1. Câu đối mừng đám cưới
Tại vùng đồng chiêm trũng Bình Lục của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, vào dịp áp tết, có một đám cưới diễn ra. Trong tiệc hỷ, người ta nhìn thấy một cặp câu đối treo trên hai cột nhà như sau: Oanh đề phượng ngữ nghinh xuân trướng/Nhạn vũ loan phi phất cẩm bình. (Trướng xuân đón phượng kêu, oanh hót./Bình phong lay nhạn múa, loan bay)
Mọi người cứ ngẩng lên đọc đi đọc lại mãi, trầm trồ ngợi khen. Một vài ông đồ thì khẳng định: cặp câu đối này chỉ có thể được viết ra từ ngọn bút tài hoa của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Cuối cùng thì ông khách mang câu đối này đến mừng đám cưới cũng phải thừa nhận rằng ông ta mới xin cụ Tam. Rồi ông ta nói thêm:
- Thực ra là tôi đặt tiền lễ tạ rồi mới dám xin chữ của cụ. Cặp câu đối hay đến thế này tôi không nỡ để cụ Tam cho không...
- Thế... thế ông đặt tiền lễ bao nhiêu? – mọi người nhao nhao hỏi.
- Cũng ít thôi – ông kia nói – hôm ấy tôi chỉ có ba quan, nên câu đối cụ viết cho tôi chỉ là câu đối hạng hàng (1) chứ câu đối hạng thửa phải đặt những năm quan kia. Tôi chỉ tiếc hôm ấy tôi không có đủ năm quan...
Mọi người nghe ông kia nói thế thì bình phẩm: câu đối hạng hàng mà cụ viết hay đến thế, nếu là hạng thửa thì phải là loại tuyệt bút! Thế là mấy ông có chút chữ nghĩa nảy ra ý tò mò, muốn thưởng thức câu đối hạng thửa của cụ Tam nguyên. Họ bảo nhau gom góp mỗi người một ít cho đủ năm quan, rồi cắt cử mấy ông kéo đến vườn Bùi xin chữ.
Nghe họ trình bày nguyện vọng thì cụ Tam nguyên bật cười nói:
- Ta đùa tí mà các anh cứ tưởng thật à? Ta chỉ viết câu đối chứ làm gì có câu đối hạng hàng với câu đối hạng thửa!
Mấy ông vẫn khăng khăng, rằng chắc chắn cụ có câu đối hạng thửa mà cụ còn tiếc các ông. Cuối cùng cụ Tam đành phải chiều theo ý của họ, lấy bút nghiên thảo một cặp câu đối hạng thửa như sau:
Bình gấm phất phơ oanh múa nhạn
Trướng xuân nghiêng ngửa phượng đề oanh.
Trả tiền cho cụ Tam xong, họ hí hửng mang cặp câu đối về treo nơi trang trọng nhất của đám cưới. Mọi người cứ đọc đi đọc lại mãi và lấy làm lạ rằng cụ Tam chỉ đảo lại chữ ở cái câu đối hạng hàngmà cụ đã viết cho ông khách tặng đám cưới này, vậy thì làm sao gọi là câu đối hạng thửa được! Còn mấy ông thạo chữ nho hơn thì cứ ngẫm ngợi mãi cuối cùng cũng hiểu ra cái tài chơi chữ rất độc đáo của cụ Tam nguyên. Đúng là cụ chỉ đảo chữ cái cặp câu đối hạng hàng thì chữ nghĩa nó đã biến hóa tài tình: chữ múa và chữ đề, nếu đọc giọng bè ra, nhất là những người ngà ngà men rượu, sẽ đọc thành mó và đè; như vậy cặp câu đối sẽ có ngữ âm:
Bình gấm phất phơ oanh mó nhạn.
Trướng xuân nghiêng ngửa phượng đè oanh.
Mọi người vỡ nhẽ cùng cười ngặt nghẽo. Nhưng phía chủ nhà đám cũng như khách khứa đều nhận thấy câu đối này rất hợp với đám cưới, lại cũng hợp với không khí “sinh sôi” của mùa xuân, nó đúng là câu đối hạng thửa.
2. Câu đối giỡn quan tri huyện Thanh Liêm
Vào thời nhà thơ Nguyễn Khuyến, quan tri huyện Thanh Liêm đang bị dân chúng rất khinh ghét vì ông ta vừa tham lam vừa keo kiệt. Hòng làm át đi những dị nghị, ác cảm, viên quan này liền nghĩ ra trò chơi văn hóa, ngõ hầu, tỏ ra mình có văn chương, chữ nghĩa, trọng hiền tài, đồng thời cũng ngầm ý răn đe đám nho sĩ trong tổng, trong huyện hay chọc ngoáy, bới lá tìm sâu, ông ta tìm đến vườn Bùi xin cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến mấy chữ “thật oách” để treo ở công đường.
Cụ Tam không còn lạ gì viên quan tri huyện này. Y vừa đặt vấn đề xin chữ, cụ liền “ngã giá” ngay. Cụ nói:
- Chữ thì ta thường cho chứ không bán. Nhưng những chữ có ý nghĩa cao siêu như thầy muốn thì lại phải mua. Hơi đắt đấy. Mười quan một chữ. Nào, thầy cần mấy chữ để ta còn viết?
Quan tri huyện giật mình vì không ngờ cụ Tam bán chữ đắt đỏ thế. Song le, vì đã trót đặt lời không tiện rút lại, y vẫn đồng ý mua. Thoạt đầu y ngỏ ý mua một chữ, cụ Tam nhếch môi cười, y giật thột cảm thấy mình đang bị cụ Tam khinh, y cải chính lại rằng y mua hai chữ. Cụ Tam đồng ý, hẹn y hôm sau cho người sang lấy.
Quan tri huyện về nhà, nghĩ lại chuyện bỏ hai mươi quan mua hai chữ, y cảm thấy tiếc tiền, xót của. Y đem chuyện này ra giãi bày với vợ. Nghe xong, bà ta giãy nảy lên, nói:
- Chết chết, ông làm thế là hỏng rồi. Xưa nay chỉ đám lý trưởng, trương tuần nó mới chơi hai chữ, chứ quan tri huyện như ông, ít ra thì cũng phải ba chữ, chơi như thế mới gọi là y phục xứng kỳ đức chứ! Ông chơi hai chữ, cụ Tam nguyên cười cho!
Nghe vợ nói thế, quan tri huyện mới ngộ ra, y vội móc túi lấy bốn mươi quan sai người giúp việc đến vườn Bùi thưa chuyện lại với cụ Tam nguyên. Cụ Tam vẫn lặng lẽ nhận đủ số tiền ấy mà không nói gì. Rồi cụ trải tấm giấy dó màu hồng điều xuống sập gụ, rút bút lông chấm mực viết bốn chữ Thiên lý lương nhân.
Người giúp việc mang chữ về. Quan tri huyện dịch: Thiên lý lương nhân nghĩa là nghìn dặm người tốt. Y tỏ ra rất đắc ý với ý tứ lớn lao, hoành tráng của bốn chữ. Vậy là cụ Tam nguyên rất hiểu và quý trọng mình, ca ngợi một quan tri huyện mà lời lẽ sâu xa đến thế thì cũng không còn bút mực nào sánh được nữa. Gì chứ bốn mươi quan cũng là đáng giá! Đắt nhưng xắt ra miếng!
Phấn hứng lên cao, quan tri huyện sai người thuê thợ mộc giỏi đóng một cái khung gỗ tốt, sơn son thếp vàng, ghép bốn chữ vào, treo lên gian giữa công đường, ngay bên trên cái ghế khảm trai mà quan thường ngồi điều hành chính sự để ai đến cũng nhìn thấy.
Một hôm, có anh học trò ăn nói không phải phép thế nào đó với thầy giáo, bị tố lên quan tri huyện. Quan tri huyện bắt nọc anh ta nằm sấp, đánh cho mấy roi song rất đau. Anh ta đứng dậy vẫn còn ôm đít, mặt nhăn lại. Bất chợt, anh ta ngẩng lên nhìn bốn chữ treo gian giữa công đường, miệng lẩm bẩm: “Cụ Tam nguyên viết chữ chửi cho cũng đáng đời!”.
Quan tri huyện nghe thấy thế, liền hỏi:
- Nhà ngươi vừa nói gì nhắc lại ta nghe!
Anh học trò nói thẳng:
- Con vừa nói cụ Tam nguyên chửi quan mà quan không biết đấy ạ!
Nói đến đó rồi anh ta bỏ đi thẳng. Quan tri huyện phải chạy theo dỗ dành, lót tay cho anh ta mấy quan, anh ta mới giải thích:
- Thiên lý lương nhân, nếu hiểu theo một nghĩa thì đúng là cụ Tam ca ngợi quan lớn hết lời. Nhưng ở đây còn một nghĩa khác nữa: chữ thiên đặt trên chữ lý sẽ thành chữ trọng; chữ nhân đặt trên chữ lương sẽ thành chữ thực. Như vậy ý cụ Tam nguyên nói quan là người trọng thực, nghĩa là chỉ trọng... miếng ăn thôi đấy ạ!
Viên quan tri huyện nghe xong tím mặt. Giờ y mới thấm ý vị giễu cợt sâu xa trong chữ của cụ Tam nguyên.
L.H.N
................
1 (hạng hàng ở đây là hạng bình dân; còn hạng thửa là hạng chọn lọc, tinh hoa).
Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội