Kỳ 2: Khi “bầy quỷ dữ” tới làng
QĐND - Giặc tràn vào làng. 15 tiểu đoàn với đại bác, xe cơ giới, máy bay nhưng không thắng nổi những cây súng kiên cường sau các lũy tre. Trận đánh ác liệt mấy ngày đêm với phần thắng thuộc về ta, hàng trăm tên giặc phải bỏ mạng. Chủ lực ta tạm rút nhưng thương binh còn rất nhiều dưới hầm. Dân lại nhường hầm, vượt vòng vây quân thù để cứu thương binh...
Binh đoàn thua những... lũy tre
Những ngày đầu tháng 3 năm 1952, đã cuối mùa xuân nhưng cái rét mùa đông như vẫn còn dai dẳng. Thôn Đức Bản chìm trong làn sương mờ dăng dăng khắp chiến lũy. Cả làng vẫn đang đợi quân thù. Trận càn mang tên Ăm-phi-bi, một loại xe lội nước của địch đã được trên thông báo. Ai cũng biết nó sẽ rất khốc liệt bởi lực lượng địch tham gia ngang ngửa với quân số của chúng tại Chiến dịch Hòa Bình. Một trong những người lính trực tiếp chiến đấu ở Đức Bản ngày ấy nay còn sống đã trở thành một vị tướng. Ông là Thiếu tướng Bùi Đức Tạm, nguyên Phó chủ nhiệm chính trị Tổng cục Kỹ thuật. Cùng chúng tôi trở về Đức Bản sau hơn 60 năm, khi chiếc xe con chạy qua ngã ba sông, những rặng tre gầy hiện ra, ông nói trong thổn thức: “Kia rồi, nơi ấy...”.
Ngày đó, ông là Chính trị viên Tiểu đoàn 738 trực tiếp chỉ huy chiến đấu trong trận chống càn Ăm-phi-bi do tên tướng Béc-su chỉ huy vào Lý Nhân và Bình Lục, Hà Nam từ ngày 9-3 đến ngày 15-3-1952. Trong trận càn này, chúng huy động 15 tiểu đoàn trong đó có 10 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo (30 đại bác), 1 tiểu đoàn cơ giới (150 xe), 18 xe lội nước có máy bay yểm trợ. Ngày 9-3-1952, chúng triển khai vòng vây khép kín huyện rồi tiến sâu vào những khu đã bao vây chia cắt thành những vùng nhỏ để càn quét.
|
Di tích hầm che giấu cán bộ nay vẫn còn ở trong nhà dân thôn Đức Bản.Ảnh: Kế Toại. |
Chiều ngày 11-3-1952, địch càn tới cống Vùa và cống Nha, khi đó Tiểu đoàn 738 về bố trí trận địa ở Vạn Thọ, Đức Bản. Ngày 12-3-1952, sau hàng giờ giội bom, bắn đại bác tàn phá nhà cửa, cây cối, binh đoàn cơ động số 4 kéo quân từ Đồng Chữ, cống Vùa đánh vào làng Vạn Thọ. Hai lần địch tổ chức tấn công đều bị quân ta đẩy lùi, diệt nhiều tên. Đến 4 giờ chiều, địch tăng viện thêm máy bay, xe lội nước yểm trợ từ cống Nha ồ ạt tiến quân đợt 3 và lọt vào trận địa mai phục của ta ở làng Vạn Thọ. Bị chặn lại bởi hàng rào tre, hệ thống bẫy chông, địch điên cuồng xả súng, giội bom như mưa vào lực lượng của ta. Ròng rã một ngày đánh trả các mũi tiến quân của địch, một số chiến sĩ ta đã hy sinh. Cuộc chiến đấu giáp lá cà giữa ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt, chiến sĩ ta đã dùng báng súng, lưỡi lê tiêu diệt nhiều tên địch. Trước tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân ta, bọn địch phải tháo chạy. Được lệnh, pháo ta từ Đức Bản bắn chặn đường rút lui của giặc, bộ đội và du kích từ Đức Bản hành quân xuống tiếp viện truy kích địch. Dọc cánh đồng Vạn Thọ, Hạ Nông, cống Nha, xác giặc nằm ngổn ngang...
Cả làng cứu thương binh
Ông Hoàng Trang, năm nay đã 85 tuổi, sống tại xã Bồ Đề, huyện Bình Lục, Hà Nam, là Trợ lý quân báo của Tỉnh đội Hà Nam Ninh ngày ấy. Trong ký ức của ông, buổi chiều 12-3 như còn khét lẹt mùi khói súng. Đức Bản đúng là “làng che bộ đội, làng vây quân thù”, ta đã tiêu diệt 211 tên địch, bắt sống 19 tên, thu rất nhiều vũ khí, trang bị. Thua đau, địch cho đại bác từ Phủ Lý, Vĩnh Trụ bắn tới tấp về Đức Bản, cho trùm lên trận địa. Đạn địch làm chết một người dân và bị thương 13 chiến sĩ nhưng không ai nao núng. Ngược lại, chính lúc này, lòng dân là lá chắn kỳ diệu nhất. Chị Cao Thị Vân, một nữ du kích buổi đầu ra trận còn giật mình bởi tiếng bom đạn lúc ấy bỗng dũng cảm phi thường. Mặc cho tiếng hét của người chỉ huy yêu cầu mọi người vào hầm trú ẩn, Vân bật dậy, nhảy lên khỏi hầm, băng qua bão đạn, cõng thương binh về hầm nhà băng bó, nuôi dưỡng. Sau này mọi người hỏi vì sao liều thế, chị trả lời: “Mình còn khỏe, còn chạy được, chứ anh em thương binh, nếu trúng bom, anh em hy sinh hết!”.
Biết quân địch còn mạnh và chưa từ bỏ dã tâm, để tránh mũi nhọn tiến công của địch, bộ đội ta đã rời Đức Bản chuyển đi nơi khác, chỉ còn lại một số thương binh và đơn vị bảo vệ. Tuy nhiên, lại có hơn 100 thương binh từ Duy Tiên, Bắc Lý Nhân, Tả Ngạn được đưa về Đức Bản nhờ nhân dân nuôi dưỡng, bảo vệ.
|
Các nhân chứng và đại biểu tới dự hội thảo sự kiện 32 cụ già và thiếu niên thôn Đức Bản anh dũng hy sinh năm 1952. Ảnh: Kế Toại. |
Đêm 13-3, cả làng lại thức trắng, hối hả chuyển thương binh ra vùng tự do và chôn cất liệt sĩ. Dân quân, đảng viên, du kích cùng nhau khiêng cáng thương binh đi theo đường Thượng Nông, lặng lẽ suốt đêm vượt qua bốt địch sang Bình Lục ra ngoài. Các cụ lão binh ở làng đốt đuốc đưa liệt sĩ đi chôn cất.
“Lúc ấy, địch bao vây xung quanh làng, chỗ nào cũng có địch. Để đưa anh em thương binh ra ngoài, ta phải huy động dân làng, cả dân công các xã lân cận. Cứ một anh thương binh có 4 dân công thay nhau khênh cáng. Như vậy đã có tới hơn 400 dân công tham gia cứu thương binh. Một trăm thương binh được chuyển về Bình Lục, số còn lại bị quá nặng nên phải ẩn nấp dưới hầm. Hầm ít, nhiều cụ già đã nhường hầm để bộ đội, thương binh ta trú ẩn” – ông Phạm Văn Ngự, 79 tuổi, người thôn Đức Bản là du kích ngày đó kể lại.
Trong số những nhân chứng của cuộc chiến bi hùng ấy, có ông Nguyễn Xuân Điểm, người thôn Đức Bản, năm nay 69 tuổi. Năm đó, ông Điểm còn là một đứa trẻ 9 tuổi nhưng đến giờ ông vẫn nhớ như in mẹ mình, anh mình đã che chở, cứu bộ đội như thế nào. “Chiều 13-3-1952, có rất nhiều bộ đội mang theo nhiều thương binh về làng. Cán bộ xã, thôn tới từng gia đình nhờ dân che giấu, giao thương binh cho các gia đình chăm sóc. Nhà tôi nhận 3 anh bộ đội đều bị thương, trong đó có anh Đễ, quê ở xã Nhân Bình. Mẹ tôi giao cho anh trai tôi đã lớn ở lại hầm chăm sóc 3 anh rồi vội vàng lên khỏi hầm, ra phục vụ chiến đấu”.
Ngày 14-3, một sư đoàn lính Pháp tiếp tục ập vào làng, lùng sục để bắt bộ đội và thương binh của ta. Chúng chia thành 2 mũi kéo lên Đức Bản, một mũi theo đường 63 lên, hầu hết là lính da trắng và ngụy quân, một mũi toàn lính da đen lội đồng từ cống Nha vào xóm 5 Vạn Thọ vòng ngược lên. Chúng giết 17 người, qua Thượng Nông chúng bắn giết gần một chục người rồi lội đồng về chùa Đức Bản hợp quân. Chúng bắt được cụ Thốn tra khảo hỏi về Việt Minh nhưng cụ lắc đầu bảo: “Không biết!”. Chúng đem cụ vào hầm tránh đại bác nhà cụ Pháo chặt đầu hòng uy hiếp những người dân còn lại. Đến chùa, giặc chia làm 2 toán, một toán đóng lại ở chùa, một toán phần đông là ngụy quân và một số lính da trắng và da đen đóng ở nhà ông Hoạch, chúng bắt dân giết lợn gà làm cơm.
Tối hôm ấy, giặc tập hợp các cụ già, em nhỏ ở sân nhà cụ Học để mua chuộc. Một tên chỉ huy quát tháo oang oang:
- Chúng tao đã phát hiện thấy nhiều hầm, lại có nhiều bông băng vương vãi đầy mặt đất, chứng tỏ chúng mày đang bao che cho bọn Việt Minh. Khôn hồn muốn sống thì khai báo. Bằng không, chúng tao sẽ giết hết cả làng này!
Ông Điểm kể tiếp: “Mặc chúng dọa dẫm, mọi người vẫn ngồi câm lặng. Mẹ tôi và tôi cũng ngồi đó. Đến khoảng nửa đêm, không moi được thông tin gì, bốn tên Pháp bỏ đi khỏi nhà cụ Học. Lúc này, anh phiên dịch người Việt mới nói nhỏ với mọi người một tin kinh hoàng: “Nội nhật đêm nay, ai trốn được khỏi làng thì đi ngay. Rạng sáng ngày mai có một sư đoàn Tây đen thực hiện điện khẩn của thượng cấp càn về làng Đức Bản, bắt được nam giới từ bế ngửa cho đến đầu bạc răng long chém bằng hết, giết nhầm còn hơn bỏ sót, còn đàn bà cho phép hãm hiếp”.
Nghe xong thông báo đó, nhiều người có vẻ hoảng hốt. Mẹ tôi dặn tôi ngồi lại rồi chui qua giậu chạy về nhà. Tôi chạy theo thì anh phiên dịch lôi tôi lại, ấn tôi ngồi xuống trước cửa nhà cụ Học vì sợ lộ. Vài giờ sau, mẹ quay lại, mang theo một đôi quang gánh, hai cái thúng lớn, một cái áo tơi và hơn một yến gạo.
Sáng sớm hôm sau, mẹ cho tôi ngồi vào một bên thúng và lấy chiếc áo tơi trùm kín, thúng bên kia là gạo. Mẹ gánh tôi lên đường 492 để chạy sang vùng tề Bình Lục. Nhưng vừa chạy tới chùa Đức Bản thì thấy tiếng chân rầm rập. Hàng trăm người dân đang chạy từ xóm Nhân Sơn vào Đức Bản. Có nhiều tiếng hét: “Chạy quay lại đi! Giặc đến dốc đầu làng rồi!”.
-------------
Kỳ 1: Đóng sẵn quan tài để... đánh giặc
Kỳ 3: “Không biết”
Ghi chép của NGUYÊN MINH - KẾ TOẠI