Buổi sáng mùa thu năm 1962 đẹp nắng, dưới vòm cây cổ thụ tỏa lá sum suê trong vườn Phủ Chủ tịch, khi tiếp nhận những tặng phẩm do đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đầu tiên ra thăm miền Bắc dâng tặng, Bác đã bồi hồi đưa tay lên phía trái ngực mình và nói:
- Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này.
Bác chỉ có trái tim. Bác tặng miền Nam trái tim thiêng của Người. Người miền Nam nào nghe câu nói mộc mạc, đầy tình thương yêu ấy của Bác lại không thấy lòng mình xao xuyến cảm động. Cho đến phút cuối cuộc đời, lúc nào Bác cũng dành cho miền Nam những tình cảm to lớn và sâu sắc nhất. Bác theo dõi từng bước đi của Cách mạng miền Nam. Bác lo lắng đến từng nỗi đau khổ của đồng bào miền Nam. Tiếp nhà báo Cu-Ba Mác-ta Ro-hát Bác nói: “Có thể nói rằng: ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và nếu gộp nỗi đau khổ của riêng mỗi người, mỗi gia đình lại, thì đó chính là nỗi đau khổ của tôi”.
Niềm vui của Bác là đồng bào, chiến sĩ miền Nam được ăn no, mặc ấm, là nhân dân bớt đau thương chết chóc, là miền Nam chiến thắng. Tin vui từ miền Nam đến với Bác là những “tin mừng thắng trận nở như hoa”.
Mùa xuân năm 1969, tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, sống trong cảnh đoàn tụ, Bác rất vui. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc to lớn đến với Bác, mà dù Bác có “nói mấy trăm câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu cũng không hết được ý”. Bác chỉ nói một câu:
“Bước đầu muôn dặm một nhà
Bắc Nam sum họp chúng ta vui mừng”
Vườn nhà Bác có mấy cây dừa đứng bên hồ nước ngay trước cửa nhà, có cây vú sữa đem từ miền Nam ra trồng nay cao to rất quen thuộc, làm cho mỗi con người miền Nam về đây đều có cảm giác như về với gia đình, với người cha, người ông yêu quý nhất. Cả hai cây dừa và cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng Bác ngày hòa bình lập lại, Bác tự tay trồng. Mấy mươi năm dưới bàn tay cần mẫn chăm sóc của Bác, hai cây dừa và cây vú sữa lớn vọt lên như sự nghiệp giải phóng miền Namtrưởng thành dưới sự quan tâm đặc biệt của Bác. Trên bàn, trong phòng Bác vẫn thường họp với Bộ chính trị và cũng là nơi Bác nằm khi chữa bệnh, vẫn còn chiếc radio bán dẫn, chiến lợi phẩm của quân và dân miền Nam thu chiến lợi phẩm trong trận Phước Thành gửi tặng,
Những năm đầu của thế kỷ 20 Bác đã đi xuyên từ Bắc vào Nam. Bác dừng lại ở Huế, Qui Nhơn, sông Cầu, Duồng (Chí Công), Phan Rang, Phan Thiết, Sài Gòn và nhiều nơi khác. Dù chỉ đi qua một lần, hơn nửa thế kỷ trước Bác vẫn nhớ rất chi ly. Bác còn nhớ một đoạn đường ở Gio Linh - Quảng Trị xe chạy lên dốc phải vòng qua vòng lại. Bác nhớ ở Huế, nhân dân thường nấu chè, múc ra những cái chén nhỏ và để trên cái trẹt bán mỗi chén một tiền. Bác nhớ vùng đất Quảng Nam, Quảng Ngãi cằn cỗi như đất xứ Nghệ quê Bác. Bác nhớ ở sông Cầu có nhiều ốc có chân nhảy rất ngộ, ăn rất ngon, dân địa phương gọi là ốc nhảy. Bác nhớ chuyện “Bọn thực dân ở Phan Rang cười sằng sặc khi những người Việt Nam chết đuối vì chúng nó” (1). Bác nhớ Phan Thiết nơi Bác dạy học ngày xưa có bến Cồn Chà làm cá, nước mắm đông đúc. Bác nhớ chuyện những viên nhà đoan đã đối xử tàn tệ với những người phụ nữ làm phu đội muối ở Bà Rịa. Bác căm giận “một viên tây đoan ở Vũng Tàu say rượu, phang một gậy vào nách một thủy thủ Việt Nam thuộc quyền hắn làm cho anh ta chết tươi”. Bác nhớ ở Sài Gòn có “nhà che cơm tấm”dành cho người lao động mà Bác vẫn ăn... Gặp các đại biểu miền Nam, Bác luôn hỏi thăm và Bác nhắc đến những chi tiết, hình ảnh rất cụ thể. Phải chăng từ trước những ngày rời Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước Bác đã mang trong tim mình hình ảnh của miền Nam thân yêu.
Miền Nam sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công đã có một nơi được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm? Có thật như vậy không? Điều đó hoàn toàn chính xác. Đó chính là là vịnh Cam Ranh và là ngày 18/10/1946. Lần ấy Bác đi dự hội nghị Phông-ten-nơ-blô (1946) trở về. Khi con tàu Đuy-mông Đuya-vin đến hải phận miền Nam nước ta, Bác nhận được một bức điện đánh từ Sài Gòn của đô đốc Đác-giăng-li-ơ xin gặp Bác. Bác nhận lời và hẹn gặp ở Cam Ranh.
Vịnh Cam Ranh hôm đó trời ui ui của tiết tháng mười, nhiều mây phủ, nước xanh thẫm như có pha đen. Tuần dương hạm Xáp-phơ-rơn chở Đác-giăng-li-ơ đã chờ sẵn, kéo hết các loại cờ, giương hết các loại súng theo nghi lễ đón tiếp nguyên thủ các nước. Nhìn thấy vậy Bác mỉm cười. Người xách cây can và đội chiếc mũ cũng màu vàng nhạt với bộ quần áo giản dị quen thuộc. Đác-giăng-li-ơ, ủy viên Cộng hòa Pháp tại Đông Dương tổ chức đón tiếp Bác thật trọng thể. Có cả một đoàn tùy tùng ăn mặc lễ phục lòe loẹt với những kiếm, gù vàng, bạc và hai người lính vác kích sáng loáng đi hai bên. Giữa những thứ ấy, sự giản dị và phong độ ung dung thư thái của Bác càng tôn vẻ vĩ đại. Hôm đó, Bác chỉ bước sang tàu gặp Đác-giăng-li-ơ một mình với Bác sĩ Trần Hữu Tước. Trong bữa tiệc Đác-giăng-li-ơ để Bác ngồi giữa viên đô đốc hải quân và viên thống soái lục quân Pháp ở Viễn Đông. Đác-giăng-li-ơ cười, nói bóng gió:
- Monsieur le Président, vous voilà bien encadré par L’Armée et la Marine. (Có nghĩa là: Ngài Chủ tịch đang bị đóng khung giữa lục và hải quân). Viên cao ủy Pháp cố nói kiểu nhát gừng, tách riêng và nhấn mạnh những tiếng “đang bị”, “đóng khung”tỏ ý như Chủ tịch nước Việt Nam đang bị bao vây bởi hải quân và lục quân Pháp. Đác-giăng-li-ơ và các tướng tá Pháp tỏ vẻ tán thưởng. Bác thản nhiên, cười và trả lời bằng tiếng Pháp:
- Mais, vous savez, Monsieur L’Amiral, c’est le tableau qui fait la valeur du cadre... (có nghĩa: Nhưng, đô đốc biết đó, chính bức tranh mới mang lại giá trị cho chiếc khung).
Các tướng lĩnh thực dân có mặt hôm đó bị một cú bất ngờ, ngồi lịm đi.
Chiều hôm sau ngày 19 tháng 10 năm 1946, tàu Đuy-mông Đuya-vin nhổ neo đưa Bác về Hải Phòng. Như vậy Bác đã ở Cam Ranh gần trọn 2 ngày 1 đêm. Bác luôn giành thời gian rảnh để ngắm nhìn đất trời Cam Ranh, Bác vui cười vẫy tay chào các thuyền của ngư dân đánh cá ở gần đó khi con tàu quay mũi rời Cam Ranh, Bác đứng trên boong nhìn chăm chú đất trời Cam Ranh. Bác nói với những người cùng đi:
- Đất nước ta có nhiều vịnh lớn và đẹp, nhưng Cam Ranh là vịnh có thế chiến lược vào bậc nhất.
Cam Ranh thay mặt cho miền Nam đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm ấy. Suốt đời mình, Bác vẫn mong ngày đất nước thống nhất để vào thăm miền Nam, điều nước mong đó chưa đạt được thì chuyến ghé thăm Cam Ranh này là một sự kiện lịch sử, là một niềm an ủi đối với quân dân miền Nam – Miền Nam đã một lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 35 năm người rời Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước.
“Trong lòng Bác, đồng bào miền Nam chiếm một vị trí đặc biệt. Những lúc vui mừng nhất của Bác là lúc được tin chiến thắng ở miền Nam và nghĩ đến những nỗi đau khổ của đồng bào miền Nam là Bác bùi ngùi thương xót vô cùng”(2). Có niềm vui nào, niềm vinh dự nào mà nhân loại, Tổ quốc, bạn bè, đồng chí... dành cho Bác mà Bác không nghĩ đến miền Nam.
Sau khi thành lập nước, tháng 5 năm 1946, các báo ở Thủ đô lần đầu tiên thông báo với đồng bào cả nước sinh nhật của Bác là ngày 19 tháng 5. Một trong những đoàn đại biểu lần đầu đến chúc thọ Bác là đoàn đại biểu miền Nam, và trong những người phụ nữ mặc quần áo bà ba đen hôm đó có chị Ba Nguyễn Thị Định sau này là nữ tướng, phó tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam chị là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Khi đoàn đại biểu miền Nam đến chúc mừng sinh nhật lần thứ 56 của Bác, Bác trìu mến nhìn mọi người và nói:
- Tôi xin cảm ơn các anh, các chị Nam Bộ đã đến chúc thọ tôi. Thật ra, các báo ở đây đã làm to cái ngày sinh của tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng được chúc thọ, cũng hãy còn như là thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật lấy làm xấu hổ vì trong Nam chưa được thái bình.
Hai giọt lệ chảy trên gò má Bác. Anh chị Nam Bộ đều rưng rưng nước mắt (3).
Tại Quốc hội, trong một khóa họp lịch sử của thời kỳ mới thành lập nước, Bác đã vừa ôm hôn anh Nguyễn Văn Tạo vừa khóc sau khi anh đọc một bài diễn văn thống thiết về Nam Bộ (4). Trong cuộc đời cách mạng của Bác, biết bao lần Bác đã lấy khăn lau nước mắt như vậy. Những giọt nước mắt ấy phải chăng là viên ngọc tình thương trời biển của Bác đối với miền Nam. Năm 1948, đoàn đại biểu quân đội Nam Bộ do tướng Trần Văn Trà dẫn đầu ra công tác và thăm Bác ở Việt Bắc. Trước lúc đoàn về Nam, Bác tổ chức một bữa cơm tiễn biệt. Trong buổi tiệc có đầy đủ các đồng chí trong Trung ương và chính phủ, Bác đã trao cho tướng Trần Văn Trà một thanh gươm và nói:
- Bác trao cho chú thanh gươm quý giá này đưa về cho đồng bào Nam Bộ để diệt thù, chú báo cáo với đồng bào rằng lòng Bác, lòng Đảng lúc nào cũng bên cạnh đồng bào. Chúng ta đồng lòng vì nước, nhất định chúng ta thắng!
*
* *
Bác hiểu sâu sắc nguyện vọng tha thiết của chiến sĩ và đồng bào miền Nam là muốn được gặp Bác. Cho nên giữa “Những năm miền Nam chiến đấu chống Mỹ ác liệt Bác đã có ý định vào miền Nam “để thăm đồng chí và đồng bào”và yêu cầu tổ chức bố trí để Bác đi. Bác nêu vấn đề rất kiên quyết. Thấy Bác tuổi đã cao, sức khỏe không còn được như trước, các đồng chí Bộ chính trị đề nghị để cố gắng lãnh đạo đánh Mỹ mau thắng rồi mời Bác vào. Bác nói: “Tôi muốn vào, là vào lúc này, chứ thắng rồi mới vào thì nói làm gì?”.
Năm 1965, Bác đã viết thư gửi đ/c Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương về ý định vào thăm miền Nam. Toàn văn bức thư đề ngày 10 tháng 3 năm 1965 như sau:
Chú Duẩn thân mến,
Nhớ lại hồi Noel năm ngoái, Chú có ý khuyên B đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn, B rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em trỏng đang chuẩn bị mở màn hiệp thứ 3. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác zụng khuyến khích thêm anh em.
Cách đi: B sẽ làm công trên 1 chiến tàu thuỷ. Cùng đi sẽ có 2 chú Bảo và Kỳ. Việc này B tự thu xếp zễ thôi.
Lúc đến: Anh em trỏng chỉ phụ trách đón khi tàu cặp bến miền và đưa B đến nhà anh Sáu, anh Bảy.
Ở lại: Tuỳ điều kiện mà quyết định, ít là mấy ngày, nhiều nhất cũng chỉ trong 1 tháng. Hoạt động thế nào, sẽ cùng anh em trỏng bàn định.
Có lẽ Chú và đ.c khác e rằng sức khoẻ của B không cho phép B đi chơi xa. Nhưng thay đổi không khí hô hấp gió biển và sinh hoạt với quần chúng trong hoàn cảnh chiến đấu sẽ giúp sức khoẻ tiến bộ mau hơn.
Lịch trình đi thăm: Cần mươi ngày để chuẩn bị. Vượt biển độ 6 ngày. Từ bến tàu đến địa điểm độ dăm hôm.
Vậy nhờ chú tính ngày cho khớp, một mặt cho B biết trước để chuẩn bị, một mặt cho anh em trỏng biết để chờ đón.
Để đảm bảo thật bí mật, Chú nhớ nên bàn việc này với 1 số ít đ.c trong BCT.
Mong chờ Chú trả lời. (5)
Bác thường xuyên nhắc nhở và hỏi việc chuẩn bị cho Bác vào miền Nam đến đâu rồi. Thấy sức khoẻ Bác yếu và đường đi không an toàn, đ/c Lê Duẩn đành báo cáo với Bác: “Đường đi rất khó khăn, vất vả, e sức Bác đi không được.
Bác lại nói: “Nếu không có đường nào khác thì tổ chức cho tôi đi bộ. Các chú đi được thì tôi đi được. Đi mỗi ngày một ít, chưa chắc thua các chú đâu”.
Trong những năm cuối, tuy yếu mệt nhưng Bác vẫn tập đi bộ, tập leo dốc, và nhiều khi leo những dốc khá cao. Các bác sĩ đều can ngăn, nhưng Bác vẫn tập. Bác muốn xem sức mình hiện nay như thế nào và vẫn quyết rèn luyện để thực hiện ý định “Vào miền Nam với đồng bào, đồng chí”.
Từ năm 1968 trở đi, Bác yếu nhiều hơn. Bác yêu cầu: “Hễ có các đồng chí miền Nam ra, thì phải cho Bác biết, và đưa vào gặp Bác. Vì vậy, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra Bắc đã được vào thăm Bác, đặc biệt là các chị và các cháu. Mỗi lần gặp, Bác đều hỏi tình hình rất tỉ mỉ và thấy Bác rất vui” (6#)
*
* *
Một lần, tháng 9 năm 1968, Đoàn đại biểu Thanh niên sinh viên giải phóng miền Nam lần đầu tiên đi dự đại hội Thanh niên sinh viên thế giới ở Sofia Bungaria trở về được Bác cho vào gặp. Đoàn rất đông, gần 100 người, ngày ấy, trừ một số anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ và một số cán bộ từ miền Nam ra, còn lại là anh em miền Nam tập kết ra Bắc làm công tác miền Nam, đóng vai các đoàn thể Mặt trận dân tộc giải phóng – kể cả đoàn Văn công giải phóng. Gặp chúng tôi, Bác rất vui. Bác giang rộng hai tay và nói: “Cháu nào là giải phóng thì vào đây, còn cháu nào “giả phóng” thì ở vòng ngoài”. Mọi người im lặng vì không biết thế nào là “giải phóng”. Bác cười vui: “Các cháu không ở chiến trường miền Nam mà làm nhiệm vụ cho miền Nam là “giả phóng”, đúng không?”. Tôi tuy có đi chiến trường Khe Sanh vài tháng nhưng là cán bộ của Ban CP72 ở miền Bắc nên đứng ở vòng ngoài cùng. Mặt khác, cũng để hy vọng chụp được tấm ảnh Bác với các cháu miền Nam. Bác thấy và nói: “Cháu là phóng viên ở Khe Sanh vừa được huy chương vàng ở đại hội phải không?”. Tôi xúc động chưa kịp thưa thì đồng chí Trưởng đoàn Trần Văn Tư xác định với Bác. Bác gọi: “Cháu vào đây, cháu là thứ thiệt”. Bác bắt tay tôi và nói: “Tấm huy chương vàng Đại hội tặng cháu cũng là tặng cho các hành động dũng cảm chiến đấu của đồng bào chiến sĩ miền Nam. Các cháu cố gắng chụp được nhiều hình ảnh anh hùng hơn nữa”.
*
* *
Bác thương yêu miền Nam, Bác tự hào vì có miền Nam, Bác luôn luôn ghi nhớ những chiến công của chiến sĩ miền Nam nhất là của các cháu thanh niên và nhi đồng. Lúc tiếp khách nước ngoài, Bác thường đem những câu chuyện thần kỳ, các chiến công của thanh thiếu niên miền Nam kể với khách, và niềm vui sướng làm nét mặt của Bác tươi sáng hẳn lên (7).
Truyền đến mọi người tình thương yêu miền Nam là việc làm thường xuyên của Bác. Trong những lần nói chuyện với đồng bào miền Bắc, trong các lời kêu gọi, trong các bài báo Bác đều nhắc nhở đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Bắc hãy nhớ đến miền Nam mà sản xuất, chiến đấu, lao động và học tập. Vì miền Nam, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam mà “mỗi người làm việc bằng hai”. Bác kêu gọi nhân dân miền Bắc trồng cây cho đất nước xanh tươi và Bác cũng không quên nhắc nhở mọi người: “Chúng ta trồng cây cho cả đồng bào miền Nam nữa”. Giữa tháng 6 năm 1969, sau hơn một tháng trước ngày Bác viết di chúc để lại, Bác đã cho mời các đồng chí ở Đoàn đại diện đặc biệt cộng hòa miền Nam tại miền Bắc đến và Bác căn dặn tỉ mỉ về việc chăm sóc các cháu học sinh miền Nam đang học tập ở miền Bắc. Bác biết rõ ràng đầy đủ tình hình các trường học sinh miền Nam. Bác nêu tên một số cháu ngoan và một số cháu còn chậm tiến bộ. Bác dặn các đồng chí ở Đoàn đại diện: “Các cháu miền Nam ra đây xa gia đình, xa quê hương các cô, các chú phải quan tâm đến tình cảm của các cháu và có trách nhiệm giáo dục các cháu tiến bộ”. Như thế đó, sinh thời, những lần gặp đại biểu miền Nam, các anh hùng, dũng sĩ, các cháu thiếu nhi từ miền Nam về, Bác đều hỏi han, dặn dò rất tỉ mỉ. Bác quan tâm đến việc học tập, sinh hoạt, đến việc xây dựng gia đình của từng người một. Bác luôn luôn nghĩ đến việc ươm hạt giống cách mạng cho miền Nam. Sau ngày Bác qua đời, miền Nam nhận được từ miền Bắc một quả bưởi và một quả dừa hái trong vườn Bác do chính tay Bác vun trồng.
*
* *
Đồng chí Vũ Kỳ, người thư ký giúp việc Bác nhiều năm kể lại rằng: Sau một cơn đau của những giờ phút cuối cùng, Bác còn nhắc đến cây dừa miền Nam và Bác đã uống một ngụm nước dừa vừa hái xuống từ hai cây dừa do Bác trồng trước nhà và đó cũng là ngụm nước cuối cùng Bác uống trước lúc vĩnh biệt nhân dân, vĩnh biệt đất nước. Phải chăng Bác muốn mang theo hương vị trái ngọt miền Nam…
Ngày 2 tháng 9 năm 1969, biết sức khoẻ Bác đang nguy kịch nên các đồng chí trong Bộ chính trị có mặt bên Bác. Mười phút trước giờ tắt thở, Bác mở mắt nhìn mọi người, nhận biết có đồng chí Nguyễn Văn Linh Bí thư Trung ương cục miền Nam từ chiến trường về đang có mặt ở hàng phía sau, Bác ra hiệu gọi anh đến và nắm chặt bàn tay anh. Mọi người đều xúc động đến trào nước mắt. Ai cũng hiểu rằng Bác đang muốn nắm chặt tay của đồng bào chiến sĩ miền Nam. Ai cũng hiểu rằng trước lúc trút hơi thở cuối cùng Bác muốn có miền Nam bên cạnh. Bác muốn gửi lại cho đồng bào, đồng chí miền Nam tình cao nghĩa đậm của Bác.
*
* *
Cho đến ngày Bác ra đi, miền Nam ân hận chưa được đón Người vào thăm và trân trọng trao cho Người Huân chương cao quí. Miền Nam chưa được giải phóng hoàn toàn để Bác “Đi khắp hai miền Nam Bắc chúc mừng đồng bào cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quí”(8). Thế nhưng “Muôn vàn tình thân yêu”của Bác để lại là những sức mạnh, là ánh sáng của chân lý, là ngọn cờ chiến thắng mọi kẻ thù hung bạo nhất. Chúng ta đã đánh thắng tên đế quốc mạnh nhất của thế kỷ, miền Nam đã giải phóng, đất nước đã thống nhất như lời khẳng định của Bác.
Bình minh của hoà bình đã và đang chiếu rọi trên non sông đất nước
Tháng 9 năm 1975
Sửa tháng 6 năm 2009
TRÌNH QUANG PHÚ
-------
1 Nguyễn Ái Quốc, “Lên án chủ nghĩa thực dân”, NXB Sự Thật 1959
2 Phạm Văn Đồng - “Chủ tịch Hồ Chí Minh tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại”, Nhà xuất bản Sự Thật.
3 Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, tập II chương 13
4 Phạm Văn Đồng, “Hồ Chủ Tịch hình ảnh của dân tộc”, Nhà xuất bản Văn nghệ, 1955
5 Theo nguyên bản viết tay của Bác.
6 Lê Văn Lương, “Một vài mẫu chuyện về những năm cuối của Bác Hồ”, Báo nhân dân 19/5/1973
7 Phạm Văn Đồng - “Chủ tịch Hồ Chí Minh tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại” Nhà xuất bản Sự Thật 1970
8 Di chúc của Bác.
Theo Văn nghệ Quân đội
|