Có thể nói lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trở thành một hình tượng trung tâm trong văn chương hiện đại Việt Nam. Nhà văn Hồ Phương trong bài Ba lần được gặp Bác đã viết một cách chân thành và xúc động “Tôi chỉ còn thiếu bay lên vì sung sướng” (Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh - Tập 1, Nxb Hội Nhà văn, 2010). Nhà văn Hoàng Quảng Uyên thì chưa được gặp Bác Hồ nhưng hình ảnh Người đã luôn trong trái tim mỗi người Việt Nam, vì “Người là Cha, là Bác, là Anh/Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” (Tố Hữu). Trước khi đặt bút viết Mặt trời Pác Bó (một trong năm tập của bộ tiểu thuyết hoành tráng về lãnh tụ Hồ Chí Minh), nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã dồn nhiều thời gian và tâm huyết để hoàn thành công trình khảo cứu công phu Nhật ký trong tù - Số phận và lịch sử (Nxb Văn học, 2005). Dường như giữa công việc nghiên cứu và sáng tác về cùng một đối tượng có cái gì đó như người đời gọi là “hữu duyên thiên lí năng tương ngộ”.
Mặt trời Pác Bó của nhà văn Hoàng Quảng Uyên là tập thứ hai trong bộ tiểu thuyết năm tập về lãnh tụ Hồ Chí Minh nhưng lại được ra mắt độc giả trước tiên (các tập tiếp theo sẽ là Trông vời cố quốc, Ba ngàn ngày chiến thắng…). Trước hết có thể nói Mặt trời Pác Bó là một cuốn tiểu thuyết lịch sử (tái hiện hoạt động cách mạng của Bác Hồ thời kì 1941 -1945), hoặc gọi khác đi là một cuốn tiểu thuyết tư liệu, rất gần gũi với tiểu thuyết Cha và con (Nxb Kim Đồng, 2007) của nhà văn Hồ Phương viết về cuộc sống của ông Nguyễn Sinh Sắc và con trai Nguyễn Sinh Cung thời kì ở Huế. Có thể nói chính tư liệu và lịch sử làm nền, làm cốt đã chắp cánh cho trí tưởng tượng của nhà văn bay cao, bay xa khi viết về một nhân vật có tầm vóc lớn lao trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Đọc tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó của nhà văn Hoàng Quảng Uyên chúng ta càng thấm thía nhận định “Không phải là nhà chép sử, mà chính là nhà văn mới là người chép lại lịch sử cuộc đời”. Chúng ta đều biết nhà văn Algiêri viết bằng tiếng Pháp Katep Iaxin (1929 -1989) chính là người đã từng viết vở kịch tư liệu về Bác Hồ: Người đi dép cao su (xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Pháp năm 1970, cũng trong năm này vở kịch được dàn dựng công phu và trình diễn lần đầu, đồng thời được dịch ra tiếng Ả-Rập. Đáng tiếc là cho đến nay vở kịch xuất sắc này vẫn mới chỉ được trích dịch một phần sang tiếng Việt).
Có lẽ sớm xác định mục đích “kể sử bằng văn” nên trong quá trình viết tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã tìm ra một hình thức phù hợp để chuyển tải tư tưởng, khắc họa hình tượng. Để cho tư liệu và lịch sử chan hòa với hư cấu tác giả đã sử dụng nhiều câu thơ của Tố Hữu, Hoàng Văn Thụ, Tế Hanh và của chính lãnh tụ Hồ Chí Minh làm đề từ cho nhiều chương tiểu thuyết (ví dụ, chương 1: “Bác đã về đây, Tổ quốc ơi/Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người/Ba mươi năm ấy chân không nghỉ/Mà đến bây giờ mới tới nơi” - Tố Hữu). Sự hư cấu của nhà văn trong tác phẩm văn học - tư liệu, nếu có, là sự sắp xếp và bố trí hợp lí tư liệu, tránh cho độc giả có cái cảm giác nặng nề. Nhà văn phải sáng tác theo cái cách như nhà thơ Xuân Diệu nói, là cung cấp cho độc giả lượng thông tin của một kĩ sư tâm hồn.Hai mươi lăm chương của tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó đem đến cho độc giả một cảm quan thẩm mĩ khá đầy đủ về một gai đoạn quan trọng trọng cuộc đời lãnh tụ Hồ Chí Minh: từ mùa xuân năm 1941 đến tháng 5 năm 1945. Hồ Chí Minh với ý nghĩa là một hình tượng văn học hiện lên vừa như một nhà cách mạng kiệt xuất, vừa như một thi nhân, vừa như một con người giản dị giữa đời thường. Đó chính là sự vĩ đại của Người qua ngòi bút của nhà văn.
Hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh trong tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó hiện lên trong một tầm vóc văn hoá lớn lao, nhưng là một văn hoá tương lai, như chính sự phát hiện của nhà thơ Xô - viết O. Manđenxtam cách đây gần tám mươi năm “Dáng dấp con người đang ngồi trước tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra thật lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hoá, không phải là văn hoá châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai (…). Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới” (Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh. Tập 1, Nxb Hội Nhà văn, 2010). Cốt cách văn hoá của lãnh tụ Hồ Chí Minh được nhà văn miêu tả rất sinh động, tập trung nhất trong chương 23: đó là khoảng thời gian tháng 9 năm 1944, một máy bay B -25 của quân đội Mỹ bị nạn rơi trên địa phận tỉnh Cao Bằng; viên phi công Mỹ được người địa phương cứu và bảo vệ khỏi sự truy sát của cả quân Pháp lẫn quân Nhật. Viên phi công Mỹ liền sau đó được đưa tới gặp Hồ Chí Minh “Trong một chiếc lán nhỏ viên phi công được gặp một ông cụ già gầy gò, da đen sạm, mái tóc bạc gần hết, chòm râu thưa rung rung. Ông cụ đứng dậy bước tới nắm chặt tay viên phi công, nói bằng một thứ tiếng Anh rất chuẩn;
- Xin chúc mừng anh đã đến vùng đất của chúng tôi!
Viên phi công thực sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên vì không ngờ giữa vùng rừng núi này lại có một ông già nói tiếng Anh chuẩn thế. Thế là từ nay không phải đóng vai người câm nữa. Ông cụ kéo viên phi công ngồi cạnh mình trên một phiến đá to, thân mật hỏi
- Anh tên gì, quê anh thuộc bang nào của nước Mỹ?”.
Trước tình cảm nồng ấm của Hồ Chí Minh viên phi công Mỹ tên Sao (Shaw) cảm thấy như gặp được tri âm tri kỉ và từ đó về sau luôn tìm cơ hội để được nói chuyện với Ông cụ (mà lúc đó anh ta chưa biết được người nói chuyện với mình chính là lãnh tụ Việt Minh). Một nhà văn nước ngoài đã khắc họa tính cách Hồ Chí Minh trong sáu chữ “đại nhân, đại trí, đại dũng”. Trong khoảng thời gian không dài được tiếp xúc với Hồ Chí Minh viên phi công Mỹ tên Sao “Thực sự kinh ngạc và thán phục trí tuệ uyên bác, những hiểu biết sâu rộng về lịch sử nước Mỹ cũng như việc nắm bắt những thông tin thời sự về cuộc chiến giữa phe đồng minh và phát xít. Đặc biệt Sao cảm kích tấm lòng và tình cảm của Ông cụ dành cho anh. Tấm lòng và tình cảm của một người cha dành cho một người con. Ở cạnh Ông cụ, Sao cảm thấy an toàn tuyệt đối và thực sự an tâm”.
Nếu như trong tâm thức của người Việt Nam Bác Hồ luôn là biểu tượng cho một bậc “đại nhân” vì “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người” (Tố Hữu) thì trong tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó nhà văn đã cố gắng khắc họa hình tượng lãnh tụ đồng thời phát tỏa cả ba phẩm tính “nhân - trí - dũng”. Nhờ phẩm tính này mà Người đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao sóng dữ thác ghềnh. Năm năm (1941 -1945) đáng ghi nhớ trong cuộc đời cách mạng vĩ đại của Hồ Chí Minh đã được tiểu thuyết hoá nhờ một lối “kể chuyện lịch sử bằng văn chương”, vừa rất hồn nhiên vừa rất phóng khoáng của nhà văn - đó chính là ưu điểm nổi bật của tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó.
Về kết cấu, Mặt trời Pác bó được xây dựng trên nguyên tắc của “tiểu thuyết chương hồi”. Mỗi chương có “lời rao” mở đầu, giúp độc giả hình dung trước diễn biễn của cốt truyện. Đó cũng là một cách tạo sự hấp dẫn của tác phẩm theo thể thức truyền thống. Thêm một lần nữa chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng: đổi mới không có nghĩa là chối bỏ mà chính là làm cho truyền thống trở nên mới mẻ hơn, hiện đại hơn. Độc giả chú ý tới cách nhà văn đã dùng đối thoại để thúc đẩy mạch truyện phát triển nhanh, phù hợp với sự miêu tả dòng chảy của lịch sử ở vào thời điểm bước ngoặt. Đối thoại đã tạo nên đặc điểm của nhịp điệu (rythme) văn xuôi trong tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó, tái hiện dòng chảy gấp gáp của lịch sử được kết tinh qua một nhân vật trung tâm - Hồ Chí Minh. Là một cuốn tiểu thuyết lịch sử nên tất nhiên nhà văn sử dụng triệt để lối văn kể nhiều hơn tả, theo chúng tôi, đó là một đặc điểm chứ không phải là một khuyết điểm trong văn phong tác phẩm.
Nếu ai gặp nhà văn Hoàng Quảng Uyên những ngày này, sẽ được anh chia sẻ nồng nhiệt về những dự định, kế hoạch để hoàn thành bộ tiểu thuyết hoành tráng về Bác Hồ. Đọc tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó của nhà văn Hoàng Quảng Uyên nhiều độc giả có chung ý nghĩ: dường như cái gọi là kĩ thuật, chiêu thức làm văn đã không còn là yếu tố tiên quyết tạo nên sự thành công của tác phẩm mà chính là tình cảm tràn đầy, mãnh liệt của tác giả đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh với ý nghĩa là một nhân vật văn học mang tầm vóc thời đại. Nhà văn có khát vọng muốn truyền đến độc giả tình yêu sâu sắc của mỗi người Việt Nam đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, vì “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” (Tố Hữu).
Theo Hội nhà văn Việt Nam
|