Mùa siren nở là mùa mà cả thành phố Matxcova ngập trong màu tím, trắng, hồng của loài hoa tuyệt vời này. Mùa xuân, đặc biệt là vào tháng 5, nếu bạn có dịp thong dong thả bộ trên những con phố của thủ đô nước Nga, bạn sẽ thấy thoang thoảng đâu đó mùi hương nhè nhẹ. Đó chính là hương thơm tỏa ra từ những bụi siren mọc ven đường, trong công viên và những khu vườn, khu rừng ở Matxcova. Mùa siren là mùa thi cử, là mùa lễ tốt nghiệp ra trường. Chính bởi vậy, siren luôn góp mặt trong thời điểm mang dấu ấn đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời nhiều học sinh, sinh viên đã từng có những năm tháng sống và học tập ở nước Nga.
Từ “siren” (сирень) trong tiếng Nga có lẽ là từ được những người nước ngoài sử dụng một cách bình thường như tiếng mẹ đẻ, không cần dịch mà mọi người vẫn hiểu nghĩa của nó một cách trọn vẹn. Nếu ai đó hỏi một người Việt sống ở Nga rằng bạn có biết hoa tử đinh hương hay không, thì chắc không phải ai cũng có ngay câu trả lời, bởi trong tiềm thức của mọi người tên gọi “siren” vẫn quen thuộc hơn nhiều so với tên gọi loại hoa này trong tiếng Việt “tử đinh hương”.
Siren là loài cây mọc thành bụi và khi những bụi siren được phủ kín bằng những chùm hoa đủ sắc màu thì loài hoa này thực sự trở thành linh hồn của cả khu vườn. Từ xa xưa đã có nhiều tác phẩm thơ ca, nhạc họa dành để ca ngợi loài hoa này. Nói về ý nghĩa của siren trong cuộc sống của người dân Nga, các nhà nghiên cứu cho rằng loài hoa này cũng chẳng hề thua kém hoa hồng – loài hoa được coi là biểu tượng của tuổi trẻ, sắc đẹp và tình yêu. Các nhà thơ Nga trong mọi thời đại đã dành những vần thơ đẹp ngợi ca siren như loài hoa hiện thân của mùa xuân, của tình yêu, của những niềm hy vọng, của những nghĩ suy, những xúc cảm trong sáng nhất, tinh khiết nhất trong tâm thức con người. “Còn mùa xuân mới tuyệt làm sao!/ Cả tâm hồn chỉ tràn ngập những đóa đinh hương thơm ngát…” Đây là những vần thơ của nhà thơ Nga-Xô Viết Nikolai Zabolotsky ca ngợi mùa xuân của nước Nga với điểm nhấn là những bông siren. Khi đọc thơ ông, người ta sẽ lập tức liên tưởng tới những buổi hoàng hôn trong một không gian tĩnh lặng với bầu không khí mát mẻ, và bạn ngồi đó dưới tán hoa và lá siren, hít thở hương thơm man mát và ước mơ về một điều gì đó tốt lành.
Siren là loài hoa được miêu tả một cách đa dạng, phong phú trong tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng của Nga như P.P Konchalovsky, M.A.Vrubel, V.M. Maksimov, V.D.Polenov và nhiều họa sĩ khác. Tại sao siren được các họa sĩ ưu ái đến vậy? Có thể là bởi ở Nga-Liên Xô, siren được coi là loài hoa đặc trưng của mùa xuân, mùa sinh sôi nảy nở, mùa hướng tới tương lai. Hoa siren sở hữu nhiều sắc màu tím, hồng, trắng, xanh trắng… và màu của một vài giống siren còn thay đổi theo thời gian: Từ khi còn là nụ có màu hồng, tím sẫm, khi nở hoa màu nhạt dần, hoặc nụ có màu xanh nhạt, khi nở hoa chuyển màu trắng… Và có lẽ chính sự khác biệt này đã thu hút sự chú ý và tạo nên nguồn cảm hứng sáng tác cho các họa sĩ.
Siren mọc nhiều ở vùng Đông Nam châu Âu, ở cả châu Á mà chủ yếu trên lãnh thổ Trung Quốc. Siren xuất hiện ở Nga từ thế kỷ 18 và tới giữa thế kỷ thứ 19, siren trở thành loại cây được ưa chuộng và hầu như không có mảnh sân hay khu vườn nào ở nước Nga mà không thấy có bụi siren. Từ năm 1945, các nhà khoa học Liên Xô đã đưa các giống siren vào ươm trồng tại vườn bách thảo MGU. Từ đó tới nay số lượng giống siren cả của nước ngoài và của Nga mọc tại vườn đã lên tới con số 130.
Ngày 18/5 hàng năm được coi là Ngày Quốc tế hoa siren do Hội Hoa siren Quốc tế ấn định. Vào ngày này, có lẽ người đầu tiên được nhớ tới ở nước Nga là Leonid Kolesnikov bởi ông đã có công gây giống hàng trăm loại siren. Hiện những giống siren của L.Kolesnikov vẫn đang mọc tại vườn Cung điện Buckingham ở Luân Đôn, Vườn bách thảo Hoàng gia Anh, các khu vườn nổi tiếng của Mỹ, vườn của Điện Kremli, Vườn bách thảo MGU ở Matxcova. Năm 1973, Hội Hoa siren Quốc tế đã truy tặng L.Kolesnikov giải thưởng Cành Siren Vàng do những đóng góp của ông trong việc nhân giống loài hoa này. Mỗi giống hoa siren đều được Kolesnikov đặt cho một tên gọi rất đẹp, mang ý nghĩa sâu xa, ví dụ “Người đẹp Matxcova”, “Bông tuyết”, “Lá cờ Lênin”, “Âm điệu Shostakovich” – tên của nhà soạn nhạc nổi tiếng của Nga , “Galina Ulanova” – tên của nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô, là niềm tự hào của nền bale Liên Xô-Nga, và nhiều tên gọi khác nữa.
Bài và ảnh: Hải Hà
Theo baonga.com
|