bắt bà kể chuyện cổ tích. Theo bà đi chợ, đi thăm hàng xóm láng giềng, nó nhong nhong ngự trên lưng bà. Chả hiểu đã có lần nào được nghe hát ru như thế mà bà nó vừa đặt nó lên võng, cất tiếng khàn rè: “Cái cò, cái vạc, cái nông. Sao mày dẫm lúa nhà ông thế cò”, là mắt nó đã gà gà như bị đánh thuốc mê. Nó ngủ đẫy giấc. Nó ăn khỏe. Thì cũng chỉ là rau dưa, cháo hến, canh cua, tép rang, cá kho thôi. Vậy mà chưa đầy ba tháng trời về ở với bà ngoại vóc hình nó chẳng còn tí gì là dấu vết của cái thời chuyên ăn bơ sữa nữa. Mặt Giéc giờ tròn phính sáng trưng. Tóc vẫn nâu óng, nhưng lại có dấu bò liếm ở trán. Ngực sườn Giéc đầy lên như được đắp bồi từng lớp thịt trắng hồng. Chân tay Giéc phổng phao, có ngấn ở mỗi khớp, như được hơi thổi vào. Đáng chú ý nhất là con người nó toát ra vẻ ngây thơ, hồn nhiên, nhưng hơi khờ khạo hoang sơ và đôi lúc tinh ý vẫn thấy thấp thoáng nỗi đăm chiêu bí ẩn bất chợt hiện lên ở hai bên khóe mắt nó. Hay nó là một thực thể mang cơn chấn thương tinh thần nào? Nhất là lúc nó nghiêng mặt, nghiêng tai rồi sau đó co rúm người lại rất tội nghiệp khi nghe bà đọc thư mẹ nó gửi về: “Mẹ bây giờ vất vả lắm. Con được ở với bà là sướng rồi. Con phải nghe lời bà. Không, mẹ gọi con mèo cụt đuôi nó đến đấy!”.
A! Thì ra Giéc sợ con mèo cụt đuôi! Giéc sợ nó lắm. Thành ra nhiều hôm đang nửa đêm Giéc bỗng thức giấc, đốc chứng đòi bà cho đi tàu bay, rồi lại đòi ăn kem, ăn bánh quy bơ, bà dỗ thế nào cũng không nghe, cứ lăn ra ăn vạ, phải đến lúc bà gắt: “Thôi để tao gọi con mèo cụt đuôi nó đến”, Giéc mới im khóc, kêu sợ.
**́*
Giéc lớn nhanh từng ngày. Lớn nhanh như để bù thời gian ăn bơ sữa không được lớn. Lớn nhanh đến nỗi, một hôm, Giéc nhìn bà, bỗng như buột miệng: “Bà ơi, sao hôm nay bà thấp thế!” khiến bà ứa nước mắt, sung sướng: “Giéc ơi, cháu bà lớn thật rồi!”.
Giéc vào học lớp một, mới sáu tuổi mà to béo phục phịch bằng đứa bé lên mười. Nhưng bây giờ thì mới thấy Giéc là đứa trẻ con tính khí khác thường. Nó nghịch ngợm tai quái và ương bướng hơn hẳn những đứa cùng lứa.
Thôi thì chả nói làm gì những thói tật trẻ con như buổi trưa bắt phải nằm nghỉ, nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại, tót cái đã lẻn ra bêu nắng bắt con chuồn chuồn, hoặc trốn học, đi ăn trộm ổi nhà chú Tửu hàng xóm, vào đền Ông Đống leo trèo cây cối, vẽ bậy lên tường vách. Ông Đống là danh tướng đời Lý, nhưng tính tình hung tợn và thuở nhỏ là đứa bé tếu táo. Đền Ông Đống thiêng lắm. Trêu chọc, hỗn láo với ông, ông giận, ông vật cho ốm lăn ra đấy!
Giéc hư hơn thế nhiều. Giéc ngỗ ngược, xấc xược, tai ác đến mức dị thường. Đi học thì chớ, về đến nhà là nó vứt sách đấy, đi chơi. Bà gọi về, đóng cửa nhốt lại thì nó đập phá. Nó lấy búa bổ vỡ hết các ô cửa kính. Trong nhà, chẳng còn đồ đạc nào được yên ổn với nó. Cốc, chén, kính lát bàn, gương soi, cái nào không rạn vỡ cũng sứt sẹo. Đồ chơi bà mua cho nó có thứ nào còn được nguyên vẹn! Búp bê, con thì cụt tay, con thì mất cẳng. Ô tô thì bẹp đầu, long bánh. Lấy tay vặt, dùng chân dẫm không được thì nó lấy búa, lấy đá ghè cho kỳ dập nát tan tành như để thỏa mãn cái bản năng phá phách hung đồ mới thôi. Nó lấy tiền của bà đi chơi điện tử. Con chó bông và con mèo vàng nhà nuôi bị nó bắt về trói ghì lại, định tẩm dầu hỏa thiêu. Bà đánh tháo được hai con vật tội nghiệp nọ, mắng nó thì nó bỏ nhà đi mất tăm đêm đó. Sáng sau hơn chục nhà trong ngõ trở dậy đều la hoảng vì cửa nhà nào nhà nấy cũng bị nó ghì dây thép bên ngoài; tức tối cứ thế họ réo gọi Giéc là thằng Tây con bất trị. Chú Tửu công an bắt được nó đưa nó về nhà bà thì nó đấm lại chú, nó cắn tay chú, nó chửi chú, nó dọa đốt nhà chú. Rẫy ra khỏi tay bà, nó phá cửa đi biến, hai ngày sau mới trở về trên chiếc xe mô tô Công an phường Ô Chợ Dừa. Người ta bắt được nó khi nó ăn trộm bánh ở một quầy thực phẩm. Đói khát mệt nhọc, nhưng Giéc chỉ ở nhà được hai hôm ăn ngủ trở lại bình thường, rồi đâu lại hoàn đấy. Nó bỏ nhà đi. Nghe người ta mách nó đang đạp xe với một bọn trẻ lớn hơn nó ở quanh hồ Thiền Quang. Lên tới nơi thì bọn trẻ ở đó bảo nó đi theo bọn hút hít ở vườn thú Thủ Lệ. Chú Tửu vội cùng hai chú công an xã đi truy lùng nó.
Cuối cùng, chú Tửu dẫn Giéc về trước nhà bà. Mặt đỏ gay gắt, chú gào khàn khàn, mệt nhọc và giận dữ:
- Này, bà Ngàn, ra mà đón thằng giặc con, thằng Tây con cháu bà. Từ lúc cắt tóc cho nó, thấy cái tóc bò liếm, cái mũi gồ gồ như gà chọi của nó tôi đã nghi nghi nó là đứa bất trị rồi. Bây giờ thì đích thị nó đứa con hoang, đứt dây trên trời rơi xuống. Chứ không phải là người làng người nước này. Chứ không phải người làng Mai này đâu. Cẩn thận không là thành thằng côn đồ, đứa du thủ du thực đấy!
Trời! Nghe chú Tửu quở trách, bà cụ Ngàn liền bưng mặt khóc nức một hồi. Khóc vì kinh hoàng, vì tủi phận, vì xót xa. Ôi! Giéc ơi, sao cháu không giống mọi người ở cái làng Mai này. Giéc ơi! Hay là cháu có điều uất tức chưa nói ra được nên sinh ra ngỗ ngược phá phách? Hay cháu là đứa trẻ tiên thiên bất túc, hoài thai đã gặp cảnh trớ trêu, thân kiếp như hoa dại cỏ hoang?
Hay là cháu chưa đến tuổi lớn khôn? Bà đã ngoài bảy mươi. Liệu bà có còn sống đến lúc cháu khai trí khai tâm, qua tuổi dại đến tuổi khôn không?
**́*
Liệu bà có còn sống được đến ngày Giéc qua tuổi dại đến tuổi khôn không? Không còn là nỗi lo xa cả nghĩ của tuổi già nữa rồi! Nỗi lo của bà cụ Ngàn là sự thực hiển nhiên và tức thời, vì Giéc không chỉ là đứa trẻ hư hỏng, Giéc to xác vậy mà hóa ra còn là đứa hay yếu ốm lắm!
Ngay sau ngày Giéc bị chú Tửu quở, bước vào tháng sáu viêm nhiệt, thình lình một trận ốm ập tới Giéc. Hôm ấy, suốt trưa, Giéc đá bóng một mình ở sân đình, về nhà nó lấy chai nước lọc, mở nút ngửa cổ, tu òng ọc. Xong, nó quệt mép, vứt chai nước chưa đậy nắp đổ tung tóe trên nền đất, rồi lăn ra giường, mắt nhắm nghiền.
Tưởng nó ngủ, bà Ngàn đặt lại nó cho ngay ngắn. Nào ngờ, sờ đến người, thấy nó nóng rang, khẽ gọi nó thì nó bỗng mở mắt trợn trừng, chỉ còn toàn lòng trắng pha xanh. Người Giéc như nấu như nung, Giéc sốt sình sịch. Giéc mê man lảm nhảm suốt đêm. Trong cơn mê, nó đòi đi tàu bay, nó đòi ăn kem, ăn chè đậu đãi. Co rúm người lại, nó kêu hức hức rồi rên rỉ: ứ ừ con mèo đen cụt đuôi đâu, rồi gọi mẹ liên tục; và cặp nhiệt độ vào nách thì thấy sốt lên tới bốn mươi mốt độ. Tội nghiệp! Nghe nó rền rĩ mà thấy trong tâm sự sâu kín của trẻ thơ phảng phất một nỗi sầu thương về số phận và một cơn uất ức nghẹn ứ ở trong lòng.
Ôi, Giéc, cái nhân tố ngoại biệt, đứa trẻ bất trị, thằng cháu ngoại bé bỏng tội nghiệp đang chịu cảnh sống xa mẹ của bà! Nhìn Giéc vầng trán có vệt tóc bò liếm nhơm nhớp mồ hôi, mặt đỏ bừng, hai mắt nhắm nghiền, miệng nhóp nhép nói mê, hết gọi mẹ, đòi ăn kem, ăn chè đậu đãi, đi tàu bay, lại kêu sợ con mèo đen cụt đuôi mà bà ứa nước mắt. Ứa nước mắt nhưng mặt bà ánh lên vẻ kiên quyết âm thầm, vẻ như bà nhất định không chịu thua căn bệnh của Giéc đâu.
**́*
Giéc nóng như cái lò than suốt một tuần liền.
Giéc vật vã nửa nóng nửa rét và mê man nói năng lảm nhảm thêm một tuần nữa. Và đó là đúng là những giờ phút sống căng thẳng khủng khiếp nhất của bà cụ Ngàn. Thành ra đã có lúc bà rối trí, rơi vào cơn cuống cuồng sợ hãi. Nhưng rất may là liền sau đó bà lập tức trở lại bản tính của người đàn bà giàu nghị lực là hết sức trấn tĩnh. Trấn tĩnh! Không thể không trấn tĩnh. Vì trấn tĩnh để đương đầu với cuộc đối chọi không cân xứng tẹo nào. Vì đang ở trong tình thế, cùng với nỗi lo sợ sinh tử trước sinh mệnh của đứa nhỏ còn là những ám ảnh không nói ra được khiến câu chuyện trở nên nghiêm trọng thêm lên rất nhiều. Giéc không được đi bệnh viện. Vì đường đất quá xa. Vì thói quen của dân quê nghèo khó. Vì tin ở kinh nghiệm, ở cung cách chữa trị dân gian. Vì âm ỉ ở trong lòng một nghị lực chống trả. Vì xót thương một thân phận trẻ thơ đang bị đẩy đến trạng thái đơn côi trước cộng đồng. Vì thật không ngờ một bà lão quê mùa mới chỉ biết đọc biết viết, chưa từng được ai chỉ bảo giảng giải cho biết thế nào là giống nòi, là huyết mạch mà lại nấu nung trong lòng một ý chí mãnh liệt là quyết tâm làm sáng tỏ sự đặt điều sai ngoa gây hàm oan cho đứa trẻ. Vì lòng ngay dạ thẳng không chịu nổi điều khuất tất, nên trước hết là bằng việc chữa chạy cho đứa bé để giải tỏa chút hồ nghi còn giăng mắc trong lòng. Để sau đó làm cho thiên hạ sáng tỏ một sự thật, để giải tỏa điều oan ức cho đứa trẻ. Để bù đắp những thiệt thòi có thể là do một cơn chấn thương tinh thần gây nên mà đứa trẻ phải chịu đựng mà nó có tội tình gì! Và thế là, Giéc từ ngày lọt lòng mẹ đến giờ mới biết thế nào là đánh gió giải cảm bằng túm tóc rối trong có đồng bạc trắng và mấy lát gừng. Mới bị bà bắt ngồi trong cái chăn chiên tùm hum với nồi nước sôi sùng sục xông thơm mùi lá bưởi, lá cúc tần, lá tre, lá hương nhu, nhưng ngạt hơi và nóng rẫy. Mới bị bà ngày này qua ngày khác ép phải uống đủ các thứ lá lẩu hái từ ngoài vườn sắc trong cái ấm đất, đăng đắng lờ lợ rất khó uống. Mới bị bà vực dậy ăn bát cháo hành có quả trứng gà chần lòng đào và lá tía tô thái chỉ. Cháo ấy thì Giéc ăn được. Chứ còn miếng trứng gà rán với ngải cứu thì vừa ăn nó vừa nhè ra. Thành ra, bà vừa phải dỗ dành nó vừa mắng yêu nó, rằng, thế cũng còn chưa xong đâu, mày giống mẹ mày, ương lắm, rồi còn phải làm lễ tạ tội với các vị thánh thần nữa kia, con ạ. Rồi ôm nó vào lòng, vừa sụt sịt, vừa lau mồ hôi cho nó, rồi thẽ thọt bảo nó: Khổ thân cháu tôi! Nhưng cháu đừng sợ. Có gì đã có bà đỡ cho rồi, cháu ạ.
Có bà, Giéc có sự phù trợ, có bảo hiểm. Bên bà cùng mấy bài thuốc và cách chữa trị dân gian tỏ ra là có hiệu nghiệm, Giéc phục hồi sức khỏe nhanh không kém khi nó đổ bệnh. Tuần lễ sau, mấy bà mấy chị người làng gánh hàng đi qua sân đình đã lại thấy Giéc tuy còn xanh xao, gầy ngẳng, hai mắt trũng như hai lỗ đáo, nhưng lại đã đang dùng chân tâng bóng cùng hai đứa trẻ ở đó rồi!
- Ơ kìa, thằng giặc con, bà mày có thuốc tiên, thuốc thánh, hả con?
Nghe mấy bà mấy chị làng Mai đi qua sân đình cất tiếng hỏi Giéc, bà cụ Ngàn đang ở trong bếp vội bỏ dở nồi cơm đang sôi, vừa chạy ra vừa mau mắn cất tiếng: Em chào các bá ạ, đã liến thoắng giãi bày, rằng thì là thuốc tiên thuốc thánh gì đâu, các bá? Rằng thì là cũng chỉ là lá lẩu sằng sịt, rồi cũng lại như mẹ cháu hồi trước, có thờ có thiêng, có kiêng có lành, tôi phải sửa một cái lễ lên đền Ông Đống. Mẹ cháu xưa chả có lần đến đền Ông hái củi bị ông vật cho ốm một tháng giời liền là gì!
Rồi vừa hết một hơi dài, chỉ kịp nuốt nước bọt, đã lại vừa ràn rụa nước mắt vừa thông thốc, chỉ sợ ai nói tranh mất, để giải tỏa nỗi lòng:
- Thật là mẹ nào con ấy! Thì vưỡn là thế thôi, các bá ạ. Đấy, trong mấy thước vườn, ở hàng rào, đủ cả cúc tần, hương nhu, cối xay, ngải cứu, lá lốt, mã đề, lá đỏ ngọn... Cứ thế tôi hái, sắc cho cháu uống, đun cho cháu xông. Chỉ là lá lẩu quanh nhà thôi. Hóa ra nó cũng là người của thung thổ, đất đai này các cụ, các bá, các dì ạ. Hứ! Con giống mẹ từ cái sợ trở đi. Ai đời người lại sợ... mèo. Sợ con mèo đen cụt đuôi như hồi xưa ở nhà này có con mèo cụt đuôi tôi vưỡn đêm ra dọa mẹ nó mỗi khi nó khóc hờn vòi vĩnh đấy!
Nói những câu cuối cùng với mấy bà mấy chị làng Mai, bà cụ Ngàn xoay mặt về phía nhà anh Tửu công an. Anh Tửu trong lúc giận quá mất khôn hay sao mà lại bảo Giéc không phải người làng nước này? Không! Giéc là con mẹ nó, là cháu bà. Bà là người ru rín, bế ẵm, nuôi dạy nó. Bà biết nó từ chân tơ kẽ tóc. Bà phải nói sự thật đó. Và bây giờ thì điều đinh ninh đó đã có thêm sở cứ, đó đến lúc không thể đừng được nữa, bà cụ Ngàn, người đàn bà của một làng quê Việt Nam nghèo khó và tăm tối, mà lòng ngay dạ thẳng, không hề biết đến đơn sai, đã xoay hẳn người về phía nhà anh Tửu công an, giọng bỗng nhướng cao lên một bậc, vừa tha thiết vừa riết róng khác thường:
- Ới anh Tửu ơi! Nói để anh mừng cho tôi, cho thằng Giéc nhá. Thằng Giéc nó khỏi ốm rồi! Nam dược trị nam nhân mà. Thế đấy, trẻ mỏ có lớn mà không có khôn. Nghịch ngợm, ương ngạnh thì cũng chỉ là dại dột. Thì cũng chỉ là như con mẹ nó hồi bé thôi. Tôi nuôi con nuôi cháu tôi biết mà. Nó đích thị là người làng nước này đấy, anh Tửu ơi! Tội nghiệp thằng bé! Trước sau thì nó cũng vẫn là người làng Mai, là con dân mình đấy, anh Tửu à!
Truyện ngắn của Ma Văn Kháng
Theo TNO