Đồng đội thân mến của tôi,
Hôm nay là 29/4/2013, giờ này ba mươi tám năm về trước anh em chúng mình đang chìm trong lửa đạn trên cánh đồng Cầu Bông và cửa mở Đồng Dù. Giờ này bao nhiêu đồng đội của chúng mình ngã xuống. Giờ này nắng bắt đầu lên, bình minh ở cửa ngõ Sài Gòn với chúng mình xa lạ mà sao thân thương đến thế. Tôi gửi lá thư này tới tất cả đồng đội đang còn sống ở đâu đó - thị thành hay thôn quê - lời của người bạn thân yêu một thời, lời của người sống sót, sống sót đến tận bây giờ. Đồng đội ơi! Hãy nhớ về 29/4/75, nhớ những người bạn mình đã ngã xuống ngày hôm ấy. Họ chết để mình còn sống trở về. Ba mươi tám năm sau, nắng hôm nay cũng giống hệt như nắng hôm ấy, chỉ có chúng mình thì đã bạc đầu, gọi tên nhau trong tâm tưởng mà nước mắt thì không cầm nổi. Nước mắt càng ứa ra thì hình ảnh đồng đội lại càng hiện về trẻ trung, phơi phới.
Chúng mình đã từng đi từ 1015 đến thị xã Kon Tum, đồi Tròn, xưởng cưa, ngã ba Trung Tín… Đã hai lần đánh 1049, đánh Kleng để rồi lật cánh về Gia Lai. Mùa mưa 72 vượt sông, bao người lính bị thương lại bỏ xác dưới thác Pô Kô. Đau xót nuốt vào trong để về đánh Đức Cơ, quyết ôm chặt đường 19 kéo dài mở vùng giải phóng. Địch đánh Đức Cơ, ta đẩy lùi ra rồi trước cái đêm 27/1/1973 máu sư đoàn ta lại đổ để giành lấy thêm từng tấc đất Cao nguyên. Tết năm ấy quà tết chia chẳng hết vì bao bạn không còn sống để nhận quà! Cái ngày 27/1 năm ấy vui mà buồn đến thế. Anh em mình hi sinh nhiều quá, ranh giới sau ngày 27/1 là ranh giới hình thành bằng suối máu. Niềm vui hòa bình mong manh, mong manh như tính mạng anh em mình giữ chốt.
Các bạn của tôi ơi! Chúng mình từng sống những tháng năm ăn rau rừng, ăn môn thục và búng bang. Chúng mình chia nhau manh áo, tấm quần mà xuất kích. Chúng mình cạo tinh nứa làm thuốc lào hút cười vang trong hầm chốt, chúng mình cả mùa mưa chỉ một cái quần đùi mà vẫn đánh thắng Lệ Ngọc, Chư Nghé, làng Siêu. Thương lắm những đứa hi sinh còn gửi lại cái áo lành cho thằng bạn còn sống. Di vật liệt sĩ Tây Nguyên hầu như chỉ nặng độ 1, 2 ki lô gam gồm một cái võng dù, một cuốn nhật kí và vài lá thư của miền Bắc. Tất cả chỉ có thế. Tất cả đồng đội chúng mình khi chết đi đều chỉ còn có thế. Các bạn ơi! Nghĩ lại vẫn thấy đau lòng. Đã vài lần tôi đi trở lại con đường 19 từ Ngã ba Hòn Rồng ra cửa khẩu Đức Cơ. Cao nguyên bạt ngàn xanh màu cà phê, cao su và hồ tiêu. Đứng trên dốc đồn Tầm ngó lên chốt Mỹ, ngó về Chư Ga Ra, Chư Rông Rang, hoa quì dại vẫn nở le lói bỗng chạnh lòng nhớ ngày đắp mộ bạn mình bằng chùm hoa cúc cháy dở. Đồng đội ơi, chè Bàu Cạn thơm ngon thế, cà phê Thu Hà thơm thế, màu hoa quì vàng thế … Ôi, phải chăng vì có máu của bạn mình trong đấy?
Lịch sử cho chúng ta được cái may mắn là một trong những đơn vị nổ súng sớm nhất trong chiến dịch giải phóng Tây nguyên 1975. Các bạn làm sao có thể quên cái ngày 14/1/1975 nhắm hướng nam hành quân. Suốt cái tết 75 áp sát đường 14 nín thở rồi bùng ra đánh Thuần Mẫn, Cẩm Ga, đêm mùa khô hành quân về Đạt Lý, Buôn Hồ hoa cà phê thơm nưng nức. Kể từ ngày 5/3/1975 tất cả sư đoàn hành quân liên miên đánh địch không ngủ. Chúng mình vội vã lao về Phú Bổn trong chiều 17/3 để cả đêm hôm ấy leo ngọn núi đá tai mèo sáng sớm 18/3 chạy suốt 8 cây số lao vào một đội quân đông gấp mười lần ở Cheo Reo mà nổ súng. Chưa bao giờ chúng mình có một trận đánh xe tăng, thiết giáp như hôm ấy. Chưa bao giờ chúng mình nuốt nước mắt vì những người dân lành bị tử nạn như ngày ấy. Đường số 7 kinh hoàng cho tới suốt đời chúng ta, những người trực tiếp truy kích và làm nên cái trận đánh có một không hai trong lịch sử quân đội mình. Bây giờ đường 7 thanh bình chạy theo dòng sông Ba nối Tuy Hòa lên Tây Nguyên. Nương rẫy xanh, màu nắng như rưng rức trong nó nỗi buồn ly tán của hàng chục ngàn người di tản ngày xưa. Tôi trở về chiến trường xưa thắp hương cho hơn một trăm đồng đội mình hi sinh hôm đánh Cheo Reo. Tôi ra đầu cầu cây Sung, cái cầu gẫy hôm 18/3 mà hàng chục xe rơi xuống sông. Tôi thắp những nén hương ven đường, thắp hương dưới bờ suối như thấy lại hàng ngàn người bỏ mạng ngày hôm ấy tại nơi này. Ba mươi tám năm siêu thoát được không?
Các bạn của tôi! Đời chúng ta đi chiến đấu không thể có một ước mơ kì vĩ đến nhanh như vậy. Chúng ta lên xe ngược về đường 14 để vượt qua Buôn Hồ, Ban Mê, Gia Nghĩa, Lộc Ninh rồi đổ quân ở Chơn Thành sáng 15/4. Chúng ta náo nức gạo, đạn, áo mới, quần mới để 20/4 vượt sông Sài Gòn đoạn Bến Súc về nằm trên Bến Đình, Nhuận Đức. Đêm qua 28/4 cả sư đoàn hành quân. Cả sư đoàn tiến về Đồng Dù và Cầu Bông. Các bạn của tôi ơi, đêm hành quân 28/4/1975 là đêm nhớ đời bởi hương bùn lầy, hương lúa miền Nam. Chúng mình bám gấu áo nhau mà đi, chúng mình biết đây là trận cuối cùng. Trong đêm chiếm lĩnh ai cũng nhớ mẹ, nhớ quê phải không các bạn? Cả đêm qua đã biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu suy nghĩ để rồi nổ bùng khi phát hỏa vào 5 giờ sáng nay – 29/4/1975. Cả đời trận mạc, đến người chỉ huy của mình cũng không thể ngờ, không thể hình dung lại có phút lẫm liệt đến thế của lính mình. Cửa mở Đồng Dù mãi là câu chuyện hào hùng mà đời sau ghi nhớ. Bao người đã ngã xuống trên cửa mở, bao nhiêu con mắt của người bị thương nằm lại nhìn theo đồng đội mình lao qua. Người lính xe tăng vừa khóc vừa nhấn ga cho xe lồng lên lao về phía giặc. Ôi ta quên sao được ánh mắt bạn mình trọng thương trên cửa mở cầu khẩn nhìn chúng ta mà chúng ta không thể dừng lại cứu bạn, nước mắt mình rơi mà lao lên phía kẻ thù. Các anh ơi, hãy tha lỗi cho chúng tôi. Chiến thắng của chúng mình cần có sự hi sinh là thế. Ba mươi tám năm sau tôi cúi đầu lạy tạ với người đồng đội bị thương nằm trên bờ ruộng mà tôi nhắm mắt lao qua…
Cầu Bông, Tân Phú trung đấy các bạn 64 ơi. Chỉ cách Sài gòn 28 km. Loạt đạn đầu tiên 6 khẩu DKZ đồng loạt làm sụp cái đồn đầu cầu. Ấp Chợ Tân phú Trung đánh từ sáng tới trưa. Đã gần bốn mươi tử sĩ nằm gục trên bờ ruộng rau, trong ngóc ngách chợ. Nắng ùa lên trời, nắng ùa xuống cánh đồng lúa và trên đường hàng mấy chục xe tăng thiết giáp chạy về. Cánh đồng gần Cầu Bông thành biển lửa của một trận thui xe tăng, thiết giáp kẻ thù. Trưa hôm nay 29/4 trên cánh đồng Tân Phú Trung ràn rạt hoa bằng lăng tím và con đường số 1 đỏ rực những hoa phượng đầu hè. Lửa từ dưới đồng, lửa từ xe tăng cháy và khói, khói như cả một cánh đồng đốt rạ ngày mùa. Trong màu đỏ của hoa, màu lửa của chiến trận, màu khói đốt đồng, chúng mình lao lên xe tiến vào Sài Gòn. Đạn đại bác vẫn rít qua đầu về hướng Tân Sơn Nhất. Đoạn đường cuối cuộc chiến của đời chúng mình thít dần, ngắn lại đến nút cuối cùng.
Ngày mai. Chúng mình còn bao nhiêu kỉ niệm ở Sài Gòn. Kỉ niệm ngây ngô đáng yêu của anh lính người miền Bắc. Ngày mai ở giữa Đô thành rồi mà vẫn không tin nổi mình đang bước chân trên thành phố hòn ngọc Đông Dương. Cầm bút viết lá thư về cho mẹ còn ngập ngừng… “Sài Gòn ngày 1/5/1975…”
Chúng tôi được về sau đó còn các bạn lại ôm súng đi Biên giới Tây Nam. Người lính sao mà cực thế? Các bạn của tôi ơi! Chúng tôi những người được trở lại trường tháng 10/75 biết ơn các bạn. Lần nữa các bạn lại hi sinh còn chúng tôi dù đi qua chiến tranh cách mạng cũng không hiểu nổi cuộc chiến đấu ở nơi ấy (chiến trường K), cũng như dân tộc họ cũng không hiểu nổi họ nữa là chúng ta.
Bây giờ là 9 giờ 32 phút. Thôi tôi dừng ở đây các bạn, bởi đã đến lúc gay cấn nhất trên cửa mở Đồng Dù rồi. Tôi dừng để cùng các bạn cúi đầu mặc niệm và gửi nén nhang về các đồng đội của mình…
Nguyễn Trọng Luân – chiến sĩ E 64 F320A Đồng Bằng
Theo Hội nhà văn Việt Nam
|