Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Hoàng Thảo Chi: Tháng Năm máu và hoa! Hoàng Thảo Chi: Tháng Năm máu và hoa! , Người xứ Nghệ Kiev
 

 


Xem hình

  Những cơn gió từ phía sau thổi tới mát lạnh hơi nước. Tôi hiểu đó là lời chào của sông Volga. Tôi quay lại cúi đầu trước dòng sông vĩ đại. Tôi đã sống bên bờ Volga mười mấy năm. Tôi đã sống bằng nước của nó. Tôi đã vùng vẫy trong dòng mát rượi của nó. Tôi đã đi trên nó cùng những tay thợ câu cá mùa đông, ăn những bát xúp cá tươi nguyên, ngọt ngào, thơm nức trên băng tuyết mặt sông. Không hiểu sao, cái đoạn sông Volga chảy qua trước đồi Mamaev lúc này lại nhắc tôi nhớ về dòng sông Thạch Hãn nơi thành cổ Quảng Trị.

Tháng Năm lại về bên tôi trên những vầng phượng thắm, trong tiếng ve sôi mênh mang, dưới những vòm lá xanh ngắt bên bờ sông Hương của Huế mộng mơ. Những ngày cuối tháng Tư và tháng Năm là những ngày rất đặc biệt. Ngày 30/4 – Kỉ niệm 38 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ngày 1/5 ngày lễ của nhân dân lao động trên toàn thế giới. Ngày 7/5 - Kỉ niệm 59 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ “…Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ngày 9/5 – Nhân dân Nga cùng các nước thuộc Liên xô cũ và toàn thế giới kỉ niệm 68 năm ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít bạo tàn.  Ngày 19/5 kỉ niệm 123 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh, người con kiệt xuất của đất Việt, vị anh hùng dân tộc… Tháng Năm của những chiến công.

Những ngày cuối cùng của tháng Tư, tôi đã làm một cuộc hành hương qua một số địa danh vô cùng nổi tiếng: Thành cổ Quảng Trị, nhà hành lễ cầu siêu trên bờ Thạch Hãn. Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Cột cờ bên bờ Hiền Lương trên vĩ tuyến 17 lịch sử. Cuối cùng là tượng đài Mẹ Suốt anh hùng trên bờ Nhật Lệ dạt dào sóng vỗ. Khi những cảm xúc về những địa danh lịch sử đang còn xốn xang trong tôi thì phóng sự ngắn: Người Việt trồng rau bên bờ sông Volga…của VTV1 phát trong bản tin lúc 19 giờ ngày 29/4 đã làm trào dâng trong tôi những xúc động lạ thường, thôi thúc tôi ngồi vào máy, viết về tháng Năm kỳ lạ: Tháng Năm máu và hoa!

“ Người Việt trồng rau bên bờ Volga” nói về cộng đồng người Việt của tôi ở thành phố Volgagrad trên nước Nga xa xôi, nơi tôi đã từng sống cả một thời gian thật dài với rất nhiều những nụ cười và nước mắt trộn lẫn.

Thành phố Volgagrad nằm bên bờ Volga hùng vĩ ở miền Nam nước Nga, cách thành phố Kharcov, thuộc cộng hòa Ukraina (nơi tôi học ngày xưa) không xa. Tôi đã được tới thăm Volgagrad hai lần. Lần đầu vào năm 1983 khi còn là sinh viên, lần thứ hai vào năm 2005, khi tôi đang làm việc tại thành phố Koctroma, thành phố nằm trên vòng cung “vàng” của Matxcơva. Tôi đã tới rất nhiều những thành phố lớn của Liên Xô cũ, nhưng những dấu ấn về kỉ niệm cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại trong thế chiến hai, của nhân dân Xô Viết ngày trước và của nhân Nga ngày nay, thì tôi cảm nhận sâu sắc nhất ở hai thành phố: Sainkt-Peterburg và Volgagrad.

Tại bảo tàng Sainkt-Peterburg, tôi đứng chết lặng trước lát bánh mì màu đen bằng hai ngón tay, khẩu phần của mỗi công dân thành phố, suốt 900 ngày đêm trong vòng vây của phát xít Đức. Chiếc cân tiểu ly im lặng nằm bên mẩu bánh mì như một vị phán quan lạnh lùng kiểm soát sự công bằng đến tận cùng đau khổ: Đúng 125 gam bánh mì trộn mùn cưa cho mỗi ngày… không thể nhiều hơn!!! Một triệu người dân Sainkt-Peterburg đã chết đói, chết rét, chết vì bom đạn giặc. Tôi chợt nhớ đến hơn hai triệu đồng bào mình cũng chết đói  vì lệnh nhổ lúa trồng đay, tịch thu thóc để đốt thay than chạy tàu hỏa của phát xít Nhật trong năm Ất Dậu 1945 khủng khiếp… mà thấy trong lòng lửa hận ngút trời! Chủ nghĩa phát xít man rợ đã gieo bao đau thương, tang tóc cho cả hai dân tộc Việt- Nga trong cuộc chiến xâm lược bạo tàn. Nhưng sắt thép, đạn bom của phát xít Đức không thể làm cho Sainkt-Peterburg gục ngã. Tôi nghe đâu đó ngân lên bản giao hưởng số 7 hùng tráng của Shostakovich, mà rất nhiều chương trong đó đã được viết ngay trong 900 ngày đêm khói lửa ngút trời. Tinh thần quật khởi của dân tộc Nga từ vó ngựa Pie Đại Đế vọng vang trong bản giao hưởng, lan tỏa sức mạnh thần kỳ. Sức mạnh ấy đã nâng tất cả những người con của thành phố bật dậy từ đói rét và máu lửa, tổng lực phản công bóp nát vành đai thép phong tỏa, tiêu diệt hơn 500.000 tên phát xít, khiến hồ Ladoga và dòng Nhê va rực đỏ cả một dòng sông máu.

Tôi từ bảo tàng chạy ra ngoài với một trái tim loạn nhịp. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm của nó vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Dòng sông Nhê va phía trước giờ đã trong xanh êm đềm xuôi về vịnh Phần Lan thơ mộng. Nhiều cặp tình nhân đang dìu nhau đi trong nắng mùa hạ vàng óng như màu mật ong ngọt lim. Chợt nhớ một đoạn thơ tình của Olga Berggontz:

Em nhớ lại chuyện ngày quá khứ
Khúc hát ngây thơ một thời thiếu nữ
 “Ngôi sao cháy bùng trên sóng Nhê va
Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà…”  

Vâng cuộc sống bây giờ thật bình yên hạnh phúc. Nhưng nhất định chúng ta phải luôn  biết ơn và nhớ về quá khứ để: “Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng” như Olga từng nhắc nhở. Bởi mỗi giây phút bình yên của hiện tại, tất cả đã được đổi bằng máu xương của triệu triệu người con Xô Viết đã ngã xuống trong cuộc chiến giữ nước dữ dội ngày hôm qua.

Nếu như miếng bánh mì 125g trộn mùn cưa ở bảo tàng Sainkt – Peterburg bóp ngẹt trái tim tôi, thì tượng đài “Mẹ tổ quốc kêu gọi” trên đồi Mamaev tại thành phố Volgagrad lại như một bệ phóng cho tôi bay vút lên trên chín tầng mây, ngất ngây trong sự hoành tráng kì vĩ, và sức mạnh vô địch tỏa ra từ tình yêu đất nước thiết tha, lòng quả cảm vô song của người Mẹ Nga đang thét gọi các con mình xông vào trận đấu quyết tử bảo vệ Tổ quốc.

Thật trùng hợp, cả hai lần đến thăm đồi Mamaev của tôi đều vào tháng Năm. Nhưng mỗi lần đến đây, trong tôi lại trào dâng những xúc động vô cùng khác lạ.

Mỗi khi tới thăm đồi Mamaev, khi bước chân xuống xe, vẫn là một cảm giác choáng ngợp vây bủa lấy tôi. Cả một quảng trường mênh mông chạy lên ngút ngát một vùng đồi rộng lớn. Tượng người Mẹ với thanh kiếm cao vút, in trên nền trời xanh lồng lộng. Tôi đứng lặng ngắm nhìn con đường với 200 bậc đá, đầy những người đang nao nức đi lên phía Mẹ. Dòng người che lấp hết những cả mặt đường. Ánh mắt tôi bắt gặp những bông hoa bồ công anh nở vàng trên mặt đất. Tôi cứ suy nghĩ miên man về sự liên hệ vô hình, giữa mùa thu vàng nước Nga và những bông hoa bồ công anh kì diệu này. Tôi đã đi qua rất nhiều mùa thu của nước Nga. Trên cái đất nước vô cùng rộng lớn này, băng tuyết thì rất hào phóng nhưng nắng thì rất hiếm hoi. Hơn một nửa năm, đất, cỏ cây, con người, vạn vật vùi mình trong băng tuyết. Mùa hạ đến rất muộn và trôi qua rất mau. Lúc mùa thu tới, mọi loài cây như vội vã gom tất cả những tia nắng hiếm hoi quý giá của mặt trời giấu vào từng cánh lá mỏng manh của mình, cho đến khi vàng rực cả đất trời, tạo nên mùa thu vàng huy hoàng ngây ngất. Khi những cơn gió lạnh giữa tháng Chín đầu tháng Mười từ phương Bắc thổi về, ngàn vạn những cánh lá ào ào rụng xuống, gửi vào đất tất cả những tia nắng mà chúng đã gom góp suốt cả mùa thu, tạo thành một biển lửa âm ỉ sưởi ấm trong lòng đất. Mỗi khi đứng trước những ngọn lửa vĩnh cửu, rừng rực cháy suốt ngày đêm bất chấp cả mưa tuyết, bão giông ở các đài liệt sỹ, chưa bao giờ tôi nghĩ nó được thắp bằng gas. Tôi tin nó là ngọn lửa tình yêu trong lòng đất mẹ Nga từ ngàn đời dâng lên tỏa sáng, ấp ưu, sưởi ấm vong linh cho những đứa con anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc. Đến mỗi cuối mùa xuân, cứ chỗ nào băng tuyết vừa tan đi, mặt đất mới lộ ra, là y như rằng chỉ một hai hôm sau cây bồ công anh đã mọc lên và xòe hoa vàng rực. Hoa bồ công anh là sứ giả chuyển tất cả nắng của mùa hè năm trước được giấu dưới lòng đất trả về cho đất trời. Nhìn những thảm hoa bồ công anh vàng rực, tôi luôn tâm niệm rằng: Ở nước Nga, nắng bắt đầu bừng lên từ mặt đất.

Những cơn gió từ phía sau thổi tới mát lạnh hơi nước. Tôi hiểu đó là lời chào của sông Volga. Tôi quay lại cúi đầu trước dòng sông vĩ đại. Tôi đã sống bên bờ Volga mười mấy năm. Tôi đã sống bằng nước của nó. Tôi đã vùng vẫy trong dòng mát rượi của nó. Tôi đã đi trên nó cùng những tay thợ câu cá mùa đông, ăn những bát xúp cá tươi nguyên, ngọt ngào, thơm nức trên băng tuyết mặt sông. Không hiểu sao, cái đoạn sông Volga chảy qua trước đồi Mamaev lúc này lại nhắc tôi nhớ về dòng sông Thạch Hãn nơi thành cổ Quảng Trị. Sông Thạch Hãn chỉ dài khoảng hơn 150 km. Không thể so sánh với độ dài hơn 3700 km của sông Volga. Nhưng chúng giống nhau bởi cả hai dòng sông đều là những chứng tích chiến tranh, chúng đã chứng kiến những cuộc huyết chiến khủng khiếp trong công cuộc giữ nước vĩ đại của hai dân tộc Việt-Nga. Trong trận đánh 81 ngày đêm đỏ lửa vào mùa hè 1972 bảo vệ thành cổ Quảng trị của Quân đội nhân dân Việt Nam, quân Mĩ và quân Việt Nam cộng hòa đã ném xuống thị xã nhỏ bé này (diện tích khoảng 3,2 km2) môt lượng đạn bom khổng lồ, tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản cuối thế chiến hai. Hàng ngàn chiến sỹ đã nằm lại trên thành cổ và dưới dòng Thạch Hãn. Trong khói hương nghi ngút của lễ cầu siêu trong nhà hành lễ tưởng niệm, tôi cúi đầu đọc bài thơ của cựu chiến binh trên thành cổ Quảng Trị Lê Bá Dương, được khắc lên vách đá trên tường mà lòng tuôn tràn lệ chảy:

Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.

Dòng Volga cũng vậy, trên dòng chảy hàng ngàn km trên đất Xô Viết, Volga đã ôm vào lòng, ru giấc ngủ ngàn thu cho hàng triệu những chiến sỹ hồng quân đã ngã xuống vì Tổ quốc. Tôi hiểu vì sao nước sông Volga lại biếc xanh và ngọt ngào như vậy.

Ngược lên đỉnh đồi, tôi tới thắp nến trong nghĩa trang liệt sỹ. 35.000 mộ chí của các chiến sỹ hồng quân, từ vị nguyên soái trứ danh, đến những người binh nhì anh hùng, vẫn trong đội ngũ chỉnh tề thẳng tắp. Tuy rất nhiều (35.000 liệt sỹ), nhưng thực ra họ chỉ là một phần rất nhỏ của danh sách những người đã ngã xuống trên mặt trận Volgagrat suốt 200 ngày đêm lịch sử.

Chợt nhớ tới nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Nơi quy tụ hơn 10.000 mộ liệt sỹ đại diện cho mọi miền đất nước Việt Nam mà nao nao lòng dạ. Nơi đó ôm giữ một phần hồn cốt của dân tộc Việt. Những nén hương từ đâý và những ánh nến trên nghĩa trang đỉnh đồi Mamaev sẽ cùng tỏa hương thơm mãi mãi tới muôn đời.

Tôi ngước lên bầu trời xanh biếc, ngắm thanh kiếm lấp lóa nắng trong tay người mẹ Nga. Một sự liên tưởng kì lạ gọi ý thức của tôi nhớ về mái chèo trong tay bức tượng mẹ Suốt anh hùng bên bờ Nhật Lệ. Thanh kiếm và mái chèo trong tay hai người Mẹ khác nhau ở chỗ nào? Chúng giống nhau. Tất cả đều là vũ khí đánh giặc. Tượng Mẹ Suốt chỉ cao 7m (kể cả phần bệ tượng), còn tượng người Mẹ Nga cao đến 87m (kể cả phần bệ tượng) là bức tượng cao nhất thế giới, là một trong bảy kỳ quan của nước Nga…chúng khác nhau ở chỗ nào? Chúng khác nhau bởi kích thước to nhỏ. Nhưng chúng giống nhau bởi trong mỗi bức tượng đều vọng vang nhịp đập của những người Mẹ Việt - Nga trung dũng kiên cường. Tôi ngồi thật lâu dưới bóng Bà Mẹ Nga anh hùng để nhớ về hình ảnh những người mẹ, người chị bé nhỏ Việt Nam: “Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung. Gío lay như sóng biển tung trắng bờ…”, Hay: “O du kích nhỏ giương cao súng. Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu. Ra thế to gan hơn béo bụng. Anh hùng đâu cứ phải mày râu…” Trên đất nước Việt Nam, tôi biết có đến gần 45.000 Mẹ Việt Nam anh hùng. Con số ấy làm tôi tự hào, song cũng làm con tim tôi đau nhói. Tôi ước ao có thể ôm chặt những người Mẹ Việt - Nga vĩ đại của chúng ta trong vòng tay để nói ngàn lần những từ tha thiết: Mẹ ơi! Con yêu Mẹ.  

Ngày mai, mồng 9/5 ngày lễ vĩ đại của nhân dân Nga và nhân dân toàn thế giới kỉ niệm 68 năm ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít bạo tàn. Trên đồi Mamaev lại đỏ thắm muôn sắc cờ hoa. Những người Việt đồng hương của tôi đang sinh sống tại Volgagrad chắc sẽ có mặt để đặt hoa dưới chân tượng Mẹ tổ quốc… để tỏ lòng biết ơn sâu sắc những người đã ngã xuống trong trận chiến vĩ đại Stalingrad 70 năm về trước, góp phần giành lại ngày hôm nay tốt đẹp cho đất nước Nga, trong đó có họ. Trong những ngày tháng Năm rực rỡ cờ hoa này, tôi muốn gửi tới họ lời chào yêu thương nhất của tôi. Tôi cầu mong những cánh đồng rau họ đang gieo trồng bên bờ Volga mãi mãi biếc xanh, xanh màu xanh tình người, xanh màu xanh ấm no, hạnh phúc. Tôi tin họ sẽ hạnh phúc. Bởi vì vị thủ lĩnh của họ: Người sỹ quan cựu chiến binh Dương Hải An đã đi qua chiến tranh. Hơn ai hết anh hiểu rất rõ ý nghĩa hai từ: Máu và Hoa.

Huế 8/5/2013

Hoàng Thảo Chi  

             Theo Nguoibanduong.net


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65232085

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July