Theo nhà văn Tô Hoài thì Nguyễn Bính là một tài thơ bẩm sinh, vừa thuộc mặt chữ đã đọc ra thơ. Trời không chỉ phú cho Nguyễn Bính cái tài lựa chữ, gieo vần mà còn phú cho thi sĩ cái biệt tài kể chuyện. Mưa xuân là một trong những bài thơ thể hiện phần nào cái biệt tài kể chuyện của thi sĩ.
Trong Mưa xuân có nhân vật chính, nhân vật phụ và cốt truyện. Cô gái vừa là nhân vật chính vừa là người dẫn chuyện. Tác giả hoá thân, nhập thân vào nhân vật cô gái. Ở khổ thơ đầu, nhân vật chính tự giới thiệu: Em là con gái trong khung cửi/ Dệt lụa quanh năm với mẹ già/ Lòng trẻ còn như cây lụa trắng/ Mẹ già chưa bán chợ làng xa. Chỉ vỏn vẹn bốn dòng mà người đọc có thể biết được nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình cô gái. Biện pháp so sánh “Lòng trẻ còn như cây lụa trắng…” rất phù hợp với cô gái làm nghề dệt lụa. Điều quan trọng chính là cô muốn nói với “anh ấy” rằng mình vẫn còn trinh trắng và gia đình chưa hề bán gả cho ai. Cô gái tiếp tục đóng vai người dẫn chuyện: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo:“Thôn Đoài hát tối nay”. Nhân vật chính không chỉ kể mà còn kín đáo thể hiện cái tâm trạng rạo rực, háo hức của mình. Lòng cô đang “phơi phới” khi nhìn hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ: Lòng thấy giăng tơ một mối tình/ Em ngừng thoi lại giữa tay xinh/ Hình như hai má em bừng đỏ/ Có lẽ là em nghĩ đến anh. Nguyễn Bính để cho nhân vật của mình đối thoại nội tâm. Cô tâm sự với “anh ấy” trong tưởng tượng. Tác giả diễn tả khá tinh tế tâm trạng của cô gái bằng những từ tình thái “hình như”, “có lẽ”. Chỉ là “hình như” thôi, chỉ là “có lẽ” thôi, chưa chắc đã thế. Đó là tâm trạng bối rối rất dễ thương của người con gái đang yêu. Bốn bên hàng xóm đã lên đèn - cái thời điểm mà cô gái chờ đợi đã đến. Từ đối thoại nội tâm cô chuyển sang độc thoại nội tâm: Thế nào anh ấy chả sang xem. Cái dáng đi “vội vàng” của cô cho ta biết cô nôn nóng như thế nào. Thường các chàng trai hay săn tìm các cô gái. Cô gái dệt lụa của Nguyễn Bính thì ngược lại: Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm/ Em mải tìm anh chả thiết xem. Xem hát với cô gái chỉ là cái cớ để được gặp “anh ấy”. Nhưng hình như chàng đã quên mất lời hò hẹn. Cô hờn dỗi, trách móc: Chờ mãi anh sang, anh chẳng sang/ Thế mà hôm nọ hát bên làng/ Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn/ Để cả mùa xuân cũng lỡ làng. Cũng là mưa xuân nhưng khi đi “mưa bụi nên em không ướt áo” còn khi trở về thì “áo mỏng che đầu mưa nặng hạt”. Cũng khúc đê ấy nhưng khi đi “thôn Đoài cách có một thôi đê”, khi trở về con đê trở nên dài dằng dặc: “Có ngắn gì đâu một dải đê!”. Hoa xoan mới vừa bung nở mà giờ “đã nát dưới chân giày”! Nhà thơ đang diễn tả sự thay đổi tâm trạng của cô gái. Hoa xoan đã nát dưới chân giày hay chính cõi lòng cô gái đang tan nát? Mặc dù thế cô vẫn không nguôi hi vọng. Cô nhắn gửi với chàng trai: Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày/ Bao giờ em mới gặp anh đây?/ Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ/ Để mẹ em rằng hát tối nay? Liên tiếp những câu hỏi “bao giờ...?”, “bao giờ...?” đã phần nào thể hiện khát vọng cháy bỏng của cô gái.
Nhân vật chàng trai tuy không xuất đầu lộ diện nhưng lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong toàn bộ câu chuyện. Qua những lời đối thoại và độc thoại nội tâm của cô gái ta có thể đoán chắc rằng chàng có sức hấp dẫn đặc biệt. Chẳng thế mà cô gái dệt lụa chết mê chết mệt vì chàng. Chàng đã từng hò hẹn với nàng. Nhưng vì sao chàng không đến? Có phải chàng quên lời hẹn? Hay là chàng đã thay lòng đổi dạ? Nguyễn Bính không nói rõ lý do vắng mặt của chàng, làm cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Đến mùa xuân năm sau liệu cô gái có gặp lại “anh ấy” không? Nếu chàng trai biết được nỗi lòng của cô, chàng sẽ như thế nào? Chỉ có trái tim sắt đá mới không mềm lòng trước những lời bày tỏ tình cảm hết sức thật thà, hết sức tha thiết của cô gái dệt lụa.
Mẹ cô gái dệt lụa cũng là một nhân vật đáng chú ý trong câu chuyện. Các bà mẹ thường rất am hiểu tâm tính của con gái mình. Mẹ bảo “Thôn Đoài hát tối nay” đâu chỉ là một lời thông báo đơn thuần mà chính là một lời nhắc nhở cô con gái. Bởi thế nên khi nghe con gái xin phép, mẹ đồng ý ngay. Có lẽ mẹ đã phần nào đoán được những rung động đầu đời của con. Thời son trẻ, mẹ cũng từng như thế nên mẹ tỏ ra rất tâm lý. Nỗi buồn của con gái cũng không thể lọt qua cặp mắt tinh tường của mẹ. Vừa thấy “hội chèo làng Đặng về ngang ngõ”, mẹ thở dài: “mùa xuân đã cạn ngày”. Mẹ đâu có nói bâng quơ, đó là mẹ đang chia sẻ nỗi thất vọng với con gái mình. “Mùa xuân đã cạn ngày” có nghĩa là hội chèo làng Đặng không còn biểu diễn nữa, nghĩa là không còn cơ hội để con gái mẹ gặp lại chàng trai.
Câu chuyện được kể bằng thơ, có vần điệu nhưng rất tự nhiên. Tôi có cảm tưởng chính vần điệu tự tìm đến với nhà thơ chứ không phải nhà thơ phải bỏ công sức tìm vần, tìm điệu. Nỗi niềm của cô gái đã khiến cho bao thế hệ người đọc trong gần tám thập kỉ qua xúc động, thương cảm. Có được điều đó một phần là nhờ cái biệt tài kể chuyện rất có duyên của thi sĩ tài hoa Nguyễn Bính.
M.V.H
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội