Mường So trước đây là thủ phủ của huyện Phong Thổ, Lai Châu, nơi một tiếng gà gáy có thể cả ba nước đều nghe. Sau khi những nương lúa vàng đã được gặt hái xong, thóc chất đầy bồ, ngô treo đầy gác bếp, vào khoảng giữa tháng Mười âm lịch hàng năm là người Thái ở đây bắt đầu ăn Tết. Mở đầu là Tết Soong Sịp (tết cơm mới). Sau đó đến tết Kim Lao Mao (tết uống rượu), tết ông Táo. Nhưng lớn nhất về qui mô, mức độ và thời gian vẫn là tết Nen Bươn Tiền từ ngày mồng Một kéo dài đến hết Rằm tháng Giêng. Tết Nen Bươn Tiền theo tiếng Thái có nghĩa là tết Nguyên Đán. Và đương nhiên ở nơi được xem là cái nôi sinh ra các điệu xòe Thái Tây Bắc, vui tết không bao giờ thiếu tiệc xòe.
|
Ảnh minh họa: st |
Huyền tích Tết xoè Mường So
Đánh vật mãi với con đường gập ghềnh từ thị xã Lai Châu chúng tôi mới tới được xứ sở của xòe Tây Bắc, nổi tiếng một thời vào dịp cuối năm con Rồng để đón Tết Nen Bươn Tiền cùng đồng bào Thái nơi đây.
Từ xa xưa, người Thái ở Mường So quan niệm rằng, ngày Tết vui chơi “cũng là một trách nhiệm” của tất cả mọi người trong bản, làm cho bản làng vui hơn trong ngày Tết. Tại mỗi bản làng, vào cuối các buổi chiều, sau hai hồi ba tiếng trống hiệu, nam thanh nữ tú, già trẻ gái trai cùng có mặt tại nhà cộng đồng để xòe. Đến tối đồng bào thường đốt lửa củi. Nếu năm nào có trăng thì tiệc xoè có thể tổ chức ngoài sân. Từ ngày mùng Một Tết tới Rằm tháng Giêng, bất kể mưa hay nắng, đêm nào cũng có tiệc xoè. Riêng Rằm tháng Giêng, tiệc xòe diễn ra suốt ngày đêm vì đây là ngày cuối cùng của hội xòe trong năm.
Theo các cụ cao niên ở đây, đất Vàng Bâu từ xưa đã sản sinh nhiều cô gái đẹp, hát hay, múa giỏi nổi tiếng khắp mường trên bản dưới. Trong số đó nổi nhất là 2 chị em Đèo Thị Bảu, Đèo Thị Neng. Được biết, hai nàng đã từng về tận Hà Nội biểu diễn xòe Thái ngay sau ngày Phong Thổ mới được giải phóng (1954).
Các cô gái Thái Mường So đẹp nức tiếng khắp cả vùng Tây Bắc, đến mức Vương Khon, người nhạc sỹ dân tộc Thái không cầm lòng được phải lặn lội từ Điện Biên tìm về Mường So, vùng đất ngất ngây vẻ đẹp của người con gái Thái như những bông hoa ban nở trắng khắp núi rừng mỗi độ Tết đến, Xuân về. Ông đã viết nên ca khúc Người đẹp Mường Then, trong đấy có những câu thật sự xuất thần như: “Người đẹp đi xuống suối, cá lội về xem chân/ Người đẹp đi lên rừng, chim tìm về xem mặt”.
Người Thái Mường So có một vùng đất thiêng gọi là “Phai Mo”. Nơi đây, hằng năm cứ vào ngày 30 Tết, trai mường gần, gái bản xa đều tìm đến. Con gái mang theo nắm quả bồ kết khô, con trai tay cầm thanh kiếm quen dung đến Phai Mo. Ở đây có một lạch nước từ trong núi chảy ra. Con trai đốt lửa lên, con gái nướng quả bồ kết cho mùi hương bay thơm lừng, con trai dùng thanh kiếm đập dập, rồi ngâm nước suổi Phai Mo để gội đầu, xua đi những rủi ro, cầu mong cho một năm mới tốt lành, con người hạnh phúc, gà lợn đầy chuồng, lúa ngập nương.
Những ngày này dòng nước từ Phai Mo chảy xuôi ngát hương thơm. Ngay cả ông vua Mèo Đèo Văn Ân thưở ấy cũng phải làm theo tục lệ này. Thậm chí, ông ấy còn làm một căn nhà nhỏ ở cạnh nặm Lùm, để cuối mỗi năm vào đây tắm gội nước suối Mai Pho.
Nghệ nhân Lò Pẩu ở xã Khổng Lào cho biết: Mường So vốn là nôi của các điệu múa xoè, có nguồn gốc từ các làn điệu dân ca cổ truyền của người Thái trắng xa xưa. Nguyên bản, xoè không có nhiều làn điệu, không bài bản như sau này, mà chỉ là một vài điệu múa dân dã xuất phát từ đời sống sinh hoạt của đồng bào Thái sống ở vùng núi cao Tây Bắc. Những điệu múa được truyền từ đời này truyền sang đời khác theo kiểu cầm tay múa hát, cùng đi làm nương, rồi nhảy múa đối đáp làm quen trong các dịp lễ hội.
Mường So ngày mới
Sau chiến tranh biên giới kết thúc vào cuối năm 1979 đầu năm 1980, Mường So gần như bị tàn phá hết. Dân bỏ nhà đi tránh nạn, để lại phía sau một Mường So hoang tàn từ nhà cửa đến ruộng nương. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, bà Đèo Thị Ly đã một mình lặn lội về tận Thái Bình đón 35 hộ dân lên đây lập bản, khai phá vùng đất mới.
Bà Ly nhớ lại: “Ban đầu bà con cứ nghĩ về nơi rừng thiêng nước độc, bị tàn phá bởi chiến tranh, đất đai chẳng có, chính quyền yếu kém… nên cũng hoang mang lắm, nhưng khi thấy tôi về, tôi nói thật về tình hình của Mường So, về chủ trương của Đảng, bà con cũng tin...Buổi đầu lập nghiệp thật chẳng gì khó bằng, nơi ăn, nơi ở, đất sản xuất và trăm thứ đổ về. Đồng bào bản địa và người dân mới đến chưa hiểu nhau, còn nhiều nỗi e dè. Thực hiện lời nói của Bác, tất cả các dân tộc đều là anh em, tôi đến từng bản, vận động đồng bào bản địa cùng nhường cơm sẻ áo, giúp đất, giúp nhà để bà con mới lên yên tâm lập nghiệp… mới đó đã 30 năm. 35 hộ ngày xưa bây giờ đã thành hơn 100 hộ rồi, dù khó khăn đến mấy họ cũng vẫn bám trụ ở đất này, bây giờ tất cả đều khấm khá hết rồi, họ cũng quý mình lắm!”.
|
Ảnh minh họa: st |
Vào thời điểm ấy, giải quyết những vấn đề về kinh tế- xã hội là một việc vô cùng cấp thiết và rất khó khăn. Nhưng để khôi phục lại tập quán múa xòe vào các dịp Tết, nhất là Tết Nen Bươn Tiền cho đồng bào, xem ra còn khó hơn gấp nhiều lần. Vậy mà một tay người phụ nữ họ Đèo đã đứng ra tổ chức lại phong trào ca hát tại khắp các bản làng với mong muốn giữ lại những gì cha ông xưa đã để lại cho người Thái ở Mường So. Bà Ly cho hay từ đấy những đêm hội xòe dần được tổ chức nhiều hơn. Thể tất sự nhiệt tình, hăng hái của bà, nhiều cụ già đã chống gậy đến dạy cho con trẻ những điệu múa cũ hiện còn rất ít người biết đến. Nhiều bài ca, điệu múa được khôi phục và “sáng tác” thêm những làn điệu mới.
Dù đã già nhưng có bà Ly, đêm nay, trai bản xa từ Tông Qua Lìn, Sì Lở Lầu tìm về, gái bản gần từ Hoang Thèn, Khổng Lào đi tới, cùng ngất ngây trong men rượu ngô nồng ấm, nắm tay xoè mừng Tết Nen Bươn Tiền tại quê hương mình. Váy lĩnh đen tuyền uyển chuyển theo nhịp chân các cô gái Thái đều bước. Tay trong tay, nắm chặt nhau đoàn kết cùng chung vui đón ngày Tết Nen Bươn Tiền năm con Rắn của người Thái, người Mông, người Dao. Vào dịp Tết hội kéo dài hơn nửa tháng, cũng là bấy nhiêu đêm khắp bản làng đỏ lửa. Trai gái có dịp múa hát, giao duyên, rồi chàng tìm tới nhà nàng xin ở rể, lên nương cùng người mình yêu cho tới tận khi bố mẹ nàng cho phép mới nên vợ, thành chồng.
Trong những đêm lễ hội, khai mở là những tiếng ca, điệu khèn đến từ các bản gần, làng xa đua nhau thi tài, khoe sắc. Khi sương đêm sà xuống sát ngọn sa mu, trời trở lạnh, cũng là lúc dạ tiệc xoè được bắt đầu.
Những chàng trai người Mông về từ Tông Qua Lìn đêm nay quay tròn cùng tiếng khèn réo rắt. Những cô gái Dao đến từ Tông Chung Vang đẹp hơn trong ánh lửa bập bùng với trang phục rực rỡ sắc màu. Tiếng hát, tiếng cười, tiếng khèn ghẹo bạn... hoà lẫn trong nhịp bước chân xoay tròn quấn quện, bịn rịn vướng vào nhau.
Những đêm xoè ngất ngây như đêm này, cũng chính là dịp hiếm hoi để người mường xa, bản gần làm quen với nhau, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, giữ gìn trật tự an ninh vùng biên giới, kết tình anh em với nhau. Đêm càng về khuya, sương càng sà xuống thấp hơn, trời càng lạnh, những bước chân xoay tròn càng uyển chuyển thêm. Khi những giọt mồ hôi lăn đều trên đôi má ửng hồng của các cô gái vùng cao, ướt đuôi tóc chàng trai bản núi, cũng là lúc tiếng con gà trong bản gáy chuyển canh ba. Tiếng bước chân dần xa khấp khểnh theo những lối mòn về bản, nhưng vẫn còn đoái trông. Bóng những chiếc áo nhòe đi theo ánh lửa bập bùng và những lời mời gọi bạn tình uống thêm vài chén giao tình trong cái Tết Nen Bươn Tiền, hẹn cuối năm con Rắn chúng mình lại gặp nhau trong đêm hội xòe Tết giữa đất trời Mường So.
Tháng 12/2012
T.G
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội