Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Nhớ về mùa xuân toàn thắng (kì 2) Nhớ về mùa xuân toàn thắng (kì 2) , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng một loạt hoạt động cài thế bao vây chia cắt, cô lập Buôn Ma Thuột. Ta dùng mưu tăng cường hoạt động nghi binh thu hút sự chú ý của địch về phía Bắc (Kon Tum) đánh trận "giả" ở Plei-cu, địch mắc mưu, đưa Trung đoàn 45, đơn vị mạnh của sư đoàn 23 ngụy từ Buôn Ma Thuột lên Plei-cu để sơ hở hướng Nam Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo phân tích: "Ta ghìm địch ở đầu mạnh (Bắc Tây Nguyên) để phá vỡ địch ở đầu yếu là Nam Tây Nguyên. Đó là một thành công trong nghệ thuật dùng mưu". Nói điều đó, đôi mắt của ông rực sáng.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo cho biết, công tác chuẩn bị chiến đấu cũng rất công phu: San rừng, xẻ núi, bắc cầu, cưa cây sẵn nhưng chưa cho đổ, khi cần vượt qua thì đánh đổ cho nhanh. Tất cả đều phải giữ bí mật. Hơn 3 sư đoàn bộ binh với nhiều trung đoàn pháo binh, xe tăng-thiết giáp, nghĩa là hàng chục ngàn bộ đội với các loại vũ khí, xe cộ, lán trại, kho tàng, hành quân từ phía Bắc xuống Nam Tây Nguyên, áp sát Buôn Ma Thuột và Đức Lập, thậm chí ăn Tết rồi mới vào trận mà địch không hề hay biết. Ta vẫn giữ được bí mật tuyệt đối cho đến trước giờ G, đó là một thành công lớn trong sự chuẩn bị chiến đấu.

2 giờ sáng ngày 10-3, ta nổ súng đánh Buôn Ma Thuột, Trung đoàn Đặc công 198 và pháo phản lực (DKB, H12, rốc két) bắn vào sân bay và khu kho Mai Hắc Đế. Công binh cho đổ các cây cưa sẵn. Xe tăng, xe bọc thép bật đèn sáng trong đêm mở hết tốc lực tiến vào thành phố, đột phá, thọc sâu, vu hồi, trút bão lửa khiến địch không kịp trở tay. Vũ Thế Quang, Đại tá Sư đoàn phó sư 23 ngụy; Nguyễn Trọng Luật, Đại tá, Chỉ huy trưởng tiểu khu Đắc Lắc phải bỏ sở chỉ huy tháo chạy.

Trận Buôn Ma Thuột tiếp diễn với trận tiêu diệt lực lượng phản kích của địch. Trong hai ngày 12 và 13-3-1975, địch cho quân đổ bộ đường không xuống đông Buôn Ma Thuột, Phước An và tây sân bay Hòa Bình. Địch sa ngay vào các bẫy ta đã giăng sẵn. Các trung đoàn 44, 45, Sở chỉ huy nhẹ của sư đoàn 23 ngụy lần lượt bị tiêu diệt. Cuộc phản kích của địch hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột bị đập tan.

Ngày 14-3-1975, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu họp với Thủ tướng Trần Thiện Kiêm, Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên, các tướng Đặng Văn Quang, Phạm Văn Phú ở Cam Ranh, quyết định rút khỏi Kon Tum và Plei-cu để bảo toàn lực lượng, thực hiện rút lui chiến lược, co cụm chiến lược.

Nữ biệt động Sài Gòn dẫn đường cho xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu.

Nhưng địch không thể rút lui nổi, co cụm nổi bởi vì quân ta với ý chí quyết thắng vượt lên trên sức lực của mỗi người, lập tức truy kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy trên đường số 7. Đường đã bị bỏ từ lâu, cầu hỏng, phà qua sông không có, hàng trăm xe pháo của địch ùn tắc, quân lính địch bỏ xe tháo chạy. Ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ cánh quân địch rút lui, thu hàng trăm xe pháo các loại. Kon Tum, Plei-cu không đánh mà giải phóng.

Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng đã tạo ra một bước phát triển đột biến trong tình hình chiến cuộc.

Thời cơ chiến lược xuất hiện. Ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị họp hạ quyết tâm "Khẩn trương chuyển hẳn sang phương án thời cơ, chuyển cuộc tiến công chiến lược thành Tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm (1975-1976) ngay trong năm 1975".

Đây là một quyết tâm rất lớn, rất kịp thời, phát hiện thời cơ chiến lược, nắm bắt thời cơ để chuyển biến cục diện chiến tranh.

Đòn tiến công chiến lược thứ hai giải phóng Huế - Đà Nẵng

Hạ tuần tháng 3-1975, Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng. Không khí cơ quan Bộ Tổng tư lệnh sôi nổi, mọi người rất vui mừng thấy cuộc tiến công chiến lược phát triển nhanh hơn dự kiến.

Thượng tướng Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị gọi tôi đến giao nhiệm vụ: "Cử đồng chí làm phái viên của Tổng cục Chính trị theo dõi mặt trận Huế - Đà Nẵng. Đồng chí lên đường ngay. Huy động các lực lượng báo chí, thông tấn, văn hóa văn nghệ trong và ngoài quân đội bám sát mặt trận. Giải phóng đến đâu phải có tin, ảnh chiến sự đến đấy. Các đoàn văn công quân đội sẵn sàng tiến vào vùng giải phóng". Đồng chí Song Hào, nguyên là Chính ủy Đại đoàn Quân Tiên Phong 308 khi tiếp quản Thủ đô, đã nhắc nhở tôi kinh nghiệm ngày giải phóng Thủ đô năm 1954.

Trước đó, Điện ảnh Quân đội đã cử một bộ phận quay phim bám sát Sư đoàn 316, đã quay được những hình ảnh sinh động quân ta đánh chiếm Sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy và các mục tiêu khác trong thị xã Buôn Ma Thuột.

Tôi huy động các lực lượng phóng viên báo chí, văn nghệ sĩ rồi lên đường ngay, theo tuyến Hồ Chí Minh vào tây Huế. Nhưng tôi đến chậm. Đường Hồ Chí Minh nườm nượp những đoàn xe chở quân của Quân đoàn 1 được lệnh lên đường chiến đấu. Vinh dự được vào chiến trường vào thời điểm lịch sử, nét mặt các chiến sĩ tươi rói. Xe tôi bị kẹt, tôi phải bỏ xe, dùng mọi phương tiện kể cả xe lam của đồng bào vùng mới giải phóng để đến được Đà Nẵng một ngày sau khi thành phố được giải phóng. Tôi gặp đồng chí Lê Linh, Chính ủy Quân đoàn 2. Chúng tôi ôm nhau giữa Đà Nẵng giải phóng, trong lòng xiết bao vui sướng. Lê Linh với tôi là bạn thân từ trong kháng chiến chống Pháp, khi ấy Lê Linh là Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 mà tôi là Phó chính ủy. Lê Linh hồ hởi kể chuyện: "Từ ngày 19-3, quân ta đã giải phóng thị xã và toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn 2 được lệnh gấp rút đưa quân xuống đồng bằng, nhanh chóng cắt đứt đường số 1 không cho địch rút về co cụm ở Đà Nẵng. Quân ta khẩn trương đánh chặn, chia cắt đội hình địch, đánh tan sư đoàn 1 ngụy, giải phóng hoàn toàn Trị Thiên Huế. Ta chiếm lĩnh đèo Hải Vân, bịt cửa Thuận An không cho địch rút chạy. Pháo tầm xa của ta bắn phá sân bay Phú Bài. Hàng chục nghìn quân ngụy cùng với hàng trăm xe tăng, xe bọc thép bị ta tiêu diệt và bắt sống. Cảnh thảm bại trên đường số 7 ở Tây Nguyên lại diễn ra trên đường từ Huế xuống cửa Thuận An. Quân ta tiến vào thành phố Huế, phối hợp với quần chúng nổi dậy giải phóng hoàn toàn Cố đô Huế ngày 26-3. Lá cờ cách mạng nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng năm cánh được kéo lên đỉnh cột cờ trước Ngọ Môn".

Đồng chí Lê Linh nói tiếp: "Quân đoàn 2 được lệnh nhanh chóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Mặt trận Quảng Đà được thành lập do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy. Tình hình chuyển biến rất nhanh, Tư lệnh và Chính ủy Mặt trận Quảng Đà chỉ làm việc với nhau bằng điện đài, không kịp họp hành gì cả".

Bộ Tổng tư lệnh hạ lệnh: Ngày 27-3, Quân đoàn 2 và một sư đoàn của Quân đoàn 1 tiến công ở phía bắc Đà Nẵng, riêng Sư đoàn 304 tiến công từ hướng tây nam.

Phía nam Đà Nẵng, các lực lượng của Sư đoàn 2 (Quân khu 5) dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Chu Huy Mân bỏ qua các mục tiêu dọc đường tiến thẳng về Đà Nẵng. Pháo binh ta nã đạn khống chế bến cảng và sân bay, bán đảo Sơn Trà và Sở chỉ huy quân đoàn 1 ngụy. Ta tập trung lực lượng từ hai phía: Từ Thừa Thiên - Huế đánh vào, từ Nam Ngãi đánh ra, quyết không cho địch rút chạy để co cụm vào giữ Sài Gòn. Ngày 29-3-1975, cả hai cánh quân cùng tiến công vào thành phố Đà Nẵng, phối hợp với quần chúng nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế, giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng và thị xã Hội An. Ta tiêu diệt và làm tan rã hơn 10 vạn quân địch trong bộ máy quân sự, hành chính của ngụy quân ngụy quyền tại thành phố lớn miền Trung này.

Đồng chí Lê Linh nói tiếp: "Chiến dịch này do Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đôn đốc ráo riết. Thời gian là lực lượng. Chỉ trong một thời gian ngắn kỷ lục có 3 ngày mà ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, giải phóng tỉnh Quảng Đà, đặc biệt là căn cứ quân sự Đà Nẵng, căn cứ liên hợp lớn nhất và quan trọng nhất của địch ở miền Nam Việt Nam. Anh Văn gửi điện khen cả hai cánh quân: Cánh Quân đoàn 2 phía Bắc do Nguyễn Hữu An, Lê Linh, Hoàng Đan chỉ huy và cánh quân phía Nam: Sư đoàn 2 (Quân khu 5) do Nguyễn Chơn chỉ huy".

Ngày hôm sau, tôi nhận được lệnh của Tổng cục Chính trị đón đồng chí Lê Quang Hòa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào Đà Nẵng để cùng với đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng thành lập cánh quân Duyên Hải có nhiệm vụ tiến theo đường số 1 vào tham gia Mặt trận Sài Gòn.

Như vậy là đòn tiến công chiến lược thứ hai giải phóng Huế - Đà Nẵng đã được hoàn thành xuất sắc. Lại một bước nhảy vọt mới trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam vào mùa xuân lịch sử 1975.

Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa

Trong cuộc đời quân ngũ của tôi, có những lần tôi nhận được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà khi đọc lên thì mệnh lệnh đó âm vang trong tâm hồn tôi như một lời hịch của non sông đất nước. Đặc biệt phải kể tới là ngày 7-4-1975, trên đường hành quân tiến về Sài Gòn, tôi nhận được bức điện của Đại tướng Tổng tư lệnh với nội dung: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng". Mệnh lệnh nổi tiếng ấy như một lời hịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Lúc này, tôi là phái viên của Tổng cục Chính trị theo sát cánh quân Duyên Hải. Tôi giúp đồng chí Lê Quang Hòa truyền đạt tức khắc mệnh lệnh của Đại tướng đến khắp các đơn vị thuộc cánh quân Duyên Hải.

Cánh quân này mới thành lập, không nằm trong dự kiến từ trước, gồm lực lượng Quân đoàn 2 vừa giải phóng Đà Nẵng, Sư đoàn 3 Sao Vàng thuộc Quân khu 5, các đơn vị pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh, có nhiệm vụ đánh địch trong hành tiến, khẩn trương hành quân để đến kịp thời gian cùng các đơn vị bạn tham gia giải phóng Sài Gòn. Đồng chí Lê Trọng Tấn là Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Hòa là Bí thư Ban Cán sự Đảng lâm thời.

Cánh quân Duyên Hải hồ hởi lên đường như được chắp cánh bay về Nam, bảo đảm tốc độ. Thế nhưng, mới ra khỏi Đà Nẵng, chúng tôi đã gặp trở ngại đầu tiên: Cầu Câu Lâu bắc qua sông Thu Bồn bị địch phá sập 2 nhịp, công binh khắc phục bắc cầu tạm cho các đơn vị nhẹ đi trước, triển khai một bến phà quân sự để chở loại xe trọng tải lớn. Cứ như vậy thì quá chậm. Một người dân vùng mới giải phóng cho biết, phía thượng lưu cách cầu Câu Lâu hơn 10km, có một cây cầu, thế là cả đoàn xe tăng rầm rập cơ động dọc theo bờ sông Thu Bồn cố gắng bù lại thời gian đã mất.

Dọc đường qua các tỉnh miền Trung mới giải phóng, đông đảo đồng bào ra đứng hai bên đường hoan hô bộ đội. Tôi gặp một tốp phụ nữ đứng chỉ trỏ, hỏi ra thì trong tốp phụ nữ này, có một chị đã chờ chồng 20 năm nay, thấy bộ đội giải phóng vội chạy ra đón, hy vọng được thấy anh ấy trở về.

--------

(Còn nữa)

Trung tướng PHẠM HỒNG CƯ

Nguồn: Qđnd


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65231385

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July