|
|
Năm 1971. Một chiều thu nắng nhạt. Tôi từ khu rừng sơ tán của trường Trung học sư phạm miền núi Nghệ An ra Cửa hàng sách Ngã ba Lạt (huyện Tân Kỳ), cách "con đường chiến lược" (sau này tôi mới biết là "đường mòn Hồ Chí Minh") vài trăm mét. Cửa hàng sách nho nhỏ, làm bằng tranh tre nứa lá đơn sơ nấp dưới bóng cây tràu (tiếng địa phương). Cô nhân viên quen biết giới thiệu với tôi một loạt sách mới về. "Sông Đông êm đềm 8 tập", cô nói. Tôi như vồ lấy cuốn sách trên tay cô, nhìn bìa, rồi ôm vào lòng, rồi lại nhìn ngắm cuốn sách…Tôi mừng rơn ôm bộ Sông Đông êm đềm về.
Chợt có tiếng máy bay Mỹ từ phía Đô Lương lên. Tôi nấp vào dưới bóng cây. Hai chiếc "con ma" bay dọc theo sông Con rồi quay ngoặt lại, cắt bom. Tôi nhảy xuống hố tránh bom bên đường. Mấy quả bom dài ngoẵng lao qua trên đầu. "Uỳnh, uỳnh!". Đất đá rào rào bắn vào miệng hầm. "Cháy kho xăng dầu rồi!", có tiếng người la. Tôi không biết kho xăng dầu ở đâu, nhưng thấy khói lửa bay đầy trời và tôi nghe được cả mùi khét lẹt. "Ping, ping!", cao xạ đã bắn, tôi nghĩ thế. Máy bay vẫn quần đảo. "Ping, ping"… tiếng đạn nổ đâu đó ở phía Khe Thần, khoảng nửa tiếng liên tục. Hay là đoàn xe tải đạn nào bị trúng bom? Đợi ngớt tiếng nổ, tan khói và máy bay cút, tôi mới lên khỏi hố, cũng vừa lúc mấy người bạn của tôi từ trong rừng chạy ra. Mọi người gỡ trên đầu tôi ra mấy mảnh bom sắc lẻm, và phủi bụi trên người tôi…
Trước đó tôi đã đọc Sông Đông êm đềm một cách "chắp vá", đoạn được đoạn không. Nay tôi phải "ngấu nghiến" đọc cho kỳ hết, dù ở trong rừng sâu, phải soi trang sách dưới tia nắng lọc qua vòm lá, hay ở dưới hầm thỉnh thoảng lại rung lên vì bom "rải thảm" đâu đó dưới Truông Dong, Truông Bồn… Sông Đông, con sông của nước Nga vĩ đại, cách ta hàng vạn cây số sao mà "giống" dòng Nặm Huống quê tôi đến vậy? Người dân Kazắk xa xôi lam lũ làm ăn bên dòng sông, cũng như dân bản mường tôi "chân ngoài rừng, tay trong nhà". Trai gái sông Đông yêu nhau "dữ dội", chẳng khác gì trai bản gái mường quê tôi! Người dân sông Đông phải trải qua cơn "vật vã" để "nhận đường", để đi theo cách mạng, cũng như người Thái quê tôi phải đấu tranh với bọn "xứ Thái tự trị" để một lòng đi theo Đảng… Phải chăng tôi đã quá "yêu" sông Đông, ngòi bút thiên tài của Mikhail Solokhov - "con đại bàng vẫy trên đôi cánh mênh mông", thiên tiểu thuyết sử thi "Sông Đông êm đềm" - tác phẩm vĩ đại nhất về thời kỳ Nội chiến ở Nga, mà "liên tưởng" ra vậy? Cuốn sách đã truyền cho tôi niềm tin vào chính nghĩa, vào sức mạnh dân tộc trong những ngày tháng chiến tranh nóng bỏng chống lại tên đồ tể số một của thế giới.
Năm 1986. Ngày 9 tháng 5, ngày chiến thắng phát xít Đức, từ thành phố Volgagrat (Liên Xô), tôi tham dự một chuyến hành hương về thăm các di tích lịch sử của cuộc Đại chiến thế giới lần thứ 2 ở vùng thảo nguyên sông Volga, thảo nguyên Cuban, thảo nguyên sông Đông… Xe đưa chúng tôi qua những vùng thảo nguyên mênh mông, nơi trước đây đã diễn ra những trận đánh đã đi vào lịch sử thế giới của hơn 1 triệu quân của cả hai phía, nơi tôi đã đọc trong sách Tuyết bỏng, Dưới chiến hào Xtalingrat, Trận đánh Xtalingrat, vv…, dừng lại đặt hoa trước những tượng đài chiến thắng, những cỗ xe tăng Đức bị tung xích, những xác bom, tạc đạn, những ngôi mộ của các anh hùng
Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với chúng tôi về một anh hùng đã được viết đến trong sách Phát tên lửa thứ 3, về nữ anh hùng đã hy sinh sau khi đã xuất sắc dùng thuyền chuyển Hồng quân vượt sông Đông,…Sông Đông! Nhắc đến sông Đông là lòng tôi càng rộn lên xao xuyến lạ kỳ! "Sông Đông ở đâu? Sông Đông có gần đây không? Ta có đến sông Đông không?", tôi hồi hộp hỏi hướng dẫn viên. "Có! Ta sẽ đến sông Đông. Nhưng trước hết phải nghỉ ăn trưa đã", cô gái nói. Chúng tôi ghé vào rừng bạch dương bên đường, trải khăn, bày bánh mì, nước khoáng, bia và đồ hộp, rồi ngồi bệt xuống cỏ, cùng nhau ăn.
Xe lại băng băng chạy giữa thảo nguyên mênh mông, hai bên đường xanh um rừng sồi, bạch dương…"Kìa, sông Đông!", cô gái Nga tóc vàng nói. Chúng tôi nhổm dậy khỏi ghế, đăm đăm nhìn về phía chân trời. Sông Đông hiện ra xanh biếc giữa đôi bờ um tùm cây xanh. Có một con tàu trắng từ phía xa đang lướt tới…Xe dừng, chúng tôi nhảy xuống, gió sông Đông ập tới bay tung món tóc các cô gái. Không ai bảo ai, tất cả đều ra sát mép nước, vốc nước lên rửa mặt, nói cười thích thú… Mấy người trong đoàn sinh viên Việt Nam và Lào mang theo máy ảnh hiệu Zenít đưa máy lên bấm lia lịa. Tôi chụp ảnh với Bútchan, Bunlợt và Đalavông người Lào, Natasa, Ôlia, Irina người Nga,…"Các bạn đã đọc Sông Đông êm đềm chưa?", hướng dẫn viên hỏi. "Đã", tôi nói "và tôi…". Tôi nói là tôi đã "yêu" sông Đông từ lâu, từ khi "nước tôi" đang còn trong khói lửa chiến tranh… Các bạn Nga gật đầu, tỏ ra hiểu và đồng cảm với những gì tôi nói.
Dòng Nặm Huống quê tôi, sông Lam, sông Hồng… hiện lên xen với hình ảnh sông Đông hiền hòa, xanh biếc. Trước khi quay lại xe, tôi còn nhìn sông Đông một lần nữa, con sông gặp gỡ bất ngờ, cố lưu giữ hình ảnh con sông "êm đềm" mà vĩ đại vào trí nhớ của mình kẻo mai này rời xa nước Nga lại nhớ khôn nguôi.
9/5/2010
Quán Vi Miên - cựu SV trường ĐHSP Volgagrad, 1984 - 1988
Theo Nguoibanduong
|