Bút ký
Chúng tôi trở lại Rào Tre một buổi chiều cuối năm Nhâm Thìn trong cái rét tê tái luồn giữa trận mưa nguồn. Cách đây bảy tám năm gì đó hai chị em cũng đã cùng nhau ngược ngàn. Dạo ấy đường vào bản chưa rải nhựa. Chỉ là một dải đất vàng suộm đầy ổ voi, ổ gà, sống trâu nằm chênh vênh bên những vực sâu hun hút. Mới mấy năm mà không thể nhận ra nơi mình đã đến nữa. Kỳ lạ thật, càng đi càng cảm như đây là chuyến đi đầu tiên tới bản vậy.
Con đường nhựa phẳng lỳ dẫn vào bản xuyên lòng núi ngoằn ngoèo đã mang đến thật nhiều xúc cảm. Dẫu mưa nguồn vun vút quất vào thịt da, chúng tôi vẫn có thể cảm nhận được vẻ đẹp thơ mộng của núi rừng khi ngang qua những khoảnh rừng cao su ngay ngắn như kẻ chỉ hay những đỉnh núi mây trắng giăng đầy. Đôi lúc sự hùng vĩ và quạnh vắng của núi rừng về trên những thung lũng hay cánh chim chiều chấp chới cũng khiến chúng tôi không khỏi chợn rợn…
Qua cầu Rào Say - người đầu tiên chúng tôi gặp là thiếu tá Dương Thanh Tịnh. Nghiêm trang trong bộ quân phục nhưng ngay khi chị bạn đồng nghiệp giới thiệu là nhà báo thì anh tỏ ra rất ân cần, cởi mở. Anh nói, anh “cắm” bản, gắn bó với người Chứt từ năm 2006. Từ bấy đến nay cũng đã già nửa thập kỷ. Nói vậy chứ thời gian cũng không hẳn là đơn vị để đo đếm sự gắn bó của anh với dân bản, mà cái chính là ở những việc anh làm. Bà con dân bản kính trọng bộ đội và quen gọi những người như anh là thầy giáo quân hàm xanh hay bác sỹ quân hàm xanh. Còn chúng tôi xin được gọi anh bằng một cái tên khác gần gụi hơn – “Cư dân Rào Tre”.
|
Cư dân Rào Tre Dương Thanh Tịnh trong những buổi trò chuyện thân mật với dân bản
|
Cư dân Rào Tre dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản vừa đi vừa kể về tình hình sinh sống của bà con cho chúng tôi nghe. Vốn dĩ trước đây người Chứt (hay ở một số địa bàn khác còn có tên gọi khác mà Mã Liềng, Rục) sống lang thang trong rừng, chỗ ở của họ không cố định mà thường là những hang động nơi họ đi qua hoặc là những lán lợp bằng lá cây rừng, họ ở đó và kiếm ăn từ núi rừng, khi lá cây trên lán chuyển màu vàng thì họ du cư sang vùng khác. Chính vì vậy họ còn được gọi với cái tên khá thơ mộng là bộ tộc Lá vàng. Và cũng vì tập quán sinh sống ấy mà người Chứt không có nghề truyền thống, không biết trồng lúa, không biết chữ, không có tổ chức chính trị, không nhớ tuổi của mình. Năm 2001 khi tiếp nhận nhiệm vụ, tổ công tác biên phòng Rào Tre đã đặt tên và đoán tuổi làm khai sinh cho dân bản. Việc khó khăn hơn là dạy tiếng Kinh và dạy chữ cho đồng bào. Các anh đã phải học tiếng Chứt, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, kiên nhẫn và tận tình xóa mù chữ cho 100% dân bản…
Nói đến việc học tôi lại nhớ đến cô giáo mầm non Nguyễn Thị Nhỏ. Lần ấy trong chuyến công tác vội vàng ngày áp Tết tôi đã được tiếp xúc với chị. Hình ảnh về một cô giáo trẻ nhỏ nhắn mà mang trong mình hoài bão lớn lao đã nằm lại trong trí nhớ tôi mãi mãi. Sau lần ấy tôi có viết bài về chị nhưng có lẽ bao nhiêu câu chữ cũng không chuyển tải hết được tấm lòng của cô giáo trẻ dành cho các em nhỏ người Chứt. Lần trở lại này, rất tiếc là tôi không gặp lại chị vì Nhỏ đã chuyển công tác. Chị rời bản để lại trong bà con và nhất là các em thơ nỗi nhớ đong đầy. Không nhớ sao được khi chị là một trong những người đầu tiên gắn bó với dân bản, tạo điều kiện cho cư dân Lá Vàng có điều kiện tiếp cận chân trời tri thức.
Thuở ấy, Rào Tre có 28 hộ dân tộc Chứt mà không một trẻ nào được đi học mầm non do thói quen điều kiện sống hoang dã và các hủ tục lạc hậu. Với hoài bão, lý tưởng của tuổi trẻ, Nguyễn Thị Nhỏ đã xung phong vào “cắm” bản dù chị biết rất rõ những gian khó đang chờ mình. Bà con dân bản vẫn còn nhớ như in chuyện mỗi ngày cô giáo Nhỏ phải thức dậy từ tinh mơ, đi bộ hơn 3 km đường đèo, qua vài con suối vào bản rồi đến tận từng nhà nắm tay từng cháu nhỏ dắt đi. Những hôm trời đẹp thì thuận lợi nhưng mùa mưa, bản bị ngăn cách bởi Rào Tre và những con suối nước dâng ngập lối đi. Khó khăn không hề làm chùn bước tâm huyết của cô giáo trẻ, không lội được thì thuê người chèo thuyền đưa qua, nhiều khi dạy xong không về được chị ở lại luôn với dân bản. Lớp học đầu tiên của cô giáo Nhỏ chỉ vẹn vẹn 15, 16 em và phải học nhờ ở nhà một người dân nhưng sau khi đươc dạy dỗ, hướng dẫn, các em đã có cơ sở vững chắc để chuyển ra trường Dân tộc nội trú Hương Khê học tiểu học và học cao hơn nữa. Thậm chí có nhiều em đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống, mạnh dạn thể hiện năng khiếu của mình và theo học ở các trường nghệ thuật. Hiện tại, việc học của con em Rào Tre đã thuận lợi hơn, cô giáo Nhỏ cũng không còn gắn bó nữa nhưng trong ký ức những người sống ở đây vẫn vẹn nguyên hình ảnh về cô tiên Nhỏ nắm tay đàn em thơ hát vang giữa núi đồi…
|
Già bản Hồ Púc với điệu sáo gọi bình minh trên bản
|
Chúng tôi lướt qua những ngôi nhà sàn từa tựa nhau nằm im ắng dưới chân núi Ka đay. Xa đưa văng vẳng tiếng trâu bò gọi nhau về chuồng. Ngoài kia suối Rào Tre miên man về xuôi. Một cảm giác yên bình và thân thương bỗng dưng xâm chiếm tâm hồn. Điều gì đã biến vùng đất biên viễn quạnh vắng ấy thành một bản làng yên vui như thế này. Có lẽ đó chính là biểu hiện truyền thống thương nòi, đoàn kết, đùm bọc của dân tộc ta. Cư dân Rào Tre lặng lẽ cùng chúng tôi ra suối, anh chỉ tay về phía những thửa ruộng vừa mới gặt và nói:
- Nếu nhà báo lên sớm hơn thì đã được dự lễ hội Chăm cha bới.
- Chăm cha bới là gì vậy anh? – Chúng tôi đồng thanh hỏi.
- Đó là lễ cúng cơm mới. Lễ hội này do Sở VH – TT & DL Hà Tĩnh sưu tầm và phục dựng từ sau ngày người Chứt về sống ở đây.
Thế nghĩa là Lễ hội này vừa giúp họ xây dựng đời sống văn hóa vừa giúp họ gắn bó hơn với đời sống định canh, định cư! Tôi nhìn ra xa nơi màn đêm đang dần buông phủ núi rừng và tự vấn, trong không gian mênh mông kia, đâu là nơi cư dân Lá Vàng chôn giấu niềm nhớ về những chuyến di cư chinh phục núi rừng như tập quán lạc hậu mà tổ tiên đã gieo vào tâm thức họ. Đâu là nơi những chiến sỹ quân hàm xanh gửi gắm niềm cô quạnh, nỗi nhớ nhung người thân. Đâu là nơi bám víu của những nỗi hoang mang của ngày đầu cực nhọc…Không gian mênh mang tịnh không một lời đáp trả, chỉ có tiếng gió cuốn mưa rì rạch, rì rạch trên những tán cây…
Đêm, khi ánh điện bắt đầu le lói, Cư dân Rào Tre dẫn chúng tôi đến nhà trưởng bản Hồ Kính. Qua những bậc thang bằng gỗ nhẵn thín là bếp lửa đã được nhóm sẵn giữa sàn nhà. Trưởng bản Hồ Kính nom rất đúng dáng già làng bởi nước da sạm màu nắng gió và gương mặt nhầu nhĩ nếp thời gian. Cất giọng đặc quánh, Hồ Kính thong thả nói: “Nhờ có bộ đội tui và dân bản đã bỏ được nhiều suy nghĩ lạc hậu. Trước đây ai đau ốm, bệnh tật bản đều tổ chức cúng trừ ma, nếu không khỏi mà chết thì cũng nghĩ là do ma bắt. Từ khi bộ đội về bản, tui và dân bản mới biết uống thuốc, giờ thì ốm đau đều chữa bằng thuốc không cúng trừ ma nữa rồi. Bộ đội còn dạy tui nhiều thứ lắm”. Nói rồi trưởng bản Hồ Kính trầm ngâm nhìn sang Cư dân Rào Tre với ánh mắt đầy biết ơn. Tôi nhìn ra cửa sổ chỉ về lều nhỏ phía tây ngôi nhà – điều mà chiều nay cứ thắc mắc và hỏi:
- “Cái lều ấy để làm gì ạ?”
- “Để cho đàn bà sinh nở” – Hồ Kính đáp.
Như đoán được thắc mắc của tôi, Cư dân Rào Tre ghé tai tôi nói nhỏ: “Mặc dù đã định canh, định cư nhưng người Chứt vẫn giữ những hủ tục lạc hậu, họ bắt những người phụ nữ khi sinh nở phải vào rừng ở một mình, tự xoay xở, sau đó mới đưa về nhà. Tuyên truyền mãi mà dân bản vẫn quyết tâm không bỏ quan niệm tâm linh ấy, bộ đội mới nghĩ ra cách lập một cái lều gần nhà và thuyết phục trưởng bản cho phụ nữ ở đó khi sinh con để tiện cho bộ phận y tế chăm sóc. Nhà nào cũng có một cái chái nhỏ là vì thế”… Chúng tôi nghe và không khỏi thán phục. Để vẫn giữ được những tập tục sinh hoạt của người Chứt lại vừa làm cho họ tiến bộ hơn không phải là chuyện ngày một ngày hai và cũng đâu phải chỉ có những buổi nói chuyện đơn thuần mà đó là kết quả của sự kiên trì, nhẫn nại, đặc biệt là phải hiểu và gắn bó thực sự với người dân…
Khi lượt củi đầu tiên sắp cháy hết thì Bí thư chi bộ Hồ Nam và mấy người nữa đến mang theo những chiếc sáo Pi và một rổ sắn còn nóng hổi. Cùng với đàn Chưrabon, kèn Cần Đong, sáo Pi cũng là nhạc cụ truyền thống của người Chứt. Tuy chất liệu rất đơn giản (chỉ một ống nứa) nhưng rất nhiều chàng trai lấy được vợ là nhờ nó. Sáo Pi còn là tiếng lòng hoan ca của dân bản trong những ngày vui, cũng là nơi người Chứt gửi gắm hay trút bỏ nỗi buồn… Chúng tôi cùng nhấm nháp đặc sản của dân bản trong tiếng mưa rừng rỉ rả … Và khi tất cả đang lặng phắc bên bếp lửa hồng thì bác Hồ Púc nâng cây sáo Pi lên và bắt đầu thả vào không gian những thanh âm trong vắt tựa tiếng suối trong rừng vắng: Một năm có mười hai cái tháng/ Một tháng có ba mươi cái ngày/Anh yêu em!/Anh đi đâu, em đi đó /Em đi đâu, anh đi đó/ Dù con nai bỏ rừng /Con lợn rừng quay lại /Anh vẫn yêu em... Tiếng sáo có khi nghe xa xôi như từ một hang động nào đó trong đêm trăng xưa cũ, lúc lại gần gụi như lời tình đang thổn thức trong tim… Đời sống văn hóa của người Chứt tuy không phong phú như những tộc người khác nhưng lại có đặc trưng riêng khá độc đáo. Khi đời sống đã ổn định, cư dân Lá Vàng còn tham gia vào nhiều hoạt động văn hóa lớn. Vừa rồi họ vừa tham gia Liên hoan tiếng hát cộng đồng các dân tộc Bắc miền Trung, Hội thi sắc phục cộng đồng các dân tộc Việt Nam và ở đâu cũng để lại dấu ấn đậm sâu cho bạn bè.
Lòng đầy biết ơn, chị Hồ Nam nói: “Nhờ có sự quan tâm của Nhà nước, của các chú bộ đội mà bản tui đã có tổ chức chính trị với 1 chi bộ, 1 ban mặt trận, 1 chi đoàn. Từ chỗ chỉ biết ăn sẵn núi rừng hay chờ đợi sự trợ cấp của Nhà nước, bà con đã biết trồng lúa nước, trồng khoai, trồng sắn, trồng rừng nguyên liệu, biết nuôi bò, biết dành dụm mua sắm…”.
Hồ Nam cũng là một trong những nhân vật đặc biệt ở bản Rào Tre. Hơn bất kỳ người Chứt nào, chị luôn là người tiếp thu rất nhanh những điều bộ đội dạy bảo, tuyên truyền và luôn gương mẫu đi đầu. Chị còn vận động bà con cùng tiến bộ. Chính vì vậy Hồ Nam được cử làm bí thư chi bộ bản Rào Tre và còn được bầu là ủy viên HĐND huyện. Nhờ những người như Hồ Nam mà ngoài trồng lúa bà con còn tự giác học cách trồng hoa màu và nuôi bò nái để bán, nhiều hộ không chỉ đủ ăn mà còn khấm khá, mua sắm được nhiều trang thiết bị hiện đại như Hồ Nam, Hồ Cương, Hồ Hùng, Hồ Bắc…
Đêm ấy chúng tôi về ngủ tại nhà Hồ Nam. Mưa rừng đã tạnh, chỉ có gió vẫn viễn du giữa những tán cây rừng. Xa đưa là một điệu sáo buồn. Đó là nỗi lòng nhớ nhung người yêu của những chàng trai Rào Tre với cô gái Mã Liềng ở Quảng Bình xa xôi. Điệu sáo buồn đã đưa tôi vào cơn mộng mị. Ở đó tôi thấy mình và các bạn đồng nghiệp lẫn vào dòng người đi rước dâu trên con đường thơ mộng có khoảnh đồi cao su ngay ngắn và những ngọn đồi phủ mây trắng mơ màng - một đám cưới chưa từng có trong phong tục của người Chứt bởi cô dâu là người Kinh. Và sáng sớm khi bị đánh thức bởi mùi khói bếp, trong tôi vẫn còn nguyên cảm giác ngọt ngào của giấc mơ đêm qua… Có lẽ giấc mơ là sự phản chiếu mong muốn mà Cư dân Rào Tre đã nói với tôi lúc chiều hôm về nỗ lực đẩy lùi tình trạng hôn nhân cận huyết đang diễn ra ở đây… Giấc mơ ấy xâm chiếm suy nghĩ của tôi hết chiều dài đường về. Hy vọng những nỗ lực của Cư dân Rào Tre và tổ công tác ở đây sẽ sớm đưa lại kết quả tốt đẹp để cây sáo Pi lại bay bổng, ngân xa trong những điệu nhạc sum vầy…
Rào Tre bên thềm Xuân Quý Tỵ
ANH HOÀI – THÚY NGỌc
Theo Hà tĩnhonline