Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 22/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Làng “không biết” (Kỳ 3) Làng “không biết” (Kỳ 3) , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Kỳ 3: "Không biết"

QĐND - Đó là một ký ức dữ dội nhưng kiên cường, bất khuất. Hơn 5000 tên địch không thể khuất phục được mấy chục người nông dân, đa số là những cụ già, thiếu niên yếu ớt. 32 người bị giết thảm khốc. Họ đã kiên trung hy sinh đến người cuối cùng để bảo vệ bộ đội, bảo vệ bí mật của làng kháng chiến...

Những “bô lão Diên Hồng” thế kỷ 20

Ông Nguyễn Xuân Điểm ngừng lời, run run thắp hương lên bàn thờ rồi khe khẽ nói với chúng tôi: “Nhờ có mẹ tôi bình tĩnh, khôn khéo nên tôi mới thoát chết. Hôm đó thực là một buổi sáng kinh hoàng...”.

“Giặc vào tới dốc đầu làng. Mẹ gánh tôi quay lại, về đến đầu xóm thì chúng cũng ập tới, đập báng súng, gậy túi bụi lên đầu, lên lưng mẹ tôi. Cả ngày 15-3-1952, chúng dồn dân, tiếp tục bắt chỉ hầm che giấu bộ đội và thương binh. Chúng bắt mọi người đi quanh làng 5 vòng để chỉ chỗ nhưng ai cũng lắc đầu” – ông Điểm kể tiếp.

Dọa chán không được, chúng lại bày trò mua chuộc. Ra vẻ tử tế, chúng mang thuốc lá cho các cụ già, kẹo cho trẻ em. Vẫn chỉ là những cái lắc đầu, những lời “không biết”. Chúng bực mình rút quân về cống Nha, bắt đi 4 cụ: Cụ Thức, cụ Tục, cụ Nghĩa, cụ Hoạch.

Chiều 15-3, chúng trở lại. Mấy chục tên lính da đen hung hãn kéo ra Đức Bản tiếp tục truy hỏi người dân: “Việt Minh ở đâu?”. Mọi người đều trả lời: “Không biết!”. Chúng đánh đập, bắn giết các cụ già, hãm hiếp phụ nữ. Cuối cùng, chúng tách riêng 19 người đàn ông vào nhà cụ Dụ, còn đàn bà thì dồn vào nhà bà Chác. Mẹ tôi có gánh nặng nên là người cuối cùng bị dồn vào. Mẹ kéo tôi ra khỏi thúng và ấn tôi nằm úp mặt xuống hiên nhà, mẹ và cô tôi gác chân lên người che cho tôi khỏi bị phát hiện. Điên cuồng lùng sục không tìm được hầm bộ đội, thương binh, chúng bắt các cụ già ngồi thành hàng rồi điên cuồng dùng súng liên thanh bắn hết loạt đạn này đến loạt đạn khác. Sau khi giết xong, chúng còn giẫm giày đinh lên xem còn ai sống sót không rồi phủ rơm lên đốt” – ông Điểm kể.

Thiếu tướng Bùi Đức Tạm, một nhân chứng kể lại sự kiện 15-3-1952. Ảnh: Kế Toại

Chiều cuối thu yên ả và trầm mặc, mặt trời như đi ngủ sớm hơn. Ông Điểm dẫn chúng tôi đi dọc đường thôn, tìm đến nhà cụ Trần Văn Dụ - di tích sống của sự kiện đẫm máu, bi hùng năm nào. Sáu mươi năm, thời gian bao biến cải nhưng ngôi nhà vẫn nguyên nền móng cũ, những chiếc cột tre xiêu vẹo, những viên gạch thềm rêu xanh lạnh lẽo. Trước nhà, điện thờ với hai dãy bát hương và ngoài sân, rất nhiều hương đen đang phơi càng gợi một cái gì se sắt. Ông Trần Văn Hiểu, con trai cụ Dụ năm nay đã gần 80 tuổi cho hay, ông còn sống vì may mắn hôm đó vắng nhà. Bà Cao Thị Ý, năm đó 16 tuổi, hai năm sau trở thành vợ ông Hiểu đã tận mắt nhìn cảnh máu chảy thành sông trong ngôi nhà. Hòa bình, vợ chồng bà vẫn sống trong ngôi nhà ấy, sống chung với ký ức đau lòng. Hằng năm, ngày 15-3, điện thờ trước nhà lại nghi ngút khói hương. Nhà bà trở thành nơi cả làng đến thắp hương trong ngày giỗ chung của làng...

Trở lại với ký ức đau thương ngày 15-3-1952, chưa hết cơn điên cuồng, giặc dồn tiếp các cụ ông đến nhà ông Cao Văn Hồng. Trên đường đi tới nhà ông Hồng, quân giặc còn dã man đập gẫy chân tay một cụ, dùng báng súng đập vỡ đầu cụ Quang, dùng lưỡi lê chọc mù mắt cụ Nhù... Những cực hình khủng khiếp ấy tưởng sẽ làm các cụ lung lay. Bất ngờ, một tiếng nói vang lên:

- Các anh không được tàn sát vô nhân đạo với những người dân vô tội!

Một giọng nói bằng tiếng Pháp khiến bọn giặc tròn mắt kinh ngạc. Thì ra, trong số các cụ già, có cụ Cao Đình Giới biết tiếng Pháp. Cụ đã bình tĩnh thuyết phục chúng. Nhưng bọn giặc như con thú điên say máu, lời cụ không mang lại kết quả, cụ Giới hét lên đầy căm phẫn: “Chúng tao sẵn sàng chết để nước nhà được độc lập. Chúng tao chết để bộ đội sống giết chết bọn mày!”.

Trong số các cụ bị bắn, có cụ Điện và cụ Bồi chỉ bị bắn vào phần mềm nên không chết, chờ chúng bỏ đi, các cụ mới vùng dậy chạy ra kêu cứu. Những người còn sống chạy sang nhà ông Dụ và chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng: Nền nhà máu chảy ngập trên những xác người nông dân gầy guộc.

Thế là 30 cụ già và 2 thiếu niên thôn Đức Bản đã hy sinh. Đêm hôm ấy, ông Điểm còn cầm đèn Hoa Kỳ soi cho mẹ và cô ông chôn xác người chú vì sợ hôm sau giặc lại càn quét, tàn sát. Những ánh đèn vội vã chôn người trong đêm cũng đỏ như máu...

Các cụ và các em thiếu niên đã hy sinh nhưng không một chiếc hầm bị lộ, không một cán bộ, bộ đội bị bắt, không một khẩu súng, không một viên đạn lọt vào tay giặc. Ngày hôm sau, quân giặc buộc phải rút khỏi Nhân Nghĩa, đem theo cả bọn lính cống Nha, quê hương hoàn toàn giải phóng. Trận càn Ăm-phi-bi đầy tham vọng “cất mẻ vó” cuối cùng ở làng Đức Bản đã bị thất bại.

Bài báo Bác Hồ khen ngợi Đức Bản

Chiến thắng ở Đức Bản đã góp sức vào trận quyết chiến cuối cùng Điện Biên Phủ. Mùa hè năm 1954, ngày 2-7, chỉ 3 tháng sau chiến thắng lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu, trên Báo Cứu quốc, bất ngờ xuất hiện bài báo của Bác Hồ mang tiêu đề “Không biết”. Có lẽ do yêu cầu bí mật, Bác không nêu tên thôn Đức Bản, nhưng câu chuyện thì chính là về Đức Bản. Nội dung của bài báo như sau:

“Nhân dân ta mỗi người tùy theo năng lực của mình mà ai cũng tham gia kháng chiến. Người thì cầm súng đánh giặc. Người thì đi dân công. Người thì lo tăng gia sản xuất để cung cấp cho bộ đội. Người thì lo làm cổ động tuyên truyền… Việc làm khác nhau nhưng đều phụng sự Tổ quốc, phụng sự kháng chiến. Cũng có người chỉ nói hai tiếng "không biết" mà cũng có công như tham gia đánh giặc, có công với nước với dân.

Bài báo “Không biết” của Bác Hồ trên Báo Cứu quốc. Ảnh: Kế Toại.

Cuối năm ngoái, giặc càn quét ở Hà Nam, khi chúng đến làng A, nhân dân đã tản cư, bộ đội đã mai phục lính. Chỉ còn các cụ. Giặc bắt các cụ tra hỏi: “Việt Minh ở đâu?”. Cụ nào cũng lắc đầu nói "không biết". Giặc tra tấn, các cụ cũng chỉ nói: “Không biết”. Để khủng bố tinh thần, giặc chọc tiết một cụ rồi lại hỏi. Các cụ vẫn cứ nói không biết. Giặc giết hết 25 cụ. Một cụ còn lại thét lên: “Tao không biết” rồi chửi thẳng vào mặt chúng. Tuy rất vắn tắt, hai tiếng “không biết” ấy đã tỏ rõ tấm lòng nồng nàn yêu nước và gan vàng dạ sắt của các cụ. Nó là đại biểu cho ý chí quật cường bất khuất của dân tộc Việt Nam. Hai tiếng không biết ấy đã làm cho “trời đất phải kinh, quỷ thần phải khóc”, nó đã cứu sống nhiều chiến sĩ ta vừa đưa nhiều giặc đến chỗ chết. Liền sau đó thì giặc bị đánh úp và thất bại to. Hai tiếng “không biết” kia còn nêu cao tấm gương hy sinh anh dũng để giữ bí mật cho cán bộ ta. Cái gương bí mật mà mọi người Việt Nam phải noi theo”.

Điều gì khiến cho Đức Bản vốn là vùng quê nghèo khó, một năm thì có đến sáu tháng lụt lội, dân nghèo mà kiên trung vậy? Theo Trung tướng Trần Nhẫn, bí quyết chính là niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ. Cụ Mịch bán hương đen từng nói với anh em bộ đội rằng: Cụ theo cách mạng không phải để nhận huân chương mà vì theo lời Đảng, Bác Hồ gọi. “Nhà là cái gì chứ, mất quê hương là mất tất cả, địch đốt nhà tôi không sợ, nếu đốt, tôi làm lại”. Cũng vì trong những ngày rũ bùn đứng dậy ấy, nghị quyết của Đảng do đồng chí huyện ủy viên Dương Văn Duy về chủ trì đã được đưa tới từng người dân, rằng phải giữ bí mật, giữ an toàn tuyệt đối cho bộ đội đang đóng quân trên địa bàn và nếu địch bắt hay tra khảo, người dân hãy nói: “Không biết!”.

Lịch sử đã sang trang và những con người làm nên lịch sử đã được Tổ quốc ghi công. Đức Bản có lẽ cũng là làng quê đặc biệt khi có 32 cụ già, thanh thiếu niên không phải là bộ đội nhưng đã được truy tặng “Huân chương Kháng chiến hạng ba”, riêng 32 cụ già và thanh thiếu niên thôn Đức Bản thì được công nhận là liệt sĩ. Năm 1982, tại mít tinh kỷ niệm 30 năm trận chống càn Ăm-phi-bi, Đại tướng Nguyễn Quyết, khi đó là Tư lệnh Quân khu 3 về dự đã khẳng định: “Đức Bản là quê hương anh hùng, địa phương anh hùng của đất nước anh hùng!”.

-------------------------------------------------

Kỳ 1: Đóng sẵn quan tài để… đánh giặc

Kỳ 2: Khi “bầy quỷ dữ” tới làng

Kỳ 4: Tri ân trọn nghĩa vẹn tình?

Ghi chép của NGUYÊN MINH – KẾ TOẠI


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65101541

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July