Nhà thơ Vũ Quần Phương
Trong căn phòng đầy sách, một chiều xuân nắng vàng, Vũ Quần Phương chia sẻ với tôi về những ký ức của đời mình. Ông kể: “Sáu tuổi mình mồ côi bố. Mười tuổi đã xa nhà đi trọ học. Ngay từ những ngày ấy mình đã thấm thía nỗi cô đơn. Có lúc thấy mình lủi thủi không có ai chia sẻ. Cái nghĩ ngợi đến với mình từ rất sớm”. Đó là khởi đầu cho những uẩn khúc trong tâm tư, tạo nên chiều sâu của tâm hồn. Sau khi bố ông mất, mẹ con ông phải sống nhờ trong một ngôi nhà thờ họ, mùa đông phải gián thêm giấy bóng che bớt cơn lạnh, đêm đêm gió thổi vào miếng giấy tạo thành những tiếng phù phù. Bao nhiêu năm rồi ông vẫn nhớ cái cảnh ấy. Không có nhà, thỉnh thoảng lại phải chuyển đi nơi này nơi khác, mẹ thì làm nghề dạy học không đủ tiền nuôi 3 người con nên phải đi bán thêm cau trầu ngoài chợ. Cảnh đói nghèo ấy khiến ông sớm phải suy nghĩ và lo toan cho cuộc sống của mình…
Vũ Quần Phương học hành cẩn thận, hết phổ thông, thi vào đại học Y Hà Nội rồi tốt nghiệp xuất sắc và về công tác tại bộ Y tế. Đối với ông, công việc khởi đầu như thế là thuận lợi. Nhưng rồi nỗi đam mê với thơ đã ám ảnh ông. Năm 1969 nhà thơ Chế Lan Viên khuyên ông về công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam. Vũ Quần Phương ít nhiều có lưỡng lự. Mãi đến 2 năm sau ông mới quyết định dứt bỏ nghề Y thì bên Hội nhà văn đã đủ người, thế là ông về công tác tại chương trình tiếng thơ, thuộc Ban văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam. Từ đó, Vũ Quần Phương vừa biên tập cho chương trình, lại vừa tham gia nói chuyện thơ và trở thành một nhà thơ chuyên nghiệp, một nhà phê bình thơ có danh tiếng. Đến nay, Vũ Quần Phương đã có khoảng 2000 cuộc nói chuyện thơ cho đủ các tầng lớp nhân dân, khắp các miền đất nước và trở thành một trong những nhà bình luận thơ đương đại xuất sắc nhất hiện nay.
Có lần nhà thơ Trần Đăng Khoa nói, trong những năm chiến tranh, Vũ Quần Phương bị khuất lấp đi sau những nhà thơ khác. Đó là một sự thật. Tư chất của Vũ Quần Phương không thể ồn ào, náo động, cũng không có đủ hồn nhiên để có thể dễ dàng được truyền tụng trong cái thời thơ trở thành vũ khí đấu tranh. Ông bảo: “Thơ mình không cổ động chiến tranh, mình viết về chiến tranh ở cái dữ dội trong yên lặng của nó.” Một trong những bài thơ về chiến tranh có góc nhìn rất riêng của Vũ Quần Phương là bài “Chiều” (năm 1967) với những câu thơ chất chứa nỗi buồn ly biệt:
“Trong ráng chiều sắp lặn những đoàn quân đi
Bao chàng tuổi trẻ ôm đồm súng
Sách vở còn tươi trong mắt ngây
Dáng mẹ chờ con như dáng đá”.
Cách nhìn đó như một sự lạc điệu với xu thế chung. Nhưng đó cũng là sự báo hiệu cho một tài thơ sẽ còn đi xa khi không ngại ngần khám phá những nghịch lý, những phần hiện thực bị vùi lấp trong cái bão giông của thời đại và mỗi kiếp người.
Thực ra, một trong những bài thơ hay nhất của Vũ Quần Phương thời kỳ ấy không phải là thơ chiến tranh mà là thơ tình. Bài “Trước biển” ông viết năm 1970 trở thành một bài thơ được nhiều người yêu thích. Không đơn thuần nói về nỗi nhớ niềm thương, tình yêu ở đây gắn với những suy tư về cái vô tận mênh mông của khát vọng và cái hữu hạn, ngắn ngủi của kiếp người. Giọng điệu trữ tình đằm thắm, thế giới hình ảnh phong phú, đa tầng, những day dứt và thiết tha hòa trộn thành một tổng phổ cảm xúc có sức mê hoặc.
“Vị biển mặn đến quá chừng mặn chát
Hạt muối đời hai đứa cắn chung nhau
Anh hiểu sao con sóng sớm bạc đầu
Anh hiểu sao chúng ta lại yêu nhau
Biển rộng quá biển cần bờ cần đất
Bờ đâu xa bờ còn là có thật
Biển không cùng biển vẫn đỡ hơn anh
Trưa biển này anh chỉ nắm tay anh
Sóng bạc đầu nhưng biển mãi tươi xanh
Khi ta hết cuộc đời kia vẫn thế…”
Làm ở chương trình tiếng thơ được 12 năm, Vũ Quần Phương chuyển sang làm biên tập ở nhà xuất bản văn học. Trong 6 năm làm xuất bản, ông đã trực tiếp biên tập, tuyển chọn và giới thiệu nhiều tác phẩm có giá trị. Thời kỳ này Vũ Quần Phương dành nhiều thời gian để viết phê bình thơ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, cho rằng Vũ Quần Phương có tài điểm huyệt văn chương, lột tả cái thần thái của bài thơ một cách chính xác và thuyết phục. Những bài bình thơ của ông luôn được đón nhận, nhất là với học sinh, sinh viên, trở thành một tài liệu tham khảo quan trọng đối với nhiều thế hệ học trò suốt mấy chục năm nay.
Từ năm 1990, ông chuyển sang Hội văn nghệ Hà Nội. Từng làm chủ tịch Hội, tổng biên tập báo Người Hà Nội, sau đó lại về làm hiệu phó trường viết văn Nguyễn Du. Nhưng có lẽ, chuyện chức tước không hợp với ông, nên ông xin từ chức để dành nhiều thời gian cho sáng tác. Ông tiếp tục công tác tại Hội nhà văn Việt Nam, làm chủ tịch Hội đồng thơ trước khi về hưu năm 2005.
Đường thơ của Vũ Quần Phương dường như khá nhất quán. Những tố chất khởi phát thời tuổi trẻ dần dần đã trở thành nhân tố chính trong thơ ông. Càng ngày, thơ Vũ Quần Phương càng lộ rõ hai yếu tố chính là tính trữ tình và sự suy nghiệm. Ông cho rằng: “Thơ là kinh nghiệm sống được truyền đi bằng kênh của tình cảm”. Thời trẻ, ông thường làm thơ bằng những cảm xúc chợt đến, những giây phút thăng hoa xuất thần. Nhưng rồi từ cái phút xuất thần ấy, sự suy nghiệm đã đến len lỏi trong từng chi tiết, biến hóa trong từng hình ảnh. Ông kể, bài “Trước biển” được sáng tác trong một lúc tình cờ, nhưng bài thơ ấy đã trở thành một trong những tác phẩm sinh động nhất của ông. Về sau, khi đã có tuổi, ông thường làm thơ bằng chiêm nghiệm. Tôi hỏi ông, với trường hợp ấy, ý tưởng đến trước hay hình tượng đến trước? Ông trả lời: “Hình tượng đến trước”. Vũ Quần Phương hiểu rằng, trong một bài thơ, nếu chỉ có ý tưởng mà không có hình tượng độc đáo thì bài thơ sẽ chết. Vả lại, làm thơ, nếu chỉ có tư duy sâu sắc, thiếu đi cảm xúc, nếu chỉ có tỉnh táo, thiếu đi mộng ảo, thì bài thơ trần trụi. Nghề thơ khó vì thế, sự kết hợp của những thành tố tưởng chừng có thể phân định được ấy, thực ra lại tuân theo một quy luật đặc biệt, đầy bí mật và không dễ lý giải. Vì thế, bình thơ, hiểu thơ là một chuyện, làm thơ lại là chuyện khác, nó đòi hỏi tài năng. Mà tài năng lại là yếu tố nằm ngoài ý muốn của con người, nó đến và đi lúc nào không ai hay biết.
Khác với nhiều người, Vũ Quần Phương khi đã có tuổi vẫn giữ được sức sáng tạo dồi dào. Thơ ông về sau này càng giản dị, sâu sắc, đa nghĩa và âm điệu giàu biến hóa hơn. Càng ngày thơ ông càng nói những điều đằm lắng, lớn lao, đi vào cốt lõi của chuyện đời bằng một giọng bình thường.
Tình cờ nhìn thấy loài hoa cúc biển, ông thương cho loài hoa:
“Đẹp mà không ai hay
Nơi này xa xóm mạc
Nhưng hoa thì phải đẹp
Mà hương thì phải bay”.
(Hoa cúc biển)
Lại có lần khác ông thầm xót đau khi thấy những bông hoa đào mới nở, sau ngày xuân bị người ta vứt vào xe rác, ông thốt lên “Hết phận hoa thì thành phận rác” (Đám tang hoa). Phận hoa cũng như phận người ấy thôi. Biết bao bậc anh tài bị quên lãng, thậm chí bị vùi lấp trong định kiến, oan khiên. Nhưng, con người vẫn phải sống theo chức phận, theo bản ngã của mình.
Một lúc khác ông thấy đời như một giấc chiêm bao, thời gian đi nhanh quá, và kiếp người ngắn quá:
“Cặm cụi mãi với đất đai chữ nghĩa
Ngẩng đầu lên trời đã chiều rồi”.
Và, rồi ông lại nghĩ:
“Đêm nay hạt giống nằm nghỉ ngơi trong đất
Tâm hồn ta về nghỉ nơi nao”.
(Trời đã chiều rồi)
Đó là nỗi buồn cho cái hữu hạn đời người và nỗi lo cho cả thân phận mình trong và sau sự sống. Ai cũng sẽ phải đối diện với những điều sâu thẳm đó, chỉ có điều nó đến lúc nào mà thôi. Nhà thơ là vậy, nói lòng mình, nhưng cũng là nói hộ lòng người.
Lại có lần, ông lấy chuyện mình đi trong sương mù để mô tả những cảm giác của con người trước cuộc sống. “Trong sương mình lạ cả mình” (Thắng sương mù) và mọi vật, mọi người xung quanh đều trở nên lạ lẫm. Một lần khác, ông lại thấy “Thân ta lạc giữa hồn ta sâu thẳm” (Tranh). Có lúc tỉnh táo hơn, ông thấy mình bế tắc, “Càng đi càng khát những chân trời” (Tiếng gọi).
Trong các nhà thơ đương đại, Vũ Quần Phương là một trong những người đã hướng ngòi bút vào sâu thẳm thân phận và nghịch lý của kiếp người. Ông lấy chính mình ra để khảo sát, để suy nghiệm rồi đưa ra những suy tư nhiều lúc khiến người đọc phải giật mình.
Ngòi bút của Vũ Quần Phương cũng hướng vào luận chuyện đời, suy ngẫm về con người nói chung. Nhìn vào cái mặt nạ dân gian, ông thấy:
“Gương mặt con người
Còn giữ nét ngây thơ loài thù”
Và ông thấy trong đó cả những đau đớn truyền đời:
“Nụ cười sáng nhưng u trầm đôi mắt
Gương mặt dài như giọt lệ đang rơi”.
(Cặp môi người trên mặt nạ)
Khi ngắm vườn thú ngoài trời, ông bỗng phát hiện:
“Thú dạo tự do
Người nhốt trong khoang
Toa tàu thép chạy quanh vườn bách thú”
(Vườn thú ngoài trời)
Đó là những nghịch lý đang hiện hữu. Ông luôn cảnh giác với những cái nhìn đơn giản, dễ dãi. Đừng tưởng con người đã văn minh. Đừng tưởng loài người đã tiến bộ lắm. Có lúc Vũ Quần Phương tỉnh táo mà thấy mọi thứ trở nên mù mịt. Có lúc ông nhắc nhở rằng đừng vội tin vào những hiện tượng bên ngoài, thậm chỉ cả những gì nhìn thấy, những gì nếm được.
“Nước trong thì không đục
Nhưng trong mà có khi vẫn độc
Chớ nản lòng phân biệt
Lưỡi người cũng chưa tin được đâu
Nếm không ra vị độc”.
(Phản trà đạo)
Trong hành trình thơ gần nửa thế kỷ của mình, Vũ Quần Phương đã đi từ tươi trẻ, sống động đến nghiệm suy, từ cảm xúc đến trí tuệ, từ hiện thực đến trừu tượng. Trong những năm sau này, thơ ông gần như bỏ qua mọi cầu kỳ về hình thức, phát triển mạnh ở trực giác, đi thẳng vào cốt lõi của sự việc và thường biểu đạt những đúc kết của cả một đời người. Kể ra, đó là một hành trình dài trong sự tìm kiếm mệt nhọc và không giới hạn của nhà thơ.
Trong cái thời náo nức những cuộc tìm kiếm các giá trị mới cho thơ, cả một xu hướng rộng lớn thoát dần khỏi những trào lưu cũ đã hình thành, thì Vũ Quần Phương gần như không bị tác động gì bởi tính thời thượng. Là người lịch lãm, đã đi đã sống ở mấy chục năm cuộn sóng của một thời bão tố, lại tiếp xúc với cả nền văn minh phương tây, đã đọc và dịch thơ kim cổ, song Vũ Quần Phương đã chọn con đường gạn lọc trong cuộc sống của mình những tinh túy để biến thành thơ. Và đó là con đường riêng, con đường của một người tin vào những giá trị trường cửu của thi ca, những quy luật cảm hóa của cái đẹp, thể hiện một cảm quan riêng và bản lĩnh sáng tạo vững vàng.
Không chỉ suy tư về chính mình, về kiếp người, về những chuyện thời thế, ông còn đi sâu vào những suy tư trước lịch sử:
“Lịch sử như anh mù
Anh điếc
Anh câm”
“Lịch sử lề mề
Có khi lại nhanh như lửa cháy
Cái gì không thành tro?”
Và ông ví nhà thơ là con sâu đo, muốn đo vào tất cả.
“Đo bằng đời chưa đủ
Thì lấy tim mà cân”
(Con sâu đo)
“Cân máu chảy đầu rơi voi dày ngựa xé”
“Trang giấy nát mà trái tim vẫn đỏ
Vẫn còn cân”
(Cân)
Như một quy luật với tuổi già, người ta thường đi ngược thời gian, trở về với những kỷ niệm cháy lòng của đời người. Vũ Quần Phương cũng vậy thôi, ông níu vào kỷ niệm mà sống.
“Năm tháng chẳng trôi đi, năm tháng đọng lại
ở đuôi con mắt
ở nét cười mái tóc
ở câu đùa nửa chừng im bặt”.
(Soi gương)
Trước sau, ông vẫn là người hoài niệm. Trong căn phòng tĩnh lặng, ông lật giở từng cuốn số học trò, tờ giấy khai sinh đã ố vàng dấu thời gian, bức ảnh cưới mấy mươi năm về trước. Ông nhắc tên từng người bạn cũ thuở thanh xuân.
Trong sâu thẳm, thơ ông lặng buồn, chênh chao, sương khói, nhưng trong đời thường, ông là người giàu tình cảm, sẻ chia và chu toàn. Và sẽ là thiếu sót, nếu không nhắc đến những bài thơ ông tặng mẹ, cha, tặng vợ, tặng con cháu, bạn bè, đồng nghiệp. Đó là những bài thơ bày tỏ một tấm lòng với những chi tiết nhiều khi rất thực mà sâu sắc, thiết tha.
Giờ tuổi ngoài 70, điều kiện kinh tế không phải còn lo nghĩ. Hai người con trai của ông đã thành đạt, trở thành người nổi tiếng tận bên Mỹ, một người là giáo sư toán học tài năng, một người là chuyên gia công nghệ của hãng Google. Vậy nhưng không niềm vui nào là trọn vẹn, hàng ngày ông vẫn thường da diết nhớ con, nhớ cháu. Nỗi nhớ triền miên, không dứt.
Và nữa, có lúc ông bần thần nhớ về những người thân yêu đã rời xa thế giới này, những người không bao giờ gặp lại, nhớ những gì đã gặp trên tít tắp đường đời
“Trái đất tròn
Sao tôi không gặp lại
Những gì đã chia xa
Cứ mịt mù xa mãi
Mặt đường đầy gió thổi
Hạt bụi nào quen tôi.
(Bụi)
Cảm giác nuối tiếc cuộc đời, nuối tiếc sự sống, nuối tiếc tình người là một cảm giác ôm trùm trong rất nhiều bài thơ của Vũ Quần Phương.
Hà Nội 11-4-2012
Theo Hội nhà văn Việt Nam