Nhớ câu thơ của Bác Hồ
Năm tháng qua đi, nhớ lại quá trình kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta không quên lời dự báo chiến lược của Bác Hồ trong bài thơ chúc Tết ngày 1-1-1969, bài thơ chúc Tết cuối cùng trước khi Người đi xa:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên, chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn.
Trong bài thơ này, Bác Hồ, nhà chiến lược thiên tài đã thiết kế một lộ trình hai bước để tiến tới thắng lợi cuối cùng. Điều thú vị là quá trình hai bước "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" được diễn đạt bằng một câu thơ cực kỳ giản dị, mộc mạc, dân dã, ít có câu thơ Việt Nam nào mà những từ "cút" và "nhào" được dùng đắt đến như thế.
Trận "Điện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972 là trận quyết chiến chiến lược buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, rút hết quân Mỹ về nước. Đó là bước thứ nhất "đánh cho Mỹ cút", tạo tiền đề cho bước thứ hai "đánh cho ngụy nhào" trong mùa Xuân toàn thắng năm 1975.
Nói đến chiến thắng B52, chúng ta nhớ lại tầm nhìn chiến lược của Bác. Từ rất sớm, năm 1962, Người đã căn dặn đồng chí Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân: "Ngay từ bây giờ, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay này". Ngày 19-7-1965, đến thăm Quân chủng Phòng không-Không quân, Người đã chỉ rõ: "Dù chúng có B57, B52 hay "bê gì" đi nữa, ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng". Năm 1967, chỉ hai năm trước khi đi xa, Người còn dặn đồng chí Phùng Thế Tài (lúc này là Phó tổng Tham mưu trưởng): "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội".
Thực tế lịch sử đã diễn ra đúng như lời tiên đoán của Bác.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân và dân ta đã thực hiện trọn vẹn câu thơ Xuân của Bác: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".
|
Đoàn văn công biểu diễn phục vụ bộ đội giữa rừng Trường Sơn. Ảnh tư liệu. |
Ngày đó, tôi là phái viên của Tổng cục Chính trị đi theo cánh quân phía Đông vào cho tới Dinh Độc Lập. Năm tháng trôi qua nhưng kỷ niệm về ngày lịch sử ấy vẫn hiện ra đậm nét trong ký ức tôi. Giữa không khí tưng bừng của ngày toàn thắng, chúng tôi đã có những giây phút xúc động chưa từng thấy. Tất cả chúng tôi đều xúc động nhớ Bác Hồ. Trong tâm trí chúng tôi, "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" và "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng".
Hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam
Sau Hiệp định Pa-ri, có hai khả năng để thống nhất đất nước.
Khả năng thứ nhất: Địch tôn trọng Hiệp định Pa-ri, thành lập được Chính phủ ba thành phần ở miền Nam, nhân dân ta sẽ thống nhất Tổ quốc trong hòa bình.
Khả năng thứ hai: Mỹ ngụy ngoan cố phá hoại Hiệp định, tiếp tục gây chiến. Ta phải tiến hành chiến tranh cách mạng gay go quyết liệt để giành thắng lợi hoàn toàn, thu giang sơn về một mối.
Thực tiễn trên chiến trường đã diễn ra theo khả năng thứ hai. Từ thực tiễn này, những ý đồ chiến lược của Bộ thống soái tối cao và của các cấp lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường đã được đề xuất, trở thành quyết sách chiến lược của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Đó là các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các mệnh lệnh chỉ thị từ Bộ thống soái tối cao chỉ đạo các chiến trường trong quá trình đánh cho ngụy nhào.
Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng (10-1973) là Nghị quyết hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam: "Cách mạng miền Nam phải tiếp tục tiến lên bằng con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công". Đây là một quyết tâm chiến lược rất đúng đắn, rất sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Trước đó, do sớm nhận thức phương hướng chiến lược nói trên nên từ đầu năm 1973, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị thành lập một Tổ trung tâm trong Bộ Tổng tham mưu có nhiệm vụ chuẩn bị Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Thời cơ chiến lược đã đến gần, nhưng giành thắng lợi bằng cách nào, đó là điều không đơn giản.
Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp nghe báo cáo kinh nghiệm kết thúc cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô, cuộc Chiến tranh giải phóng của nhân dân Trung Quốc và giai đoạn cuối cùng của một số cuộc chiến tranh khác.
Đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn nhấn mạnh, khả năng phát động tổng khởi nghĩa kết hợp với tổng công kích, lấy địa bàn chủ yếu là thành thị để giải phóng miền Nam. Bí thư Quân ủy Trung ương Võ Nguyên Giáp liên hệ với tình hình miền Nam thấy: "Không thể đặt tổng khởi nghĩa lên hàng đầu mà tất yếu phải có những trận tiến công lớn, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, tạo điều kiện đánh vào thành phố, vào sào huyệt chủ yếu của địch, kết hợp chặt chẽ với nổi dậy của quần chúng để kết thúc chiến tranh giành toàn thắng" (Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, tr.1183). Trải qua nhiều lần trao đổi ý kiến, đồng chí Lê Duẩn đồng ý.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng đã chỉ đạo tổ Trung tâm nghiên cứu hoàn chỉnh kế hoạch chiến lược theo hướng đó. Đề cương Kế hoạch chiến lược được dự thảo nhiều lần. Biết bao vấn đề lớn về địch, về ta, về thời cơ, về cách đánh được đặt ra: Tiến công vào thời điểm nào? Sử dụng lực lượng ra sao? Mở tiến công tiêu diệt lớn thì hướng chính nên ở đâu? Đánh như thế nào để tiêu diệt lớn quân ngụy? Khả năng can thiệp của Mỹ như thế nào?…
Quân ủy Trung ương nhận định: Dù thời cơ tạo ra có thuận lợi bao nhiêu thì cũng phải đánh sập ngụy quân ngụy quyền, đòn công kích phải đi trước một bước. Bất kể trong trường hợp nào, cũng phải nắm trong tay một lực lượng tập trung tương đối mạnh. Để có những quả đấm chủ lực mạnh, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị thành lập các quân đoàn chủ lực cơ động. Trong 2 năm từ tháng 3-1973 đến tháng 3-1975 các Quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 tương đương quân đoàn đã lần lượt ra đời.
Kế hoạch chiến lược đã được các chỉ huy chiến trường góp ý kiến chỉnh lý nhiều lần trước khi trình Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị thông qua trong cuộc họp từ ngày 18-12-1974 đến ngày 2-1-1975.
Bước một (năm 1975): Mở nhiều đợt tấn công và nổi dậy làm cho lực lượng địch suy yếu nhanh chóng, tạo điều kiện cho năm 1976. Hướng tiến công chiến lược đầu tiên là Tây Nguyên, cụ thể là Nam Tây Nguyên.
Bước hai (năm 1976): Tổng tiến công và nổi dậy đánh chiếm Sài Gòn, giành toàn thắng.
Trên cơ sở Kế hoạch cơ bản hai bước trên đây, Bộ Chính trị chỉ thị xây dựng một Kế hoạch thời cơ giải phóng miền Nam sớm. Bộ Chính trị nhận định: Năm 1975, tiến công quân sự mạnh tạo nên phong trào chính trị, thúc đẩy thời cơ, có thể tạo ra thời cơ mới, thậm chí có thể tạo ra thời cơ phát triển đột biến. Thời cơ chiến lược thường xuất hiện trong thời gian ngắn và không bao giờ đứng lâu tại chỗ. Phải kịp thời phát hiện thời cơ, nắm bắt thời cơ, chớp lấy thời cơ để giành thắng lợi cao nhất.
Thực tiễn chiến trường năm 1975 đã diễn ra đúng như dự kiến của Bộ Chính trị. Kế hoạch chiến lược hai năm đã được hoàn thành chỉ trong 55 ngày đêm.
Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm chiến lược chính xác. Suy nghĩ về kết thúc chiến tranh đã được hình dung đúng ngay từ lúc khởi đầu. Vừa chắc thắng vừa nhanh, đó là nét tài tình và độc đáo trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Bộ Chính trị những ngày tháng đầu năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên có dáng võ tướng với khuôn mặt rắn rỏi, đôi mắt sắc sảo dưới hàng lông mày hình lưỡi mác, trong một lần nói chuyện với chúng tôi (lúc đó là học viên lớp bổ túc tại Học viện Quân sự cấp cao, sau này là Học viện Quốc phòng) đã chỉ rõ tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã từng nói: "Ai làm chủ được Tây Nguyên thì làm chủ được Đông Dương". Đại tướng đã điều Thượng tướng Hoàng Minh Thảo vào giữ cương vị Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên từ nhiều năm trước. Trong một lần triệu tập Thượng tướng Hoàng Minh Thảo ra Hà Nội tham khảo ý kiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu câu hỏi: "Nếu đánh Tây Nguyên thì đánh ở đâu trước?". Thượng tướng Hoàng Minh Thảo trả lời: "Đánh Tây Nguyên thì đánh vào Buôn Ma Thuột trước. Vì Buôn Ma Thuột là thị xã lớn nhất, là hậu cứ của địch, là nơi địch yếu mà là hiểm yếu.
Buôn Ma Thuột là địa bàn chiến lược cơ động, từ đây ta có thể phát triển theo ba hướng: Đánh lên Tây Nguyên, đánh xuống đồng bằng ven biển, đánh vào miền Đông Nam Bộ, cắt chiến trường miền Nam làm đôi. "Nguyên tắc chọn hướng tấn công chủ yếu là chọn nơi địch yếu mà là hiểm yếu" - đồng chí Hoàng Minh Thảo khi nói chuyện với chúng tôi là Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao đã nhấn mạnh với các học viên như vậy. Đó là bài học sâu sắc đối với chúng tôi.
Chiến dịch Tây Nguyên là đòn tiến công chiến lược đầu tiên trong Kế hoạch chiến lược cơ bản đã được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương duyệt. Do tầm quan trọng của chiến dịch, Quân ủy Trung ương cử đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng làm đại diện Quân ủy Trung ương trực tiếp tại mặt trận.
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo kể: Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đi một nước cờ thần tình: Cắm hai quân đoàn ở hai đầu (Quân đoàn 4 ở Đồng Nai và Quân đoàn 2 ở Huế) buộc địch phải điều động tổng dự bị chiến lược của chúng là hai sư đoàn dù và lính thủy đánh bộ ra hai đầu để giữ hai khu vực chiến lược quan trọng là Huế và Sài Gòn, làm cho thế trận phòng ngự của địch bị căng ra hai đầu, để hở quãng giữa là Tây Nguyên.
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lại tăng thêm lực lượng cho mặt trận Tây Nguyên, điều Sư đoàn 316 từ Bắc vào và Sư đoàn 968 từ Lào sang. Tây Nguyên bước vào chiến dịch có lực lượng tới 4 sư đoàn và một số trung đoàn độc lập, lại có sự phối hợp của Sư đoàn 3 Sao Vàng thuộc Quân khu 5 và Binh đoàn 559 Trường Sơn. Tây Nguyên trở thành một quân đoàn mạnh.
-------
(Còn nữa)
Trung tướng PHẠM HỒNG CƯ
Nguồn: Qđnd