Tập thơ “37 bài thơ của Trần Đăng Khoa” xuất bản song ngữ kèm với những bức họa của Dominique de Miscault cũng đã được phát hành. Để hiểu thêm về hành trình từ những con chữ trở thành màu sắc, phóng viên VNCA đã có cuộc trò chuyện cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa.
- Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa, anh cảm nhận thế nào về những bức tranh mà họa sĩ Dominique de Miscault đã vẽ thơ mình? Liệu nó có chuyển tải đúng tinh thần của thơ anh hay không?
+ Những bức họa của Dominique de Miscault về thơ tôi mang một cái nhìn hoàn toàn Pháp. Bà đã ảo hóa thơ tôi. Như bạn cũng biết, thơ cho dù viết về cái thật đi nữa thì vẫn có cái ảo. Thơ cần ảo, cần cái phi logic. Nhưng tạng của tôi lại là thật. Tôi viết thơ, thường “bài binh bố trận” rất kỹ, khi viết câu đầu tiên đã hình dung câu cuối thế nào rồi. Thơ ca rất cần cái huyền ảo, nhưng thơ tôi lại sáng tỏ. Với những bức tranh của họa sĩ Dominique de Miscault, lần đầu tiên tôi được “ngắm” những bài thơ của mình, không thể ngờ những con chữ giản dị, sáng tỏ của tôi lại được bà màu sắc hóa, huyền ảo hóa đến bí hiểm như vậy. Vì thế, bà minh họa những bài thơ của tôi nhưng tôi lại có cảm giác hình như chính những bài thơ của tôi lại minh họa cho những bức tranh vừa sáng tỏ lại vừa bí ẩn của bà.
- Trước đây, anh đã gặp họa sĩ Dominique de Miscault lần nào chưa và anh ấn tượng thế nào về bà?
+ Dominique de Miscault là một họa sĩ nổi tiếng ở Pháp. Bà là một người có rất nhiều duyên nợ với Việt Nam. Bà đã đến Việt Nam khoảng 20 lần. Bà có một công trình thú vị về cầu Long Biên, là một trong những họa sĩ quốc tế tham gia vào dự án “Con đường gốm sứ”. Dominique de Miscault cũng từng làm một phim rất hay về Bác Hồ và đã tặng cho VTV, sẽ được phát sóng vào thời gian sắp tới đây. Tôi vẫn đùa rằng bà giống như một người Pháp gốc Việt vậy. Tôi biết Dominique de Miscault từ nhiều năm về trước, khi bà triển lãm tranh ở Hà Nội và cũng đã từng triển lãm những bức tranh minh họa thơ tôi.
- Người “vẽ” thơ anh là Dominique de Miscault, nhưng người dịch thơ anh sang tiếng Pháp lại là Michèle Sullivan – dịch giả đã từng dịch tiểu thuyết “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách sang tiếng Pháp trước đó. Cuộc gặp gỡ của nhà thơ – dịch giả – họa sĩ đã diễn ra như thế nào để có được một sự thống nhất hoàn chỉnh như vậy?
+ Michèle Sullivan từng dịch sang tiếng Pháp những bài thơ trong tập thơ chép tay gồm 20 bài mà tôi kính gửi Bác Hồ năm 1968, đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp xuất bản song ngữ Anh – Việt năm 2006. Trong khi đang tìm cách xuất bản tập thơ này thì Sullivan gặp Dominique. Họ cùng đến Việt Nam để nói chuyện với tôi về dự án kết hợp thơ dịch và tranh vẽ của họ. Tôi có đề nghị với Michèle Sullivan là ngoài những bài thơ thuở nhỏ của tôi, hãy dịch thêm những bài thơ tôi viết sau này nữa. Và họ nhất trí. Nhờ thế, thay vì 20 bài như trước đây thì tập thơ được xuất bản với con số 37 bài, trong đó hơn nửa số bài là những sáng tác không phải ở lứa tuổi thiếu nhi.
Thơ Trần Đăng Khoa qua nét vẽ của nữ họa sĩ Pháp Dominique de Miscault.
- Lúc nãy anh nói về tập thơ chép tay anh kính tặng Bác Hồ năm 1968. Rất nhiều độc giả tò mò muốn biết câu chuyện này đã xảy ra như thế nào…
+ Năm 1968 tôi đang là học sinh lớp 3. Cả lớp có phong trào “làm nghìn việc tốt”. Mỗi khi làm được một việc tốt gì đó thì mỗi học sinh viết thư gửi lên Bác Hồ. Chưa ai trong lớp học nhìn thấy Bác Hồ nhưng tất cả đều xem Bác như người thân. Các bạn thi nhau kể cho Bác nghe chuyện mình nhặt được của rơi trả người đánh mất, chuyện làm phân xanh, chuyện mang lá ngụy trang ra trận địa pháo cho các chú bộ đội… Thậm chí có đứa bị bố mẹ mắng cũng viết thư mách với Bác Hồ. Tôi thì chẳng có chuyện gì để kể cho Bác nghe. Nhưng cô giáo bảo, làm thơ cũng là một việc tốt, vậy em hãy viết thư kể cho Bác Hồ nghe về chuyện làm thơ và chép thơ tặng Bác. Tôi chép 20 bài thơ của mình rồi đề ngoài phong bì là “Cháu Trần Đăng Khoa lớp 3B trường cấp 1 Quốc Tuấn, học sinh cô giáo Cúc kính gửi Bác Hồ Chí Minh ở Hà Nội” rồi bỏ vào thùng thư của xã. Thời gian trôi đi, tôi cũng quên dần tập thơ này, vì cứ nghĩ với địa chỉ như thế nó khó mà đến được tay Bác Hồ. Sau này, qua một bài báo tôi được biết là bác Vũ Kỳ – thư ký của Bác Hồ đã đọc thơ tôi cho Bác Hồ nghe.
- Hình như sau đó anh đã được gặp Bác Hồ?
+ Dịp quốc tế thiếu nhi năm 1969 tôi có mặt trong đoàn thiếu nhi trường Quốc Tuấn gồm 25 người về Thủ đô Hà Nội dự trại hè. Được tin đó, Bác Hồ cho gọi tôi đến, nhưng Người không gặp riêng tôi mà sẽ gặp cùng với các bạn thiếu nhi khác ở Nhạc viện. Bác nói với thư ký rằng nếu gặp riêng hay viết thư cho tôi sợ rằng tôi sẽ kiêu căng. Đó là cuộc gặp cuối cùng của Bác Hồ với thiếu nhi vì khi đó Người đã bắt đầu ốm mệt rồi. Cuộc gặp thiếu nhi cuối cùng của Bác sau này được làm thành bộ phim “Bác Hồ với chúng em”. Tuy nhiên, tôi lại không được có mặt trong đoàn thiếu nhi này, vì nhà trường đề nghị cả đoàn được gặp Bác, chứ không để học sinh Trần Đăng Khoa tới gặp Bác một mình, lẫn trong các em thiếu nhi nhạc viện. Nhưng vì Bác Hồ không thể tiếp được cả đoàn, nên bù vào đó, cả đoàn được đến thăm nhà thơ Tố Hữu. Nhà thơ Tố Hữu có nhắn lại với tôi lời của Bác Hồ là “cháu Khoa phải học giỏi đều các môn, phải trở thành cháu ngoan Bác Hồ trước rồi hẵng làm nhà thơ sau”. Tôi rất tiếc là mình đã không được gặp Bác. Năm sau Bác mất. Tôi viết bài thơ, trong đó hai câu thơ mà nhiều người chắc đã biết: “Bác ơi cháu chẳng bao giờ/ Còn mong gặp Bác cháu chờ đã lâu”.
- Tập thơ viết tay ấy sau này trở thành một hiện vật trưng bày trong Bảo tàng Hồ Chí Minh, góp phần kể một câu chuyện về tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi. Anh có bất ngờ không?
+ Năm 2006 tôi hoàn toàn bất ngờ khi được Bảo tàng Hồ Chí Minh thông báo là họ sẽ xuất bản song ngữ tập thơ chép tay của tôi kính tặng Bác Hồ năm 1968. Đọc lại những trang bản thảo chép tay của mình, tôi vô cùng xúc động. Bạn tin không, đây là bản thảo viết tay duy nhất của tôi thời kỳ ấy còn lại đến hôm nay.
- Trong tập thơ song ngữ do Nhà xuất bản Giáo dục và Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp phát hành có chụp in lại cả những trang bản thảo viết tay của anh. Phải nói thật là chữ của nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa khi đó rất xấu, và lại còn sai nhiều lỗi chính tả nữa…
+ (Cười). Trong cuộc họp giữa Nhà xuất bản Giáo dục, Bảo tàng Hồ Chí Minh và các dịch giả Nguyễn Bá Chung, Trịnh Ngọc Thái, hai nhà văn Mỹ Fred Marchant và Lady Boston trước khi xuất bản tập thơ ấy của tôi, tôi có được mời tham dự, cùng với thầy Vũ Dương Thụy, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục. Tôi có hỏi thầy Thụy, là khi nhìn vào những trang viết tay của tôi hồi ấy thì thầy chấm cho tôi mấy điểm. Thầy Thụy trả lời nguyên văn: “Với tất cả sự kính trọng nhân tài đất nước, tớ cho cậu điểm 3/10″. Thế là đủ biết chữ tôi xấu đến nhường nào. Đã thế tôi lại còn viết sai lỗi chính tả. Trong thư viết gửi tới Bác Hồ, có câu tôi viết thế này: “Cháu kính chúc Bác mạnh khỏe – sống nâu – mãi mãi không già”. Con gái tôi năm nay học lớp 5, cứ mỗi lần nhìn thấy chữ của bố ngày xưa trong tập thơ thì cháu lại cười lăn ra. Cho nên, chính tôi rất nghi ngờ cái “chức vụ” Thần đồng mà mọi người vẫn phong cho tôi.
- Cho đến nay anh đã có bao nhiêu tập thơ xuất bản ở nước ngoài rồi.
+ Khoảng hơn 30 tập, ở các nước như Pháp, Mỹ, Cuba, Đức, Tiệp, Hungary… Nhiều người cứ tưởng thơ tôi được dịch sớm nhất ở các nước xã hội chủ nghĩa như Nga hay Trung Quốc, nhưng không phải thế. Những bài thơ đầu tiên của tôi được dịch và in ở Pháp từ năm 1971, sau đó là ở Mỹ. Tôi ngạc nhiên là những bài thơ tôi viết “chửi đế quốc Mỹ” thì người Mỹ lại dịch và in. Có lần tôi sang Trung Quốc, một bác phụ trách văn hóa ở đây nghe giới thiệu tôi là nhà thơ thì bắt tay, gật gù rất nhiệt thành và bảo anh đã đọc nhiều thơ của tôi rồi. Nhưng tôi biết là thơ tôi chưa từng được dịch ở Trung Quốc.
- Xin cảm ơn nhà thơ về những thông tin quý báu mà nhiều người yêu mến anh quan tâm.
Theo VNCA