Các thầy cô giáo từng dạy và là đồng nghiệp của Ca Lê Hiến – Lê Anh Xuân ở khoa Lịch sử như thầy Đinh Xuân Lâm, Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Quốc Hùng… đã có nhiều dịp kể về Anh, về Thầy với các thế hệ khoa Lịch sử.
Còn với chúng tôi - những cán bộ, sinh viên về dạy, học ở khoa sau khi thầy đã lên đường nên chưa được gặp…
Năm 1971 - khi khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tròn 15 năm tuổi, thầy Lê Anh Xuân hy sinh đã 3 năm, còn chúng tôi khi ấy là sinh viên năm thứ 2. Khi ấy, bộ phận chuẩn bị pano, tranh ảnh giới thiệu về lịch sử, truyền thống của khoa do thầy Nguyễn Quốc Hùng phụ trách, chúng tôi được phân công giúp việc can các tấm pano. Lần đầu tiên tôi thấy ảnh một người rất đẹp, có đôi mắt tình cảm, quấn chiếc khăn rằn. Thầy Hùng bảo chúng tôi: Đó là thầy giáo Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân, và hôm nay, chúng tôi mừng rơi nước mắt khi được biết thầy vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cùng với nhạc sĩ Hoàng Việt và nhà văn Nguyễn Thi.
Chúng tôi được biết cuối 1954, khi theo gia đình tập kết ra Bắc, Ca Lê Hiến lúc đó 15 tuổi, được học ở các trường học sinh miền Nam, đầu tiên là Trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Đối với đông đảo thế hệ chúng tôi - những người được đi học phổ thông 10 năm sau khi miền Bắc giải phóng, đó là những năm tháng êm đềm và hạnh phúc của tuổi thơ. Các học trò miền Nam được miền Bắc dành tình cảm chăm sóc đặc biệt. Đến bây giờ, tôi không nhớ tên tác giả nhưng lại không quên một bài thơ (đưa vào tập đọc cấp I) viết về người chiến sĩ tuần tra trên đường phố Hải Phòng những tháng năm này: Trong đêm khuya vắng vẻ/ Chú đi tuần đêm nay/ Hải Phòng yên giấc ngủ say/ Cây rung theo gió lá bay xuống đường/ Chú đi qua cổng trường/ Các cháu Miền Nam yêu mến/ Nhìn ánh điện trong căn phòng lưu luyến/ Các cháu ơi giấc ngủ có ngon không?/ Cửa đóng che kín gió/ Ấm áp dưới mên bông/ Các cháu cứ an tâm ngủ nhé... /Trong đêm khuya vắng vẻ/ Chú đi tuần đêm nay/ Nép mình dưới bóng hàng cây/ Gió đông lạnh ngắt đôi tay chú rồi/ Rét thì mặc rét cháu ơi/ Chú đi giữ ấm mãi nơi cháu nằm/ Mai các cháu học hành tiến bộ...
Sau trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng, Ca Lê Hiến lên Hà Nội, học trường Phổ thông Trung học Nguyễn Trãi.
Cuối năm lớp 9, một số đủ tuổi đi thi và được nhận vào trường đại học, trong đó có Ca Lê Hiến vào học Đại học Tổng hợp và được phân công vào khoa Sử.
Khoa Lịch sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hồi đó đóng tại địa điểm cũ của trường Sư phạm miền núi, liền với chùa Láng (nay là địa điểm của Học viện Quan hệ quốc tế). Tất cả sinh viên - dù là người Hà Nội - và một số đông các thầy giáo đều ở nội trú. Những năm tháng sinh viên ngắn ngủi khoá 3 hồi đó (chỉ học có 3 năm, 1959-1962) nhưng không ít thầy cô khoa Sử biết nhớ Ca Lê Hiến. Thầy Vũ Dương Ninh nói: “Nếu kể đến một người học trò cụ thể mà tôi nhớ nhất, đó là trường hợp Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân học rất giỏi, thông minh”.
Thầy Đinh Xuân Lâm kể lại: “Ngay từ những ngày đầu năm học 1959 - 1960, tôi đã chú ý tới một sinh viên trẻ măng, nét mặt thanh tú, nói năng nhẹ nhàng, vào học năm thứ nhất khoa Lịch sử. Đó là Ca Lê Hiến, học sinh trường miền Nam - mới thi đậu vào trường. Sau đó ít lâu, tôi lại được biết anh là con trai cụ Ca Văn Thỉnh - Giám đốc Thư viện Khoa học Xã hội, một vị trí thức có tên tuổi mà tôi đã nhiều lần được tiếp xúc và vô cùng cảm phục.
Thầy Lâm còn nhớ: “Chuyến thầy trò khoa Sử đi thực tập - thực tế ở Hòa Bình vào năm thứ hai của khóa học (7-1961). Ca Lê Hiến có ngay bài thơ đầu tiên trong đợt đi thực tập: Bản mường ơi chiều xuống rồi nhẹ nắng,/ Mà lúa vàng trĩu nặng cả đồng ta,/ Đàn bò mộng đường về ngang suối vắng,/ Suối bỗng vàng như chở nắng chiều xa...
Sau khi tốt nghiệp khoa Sử (tháng 6/1962), Ca Lê Hiến được giữ lại làm giảng viên Bộ môn Lịch sử thế giới, chuyên về lịch sử văn hoá Hy Lạp, La Mã của khoa, rồi được cử đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
Nhưng, chúng tôi được biết, những năm tháng học ở miền Bắc, thành sinh viên rồi cán bộ khoa Sử, Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân vẫn đau đáu: Quê hương đang nước sôi lửa bỏng/ Lẽ nào ta lại sống bình yên!... Ôi ta thèm được tay cầm khẩu súng/ Đi giữa đoàn quân cùng với bạn bè/ Nằm chờ giặc trên quê hương anh dũng/ Ta say nồng mùi lá rụng bờ tre.
Cũng như nhiều thanh niên thời bấy giờ, Lê Anh Xuân xin ra chiến trường. Cuối năm 1964, Lê Anh Xuân về Nam.
Qua bạn bè cùng trang lứa, và cùng làm thơ từ thuở học sinh, sinh viên ở Hà Nội, như Phạm Tiến Duật (1941-2007) khi vào đến A Sầu, A Lưới, đã viết: Duật đã vào đây, Hiến ở đâu?/ Chiều nay xanh rừng núi A Sầu…
Chúng tôi biết bạn bè của các anh thường gặp nhau ở quán Bắc - Nam: Quán Bắc Nam một chiều hôm ấy/ Không ngờ đâu cũng có Anh ngồi đấy/ Người hay khóc thầm là Hiến đó, Hiến ơi!
Ca Lê Hiến đọc thơ, và: Nói chuyện về sông Cà Lồ, về làng Cổ Tích/ Chuyện Cổ Loa giang bao bọc Cổ Loa thành.
Hẳn có những tri thức lịch sử văn học… từ gia đình, nhà trường và những tháng năm gắn bó với khoa Lịch sử đã góp phần làm nên “Một giọng trữ tình, uyên bác của Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân” trong lớp nhà thơ trẻ chống Mỹ cứu nước.
Đọc “Nhật ký” của nhà giáo - chiến sĩ Lê Anh Xuân tìm được trong chiếc ba lô lúc hy sinh, chúng tôi xúc động khi biết trước khi lên đường, thầy Lê Anh Xuân “vừa thấy rạo rực, háo hức, vừa thấy bâng khuâng khi sắp xa anh em, xa những người thân yêu”. Thấy hình ảnh thầy trò khoa Sử trong thơ “mang đồ đá đi sơ tán...”… “Đứa ngã xuống bên dòng sông Vàm Cỏ” … càng biết tình cảm Lê Anh Xuân gắn bó với Khoa, với thầy, với đồng nghiệp…
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tình cảm, dòng máu thế hệ Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định, Ngô Văn Sở dâng trào trong những thầy giáo, sinh viên khoa Lịch sử tiếp tục theo bước đường vượt Trường Sơn, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều sinh viên - chiến sĩ khoa Lịch sử đã hy sinh. Và, năm 1978, khi tiếng súng quân xâm lăng nổi trên biên giới phía Bắc, nhưng thanh niên anh sinh viên Nguyễn Chiều, người đã lên đường nhập ngũ năm 1971… rồi trở lại giảng đường khoa Sử, thành giáo viên… đã sục sôi trở lại đội ngũ chiến đấu qua lá đơn bằng máu của mình.
Lịch sử hay nhắc và viết đến truyền thống, thì từ chính thập niên đầu tiên ấy của khoa Lịch sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (Nay là trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) từ Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân và thế hệ của anh đã mở đầu một truyền thống: Truyền thống gắn bó với Tổ quốc, với nhân dân bằng chính máu xương của mình .
Hơn 50 năm đã qua, từ khi Ca Lê Hiến – Lê Anh Xuân trở thành sinh viên rồi thầy giáo khoa Lịch sử… Và năm nay (2011), khi khoa Lịch sử Anh hùng tròn 55 năm. Mỗi vui buồn của khoa trong suốt 50 năm qua luôn có hình ảnh, tâm linh các liệt sĩ, có các thầy cô giáo mọi thế hệ của khoa trong đó có thầy Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân. Thầy đã thuộc về nhân dân này, đất nước này. Cuộc đời sinh viên - thầy giáo - nhà thơ chiến sĩ Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân là một khối thống nhất trung thực toàn bích giữa trang sách, luận án và cuộc đời. Thầy cùng với thế hệ của mình đã làm nên một Dáng đứng Việt Nam, biểu tượng của người Trí thức, người thầy giáo không chỉ tạc vào thế kỷ XX - thế kỷ của cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, mà hẳn là mãi là hình mẫu lý tưởng, lẽ sống của các thế hệ sinh viên - trí thức - nhà giáo Việt Nam dâng hiến tận cùng tình cảm và năng lực cho sự trường tồn, phát triển bền vững của Tổ quốc Việt trong Độc lập - Tự do.
NGUYỄN HẢI KẾ
Theo Vannghequandoi
|