Ảnh minh họa - Internet
Theo lời khuyên của mẹ, Natasa Philipôna đã thi vào khoa Tiếng Việt trường đại học Vlađivôstôk. Sau bốn năm học cô tốt nghiệp với tấm bằng đỏ và được giữ lại trường làm giáo viên trợ giảng. Bà Masa lại muốn con gái chuyển về Len (cách gọi tắt Lêningrad, tên cũ của Xanh Pêterbua), nơi bà đã liên hệ xin cho cô vào làm tại một thư viện thành phố, còn bà thì cũng được một bệnh viện đa khoa ở đấy tiếp nhận chuyển vùng. Nhưng Natasa cảm thấy không thể xa nổi nơi cô đã cất tiếng khóc chào đời mà ở đấy còn lưu giữ nhiều kỷ niệm êm đềm tuổi thơ mình.
Những ngày nghỉ mẹ phải trực bệnh viện, ở nhà một mình Natasa cũng chẳng có nhiều việc để làm. Từ nơi ở, cô thường đi bộ ra bến cảng, nơi luôn có những con tầu đủ hình dáng kích cỡ của nhiều quốc gia, chúng nằm san sát bên nhau và gối đầu lên cầu cảng thiêm thiếp ngủ sau chuyến đi dài vật vã vượt đại dương. Ở đây Natasa tìm đến những con tầu treo cờ Việt Nam và thường bắt chuyện với những thủy thủ nói thứ ngôn ngữ mà cô cho là khó nhất thế giới bởi tính ngẫu hứng đến độ tinh tế, lại ít bị chi phối bởi thứ ngữ pháp khá là đơn giản. Những cuộc trò chuyện cũng thật ngẫu hứng như thế chẳng những đã giúp cho khả năng giao tiếp tiếng Việt được nâng lên nhanh chóng, mà còn giúp cô hiểu nhiều hơn về đất nước và con người của xứ sở phương Nam xa xôi này.
Hơn ba năm sau Natasa có được suất học bổng sang Việt Nam học cao học.Trước khi lên đường du học, cô được mẹ kể cho nghe một câu chuyện mà mẹ bảo đã giữ kín trong lòng từ gần ba chục năm nay. Câu chuyện đã đưa Natasa trở về thời con gái của mẹ khi đó đang là sinh viên trường đại học Y khoa Lêningrad.
*
Khi Masa chen được lên toa xe điện ngầm thì chiếc giầy bên phải bỗng tuột khỏi gót văng xuống sân ga. Cô chỉ kịp kêu lên khe khẽ và cố nhoai người ra ngoài, nhưng những người lên sau đã đẩy cô vào sâu hơn. Cửa toa đóng xập lại và con tầu lao vút đi. Đến trường, Masa phải mượn đôi dép lớn như chiếc xuồng của bà thường trực Tamara để lên lớp.
Cuối buổi học, bà Tamara cho biết có người đang đợi cô ngoài cổng trường. Một chàng trai lạ mặt đưa cho cô cái túi trong đựng chiếc giầy và bảo, anh đã hỏi thăm mấy sinh viên cùng nhỡ tầu ban sáng thì được biết cô học ở đây. Thì ra anh là người đã nhẩy khỏi tầu để nhặt giầy cho cô lúc ấy.
Họa sĩ Đức Phổ là một nghiên cứu sinh người Việt Nam đang theo học điêu khắc tại trường Mỹ thuật Lêningrad. Nhìn bề ngoài anh có nhiều nét của một thanh niên Trung Á, cao, gầy, mặt xương xương, râu quai nón, mắt sâu. Thoạt đầu Masa nghĩ anh cũng cùng trang lứa với mình, sau mới biết anh hơn cô tới năm tuổi.
Chỉ sau một tháng quen biết Phổ đã đưa tặng Masa một cuốn sổ tay khổ lớn, trong đó vẽ dầy đặc các bức ký họa ghi lại những cảnh sinh hoạt, vui chơi, hoặc những chân dung mô tả tâm trạng vui buồn của cô. Có điều thú vị là tất cả những ký họa đó Phổ chưa bao giờ vẽ trước mặt Masa, anh bảo chỉ khi về đêm, lúc ngồi một mình và hồi tưởng về cô là có thể vẽ ra giấy. Nhìn những bức họa giống mình một cách sinh động Masa thấy lòng xao xuyến, cô hiểu rằng hình ảnh của mình đã đọng lại trong tâm trí anh đến mức nào mới giúp anh có được những nét bút xuất thần đến thế.
Tình yêu giữa Masa Philipôna và Huỳnh Đức Phổ đã đến từ lúc nào không biết. Trên thế gian lúc này có lẽ không gì quan trọng hơn việc họ tìm mọi cách để có thể dành hết cơ hội được ở bên nhau. Hai người đã miệt mài hết ngày này qua ngày khác trong viện bảo tàng Ermitaz, rồi viện bảo tàng Pitơhôp. Những buổi hoàng hôn rực sắc thu vàng, đôi trai gái thường tha thẩn trên những cánh đồng lúa mì mới gặt, họ ngả lưng trên thảm cỏ dầy, gối đầu lên tay nhau và cùng đếm những vì sao long lanh đang sáng dần trên vòm trời tím biếc. Họ lang thang hết phố này sang kênh rạch nọ khi tất cả đều đã lai láng trong thứ ánh sáng như bụi kim loại lấp lánh của những đêm trắng huyền ảo phương Bắc, để rồi vào lúc nửa đêm về sáng, họ nắm tay nhau chạy lên cầu Alexandr Nevski ngắm nhìn cảnh hai nhịp cầu giữa sông từ từ tách xa nhau rồi nhẹ nhàng dựng đứng lên trời để cho những con tầu lớn bắt đầu qua lại trên dòng Nêva. Từ chỗ nhịp cầu tách đôi cao tít lưng trời, đôi trai gái ôm hôn nhau như chẳng thể xa rời…
Thấm thoắt đã bước vào năm học cuối cùng của cô bác sĩ tương lai, nhưng trước mắt Masa lúc này lại là ba môn học phải thi lại. Hai người hứa với nhau từ nay mỗi tuần chỉ được gặp một lần vào tối thứ bẩy. Masa ngày đêm lao vào học trả nợ, còn Đức Phổ lại dành chuỗi ngày vắng người yêu để dồn sức làm một bức tượng về nàng.
Vào một lần hẹn, Đức Phổ trao tặng Masa bức tượng mà anh đặt tên là Nữ thần Mùa Thu. Tác phẩm đá hoa cương trắng muốt thể hiện theo phong cách Phục Hưng. Khuôn mặt đẹp dịu hiền của Masa đã hóa thân vào hình hài hoàn mỹ của một nữ thần Hy Lạp đang trong tư thế vươn người hướng về phía trước, đôi cánh tay như đôi cánh bay lên để cho những dải lụa mỏng như những đám mây vương vấn bên người. Masa say sưa ngắm nhìn bức tượng hồi lâu, một niềm hạnh phúc êm ả như lan tỏa khắp người, cô nép mình bên bộ ngực vạm vỡ người yêu như để tận hưởng sự mãn nguyện và tìm kiếm sự cậy tin che chở. Cô nhắm mắt và từ từ hít một hơi thật sâu như muốn cất giữ vào trong mình tất cả những gì tốt đẹp nhất mà cuộc đời đã trao tặng, nhưng lúc này đây, cử chỉ đó còn giúp cô có được sự tự tin thanh thản trước lúc muốn kể cho người yêu nghe một điều hệ trọng giữa hai người.
Nhưng cũng vào thời khắc đó, Masa mơ hồ cảm nhận như đang có những tiếng thở dài chưa thể thoát ra trong lồng ngực người yêu. Cô ngồi thẳng dậy và nhìn vào mặt anh. Một nét buồn hiếm thấy bao trùm khuôn mặt kiên nghị. Có chuyện gì với anh thế nhỉ? Đức Phổ hiểu được cái nhìn người yêu và đã kể cho cô nghe chuyện mới xẩy ra với mình khi chiều qua, Ban Quản lý lưu học sinh Việt Nam đã gọi anh lên và cho biết, ở trong nước, cấp trên đã quyết định điều động cha anh trở lại quê hương miền Nam chiến đấu. Trước khi lên đường, ông có nguyện vọng được gặp lại người con duy nhất đang học ở Liên Xô. Căn cứ vào những công trạng của ông, cấp trên đồng ý cho phép anh trở về Việt Nam gặp cha mình.
Masa an ủi người yêu, đây là dịp may hiếm có để anh được gặp lại người cha thân yêu. Những người lính ra trận có phải ai cũng may mắn trở về. Nếu anh không về hoặc về mà không kịp gặp cha thì biết đâu vì điều đó mà sẽ phải ân hận sau này. Vả lại chúng mình xa nhau cũng chỉ một tháng là nhiều. Tất cả rồi sẽ lại là những ngày hạnh phúc ở phía trước!
Và thế là anh đã lên đường về nước theo sự sắp đặt của Ban Quản lý lưu học sinh và sự động viên của người yêu.
Một tuần, rồi hai tuần trôi qua, Masa trông ngóng thư người yêu mà không thấy, cô tự an ủi là anh đang quá bận rộn lo chuẩn bị cho cha lên đường. Ba tuần rồi một tháng vẫn không tin tức gì, cô lại nhủ thầm, chắc chỉ nay mai là anh đã có mặt ở Len, kiểu này là anh muốn dành cho mình sự bất ngờ đấy thôi! Một tháng nữa trôi đi vẫn không có một chút hồi âm từ Đức Phổ. Masa bắt đầu thấy lo lắng và linh cảm như có điều gì chẳng lành đang đợi. Cô tìm đến trường Mỹ thuật. Ở đây người ta cho biết Đức Phổ đã được xóa tên khỏi danh sách nghiên cứu sinh từ gần hai tháng trước. Masa không tin ở tai mình, cô lao đến Lãnh sự quán Việt Nam thì được giải thích, tình hình chiến sự ở Việt Nam lúc này đang diễn ra ác liệt, hàng vạn thanh niên, sinh viên miền Bắc đã viết đơn bằng máu tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu. Đức Phổ chắc cũng nằm trong số này! Thế thì anh phải viết thư cho cô biết chứ? Vô lý! Vậy thì điều gì đã xẩy ra? Cô khóc nấc và nước mắt giàn giụa khi chạnh nghĩ tới điều kinh hoàng nhất, anh đã nói dối mình, đã phản bội mình, đã coi tình yêu mà mình trao gửi chỉ là một trò chơi phút chốc. Masa ngồi phệt xuống bậc thềm bên ngoài Lãnh sự quán nhăn nhó ôm bụng, cái thai gần năm tháng bỗng nhiên đạp dữ dội, cô xoa tay nhẹ nhàng lên bụng và cái thai hình như hiểu ý đã ngoan ngoãn nằm yên. Trái tim se sắt hoang lạnh và cô cay đắng nhớ lại, Đức Phổ chưa hề biết hai người đã có con với nhau!
Tiếp đấy là những ngày đầy khó khăn thử thách với Masa. Cô phải căng sức học thi trả nợ nốt môn học cuối cùng để hy vọng đủ điều kiện tham dự kỳ thi tốt nghiệp cuối khóa. Mẹ cô đã phải bỏ cả việc nhà ở quê tận Krônxtas lên Len săn sóc con gái. Thầy giáo cô, phó tiến sĩ Xtêmenkô, người đã ngỏ lời yêu từ trước khi Masa gặp Đức Phổ, thì nay trước hoàn cảnh lỡ dở của cô, anh vẫn nói một lòng yêu và sẵn sàng theo mẹ con cô đi tới cùng trời cuối đất. Tình yêu đắm say mà có lúc Masa cho là thái quá ấy, đã khiến cô lẫn lộn nghĩ rằng nó giống như sự thương cảm của kẻ có tấm lòng vị tha, và thế là cô đã kiên quyết chối từ, và chối từ luôn cả sự giúp đỡ trong học tập thi cử. Nhưng tất cả những giầy vò về thể xác và tinh thần như thế đều không thể so sánh với một thực tế phũ phàng đang dần hiển hiện, đứa con trong bụng ngay khi sinh ra đã không có bố! Nỗi tủi nhục bao trùm khiến Masa có lúc đã nghĩ đến chuyện buông xuôi. Nhưng rồi bản năng làm mẹ đã cho cô một sức mạnh lạ kỳ. Cô tự nhủ, bằng mọi giá mình phải sống và trở thành bác sĩ y khoa trước khi con ra đời, tương lai của con phụ thuộc rất nhiều vào điều đó!
Và Philipôna đã làm được điều tưởng như không thể. Cuối năm đó cô tốt nghiệp với tấm bằng loại trung. Nhưng kết quả này cộng với hoàn cảnh éo le đầy tai tiếng, đã khiến cô không thể xin việc ở bất cứ nơi nào tại Lêningrad hoặc một thành phố lớn nào khác. Trong khi đó, không ít địa phương xa xôi lại luôn có những thông báo tuyển dụng bác sĩ y khoa với những điều kiện đãi ngộ hấp dẫn. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Masa quyết định sẽ nhận công tác ở bệnh viện đa khoa thành phố Vlađivôstôk, nơi cô sẽ được cấp ngay một căn hộ đủ tiện nghi cùng với điều kiện chăm sóc y tế cũng như tiền lương và trợ cấp 6 tháng nuôi con. Chọn Vlađivôstôk, thành phố thuộc châu Á xa xôi miền Viễn Đông, nơi cách Len cả chục nghìn cây số, tận nơi sâu thẳm trái tim tan nát của mình, Masa còn khắc khoải nuôi chút hy vọng mong manh rằng, ở nơi luôn có những chuyến tầu đặc biệt chở vũ khí sang giúp Việt Nam đánh Mỹ, rồi lại từ đấy trở về với những lô hàng nông sản miền nhiệt đới, biết đâu vì thế mà cô lại tìm được chút tin tức nào đó về người đàn ông bội bạc của mình, mà cho đến nay cô vẫn nặng lòng thương nhớ!
*
* *
Đến lúc này thì Natasa đã hiểu, lâu nay mình mang họ của mẹ không đơn thuần chỉ vì mẹ không muốn để con gái nhớ về một người đàn ông Nga nào đó đã phản bội mẹ. Quan trọng hơn khi làm việc đó, mẹ còn muốn giấu luôn câu chuyện tình dang dở với một người nước ngoài, điều mà dư luận xã hội không phải bao giờ cũng dễ cảm thông. Bởi vậy sau câu chuyện mẹ kể, cô hiểu chuyến du học Việt Nam lần này không chỉ là cơ hội học tập để trở thành nhà ngôn ngữ tiếng Việt, mà cô còn mường tượng về một hành trình thầm lặng mà mình sẽ đi để tìm về cội nguồn huyết thống.
Khi đã tạm ổn định việc ăn ở và học tập, Natasa liền bắt tay vào việc tìm kiếm của mình. Nhưng phải bắt đầu từ đâu khi mà những thông tin về người cha bí ẩn lại vô cùng ít ỏi? Huỳnh Đức Phổ, sinh khoảng 1946, quê quán tại một thành phố biển miền Trung, theo cha tập kết ra Bắc năm 1954, là con độc nhất trong gia đình, nghề nghiệp họa sĩ điêu khắc. Chấm hết!
Natasa đã trình bầy hoàn cảnh với cơ quan Lãnh sự Nga và đề nghị được giúp đỡ. Hai tháng sau cô nhận được thông báo là không có kết quả gì bởi thông tin ban đầu quá nghèo nàn, sự việc lại xẩy ra từ lâu trong chiến tranh!
Sau mấy tháng tập trung học những môn cơ bản, tới nay công việc ở trường cũng không chiếm nhiều thời gian nữa. Có khi vài tuần Natasa mới phải đến trường gặp giáo sư hướng dẫn một buổi, thời gian còn lại chủ yếu là ở nhà đọc sách tham khảo hoặc viết tiểu luận chuyên đề. Sự chủ động về công việc đã khiến cô nẩy ra ý định sẽ dành thời gian tìm đến các thành phố biển miền Trung. Để làm gì ư? Cũng không biết nữa! Nhưng trái tim cô vẫn thầm mách bảo, rồi đến một ngày nào đó, ở một nơi nào đó, thể nào cô cũng sẽ gặp được một điều gì đó đang đợi chờ mình!
Trong vòng nửa năm Natasa đã lần lượt đi qua gần một chục thành phố và tới đâu cũng chụp rất nhiều ảnh. Sau mỗi chuyến đi cô lại sắp xếp, lưu giữ ảnh vào máy tính xách tay để thỉnh thoảng lấy ra ngắm nhìn với một tâm trạng đầy ưu tư. Trong một lần, một ý nghĩ chợt lóe lên, nếu cha mình là nhà điêu khắc thì chắc ông sẽ để lại dấu ấn riêng trên những tượng đài. Thế là rất nhiều ảnh tượng đài chụp được trong những chuyến đi đã được mở ra. Cô thấy thất vọng khi nhận ra các nhân vật trong những nhóm tượng phần lớn đều tỏ ra giản đơn trong cách thể hiện, khác xa với phong cách tài hoa tinh tế trong bức Nữ thần Mùa Thu mà mẹ con cô vẫn gìn giữ trong một căn phòng ở Vlađivôstôk. Màn hình máy tính bỗng xuất hiện hình ảnh một tượng đài bằng đá trắng có ba nhân vật được thể hiện theo phong cách tả thực, đặc biệt nhân vật nữ đứng giữa đang trong tư thế vươn người như bay lên phía trước. Natasa thảng thốt nhận ra sự tương đồng giữa hai nhân vật nữ của hai bức tượng, một ở đây và một ở Vlađivôstôk xa xôi. Ngay hôm sau cô bắt xe đò trở lại nơi có bức tượng độc đáo đó. Một thoáng thất vọng khi thấy tên tác giả không phải là Đức Phổ mà lại là Hoàng Đan. Nhưng càng ngắm nhìn thì niềm hy vọng mong manh tưởng như đã mất nay trở lại và lớn dần trong cô. Natasa quyết định sẽ lưu lại đây để tìm hiểu về người họa sĩ ấy.
Tại văn phòng Sở văn hóa - Thông tin địa phương, người ta cho biết bức tượng này họa sĩ Hoàng Đan đã giành được giải nhất trong cuộc thi sáng tác tượng đài của tỉnh từ hơn chục năm về trước. Hồi đó ông sống ở Đà Lạt nhưng lại hay lang thang đến các tỉnh để thực hiện các tác phẩm của mình. Hiện nay không dám chắc là ông vẫn sống trên cái thành phố sương mù đó. Muốn tìm, chắc chỉ còn cách là phải lên tận nơi!
*
* *
Ngôi biệt thự của họa sĩ Hoàng Đan nằm trên một triền đồi rộng kẹp giữa hai con phố nhỏ. Một hàng rào gỗ sơn trắng phủ kín hoa tầm xuân chạy vòng quanh khu vườn. Có một cái cổng cũng bằng gỗ không khóa nhưng lại treo cái chuông, để mỗi khi có khách thì nó thay mặt chủ nhà cất lên những tiếng reo vui.
Vào một buổi chiều nắng ấm tháng Chín, chuông nhỏ đã lại reo lên. Khách là một cô gái châu Âu quần bò áo phông vai đeo ba lô. Cô ngập ngừng bước theo con đường rải sỏi dẫn vào mảnh sân lớn. Tới đây cô không rẽ về phía ngôi nhà mà giống như là bị hút về phía khu vườn đối diện, nơi rải rác đặt những bức tượng tạc bằng đá trắng. Lướt qua những bức bên ngoài cô hối hả đi về phía trung tâm khu vườn. Có một bức tượng cao như người thật tạc bằng đá trắng nguyên khối, mô tả một phụ nữ đang trong tư thế vươn người hướng về phía trước, hai cánh tay như hai cánh bay lên, những dải lụa vương vấn quanh tấm thân hoàn mỹ như những làn mây mỏng. Ngắm nhìn khuôn mặt đẹp của người trong tượng, cô gái bỗng khe khẽ kêu lên:” Mẹ ơi! “.
Có tiếng bước chân nhè nhẹ phía sau, cô gái quay lại. Một người đàn ông cao lớn, mái tóc dài bồng bềnh và chòm râu quai nón rậm rạp, tất cả đều đã ngả sang màu khói sương, người ấy tiến về phía cô mỉm cười chào bằng một câu tiếng Anh. Một chút đắn đo, cô trả lời bằng một thứ tiếng Việt rành rẽ:
- Cháu đi du lịch qua đây, thấy vườn tượng đẹp quá nên ghé vào thăm. Chưa được phép chủ nhà mà đã vào, như thế là không phải, mong được bác thứ lỗi!
Chủ nhà xua xua tay cười cởi mở:
- Không, không có gì! Nghệ thuật là của mọi người, cổng cửa nhà này rộng mở quanh năm đón chào tất cả những ai yêu mến cái đẹp… Thế cháu học tiếng Việt ở đâu mà nói giỏi thế?
- Cháu học ở Vlađivôstôk.
- Vậy cháu là người Nga à, quê vùng nào nhỉ?
- Cháu ở Xanh Pêterbua.
Mắt như nhìn về một nơi xa lắm, ông thốt lên:
- Len à ! Im lặng hồi lâu rồi hạ giọng như tự nói với mình - Xa thế mà tôi đã từng ở Len rồi đấy!
Cô gái cố giấu vẻ xúc động:
- Bác ở hồi nào vậy bác?
- Hai mươi bẩy năm về trước!
Cô hít một hơi thật sâu :
- Bác ở bao lâu?
- Gần ba năm.
- Lâu thế chắc bác cũng có được những kỷ niệm nào đấy về thành phố này, chẳng hạn như phong cảnh, kiến trúc, thời tiết hoặc về con người?
Ông im lặng từ từ nhìn vào người trong tượng thở dài:
- Nếu cháu có thời gian bác mời vào nhà uống cà phê.
Trong phòng khách.
Chủ nhà đặt lên bàn hai phin cà phê đang thánh thót nhỏ giọt chậm rãi bảo, đây là loại cà phê ngon nhất vùng, hôm nay gặp được người Lêningrad, vui mừng như gặp lại bạn cố tri, ông muốn mời ly cà phê quý mà chỉ dành cho những bạn thân tình. Cô gái nhìn chủ nhà tỏ vẻ biết ơn, còn chủ nhà lại im lặng nhìn cô như cố nhớ về một điều gì xa lắm mà không thể, ông bỗng hỏi:
- Xin lỗi cháu tên gì?
- Cháu Natasa.
- Còn họ?
- Philipôna.
Ông kêu lên:
- Philipôna!!!
- Vâng Philipôna, có điều gì với bác hay sao bác Hoàng Đan… xin lỗi, bác là họa sĩ Hoàng Đan phải không ạ?
- Bác là Hoàng Đan, nhưng sao cháu biết?
Cô gái, mà bạn đọc chắc đã nhận ra là Natasa, tỏ ra mạnh dạn hơn:
- Bác là một họa sĩ nổi tiếng, cháu đã được xem tượng của bác trước khi đến đây.
- Còn bác lại cứ nghĩ là đã thấy cháu ở đâu đó trước cuộc gặp này.
- Thế giới cũng nhiều người giống nhau mà bác. Biết đâu ở Len ngày ấy bác đã gặp một người có khuôn mặt giống cháu?
Lời gợi ý như đánh thức góc ký ức xa mờ mà suốt nhiều chục năm qua họa sĩ đã chôn chặt trong lòng. Bởi thế khi Natasa đề nghị ông nói về một kỷ niệm đáng nhớ về Len thì ông đã bồi hồi mở lòng kể cho cô nghe câu chuyện đời mình.
Ngay từ lúc đứng ngắm bức tượng giữa vườn giống như được nhân bản từ bức Nữ thần Mùa Thu, Natasa đã có một linh cảm mơ hồ về sự trùng hợp của hai cái tên Hoàng Đan và Đức Phổ. Cho đến khi câu chuyện của họa sĩ xuất hiện người thiếu nữ có tên Masa Philipôna thì chẳng còn nghi ngờ gì nữa, cô đã tin chắc rằng người đang ngồi kể chuyện, không thể là ai khác mà chính là họa sĩ Huỳnh Đức Phổ và cũng chính là cha đẻ của mình. Natasa cố kìm nén niềm xúc động nghẹn ngào và nỗi tủi hờn năm tháng để nước mắt không thể trào dâng. Cô vẫn ngồi đó chăm chú lắng nghe như muốn được chia sẻ nỗi niềm với người họa sĩ già, và cũng là để hy vọng biết thêm những điều chưa biết về cha mẹ mình. Nhưng câu chuyện dường như cũng chỉ là những điều giống như mẹ đã kể, và có vẻ nó cũng sẽ dừng lại ở đoạn ông đột ngột trở về Việt Nam để rồi không bao giờ quay lại nước Nga, điều mà mẹ cho là ông đã phản bội bà từ ngày ấy! Lúc này hai tiếng phản bội dù chỉ mới thoáng qua trong đầu, thế mà bao nhiêu cảm xúc hân hoan hạnh phúc và khát khao mong đợi chất chứa trong lòng bỗng như đã tan biến đi đâu. Trong phút chốc, Natasa hình dung như mẹ Masa đã hóa thân vào mình để đối thoại với người đàn ông này.
- Điều gì đã xẩy ra khiến bác không thể trở lại với mối tình đẹp như mơ và một hạnh phúc đích thực đang đợi chờ?
Thân hình người đàn ông cường tráng như bị quặn lại, ông rên rỉ như đang nằm trên giường bệnh:
- Câu chuyện dài lắm và không biết phải bắt đầu lại từ đâu!
- Bác có thể bắt đầu từ ngày đầu tiên khi trở về Hà Nội để gặp cha mình.
Và thế là câu chuyện của ông lại đưa Natasa đi tiếp phần còn lại mà mẹ cô vẫn còn để dở.
*
* *
Trở về Hà Nội gặp cha được hai ngày thì hai cha con phải chia tay nhau để ông dẫn quân lên đường. Trước lúc lên xe, ông chỉ căn dặn con trai phải cố gắng học tập cho tốt để nay mai trở về đem tài năng xây dựng quê hương. Đức Phổ hứa sẽ làm theo những gì cha dặn, và ông có thể yên tâm là trong bất cứ hoàn cảnh nào anh cũng sẽ sống sao cho xứng đáng là con của một người lính trung thực dũng cảm.
Ngày hôm sau Đức Phổ đi làm thủ tục đăng ký vé máy bay trở lại Liên Xô, ở đây người ta cho biết hồ sơ của anh không hợp lệ. Anh quay lại Bộ chủ quản nhờ can thiệp thì được mời ngay lên Vụ Tổ chức. Tại đây ông vụ trưởng đã lạnh lùng thông báo, anh không được quay trở lại Liên Xô nữa vì đã vi phạm kỷ luật quản lý lưu học sinh ở nước ngoài, bởi thời gian ở Lêningrad anh đã sống quá ư là phóng túng, vi phạm cả những điều cấm kỵ, dám quan hệ bất chính với một nữ sinh người Nga, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín và thanh danh của cộng đồng lưu học sinh Việt Nam, ảnh hưởng không tốt tới mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân và sinh viên hai nước!... Ông trao cho Đức Phổ bản quyết định kỷ luật trả anh về cơ quan cũ rồi quay lưng bỏ đi.
Thì ra là như thế! Họ đã mượn cớ cha anh có nguyện vọng được gặp con trai trước khi ra mặt trận để đưa anh về nước. Sự việc sao bỗng trở nên nghiêm trọng thế khi anh không có tội gì ngoài mối tình trong sáng và chân thành dành cho người con gái anh yêu và sẽ yêu suốt đời? Anh không lo ngại cho danh dự cá nhân mình bị xúc phạm, nhưng một nỗi tủi hận dâng nghẹn trái tim khi anh nghĩ tới Masa và tình yêu trong sáng nàng hiến dâng cho mình. Phải làm gì để bảo vệ sự thanh cao của người con gái ấy? Anh đã gõ cửa nhiều nơi để cố gắng trình bầy cho mọi người biết rõ sự thật, nhưng không ai muốn nghe anh cả. Có người còn bảo đừng làm cái việc vô ích là muốn làm sạch cho người khác khi mình đang vấy bẩn!
Những ngày này Đức Phổ dường như chỉ còn mỗi việc để làm là viết thư gửi Masa. Anh hy vọng hơi ấm tình yêu mà nàng đem lại sẽ giúp anh xua đi nỗi thất vọng, chán chường và cô đơn. Nửa tháng sau anh nhận được thư, nhưng không phải là của Masa mà lại là của chính mình! Bức đầu tiên, rồi những bức tiếp theo lần lượt quay về với anh. Những bức thư nhàu nát với một con dấu có dòng chữ màu đen đóng khung “Không người nhận”, chúng cong queo nằm trên sàn nhà mỗi khi anh mở cửa bước vào. Một người bạn thân phỏng đoán, như thế là tên của anh đã nằm trong danh sách đen cơ quan an ninh, mọi thư từ đều bị phong tỏa kiểm duyệt. Chẳng biết có phải thế không, chỉ biết mười bức gửi đi là đủ mười bức quay về!
Vào một ngày lạnh giá cuối năm, Phổ cắn tay viết một bức thư bằng máu gửi lên thủ trưởng đơn vị cũ của cha mình xin được tình nguyện vào Nam chiến đấu. Nguyện vọng được chấp thuận và chưa đầy một tuần sau anh khoác ba lô lên đường theo dấu chân của người cha, hướng về nơi đang gầm vang tiếng súng vọng về.
Kết thúc chiến tranh Đức Phổ trở về thành phố quê hương. Cha đã hy sinh trong trận đánh cuối cùng tiến vào thành phố, mẹ mất tích trong chiến tranh. Hai năm sau anh lập gia đình. Khi đứa con đầu lòng bị dị tật ra đời và chỉ sống được nửa ngày, anh đau đớn nhận ra mình đã bị nhiễm chất độc màu da cam trong thời gian chiến đấu ở rừng. Anh hiểu là mình không thể đem lại hạnh phúc cho người vợ trẻ cũng như bất cứ ai khác, nên trong suốt thời gian sau đó đã kiên tâm khuyên giải cho vợ hiểu là cần phải chia tay nhau để cô tìm hạnh phúc mới. Anh để lại tất cả tài sản nhà cửa cho vợ rồi một mình chuyển lên sống ở vùng ngoại vi Đà Lạt với cái tên Hoàng Đan như muốn vĩnh viễn xóa đi quá khứ bất hạnh của mình. Anh mua một vạt đồi nằm ven cánh rừng thông và dựng một gian nhà gỗ vừa để ở vừa làm xưởng điêu khắc. Hơn chục năm sau, thành phố phát triển ra xung quanh, nơi anh ở trở thành khu dân cư, anh bán một phần đất lấy tiền xây nhà và dành phần còn lại để xây dựng một khu vườn tượng, trong đó bố trí đầy đủ những bức đã từng gắn chặt với những kỷ niệm sâu sắc nhất trong mỗi chặng đời đã qua…
*
* *
Cố gắng không để tiếng khóc bật ra nhưng nước mắt thì cứ giàn giụa chẩy, Natasa không thể đợi lâu hơn nữa, cô mở ba lô lấy ra ba cuốn ký họa Đức Phổ tặng Masa ngày nào đưa cho họa sĩ. Ông giơ tay đón nhận rồi khó nhọc mở ra trang đầu tiên của cuốn đầu tiên. Sắc mặt bỗng tái nhợt, ông run run hỏi:
- Cháu lấy những cuốn sổ này ở đâu?
Giọng Natasa chỉ còn là những tiếng thở thều thào đứt quãng:
- Mẹ đưa cho… và bảo đưa lại…
- Mẹ ???
- Vâng… mẹ Masa…
Họa sĩ Đức Phổ kêu lên:
- Masa, Masa của tôi!?
- Vâng, đúng là Masa Philipôna.
Ông ngồi bất động như một pho tượng đá, còn Natasa lại đang hết sức gắng gỏi để nói lên điều khó nói nhất:
- Và… và bác còn có một… người con gái...
Người họa sĩ già ôm ngực loạng choạng đứng lên:
- Con gái tôi!?
Natasa cũng bật khóc đứng dậy:
- Vâng, một người con gái…tên…
Ông như choàng tỉnh sau những phút giây mụ mị:
- Là… Natasa!?
- Vâng… là Natasa! Ba ơi… con, con là con gái Natasa của ba đây.
Rồi cô lao vào vòng tay dang rộng của ông trong tiếng nấc nghẹn ngào của cả hai người…
Lúc này mặt trời lấp ló sau những dải sương mù trên đỉnh Langbiang đang tỏa ra những tia nắng xiên khoai hình nan quạt, đã phủ lên đồi cây mimôda và thảm dã quỳ một thứ ánh nắng như bụi vàng lấp lánh. Tất cả những bức tượng trong vườn đều bừng sáng lên khi ánh nắng chiếu tới, và bức lớn nhất ở trung tâm khu vườn lại là bức rực rỡ hơn cả.
N.Đ.N.
(Tân văn số 1 - NXB Hội Nhà văn tháng 11 - 2012)
|