Nhà văn Trinh Đường
Chuyện lạ bên giường bệnh
Nhà thơ Trinh Đường ra đi đúng vào những ngày sũng nước cuối thu, sau những trận bão mà đất trời như nhòa lẫn, không còn ranh giới… giống như hôm nay. Sau giây phút chứng kiến sự lóe sáng kỳ lạ của con người cũng lạ kỳ không kém của nhà thơ trước lúc ra đi, tôi đã tâm nguyện, hằng năm đến ngày này, sẽ thắp một nén tâm hương, tưởng nhớ đến ông…
Khi được biết bệnh viện đã trả về, sinh mệnh nhà thơ Trinh Đường chỉ còn tính ngày giờ, tôi lao xe đến nhà ông ở một xóm nhỏ thuộc thôn Viên sâu hút trong làng Cổ Nhuế...
Đến cửa, một không khí hoang lạnh khác thường. Không biết bà Hải vợ ông và các con ông đi lo liệu những gì mà tôi không gặp một ai. ở tầng dưới, ngôi nhà có treo mấy chữ La Vân Hiên để ông luôn nhớ đến vùng quê La Vân (huyện Đại Lộc - Quảng Nam) mà ông từng than trong thơ: Tập kết ba mươi năm/ tóc xanh giờ đã bạc/ Suốt đời đi giành nước/ Trở thành người không quê/ Một đi không được về…
Tôi rón bước lên tầng gác ông vẫn nghỉ ngơi và làm việc. Thấy tiếng đài bán dẫn đang phát một bản tin thời tiết, tôi mới yên tâm. Nhưng, bên cạnh đấy là nhà thơ Trinh Đường nằm ngửa, mặt hốc hác, mắt nhắm bất động, hẳn là đang nghe tin tức thì ông mệt quá, thiếp vào giấc ngủ! Tôi tắt đài, vớ tờ báo, ngả mình ra chiếc ghế vải ngay cạnh, yên lặng chờ ông tự tỉnh dậy. Được dăm phút, tôi bỗng hoảng lên vì sự im ắng quá mức, không nghe cả tiếng thở của nhà thơ. Nhỡ cụ “đi” đúng lúc này thì thật phiền!.. Tôi đứng dậy, đưa tay ra trước mũi nhà thơ. May quá, vẫn còn thấy âm ấm. Do tiếng dịch ghế làm ông tỉnh lại, ông lào phào: “Ai đấy?” “Vân Long đây! Anh không nên ngồi dậy, tôi vào bệnh viện, biết anh vừa về nên tôi đến thăm”.
Ông nghe tôi, nằm mà trò chuyện. Hoá ra ông đã biết rõ căn bệnh hiểm của mình từ lần mổ trước, ông nói rất nhỏ: “Bác sĩ hết phép rồi, mình chờ... đi đây!”. Nhưng như thói quen, ông lại nói về công việc (Trời! cái ông già này! Vậy còn lúc nào nữa để ông nghĩ một chút về riêng ông?)
Dưới chân giường của ông là hai cái túi bằng nhựa tái sinh quen thuộc, một túi căng phồng, đầy ắp bản thảo đang biên soạn, một túi ló ra hàng chục cái phong bì đã dán sẵn tem. Nói đến công việc thì tiếng ông rõ dần:
- Chưa nghĩ được tên tập cho hay, nhưng đề tài này thì... hay đấy! Thơ về châu thổ sông Hồng... phải... 2.000 trang có ít đâu! Mình... mình mới đi được 5 tỉnh... đã phải nằm. Thằng... thằng Minh (Vũ Đình Minh) viết tựa thì cậu... phải viết lời bạt!... (Đó là bản thảo Tuyển tập thơ Đất nước do ông nghĩ ra và tự đi thực hiện).
Vốn đã quen tính “áp đặt” của ông, và hễ đụng đến công việc là ông sôi nổi hẳn lên, tôi vội can:
- Thôi đi anh! Lúc này nghỉ ngơi cái đã, anh còn nói đến công việc là tôi về đây!
Không được bàn công việc biên tập thì ông chuyển sang đề tài khác, thì vẫn là thơ, ông còn quan tâm đến gì nữa đâu! “Gần đây mình làm được một chùm thơ, đây này!” Ông vơ dưới gối lên một xếp giấy viết tay, chữ vẫn đều tăm tắp. Tôi lo cụ hăng lên, tự đọc cả chùm thì... tôi vẫn là người gây ra sự suy kiệt của cụ. Tôi giành lấy xếp giấy: “Anh cứ nằm yên đấy mà nghe, tôi đọc cho cả hai người! Có điều, phóng xe đi từ sáng, tôi cũng mỏi lắm, tôi nửa nằm trên chiếc ghế này mà đọc nhé! ”.
Lần lượt, tôi đọc to từng bài: Nói chuyện với cái giường, Qua đèo, Lan man sau mê man... Căn phòng vắng, quanh nhà cũng vắng lặng, giọng tôi càng lúc càng bốc cao theo thi hứng những câu thơ của ông, những câu tưởng như rời rạc, ít liên hệ với nhau: Mắt em nhìn anh hay mảnh trăng cài/ Cãi được mệnh trời là ai, là ai?/ Cho còn thì còn, không còn thì thôi!... (Lan man sau mê man)
Giọng thơ của ông già quen dùng từ Hán Việt, nay đôi lúc cứ phá ngang ra, như ông đang đối thoại, tranh cãi với ai, gây một khí vị hoang lạ, thách thức... Đang đọc, nghe tiếng động, tôi liếc ngang: nhà thơ Trinh Đường nhỏm dậy dần. Mới đầu thì nằm nghiêng, chống một tay trên gối để “nhìn cho rõ” câu thơ từ miệng tôi phát ra. Đến khi tôi đọc bài Còn, mất:
Ai người sống đã chết
Ai người chết đang còn
Ngang nhiên giữa trời đất
Ta sống cùng nước non
thì nhà thơ ngồi thẳng dậy, đôi mắt phát lộ những tia sáng lạ.
Một ông già cao cao, gầy guộc, mặt hốc hác, ngỡ không còn sinh khí, từ lúc nằm bất động như một xác ướp Ai Cập, bỗng chuyển dần sang trạng thái hưng phấn làm tôi gai người, ngỡ như mình là một gã phù thủy đang đọc thần chú cho xác chết sống dậy. Ông lại bị chính thơ ông hớp hồn!
Trong căn phòng người bệnh thập tử nhất sinh, bỗng xảy ra một tình trạng ngược đời: Người khỏe đến thăm bệnh nhân thì nằm trên ghế xếp đọc thơ, còn bệnh nhân thì ngồi thẳng người, đau đáu “nhìn” những câu thơ của chính mình, say sưa và hứng khởi.
Chùm thơ của ông mà tôi chắc chắn là những dòng cuối cùng trước khi ông ra đi, không ít những câu thơ như tuyên ngôn:
Nhập thế hay xuất thế
Cỏ bờ hay bụi bờ
Nhập thân vào đất nước
Mới nhập thần vào thơ!
(Vĩ thanh)
Nhà thơ Trinh Đường từng “nhập thế” dẫn nhóm bạn Khuê Văn của ông đi khắp các ngả đường đất nước (mà mọi người gọi đùa ông là Trinh đoàn trưởng). Nhà thơ Trinh Đường từng “xuất thế” lập bàn thờ các vị thần thơ ngay trong nhà mình. Giữa cơ chế thị trường, thơ là món hàng thấp giá nhất thì vẫn còn có người như ông, say mê sự nghiệp của mình đến hơi thở cuối cùng. Ông là một bậc thánh tử vì đạo!
Chỉ sau tôi mới biết, từ bệnh viện về không đến một ngày đêm thì ông ra đi. Hoá ra tôi là người cuối cùng khơi gợi và được chứng kiến phút loé sáng kỳ lạ của nhà thơ như trên, thảo nào mới chiều hôm trước gần ông, khoảng 3 giờ chiều hôm sau tôi đã nhận được điện thoại của nhà thơ Trần Phương Trà trong tiếng nghẹn ngào: “Ông Trinh Đường đi rồi!...” Đó là chiều ngày 28 tháng 9/2001.
Nhập thân vào đất nước
Quan niệm của nhà thơ Trinh Đường: “Thơ như cái mặt trống, phải có hiện thực cuộc sống đập vào nó mới rung vang lên được.” Xuất phát từ quan niệm này, ông đã nghĩ ra cách tổ chức một nhóm anh em nhà văn đi vào thực tế thường xuyên trong thập niên 80 của thế kỷ trước, giữa giai đoạn không có một nguồn kinh phí nào của Hội nhà văn hay của cá nhân nào lo nổi, những năm sau chiến tranh, mỗi nhà văn chỉ lo đủ sống cho gia đình mình đã khá vất vả! Ông tính “đầu vào” bằng cách liên hệ với các ngành để họ cho xe đưa đón, tạo điều kiện cho nhà văn hiểu rõ được hoạt động của ngành. Ông lo “đầu ra” bằng cách triệu tập một nhóm bạn văn đang công tác ở các báo đài trung ương và Hà nội, khi viết được tác phẩm, mỗi nhà sẽ “tự sản tự tiêu” ngay trên phương tiện sở hữu của ngành mình, phong phú ra thì sẽ in thành tập sáng tác, nếu người chủ quản muốn tuyên truyền rộng ngành mình. Thậm chí nhóm này còn ra được tạp chí ngành nuôi ong, sống được mấy năm. Chính vì vậy, nhóm Khuê Văn chí cốt đầu tiên được hình thành là 6 nhà văn. Người đầu tiên, tất nhiên là “Trinh đoàn trưởng”, rồi Ngô Quân Miện (báo Độc Lập), Võ Văn Trực (báo Văn nghệ), Vũ Đình Minh (đài Truyền hình Hà Nội), Trần Phương Trà (đài TNVN), Nguyễn Thái Vận (NXB Lao động). Ngành đầu tiên tiếp đón nồng nhiệt và tạo được nhiều cuộc đi nhất là ngành nuôi ong, bởi ngành này có chân rết tỏa ra khắp mọi ngả đường đất nước, cỏ hoa trên xứ sở nhiệt đới này đâu mà không có. Có các vùng hoa là có thợ nuôi ong. Bản thân các nhà thơ, nhà văn cũng giống như những con ong luyện phấn hoa của thực tế làm mật! Vậy là các anh bay ra Cồn Ngạn - Thái Bình như những cánh ong đi hút mật hoa sú vẹt, lúc bay về thì hoa nhãn Hưng Yên, hoa táo Bách Thuận… Có hôm, Trinh Đường đi làm với công nhân ngành ong, bị ong đốt, mặt mũi sưng húp, khuya đêm vẫn thắp đèn trong màn viết viết xoá xoá những câu thơ vừa nảy nở. Có chuyến cả nhóm ngồi chen nhau trên chiếc xe Zeep của Tổng cục hậu cần, vượt con suối lớn vùng Hòa Lạc khi cơn bão vừa tan. Qua ngầm, nước chảy xiết quá, cuốn chiếc xe nhào xuống suối, chìm nghỉm. Trinh Đường là người đầu tiên thoát ra được, bơi vào bờ, nhờ đồng bào đưa sào nứa cho mấy anh em bám lấy lội vào. Đêm ấy phải mượn quần áo khô của các chiến sĩ, đọc thơ bên lửa trại vẫn hào hứng, sôi nổi… Trong khoảng chục năm nhóm Khuê Văn hoạt động, có năm đi nhiều nhất đến 38 chuyến.
Kết mật
Cả đời, con ong cần mẫn Trinh Đường đã kết tụ được 14 ổ mật ngát thơm: 14 tập thơ và trường ca, xuất bản đều đặn từ 1960 đến 2001. Chưa kể các tập bút ký, truyện ngắn và biên soạn. Cuộc đời Vì thơ của ông gồm hai sự nghiệp: sáng tác và biên tập, phần sau, sự đóng góp của ông cho xã hội lại lớn hơn phần trước.
Thời kỳ chống Mỹ, những người làm thơ chỉ có vài tờ báo để in thơ, diễn đàn trung tâm vẫn là trang thơ báo Văn nghệ. Người biên tập để lại dấu ấn đậm nét nhất trong lòng các nhà thơ trẻ lúc ấy là nhà thơ, nhà biên tập Trinh Đường. Bằng những nhận định, có lúc võ đoán về bài thơ này, bài thơ kia, tác giả đã kích thích lòng ham sáng tạo của các nhà thơ trẻ. Còn gì buồn bằng, kể cả khi bài thơ được in ra, mà không có một hồi âm khen chê gì phía độc giả, người biên tập! Với cái quyền thẩm định cho bài thơ ra mắt công chúng, tiếng nói nhận định của ông rất có trọng lượng. Ông luôn tạo ra sự ganh đua giữa các vùng thơ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình. Một lần ông bảo tôi: “Mình sẽ ra một trang thơ riêng cho các cậu Hà Nội gồm Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Lưu Quang Vũ… xem các cậu Hải Phòng có địch được cánh Hà Nội?”. Tôi chất vấn: “Thế Hoàng Hưng với tôi có được tham gia trang Hải Phòng không?” (chả là tôi và Hưng vừa chuyển công tác xuống Hải Phòng, gia đình vẫn ở Hà Nội.) Ông Trinh Đường ngồi ngẩn ra toan tính. Bỗng ông “à” lên một tiếng: “Thế này, cậu này!... Căn cứ vào sổ gạo. Cậu ăn sổ gạo Hải Phòng, cậu phải tham gia trang thơ Hải Phòng!”
Chúng tôi cùng cười thoải mái, vì đã biết… dùng sổ gạo để giải quyết vấn đề của thơ.
Sự bình phán của ông dẫu nhiều cảm tính, hơi bốc, nhưng cái lõi thường là đúng. Là người luôn hướng tới cái mới, ông khen đấy, nhưng có lúc lại sổ toẹt: “Thơ các cậu cổ lỗ sĩ bỏ mẹ! Dùng thơ ấy như đánh giặc bằng con dao cùn!”.
- Thế theo anh, tiêu chí của thơ hiện đại là thế nào?
Ông lại ngẩn ra, suy nghĩ. Lúc này, chắc ông nghĩ đến vai trò biên tập viên một tờ báo của Hội nhà văn, lời nói phải “có lập trường”, không được thiên về hình thức:
- A! Thế này cậu à! Bài thơ hiện đại phải có tư tưởng hiện đại, có nội dung hiện đại, và quan trọng là cách thể hiện hiện đại.
Tôi biết ông chỉ nhằm nhằm vào yếu tố thứ ba, nhưng do ông có cân nhắc lại nên quan niệm đó của ông căn bản vẫn đúng. Rồi ông thấp giọng đọc cho tôi nghe một bài thơ như ví dụ về thơ hiện đại, và dặn đừng nói cho ai khác biết. Đó là bài thơ in trên một tờ báo ở Sài Gòn những năm đất nước bị chia cắt, tác giả cỡ như Thanh TâmTuyền, Du Tử Lê gì đó. Hồi ấy, đọc báo địch, lại khen cái hay của báo địch là “có vấn đề tư tưởng” rồi đó! Giọng Quảng Nam đặc sệt của ông đã khó nghe, lại như đọc thầm, sợ… “tai vách mạch rừng”, tôi nghe chữ được chữ mất, chưa kịp hiểu gì cả thì ông đã xuýt xoa: “Cậu thấy không? Bài thơ ghê gớm đấy chứ!”
Thể hiện thơ cho mới mẻ là yêu cầu của ông với thơ nói chung, xin đừng căn cứ vào thơ ông, bởi lực bất tòng tâm, có phải cứ muốn là làm mới được thơ ngay đâu! Thơ ông sử dụng nhiều từ Hán Việt nên câu thơ đanh quánh, súc tích nhưng lại thiếu sự bay bổng… Lạ một điều! Việc đời ông rất hồn nhiên, thơ lại ít sự hồn nhiên.
Nhưng, nếu cần nêu lên một nhà thơ có tâm, nhiệt huyết với công việc biên tập thơ thì không ai hơn Trinh Đường. Có lần tôi ra Cát Hải mở trại sáng tác, tình cờ được đọc ở nhà Hồ Anh Tuấn (giáo viên, anh ruột nhà văn Hồ Anh Thái, sau là chủ tịch Hội Văn nghệ Hải Phòng) ba lá thư của ông Trinh Đường. Anh Tuấn nhận được trong vòng mươi hôm chỉ để góp ý sửa cho hoàn chỉnh một bài thơ. Trong cuốn Nhà văn hiện đại Việt Nam, ông tự nói về mình: “Về đào tạo lớp người kế tục, nổi lên trong và sau chống Mỹ và công việc của Hội, ít nhiều có sự đóng góp của tôi“. Đằng sau câu nói giản dị ấy là biết bao tâm lực, không ai tính đếm nổi!
Thời bom đạn, đi lại khó khăn, giới làm thơ chỉ biết theo dõi hoạt động sáng tạo của nhau qua thơ in trên mấy tờ báo lớn, mà trung tâm định hướng là tờ Văn nghệ, mà giai đoạn nhà thơ Trinh Đường cầm trịch là sôi động nhất, vì cái tính sôi nổi, quyết đoán đến mức chủ quan của ông.
Tôi công tác ở Hải Phòng, mỗi lần về Hà Nội thăm gia đình dù ở nơi sơ tán xa trung tâm, thế nào cũng phải tìm cách ghé căn gác đã bị bom đánh nứt một mé tường giữa phố Bà Triệu của ông. Đến đấy không chỉ để biết “tăm hơi” những bài thơ tôi gửi, mà còn cả của các chiến hữu Hải Phòng, và hoạt động thơ cả nước qua sự bình phán, khẳng định nhiều khi võ đoán của Trinh Đường:
- Này! Cậu có biết thằng làm thơ ghê gớm nhất Hải Phòng bây giờ là ai không?
Không đợi tôi trả lời, ông nói ngay: “Thằng T.H. đó! Nó là ông vua thơ, thật đấy!”.
Chỉ chưa đầy hai tháng sau, ông lại hỏi tôi câu ấy. Tôi cuời: “Hẳn vẫn là T.H. chứ ai!” Ông gạt phăng: “Không! Thằng T.V. bây giờ mới gớm!”. Rồi ông thông báo tiếp: “Hãy đón đọc bài thơ của T.L. sẽ in Văn nghệ số tới, đó là bài đinh của cả năm nay đấy ! “
Những lời bình phán dứt khoát đó đã kích động cả giới trẻ. Người tán thành, người phản đối, nhưng ai cũng nỗ lực để lọt vào mắt xanh của ông. Còn gì buồn hơn khi bài thơ in ra, rơi vào vắng lặng, không một hồi âm!
Khi không còn công cụ trong tay (trang thơ báo Văn nghệ) ông vẫn tự tạo ra các xuất bản phẩm cho giới thơ. Nhân đại hội Nhà Văn, ông đề nghị mỗi nhà thơ gửi cho một bài thơ hay tự chọn, kèm câu trả lời ngắn gọn Làm thế nào để có thơ hay? Chẳng ai tin là sách in được, vì đúng lúc vừa xoá bao cấp, không nhà xuất bản nào dám in thơ khi mạng lưới phát hành, thư viện vẫn mua sách đã bị tê liệt trên toàn quốc, thậm chí đến tập thơ Chim làm ra gió của Huy Cận để nhà in suốt hai năm, cuối cùng nhà thơ cấp quốc gia này cũng phải nộp tiền, NXB Tác Phẩm Mới mới dám cho in. Thế mà Ngày Hội Thơ đã ra đời gồm gần đủ các nhà thơ hội viên với những suy nghĩ trải nghiệm phong phú về thơ kèm theo bài thơ tác giả tự cho là đạt nhất của mình. Một tài liệu hết sức bổ ích cho các nhà nghiên cứu văn học. Ông còn một mình đứng ra vận động, thư từ gửi đi khắp nơi, thu thập bài, chuẩn bị cho Tuyển tập thơ thế kỷ gồm ba tập, Một thế kỷ thơ Việt tập I (NXB Văn hoá Thông tin 1995) đã ra đời, bản thảo hai tập sau đã hoàn chỉnh chờ điều kiện để xuất bản. Đây là lần đầu tiên ở nước ta, một cá nhân nhà thơ đứng ra làm tuyển tập thơ thế kỷ! Đặc biệt, ông còn chú ý đến các nhà thơ chưa là hội viên, bùng nở từ sau đổi mới văn học, các nhà nghiên cứu thơ, thay vì đọc hàng trăm loại báo, hàng ngàn tập thơ, nay chỉ cần đọc hai tập tuyển Những gương mặt thơ mới I và II (NXB Thanh niên, khoảng 1.000 trang). Nhờ sự “áp đặt” của ông, mà tôi đã viết được bài nói đầu cho Những gương mặt thơ mới tập II, thực chất là giới thiệu được sự phong phú sinh động của lớp người mới nhập vào dòng chảy thơ Việt, nay hầu như những tác giả này đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Để sưu tầm, biên tập, soạn thảo hai tập đó, ông đã bỏ tiền lương hưu đi Nam về Bắc, gặp gỡ các tác giả, riêng tiền bưu phí đã đủ thâm thủng đồng lương hưu còm cõi của nhà thơ.
Ông già tuổi 80, cao gầy, tấm lưng vẫn thẳng, lúc nào cũng sôi nổi những dự định, gợi tôi nhớ đến hiệp sĩ ĐôngKisốt từ hình dáng đến cái tính muốn “vá trời lấp biển”, tự tin đến mức chủ quan của ông.
Báo cáo với Quê Hương…
Ông thật chân thành khi tự nói về mình trong tập Nhà văn Việt Nam hiện đại: Từ các hoạt động văn nghệ, sáng tác đến phê bình, từ công việc được giao phó, đến những nỗ lực (thực hiện sáng kiến) cá nhân, tôi tự thấy đã làm việc hết sức mình cho học thuật, cho cách mạng, Tổ quốc… Quả vậy! Ông chỉ tận tụy với một việc, không màng chức vụ. Chức vụ cao nhất của ông là nhà thơ, nghề nghiệp suốt đời của ông là biên tập thơ, phê bình thơ.
Sau ngày thống nhất đất nước, trong một chuyến đi xuyên Việt, tôi dừng chân ở Đà Nẵng, nhà thơ Trinh Đường gặp tôi, ông mừng quá reo lên: “A! Sáng mai thế nào cậu cũng phải có mặt với mình trong một cuộc họp mặt rất quan trọng!”.
Thì ra ông chủ động mời bà con họ hàng ông đến họp mặt, để ông được báo cáo với bà con quê hương Quảng Nam: công việc nhà thơ Trinh Đường đã làm từ những ngày đi tập kết. Một việc hết sức thiêng liêng với ông. Ông cẩn trọng viết nắn nót từng dòng trong một cuốn vở những điều định nói với bà con, buổi báo cáo có đặt máy ghi âm, hẳn sẽ là một tài liệu quý cho bảo tàng các nhà văn!
Nhưng quan sát thực tế không khí cuộc họp, tôi vừa cảm động vừa buồn cười khi được làm nhân chứng trong cuộc báo cáo đó mà cử tọa có khá nhiều người sinh sống ở vùng đô thị miền Nam làm những nghề thiết thực như lái xe, chủ tiệm ăn, thợ giày, thợ điện… chẳng có chút khái niệm gì về văn chương chữ nghĩa. Cách mạng tháng Tám thành công, người ta được biết ông làm phân hội trưởng Phân hội Văn nghệ Quảng Nam Đà Nẵng thì còn hiểu được ông là trùm cánh hát tuồng hát bội gì đấy… Nhiều người là đàn em ông ra đi kháng chiến đều đã thành cán bộ lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh, có vị còn là bộ thứ trưởng, may ra khi gặp việc rắc rối, bà con còn được cậy nhờ. Còn ông Trinh Đường này, trở về quê với chức biên tập viên, nghe như một thư ký đang tập sự biên chép gì vậy. Hay là ông bị kỷ luật? Làm sao ông tự giải toả nỗi thắc mắc của bà con, nếu không nhờ đến bạn bè? May thay, buổi gặp đó có nhà thơ Đông Trình, một thày giáo có tiếng ở Đà Nẵng, lúc đó là cán bộ tuyên huấn Mặt trận Tổ quốc Tỉnh, từng đi thuyết giảng ở nhiều nơi, đã cho họ biết: anh chỉ là người học trò nhỏ của nhà thơ Trinh Đường. Còn tôi, tình cờ ghé thăm, cũng nói được đôi chút tâm huyết, đóng góp không nhỏ của ông cho những bộ sách quý sẽ tồn tại hàng thế kỷ…
Để thực hiện mọi dự định sưu tầm, tuyển chọn ngổn ngang, ông phải đi nhiều hơn ai hết. Trời đã đền bù phần nào cho ông, có nhiều câu thơ hay ông đã “nhặt” được ở trên đường. Trên một chuyến tàu Bắc Nam, ông đang hào hứng hợp chuyện với một nữ đồng hành, thì người phụ nữ khả ái này lại xuống ga dọc đường, chỉ còn cô đơn mình ông: Tàu đi tiếp với nỗi buồn xuyên Việt
Người phụ nữ ấy đâu biết nhà thơ già vẫn lãng mạn như buổi thiếu thời:
Anh xuống ga còn có nửa người…
(Trong cuốn Sống nhiều hơn một đời - NXB Phụ nữ sắp xuất bản)
Theo Hội nhà văn Việt Nam