Đêm tháng năm vằng vặc trăng soi, ngạt ngào hương sen, dạo bước dọc con đường lớn thênh thang vẳng nghe câu giận thương của người mẹ trẻ ru con vọng xuống, lòng con bỗng nôn nao nhớ Bác vô cùng… (kể cũng lạ, đôi khi ruổi rong trên dòng đời hối hả, nghĩ đến Bác lòng bỗng thanh thản và trong sáng lạ thường)…
|
Người về thăm quê. Ảnh tư liệu |
Tháng 5 về lũ học trò cuối cấp ríu rít bên gốc phượng già lưu luyến chia tay nhau giã từ đời học sinh, tháng năm về nắng găn gắt ả oi thương mẹ xuống đồng rát bỏng bàn chân… Bao tháng 5 đã đi qua trong cuộc đời, nhưng có lẽ trong tâm khảm mỗi người dân Việt, ngày 19 tháng 5 mãi mãi là ngày thiêng liêng nhất, trọng đại nhất - Ngày mà một vĩ nhân, một anh hùng, một danh nhân vǎn hóa kiệt xuất đã ra đời và cống hiến trọn vẹn tất cả cho dân tộc. Ngày đó là ngày vui nhất của dân tộc Việt Nam, ngày hướng về một lý tưởng cao đẹp nhất của con người…
Quê hương là nơi ta sinh ra và lớn lên, nơi chôn nhau cắt rốn, là nghĩa nặng tình sâu, những câu ví, điệu hò là bầu sữa nuôi nấng tâm hồn ta, dạy ta biết yêu thương gìn giữ giống nòi. Người Nghệ uống nước sông Lam, ăn quả núi Hồng, hát câu ví dặm "đúc" thành "chất Nghệ"; và vì thế, lẽ thường những câu ví dặm cứ theo suốt cả cuộc đời của những người con xứ Nghệ. Ví dặm đó là đồng chiều, cuống rạ, là vất vả áo tơi, là mái nhà tranh toả khói lam chiều, là khóm cúc tần, ao cá, dậu mùng tơi…
Thế nên dễ hiểu, rất bình thường và cũng thật là lớn lao với một người đã đi trọn cuộc đời dài xa như Bác, trước lúc về với vĩnh hằng lại muốn được nghe một câu dân ca quê nhà…
Chuyện kể rằng: trước lúc người ra đi… Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ ... Có lẽ không đâu trên trái đất này lại có một một con người giản dị và vĩ đại đến thế: trọn cuộc đời dành cho dân cho nước, chẳng gợn chút riêng tư, lúc sắp về với vĩnh hằng chỉ có một mong ước thật bình dị: muốn nghe câu hát dặm quê nhà… bởi: nhớ làng Sen từ thủa ấu thơ…
Vâng! thưa Bác! con hiểu, đã yêu tổ quốc mình càng yêu thắm thiết những khúc hát dân ca…
ĐAN PHÚC
theo hà tĩnhonline