Những chuyện nhỏ dưới đây cho ta thấy rõ hơn tính cách của nhà thơ lớn.
Vào năm 10 tuổi, khi bị nhà văn I. Dmitriev (1760-1837) gọi là “Arabchik” (Cậu bé ả-rập), Puskin không hề lúng túng đối đáp lại: “Nhưng không là Riabchik” (Nhưng không là chim đa đa). Mọi người có mặt ở đó rất ngạc nhiên, bởi mặt của Dmitriev quả thực bị rỗ hoa.
Khi một người quen tên là Kondưba hỏi nhà thơ có thể gieo vần với các từ “rak” (tôm) và “rưba” (cá), Puskin trả lời: “Durak Kondưba” (Thằng ngốc Kondưba). Kondưba sượng sùng đề nghị gieo vần với các từ cá và tôm, Puskin nói ngay: “Kondưba – durak” (Kondưba – thằng ngốc).
Năm 12 tuổi, Puskin được nhập học vào Trường trung học Nam sinh Hoàng gia Sarxkoexelo danh tiếng là nhờ người chú ruột V. L. Puskin (nhà thơ nổi tiếng, 1766-1830) có quan hệ thân thiết với Bộ trưởng Speranxki.
Năm 1817, sau 15 ngày thi (các môn: Tiếng La tinh; Văn học Nga, Đức và Pháp; Lịch sử; Luật; Toán học; Vật lý; Địa lý…), trong số 29 học sinh được trao bằng tốt nghiệp, Puskin xếp thứ 26 với thành tích “xuất sắc trong các môn Văn học Nga và Pháp, Kiếm thuật”. Trong thời gian ở trường, Puskin học môn Văn học Pháp rất nghiêm túc, nên được các bạn đặt cho biệt danh là “Người Pháp”. Ông thường xuyên viết thơ cho tờ báo tường “Nhà thông thái” của trường.
*
Puskin rất đa tình. Từ khi mới 14 tuổi, Puskin đã lần mò vào các nhà thổ. Khi đã có vợ, ông vẫn tiếp tục viếng thăm “những cô gái vui vẻ” và kết nhân tình với những phụ nữ đã có chồng. Trong nhật ký của cảnh sát có đoạn viết về Puskin: “Anh ta thực sự trẻ con và là một đứa trẻ không biết sợ ai”. Jan Tadeusz Bulharyn (1789-1859) – một đối thủ văn chương nổi tiếng nhờ các vần thơ trào phúng của Puskin – cũng nhận xét Puskin: “Giản đơn trong phán đoán, dễ mến trong bạn bè và trẻ thơ trong tâm hồn”.
Theo em trai Puskin (1805-1852), vóc dáng Puskin rất tệ, thấp bé, song không biết tại sao lại được phụ nữ yêu thích. Điều này được khẳng định trong thư của A. N. Vera (vợ của P. V. Nasokin, 1801-1854, - bạn thân thiết nhất của Puskin), người mà Puskin cũng phải lòng: “Puskin có mái tóc màu hạt dẻ xoăn tít, đôi mắt xanh và sức quyến rũ kỳ lạ”. Người em trai công nhận: “khi Puskin thích ai đó, anh trở nên rất quyến rũ, còn khi Puskin đã không thích thì anh ấy nói năng uể oải, nhạt nhẽo và khó nghe”.
Về ngoại hình, nhà thơ thiên tài tương phản với người vợ xinh đẹp Natalia Goncharova của mình. Ông thấp hơn vợ 10 cm. Vì thế, nếu cùng nhau dự vũ hội, Puskin thường cố đứng xa vợ để mọi người xung quanh không nhận ra sự tương phản không mấy dễ chịu này.
Tiếng cười của Puskin cũng rất quyến rũ, hệt như thơ của ông vậy. Họa sĩ Karl Briullov (1799-1852) nhận xét: “Puskin thật là người có phước! Anh ấy cười như phơi hết gan ruột”. Trong thực tế, Puskin đã suốt đời khẳng định rằng tất cả những gì khích lệ tiếng cười đều lành mạnh và có thể chấp nhận được, còn những gì gây ra sự khủng khiếp đều tội lỗi và nguy hại.
*
Puskin thường có những món nợ cờ bạc khá nghiêm trọng. Nga hoàng Nikolai Pavlovich từng khuyên nhà thơ bỏ thú chơi làm hư người này. Puskin trả lời: “Ngược lại, thưa bệ hạ, cờ bạc cứu thần khỏi những u sầu. Còn thơ sau đó là phương tiện để thần trả những món nợ cờ bạc”.
Thường là sau mỗi lần mắc nợ cờ bạc, Puskin ngồi làm thơ và chỉ một đêm là thừa tiền trả nợ. “Bá tước Nulin” là một bài thơ ra đời trong hoàn cảnh như thế. Ông viết xong trong hai buổi sáng (13-14/12/1825).
Theo thống kê của các nhà Puskin học, cuộc đụng độ với Dantes ít nhất cũng là lần thách đấu thứ 21 trong cuộc đời của nhà thơ. Dantes là anh em đồng hao với Puskin. Trong 15 lần nhà thơ chủ động thách đấu có 4 lần đã xảy ra đấu súng, còn những lần khác không xảy ra do hai bên đã được bạn bè hòa giải; 6 trường hợp Puskin nhận lời thách đấu của đối phương. Lần thách đấu đầu tiên của nhà thơ xảy ra ở trường trung học hoàng gia.
Trong tư liệu của Bảo tàng tưởng niệm A. X. Puskin “Boldino” các nhà sử học khẳng định, rằng trong toàn bộ cuộc đời mình nhà thơ đã thách đấu và nhận lời thách đấu tới 29 lần. Tư liệu có ghi lại chuyện Puskin hay mang cây gậy sắt nặng. Chú của Puskin có lần hỏi: “Alekxandr Xergeyevich, cháu cầm gậy nặng thế để làm gì?” Puskin trả lời: “Để tay cứng cáp hơn, nếu phải đấu súng thì tay không run”.
Nhiều khi nguyên nhân chỉ từ những tranh cãi nhỏ nhặt, Puskin gọi đối phương là kẻ đểu cáng, vậy là xảy ra thách đấu. Puskin rất giỏi bắn súng, song trong những vụ đấu súng, nhà thơ hầu như không phải là người đầu tiên nổ súng và chưa một lần làm đối thủ đổ máu.
Thách đấu là một nét tính cách đáng sợ của Puskin. Dù bản tính là người không độc ác, nhưng nhà thơ có thể bất ngờ sinh sự vô lý như bị “ma xui, quỷ ám”. Tên của nhà thơ Puskin từng bị cảnh sát ghi trong danh sách “đen” những người không thích hợp với bình yên của xã hội. Lịch sử các lần thách đấu của Puskin cũng chính là lịch sử cuộc đời ông. Chúng cho thấy đầy đủ tính khí của nhà thơ – nôn nóng, nhẹ dạ, quyết liệt, dễ bị kích động, hay khiêu khích…
Trước khi chết, Puskin đã viết thư cầu xin Nga hoàng Nikolai I hủy lệnh cấm các cuộc thách đấu: “…Thần chờ thánh chỉ của bệ hạ, để ra đi thanh thản…”.
(Văn nghệ số 23/2013)
Theo Hội nhà văn Việt Nam