Bìa 1 - Tân văn số 1
Tung cánh chim tìm về tổ ấm
nơi sống bao ngày giờ đằm thắm
nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi
luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh.
Vừa thả trôi xe đạp, vừa ngân nga, đó là người đàn ông mắt sâu, đội mũ nồi vẫn đến nhà tôi những năm 80. Giọng của anh nếu làm ca sĩ thì chắc cũng thành công chứ chả vừa, vì trầm như nghệ sĩ Trần Hiếu, nhưng người ta biết đến anh không phải một nghệ sĩ mà là một võ sư.
Võ sư Duy thân thiết với gia đình tôi như ruột thịt. Cuộc sống của anh nhiều thăng trầm. Anh thích nhất bài “Ngày về của Hoàng Giác. Lời bài hát như vận vào số phận khiến anh sống phần lớn thời gian là xa xứ. Cũng không hẳn vì câu hát mà vì theo đuổi tình yêu. Một tình yêu đằng đẵng nghìn trùng.
Người anh đó là Phạm Duy Duy. Đối với tôi đó là người anh, người thầy, cũng là người bạn vong niên và ảnh hưởng đến tôi rất nhiều về cách nghĩ, cách xử thế. Anh không giống một sư phụ thần bí trong điện ảnh kungfu mà là một người hài hước trào lộng.
Anh vẫn hay trêu tôi: Đừng tưởng anh mày không biết gì về nhạc nhẽo nhé. Anh của em thì trình độ nhạc rất bình thường thôi, nhưng bét ra vẫn đủ hiểu thế nào là nốt si bê mon kha kha kha...
Anh có lối hành xử phóng khoáng, hào hiệp nhưng thường không nhận mọi lời khen tặng. Anh cứ giễu mình với câu: Anh của thằng em là một tấm gương sáng nhưng không ai thèm soi... và đừng dại gì mà soi.
Cách đây gần 30 năm, tôi biết anh đang yêu, nhưng không nghĩ là tình yêu của anh nó vất vả thế. Bọn tôi vẫn hay đùa thế này:
Yêu nhau mấy núi cũng trèo, trừ núi nào... cao quá.
Với anh Duy thì chưa có núi nào được coi là đỉnh everest cả. Anh sẵn sàng leo bất kỳ ngọn núi nào nếu ở đó có người yêu của anh, tức là có chị Liên đang đợi ở đó.
Anh Duy sống tại Đông Âu, mỗi lần về nước, tôi lại hỏi: Anh về kỳ này có chương trình hành động gì không?
Anh bảo: Ngoài chuyện anh em mình đi chơi, đàm luận sách vở văn chương thì thời gian còn lại hoàn toàn dành vào việc đi nịnh gia đình vợ.
Câu này thực ra nên hiểu ngược lại, bằng cách đảo trật tự mới chuẩn.
Mình thắc mắc: Sao anh bị nhà vợ ghét lâu thế?
Anh cười khà khà: Chịu.
Sinh năm 1952, là con trai trưởng của một gia đình đông con nên anh vất vả từ bé. Nhà Phạm Duy Duy dám chắc nghèo nhất thủ đô. Từ nhỏ anh đã đi làm để phụ giúp gia đình, bằng bất kỳ nghề nào, kể cả những việc nặng cần cơ bắp như bốc vác hay cần khéo tay như thợ mộc.
Bố anh làm công nhân, mẹ thì nuôi cả đàn con bằng nghề nấu xôi, vốn nổi tiếng ở làng Tương Mai. Tuy lao động đầu tắt mặt tối, nhưng Phạm Duy Duy vẫn đảm bảo luôn là học sinh giỏi toàn diện, được thi học sinh giỏi toán cấp miền Bắc. Sau thì học đại học Giao thông và trở thành một kỹ sư giao thông của công ty cầu đường Hà Nội, năm 1980, anh được nhận bằng “Lao động sáng tạo” do những sáng kiến cải tiến kỹ thuật hiệu quả.
Cũng chính vì học giỏi mà anh thường được tín nhiệm mời làm gia sư. Một trong những học sinh của anh chính là chị Kim Liên. Thầy bắt đầu thinh thích trò từ năm cấp 2, nhưng thời đó thì thích là thích chứ không dám ho he gì. Gia đình chị Liên là một gia đình truyền thống kiểu Hà Nội cổ trên phố Bạch Mai, có gia phong khắc nghiệt. Chị Liên từ nhỏ đã được dạy dỗ nữ công gia chánh rất nghiêm chỉnh.
Kim Liên là người chu đáo và vui tính nhưng cũng rất đanh đá khi cần thiết. Khi chị Liên lớn vụt lên thành một thiếu nữ thì bắt đầu họ có những tình cảm thực sự. Phụ huynh nhà gái cũng không hề biết.
Tất cả những gì hai người có cho nhau chỉ là những nụ cười hoặc một cây kem Tràng Tiền.
Khi chị Liên học cấp 3 thì bắt đầu mệt mỏi vì các chàng săn đón. Thời ấy thì các chàng cũng chỉ đi xe đạp là sang lắm rồi. Trong số đó có cái xe “bô nhếch” nhất là xe của Phạm Duy Duy.
Ta sống không một lời trìu mến như bóng con đò chiều lạc bến
Thật mâu thuẫn. Lời ca mà anh thích đầy u uồn và thất vọng. Nó ngược với phong thái của anh đầy kiêu hãnh đi giữa đám tình địch như vào chỗ không người . So với các “cây si” hào nhoáng mò đến “mọc rế” ở nhà chị Liên thì anh Duy thật lạc lõng. Lúc nào cũng đội cái mũ nồi đầy nắng gió và một phong thái tự tin, tự tin đến khó chịu.
Anh Duy có sức hấp dẫn đặc biệt đối với bạn bè và đàn em. Anh là người tổng hợp cả con người của học thuật lẫn sự ngang tàng của thanh niên đường phố. Nhắc đến thành tích ngỗ nghịch đường phố thì dân giang hồ đều ngán từ xa.
Có một điều người ta hay nhắc đến anh nhiều hơn là vai trò của một võ sư. Anh là cháu cụ Phạm Duy Sen, từng đoạt giải vô địch kiếm thuật Đông Dương, một người yêu nước có cây kiếm tham gia cách mạng còn lưu tại bảo tàng cách mạng Việt Nam.
Phạm Duy Duy có năng khiếu võ thuật đặc biệt và rèn tập võ cổ truyền từ nhỏ, nên khi trưởng thành thì vốn liếng võ nghệ của anh đã ở mức tầm cỡ của miền Bắc. Làng võ thường nhắc đến quyền cước kỳ diệu khó tin với những lời bình luận kính trọng.
Phạm Duy Duy cũng kén học trò. Anh luôn lý giải các bí quyết võ thuật bằng cách phân tích trên sơ đồ toán học, vật lý nên rất nhiệt tình dạy những môn sinh giỏi các môn tự nhiên. Anh dạy võ không đơn giản là quyền cước mà luôn cho học sinh hiểu rõ ý nghĩa lợi hại trên giấy với các đồ hình véc tơ, các quỹ đạo và phân tích từng “chìa khóa” của đòn, nghĩa là các mẹo mực dưới ánh sáng của khoa học hiện đại. Và hơn tất cả là ứng dụng tinh thần thượng võ trong cuộc sống, lao động và vươn lên. Học trò của anh có nhiều người thành đạt, trong đó có một vị tiến sĩ viện trưởng một viện trong Viện Khoa học Việt Nam.
Sau này sống tại Đông Âu, Phạm Duy Duy sáng lập và làm chủ tịch “Hiệp hội những người yêu võ Việt Nam” tại Liên Xô. Ở đây, anh đã huấn luyện cho nhiều tầng lớp, trong đó có đặc nhiệm và cảnh sát nước này. Học trò của anh đã sử dụng võ Việt tham gia thi đấu và đoạt nhiều chức vô địch của các giải võ thuật châu Âu và thế giới trong nhiều thể thức khác nhau.
Với Phạm Duy Duy, võ thuật không chỉ là nghệ thuật chiến đấu và rèn sức khỏe đơn thuần. Những ngày hội võ thuật thường niên của anh gắn liền với các hoạt động văn hóa hữu nghị Việt - Xô. Những hoạt động của anh làm hình ảnh người Việt được nâng cao trong mắt người dân sở tại.
Trong ấn tượng từ nhỏ của tôi, Anh Duy là một người hấp dẫn, mắt sáng uy lực, mình dày, thân thủ nhanh như chớp. Hoàn hảo.
Có lần tôi hỏi: Trong người anh chẳng lẽ không có bệnh gì sao?
Anh Duy cười khà khà: Tao chỉ bị mỗi bệnh tim thôi. Bệnh này nan y khó chữa lắm.
Ông anh tôi thật là phức tạp:
Phong trần tha hương bao nhớ thương tim buồn ta mơ đôi bóng uyên
Ôi giời! Bệnh tim thì ai mà chả bị. Riêng gì anh. Ai chả yêu đương khổ sở. Nếu không yêu thì tim chỉ là một cái máy bơm mà thôi. Biết thừa. Chứng nan y này trên thế gian chỉ duy nhất có một cô gái ở phố Bạch Mai mới chữa được cho anh.
Không rõ vì lý do đó không mà gia đình Liên phản đối quyết liệt chuyện tình cảm của con gái. Cả bố mẹ, chị và các em đều phản đối quyết liệt. Nhưng tình cảm là cái luôn đi ngược lại mọi áp lực.
Khi chị Liên đủ tuổi lấy chồng rồi, thì anh Duy quyết định bày tỏ nguyện vọng, nhưng nhà chị Liên bác bỏ. Lý lẽ chưa đủ, Cha của chị Liên còn ngăn cấm con gái bằng những trận đòn bằng dây cao su. Vì thương mà đánh. Con gái nhà lành không thể để rơi vào tay thanh niên đường phố “đầu đội trời chân đạp dép “ được. Lý do vì sao thì rất bí ẩn, nhưng nếu nhìn bên ngoài thì gia đình nhà vợ có lý. Họ phải thương con hơn bất kỳ ai. Vết roi còn hằn khắp đôi chân đến rớm máu. Nhưng những trận đòn cũng không thể làm trái tim cô con gái thay đổi.
Anh Duy xót xa nói với người yêu: Giá như mà bố em đánh anh thì anh chịu hết. Tất nhiên, không ông bố nào lại làm thế. Phải trị “cái mầm họa” trong nhà mới là trị từ gốc. Con mình không yêu thì mới nói chuyện người ngoài. Mà đánh ai chứ dại gì đánh ông tướng tập võ mình đồng da sắt thì khác nào đánh vào cái bị bông. Khổ nỗi, Cô con gái không thể yêu bất kỳ ai khác ngoài anh chàng xe đạp cà tàng và cái mũ nồi bạc phếch.
Để có thể hẹn hò với nhau là chuyện tày trời, không dễ qua mắt gia đình, họ phải nhờ viện binh là bất kỳ tình nguyện viên thân quen nào có lòng hảo tâm.
Những tình nguyện viên, có thể là một anh bạn vô thưởng vô phạt; Chị hàng xóm tốt bụng và nhiều người khác.
Thời ấy không có điện thoại nên việc hẹn hò bằng các tin nhắn qua tờ giấy hẹn gập tư qua tay tình nguyện viên. Sau đó chị Liên theo xe đạp hoặc tàu điện cùng tình nguyện viên đến điểm hẹn. Đương nhiên, thời gian đi vắng chỉ là “Con đi một tý về ngay” nên không thể thất tín được. Đúng giờ, tình nguyện viên “hảo tâm” lại đèo chị Liên về giao lại cho phụ huynh.
Phạm Duy Duy rất muốn cưới mà chưa có kế nào khả thi cả. Mọi âm mưu đều bị giải tán từ trứng nước.
Chẳng thể nào che chắn mãi được. Biện pháp mạnh nhất của gia đình là dùng kế “bây giờ chia rẽ đôi nơi”. Cơ hội của gia đình là tìm được xuất đi làm may mặc tại Liên Xô (vốn rất hiếm lúc bấy giờ), nên gia đình khẩn trương điều con gái sang đó ngay. Thời những 1982, được xuất ngoại là cả một kỳ công chật vật chứ không như thời mở cửa bây giờ, cứ có tiền đầy túi, muốn đến nước nào cũng được. Từ nay cách xa nghìn trùng. Đừng có mơ lấy được ái nữ nhà ta. Hy vọng rằng xa mặt cách lòng, con gái họ có thể phải lòng ai đó. Miễn đừng bao giờ nhớ tới anh chàng mũ nồi bạc phếch.
Năm tháng phai mờ lời hẹn ước
trong gió sương hình người tình mến
oán trách ai quên lời thề lúc ra đi
thôi ước mơ chi ngày mai
Nhận được tin dữ từ người yêu, Phạm Duy Duy vỗ đùi đánh đét: Có cách rồi.
Sau đó anh tương kế tựu kế dùng mọi quan hệ, tìm cách xin làm đội trưởng đội xuất khẩu lao động và bay được sang Liên Xô bằng được. Nhưng cũng chẳng dễ dàng gì, phải hai năm sau anh mới xuất ngoại thành công. Đó là năm 1984. Chuyến bay đó là một bước ngoặt của đời anh. Đây là cơ hội lớn để chàng trai giỏi toán giải quyết bài toán lấy vợ.
Tung cánh chim tìm về tổ ấm
nơi sống bao ngày giờ đằm thắm
Gia đình chị Liên yên tâm phen này thoát, nhưng không hề biết rằng các chiến sĩ tình báo đã bắt được liên lạc với nhau. Thế là thư từ qua lại tiếp tục giữa 2 thành phố xa xôi, từ Trung Á tới Đông Âu.
Tha thiết mong tìm về bạn cũ
nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió
vắng tiếng chim xanh ngày vui hót tung mây
mờ khuất xa xôi ngàn phương.
Ước mơ của anh ngày càng gần. Phải xa quê hương chục ngàn cây số, nhưng lại được gần người yêu chỉ có hơn 1000 km thôi:
Trông bốn phương mờ hàng lệ thắm
mơ đến em một ngày đầm ấm
Ngược với bài hát buồn, người con gái trong đời thật chưa bao giờ quên lời thề ước. Không đến nối phải chịu: duyên kiếp sau ta chờ nhau. Khi Phạm Duy Duy vừa sang được vài tháng, đang cặm cụi ở cùng đội lao động ở Druz - Cốp - Ca, thì chị Liên đã từ thành phố Ô - Đzô - nít – Ki - ze (cộng hòa Ossetia tận miền núi Cáp - Ca - Dơ) vượt 1000 cây số bay tới và họ bàn ngay việc lớn, đó là cưới.
Cưới vợ phải cưới liền tay. Các chiến sĩ tình báo đã quyết định chấm dứt thời kỳ hoạt động bí mật, chuyển sang giai đoạn công khai.
Nhưng không thể cưới ngay vì nếu cưới thì ngay lập tức sẽ bị đoàn thể phạt và cho về nước. Đó là quy định bất khả kháng. Vì thế, kế hoạch tạm lùi lại đến hết kỳ hạn là 1986. Chị Liên sẽ phải về nước. Anh Duy bàn phải cưới trong năm 1986 và Kim Liên nên ở lại, nếu không thì anh cũng sẽ về nước theo chị. Thế là họ tổ chức hôn lễ ngay tại cộng hòa tự trị Ossetia.
Biết là bố mẹ sẽ sốc đấy nhưng không thể đừng được. Ông phụ trách người Ossetia hào hứng nói với đôi bạn Việt Nam rằng đây là đám cưới đầu tiên của Việt nam tại nước cộng hòa tự trị này nên họ có thể đứng ra lo việc cưới kể cả hôn lễ phí và sẽ đưa tin trên truyền hình địa phương, nhưng với điều kiện, phải có giấy công nhận chưa vợ chưa chồng từ Việt Nam.
Thế thì không thể rồi. Giấy tờ không quan trọng. Quan trọng là hôn lễ phải được tiến hành. Mọi cưới phí chị Liên lo tất, Phạm Duy Duy chỉ thân chinh mang đến mỗi “ngọc thể” đến. Như thế gọi là “theo không”. Đám cưới vui và đầm ấm. Yêu cầu của thành phố đó là phải cưới theo phong tục nước cộng hòa này, cô dâu không được mặc áo cưới nước khác mà phải mặc đúng trang phục cô dâu cổ truyền của Ossetia.
Chị Liên mặc áo cưới dân tộc này rất xinh, vì chị là người Việt hiếm có lúc bấy giờ cao 1m 70.
Chị Liên gật lia lịa. Mặc trang phục cô dâu nước nào cũng được miễn là không lấy phải ai khác ngoài anh chàng đội mũ nồi Phạm Duy Duy. Nhưng thực ra, đám cưới lúc đó thiếu giấy tờ từ Việt Nam thì vẫn là cưới chui, mà chữ nghĩa thì gọi là bất hợp pháp.
Thế là hai người Việt Nam lưu lạc đã cưới ở một thành phố trung Á xa xôi mang cái tên lổn nhổn Ô Đzô Nít Ki Ze. Mọi thứ đều xa lạ nhưng tình yêu thì vẹn nguyên.
Anh Duy thật mâu thuẫn. Cái mà anh dậy cho hàng ngàn võ sinh người Âu và các châu lục mấy chục năm nay là ý chí mạnh mẽ của con nhà võ mà chính anh lại sở hữu một trái tim mong manh thế. Anh chị cũng tự thấy tình yêu của mình thật khó tin. Như một chuyện buồn, như một chuyện vui, như một chuyện cười. Anh Duy vẫn xuyên tạc để chọc quê chị về cái tên thành phố đã cho họ nên vợ nên chồng mà đọc đau cả mồm: Tên gì mà lại là “Ối giời ơi ăn cứt dê” (Ô Đzô Nít Ki Ze).
Vui ở nơi xa nhưng cũng biết là quê nhà thì chả vui vẻ gì. Song hành với đám cưới tại Liên Xô xa xôi, gia đình nhà trai ở Hà Nội cũng mang lễ đến nhà gái, nhưng nhà gái đều khước từ. Phụ mẫu quá buồn. Sau đó, chị Liên về nước an ủi gia đình hai năm rồi sang Liên Xô theo chồng hẳn. Thế là mọi nỗ lực ngăn cản của nhà gái đều tan thành mây khói.
Trên đường tha hương, vui gió sương
riêng lòng ta mang mối nhớ thương
Anh chị sống với nhau hạnh phúc. Sau biến cố Liên Xô tan rã thành nhiều nước cộng hòa, với uy tín của mình, võ sư Phạm Duy Duy cùng Hiệp hội những người yêu võ Việt Nam tại các nước SNG gồm trên 60 thành phố, quảng bá các giá trị Việt Nam tới các nước bạn. Sau này, anh chị về Odessa, sống bên bờ Hắc Hải và lập “Hội Văn hóa Việt Nam”.
Hội có nhiều hoạt động gắn kết hữu nghị Việt Nam - Ucraina và các nước khác. các hoạt động thường niên tổ chức vào ngày quốc khánh 2 - 9. Học võ Việt nam, các môn sinh được học lý thuyết với các môn lịch sử Việt Nam, triết học phương Đông, y học phương Đông (mời giáo sư Việt sang giảng dạy như giáo sư Nguyễn Xuân Tiến). Trong những ngày hội văn hóa, chị Liên có dịp trổ tài nấu món ăn Việt. Những người bạn mắt xanh tóc vàng ở đây rất hào hứng với Việt Nam và họ đã Việt Nam hóa khi có thói quen mới, thích ăn đồ Việt Nam, nước mắm và uống trà Thái Nguyên.
Trong khi nhiều người chỉ quan tâm đến kiếm sống thì Ở Odessa, Phạm Duy Duy nhiều năm bền bỉ đấu tranh với chính quyền thành phố trả lại tên đường phố Tôn Đức Thắng gần bến cảng. Ngược lại thời gian thời thế chiến thứ nhất. Thời còn làm việc trên tàu Pháp, người lính thợ Tôn Đức Thắng đã cũng một số binh lính phản chiến không cho hạm đội bắn đại bác vào hủy hoại Odesa.
Khi quan hệ hữu hảo Việt Xô, chính quyền Ucraina đã tri ân khi đặt tên một đường phố ở đây mang tên Tôn Đức Thắng. Sau Liên Xô tan rã, đường phố bị đổi tên khác. Phạm Duy Duy đã tìm mọi tư liệu lịch sử đấu tranh và thuyết phục việc trả lại tên.
Học trò của anh rất rộng và nhiều tầng lớp. Trong đó có những nhân vật uy tín trong giới trí thức, chính trị gia đã giúp đỡ Phạm Duy Duy tích cực trong công việc này và có những kết quả đáng mừng.
Thế là từ khi thinh thích rồi yêu, rồi cưới được người trong mơ, anh chị đã phải nỗ lực vượt qua quãng thời gian đằng đẵng mười sáu năm trời. Câu truyện cổ tích có thật cũng có hậu khi các nhân vật đã không biết lùi bước. Tất cả những nối buồn rồi cũng qua đi.
lưng trời âu yếm bay tìm đàn
lòng nguyện giờ đây quên quên hết
Vài năm gần đây, mỗi lần về nước, hai anh em đi với nhau không phải đi xe đạp như lúc hàn vi nữa. Hai anh em đèo nhau bằng cái bình bịch. Tôi lại hỏi: Thế nào, kỳ này anh về cũng vẫn là đi nịnh nhà vợ chứ?
Anh Duy: Chứ còn gì nữa.
Sau mấy chục năm, thái độ gia đình vợ đã thay đổi, cải thiện với chàng rể nhiều. Nhưng không vì thế mà anh giảm nhẹ sự quan tâm đến nhà ông bà nhạc.
Cái ông anh này thật mâu thuẫn. Mặt tươi roi rói mà mồm lại hát:
Nhắp chén men say còn vương bóng quê hương
dừng bước tha hương lòng đau.
N.L.T
(Tân văn số 1 - NXB Hội Nhà văn tháng 11 - 2012)
|