Một trong những tiêu chí để nhận biết một làng cổ của người xưa là làng phải hội tụ đủ “tam thanh”, có nghĩa là vang vọng tiếng đọc thơ, bình văn của kẻ sĩ, hàn nho; tiếng thoi đưa lách cách của thôn nữ quay sa, kéo sợi, dệt vải và tiếng nô đùa của trẻ thơ. Nếu quả thực như vậy, thì Cổ Đô, một làng nhỏ bên sông Đà, nằm cạnh ngã ba Bạch Hạc thuộc xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội, đích thị là một làng cổ.
Làng cổ bên bờ sông Đà
Cổ Đô- Làng của hiền tài và học vấn
Nguyễn Sư Mạnh người làng Cổ Đô đỗ Tiến sĩ, đời Lê Thánh Tông. Từ khi được bổ làm quan, ông luôn tỏ ra là một người thanh liêm, cương trực, được nhà vua tin cậy, phong chức Thượng thư Bộ Lễ và được cử sang đi sứ Trung Quốc.
Hiện nay, Gia phả dòng họ Nguyễn Cổ Đô còn ghi lại, khi vào yết kiến vua Minh, không biết vô tình hay cố ý, Nguyễn Sư Mạnh không cài khuy áo, để hở cả bụng ra, làm thiên triều giận dữ, cho rằng sứ thần nước Nam thất lễ, phạm tội khi quân. Nguyễn Sư Mạnh quỳ tâu: “Xin tâu bệ hạ, vì đường sá xa xôi, bụng thần đầy chữ, nhiều ngày đi đường âm u, ẩm ướt, sợ khú mất chữ thánh hiền, thần xin được phanh áo ra hong, mong đức vua đại xá'”. Nghe vậy, vua Minh liền ra chiếu: “Nếu sứ thần nước Nam là người hay chữ thì hãy giúp Thiên triều chép lại thiên Vi chính trong sách Luận mới bị thất lạc”. Ông hỏi lại nhà vua: “Đại vương cần thiên Vi chính trong bao nhiêu ngày?”. Vua lập tức trả lời “Trong 30 ngày!”.
Vậy mà chỉ trong 4 ngày, 4 đêm cuối của thời hạn ông đã dâng thiên Vi chính cho vua Minh, sớm hơn một ngày so với yêu cầu. Sau khi vua Minh xem thấy sách chép lại y như bản chính, chỉ có chữ “công” là thừa một dấu chấm. Vua Minh cho rằng ông đã phạm tội chữa lại sách thánh hiền. Nguyễn Sư Mạnh khảng khái đáp: “Nếu thần viết thừa dấu chấm thì chắc chắn bản gốc của thượng quốc cũng thừa”. Vua Minh cho đem bản gốc ra so thì thấy quả thực chữ “công” trong nguyên bản cũng thừa dấu chấm thật. Vậy là, vua Minh buộc lòng phải phong chức Thượng thư của thiên triều cho ông. Từ đó, bốn chữ “Lưỡng quốc Thượng thư” được khắc tại từ đường dòng họ Nguyễn Cổ Đô.
Còn vị Thượng thư thứ hai, cũng thuộc dòng họ Nguyễn ở làng Cổ Đô là Nguyễn Bá Lân. Ông nổi tiếng về văn chương, thơ phú. Tương truyền, một hôm hai cha con qua đò, người cha nhìn thấy đàn dê bên kia sông bèn ra bài phú và đố con trai: “Sang bên kia sông, nếu ta làm xong bài phú mà con chưa xong, ta sẽ ném con xuống sông, còn nếu con làm xong mà ta chưa xong, thì con phải ném ta xuống sông”. Ngờ đâu, đò vừa cập bến, Nguyễn Bá Lân làm xong bài phú, còn cha mới xong một nửa...Vì thế, mới 18 tuổi, Nguyễn Bá Lân đã đỗ giải nhất tại kỳ thi Hương, 20 tuổi, ông thi đỗ tại kỳ thi Hội và 31 tuổi ông đỗ Tiến sĩ.
Bài “Ngã ba Hạc phú” của Nguyễn Bá Lân được coi như một mẫu mực đối với thể loại văn biền ngẫu chữ Nôm và có ảnh hưởng rất lớn về sự phát triển của thể loại này đối với các thế hệ sau. Với một giọng văn đầy xúc cảm nhưng vẫn toát lên khẩu khí hào sảng của một vùng non nước trời Nam: “Ba góc bờ tre văng vắng, huyệt Kim Quy chênh hẻm đá gồng ghềnh/ Một chòm bãi cỏ phơ phơ, hang Anh Vũ thấu lòng sông huyếch hoác... Bè khách thương lạ bến, tượng chân quỳ gối lắc cày xuôi/ Thuyền ngư phủ trôi dòng, dang nách khom lưng chèo dếch ngược..."
Có lẽ đương thời và sau này, không có một Nguyễn Bá Lân thứ hai. Với 50 năm làm quan, ông đã 17 lần được thăng chức và ông đã được vinh danh là “Thượng thư lục bộ”, từ Thượng Thư Bộ Lễ rồi Thượng thư Bộ Hộ, Thượng thư Bộ Công... Nhất là ở vào giai đoạn lịch sử ấy, có một người như Nguyễn Bá Lân quả là hiếm lắm thay.
Cổ Đô- Làng họa sĩ
Làng Cổ Đô từ lâu đã được biết đến là làng hoạ sĩ. Hoạ sĩ Sĩ Tốt khá nổi tiếng với những bức tranh được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia như “Bố con”, “Tiếng đàn bầu” cùng nhiều tranh khác được lưu giữ ở các Bảo tàng lớn ở Mỹ, Pháp, Đức, Thuỵ Điển... Ông được coi là người “khởi nghiệp” hội họa của làng Cổ Đô.
Họa sỹ Trần Hòa (ảnh), một trong những học trò của họa sĩ Sỹ Tốt nhớ lại: “Sau khi anh Sỹ Tốt mở lớp học vẽ năm 1976, phong trào mỹ thuật trong làng phát triển nhanh và mạnh hơn, tôi và nhiều lứa họa sỹ cùng tuổi khác may mắn học hỏi được rất nhiều từ họa sĩ Sỹ Tốt”.
Thời kỳ sau giải phong, mọi thứ đều thiếu thốn, khó khăn, học vẽ ở làng này chỉ là sự đam mê. Có thể nói, họa sĩ Trần Hòa là một trong số rất ít những họa sĩ đầu tiên của làng được đào tạo một cách bài bản tại trường Mỹ Thuật Việt Nam. Hiện tại ông có một bộ tranh 7 bức được lưu giữ ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật Hà Lan.
Còn thầy giáo, họa sĩ Hoàng Việt hiện nay là chủ tịch Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô, chia sẻ: “Tuy không có sự đầu tư bài bản từ các cấp chính quyền nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì những lớp học này, bởi... chúng tôi biết rằng mỹ thuật Cổ Đô cần phải tồn tại. Những lớp học như thế này sẽ không chỉ là sân chơi dành cho những người yêu thích hội họa mà đây sẽ còn là tiền đề để Cổ Đô dần trở thành một làng nghề”. Họa sĩ Hoàng Việt cho biết thêm, Cổ Đô có khoảng hơn 100 hoạ sĩ, trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng được giới hội hoạ đánh giá cao như Trần Hoà, La Vuông, Giang Khích, Sao Mai… Hiện nay, làng có khoảng 30 hoạ sĩ thuộc hội Mỹ thuật Việt Nam...
Thầy giáo Trần Văn Đức đang hướng dẫn học sinh vẽ - Ảnh L.H
Cô bé Hoàng Thanh Xuân, 12 tuổi ở làng Cổ Đô cho hay, em bị liệt cách đây bốn năm do ngã lúc đang chơi, nên từ đó suốt ngày thui thủi quanh quẩn trong nhà trên chiếc xe lăn. May mà có lớp học vẽ, thế là dù mưa hay nắng, Xuân vẫn miệt mài trên chiếc xe lăn từ nhà tới lớp học cách đó gần hai cây số. Em hy vọng mình sẽ tự kiếm sống bằng chính nghề vẽ của mình.
Còn tại lớp học của hoạ sĩ Trường Yên có những người thương binh đầu hai thứ tóc, những người phụ nữ mặt sạm nắng và tàn tật vẫn miệt mài gò lưng bên giá vẽ. Ông Nguyễn Thành Tâm, một thương binh của làng, đến lớp học với mong muốn kiếm được một cái nghề để sống. Chị Trần Thị Thật, 47 tuổi, một chân bị tật, cho biết mình vốn làm ruộng, nhưng giờ sức khoẻ yếu, chân lại không được như người ta nên chị tham gia lớp học vẽ với hy vọng có một nghề để kiếm sống sau này.
Phòng tranh của gia đình cố họa sĩ Sỹ Tốt
Theo hoạ sĩ Trường Yên, vào những hôm nắng ráo, học vẽ ngoài trời, thầy trò lại kéo nhau ra bờ đê hay cánh đồng để vẽ phong cảnh. Hoạ sĩ Hoàng Việt cho biết, những lớp học này được mở hoàn toàn miễn phí do chính những người con đã là hoạ sĩ hay thầy giáo đứng lớp và cũng không nhận thù lao. Chúng tôi không quan trọng sẽ có bao nhiêu học trò của mình thành hoạ sĩ, mà quan trọng là mỗi người con của làng có thể sống được bằng nghề vẽ tranh. Vì thế, làng Cổ Đô còn được vinh danh là làng ba trong một: Làng lụa- Làng thơ- Làng hoạ cũng không có gì lạ.
Vĩ thanh
Tuy nhiên, có thể nói đây là một làng hiếm hoi trong số hàng trăm, hàng ngàn làng quê Việt Nam trước sức ép của kinh tế thị trường thời hội nhập vẫn còn giữ được vóc dáng, hồn cốt. Phần lớn các làng dù còn nghèo, nhưng đã đua đòi theo lối sống hiện đại. Nhiều nhà bê tông, mái bằng kiên cố, nhiều quán karaoke mọc lên, xập xình suốt ngày đêm, nhiều cửa hàng chơi điện tử qua mạng internet, tệ nạn chơi hụi, xã hội đen, cùng các lọai ma túy được “cung ứng” tận thôn cùng xóm vắng,...diễn ra khá phổ biến ở nhiều làng Việt.
Các dự án sân golf, khu công nghiệp, chế xuất, khu đô thị mới mọc lên như nấm sau mưa. Bao nhiêu bờ xôi, ruộng mật không cánh mà bay. Nguy cơ biến làng thành phố, biến ruộng thành sân golf, nhà hàng khách sạn, biến người lao động thành kẻ ngồi chơi ăn bám, biến những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông thành “của quý” chỉ cất giữ trong viện bảo tàng hoặc cùng lắm chỉ còn lại trong ký ức người già,... là điều khó tránh khỏi. Nhiều người trở nên lười biếng hơn ít chịu cảnh chân lấm tay bùn, ngồi chờ tiền của con em từ các thành phố lớn, hay đi lao động, làm ăn ở nước ngoài gửi về để mong đổi đời,...Thử hỏi, như vậy thì còn đâu làng quê Việt Nam truyền thống.
Bài học phát triển nóng đang tạo ra một sức ép ghê gớm đối với các làng cổ Việt, biến người nông dân bỗng trở nên xa lạ ngay chính tại mảnh đất quê hương, nơi hàng ngàn đời nay ông cha họ đã sinh ra, sống và làm nên bao điều kỳ diệu cho quê hương, đất nước./.
T.G
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội