Khi những làn gió lành lạnh tê buốt lại về trên lá cây Hà Nội, trong màn mưa mờ ảo che phủ mặt nước hồ Thiền Quang, bỗng nhiên giọt mưa trong vắt chợt rơi từ cái lá cây hoa sữa bên đường Nguyễn Du, khiến tôi như thấy thấp thoáng những bóng dáng thân quen xa xôi trở về…
Ngày ấy... Hàng tuần vào ngày chủ nhật tôi vẫn thường đạp xe từ Kim Liên lên Cung Thiếu nhi Hà Nội để gặp gỡ các em trong Câu lạc bộ sáng tác văn học. Người rủ tôi đi làm việc đó là nhà thơ Định Hải: “Em đi đỡ cho anh, đông các cháu xin vào học quá”. Dạo ấy thiếu nhi thích văn thơ quả là đông thật, phải chia thành ba nhóm do nhà thơ Phạm Hổ, nhà thơ Định Hải và tôi cùng sinh hoạt văn học với các em. Nhà ông Phạm Hổ ở khu tập thể Đại học Bách Khoa, gần nhà tôi, thành ra sau này ngày nắng cũng như ngày mưa, mùa đông cũng như mùa hè, hai chú cháu vẫn thường rong ruổi xe đạp từ bờ hồ Gươm, theo con đường Bà Triệu cùng trở về nhà.
Ngày ấy ngoài các giờ dạy tại Cung thiếu nhi, chúng tôi thường hay cho các em đi chơi, tham quan… Có lần đưa các em sang thăm trận địa pháo cao xạ ở bên Gia Lâm. Vui lắm, các em sà vào mâm pháo với các chú bộ đội, cũng quay nòng pháo: tay tầm, tay hướng… Thế rồi, thơ văn các em đua nhau bay ra như chuồn chuồn, bươm bướm… Lại có lần đưa các em đến Trường thương binh hỏng mắt, các em được nghe các chú thương binh đàn hát. Tiếng hát của những người mắt tối nhưng trái tim lại sáng khiến nhiều giọt nước mắt trẻ thơ đã rơi.
Và, dịp ấy… Những ngày giáp tết đang đến. “Lâu nay mình chưa đi dã ngoại đâu …hỉ…?” Ông Phạm Hổ hỏi bâng quơ thế khi cùng đạp xe đi về vòng qua hồ Gươm. Nhìn làn mưa bay trên những khóm hoa bên con đường bờ hồ dọc phố Lê Thái Tổ tôi bỗng nhớ đến những vườn hoa vùng Tây hồ xưa… Quảng Bá, Nghi Tàm, Nhật Tân… Những vườn quất, vườn đào, vườn lan, vườn hồng, thược dược, violet… bỗng nhiên dạt dào bay phấp phới trước mắt tôi. Cảm giác tưng bừng của thời thiếu nữ giáo sinh sư phạm rộn rã trở về… Thuở ấy ngày xuân đến đám con gái đến thường rủ nhau ríu rít đi xe đạp đến tận vườn chọn những cành hoa tươi nhất đẹp nhất còn đang nở hàm tiếu để đem về nhà cắm hoa…chơi ngày Tết. Sao cái thời con gái chỉ vẻn vẹn có vài năm ngắn ngủi, cái thời “thuở mắt xanh xao” (Diễm xưa) thế mà đủ tươi sáng theo người ta đi mãi mãi hết cả cuộc đời dài dằng dặc làm mẹ/ làm cha rồi… làm bà/ làm ông…làm cụ…và chết… rồi… mà vẫn còn… Như hoa đào hoa mai tết nào cũng trở về.
Đang nghĩ vơ vẩn về hoa như thế, chợt tiếng ông Phạm Hổ như bay trong gió đến: “Cô Liên này, tôi thấy cho các cháu đi chỗ này là hay nhất… Cô à… Vườn đào Nhật Tân, cô thấy thế nào?”
Lúc ấy, tôi thấy ông chỉ cầm ghi đông xe đạp một tay, còn tay kia vung lên trong không gian như gạt phăng những hạt mưa đang bay trước mắt.
“Vâng ạ”. Tôi hưởng ứng liền. Vì thú thật tôi chưa đi vườn đào bao giờ. Thuở con gái chỉ dám rủ nhau đi mon men những vườn hồng, vườn cúc, vườn violet, những loại cây mảnh khảnh… Còn đi đến vườn đào ư? Chưa biết lối vào, vì lẽ mình chỉ đi để ngắm, chứ không đủ giầu tiền của để dám chơi đến những cây đào tại vườn.
Thế là buổi sáng chủ nhật ngày giáp tết đó cả đoàn thày trò cùng rủ nhau đạp xe đi. Ngày ấy ai ai cũng đi xe đạp, cua rơPhạm Hổ đi xe Thống nhất dẫn đầu đoàn, tôi đi xe Giải phóng làm con thoi, lúc thì đi quãng giữa, lúc đi cuối cùng để quan sát xem có em học sinh nào bị tụt hậu, bị lạc đường không. Sao ngày ấy con đê Yên Phụ lại cao, lại thoáng, lại lộng gió đến thế. Gió ngày giáp Tết lạnh giá, lạnh buốt, lạnh run rẩy, lạnh bạt cả hơi… Nhưng cái nỗi ham thích đi đến được vườn đào Nhật Tân, một nơi đẹp mê hồn như thầy Phạm Hổ đã tả trong giờ học khiến cả đoàn trẻ con nóng lên, tất cả vừa đi vừa cười nói đầy phấn khích còn hơn cả dùng thuốc doping trong các kỳ thế vận hội Olympic. Lại có tiếng đọc thơ:
“Nếu chẳng một phen sương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ biết mùi hương”
Thầy Phạm Hổ là người phương nam, thầy nhớ mai vàng ngày Tết, nhưng Xuân Hà Nội lại chỉ có đào thắm. Hình như tới được vườn đào để ngắm đào ngày xuân đến cũng không phải là dễ, nhất là trong một dịp đi có những cô bé cậu bé như kim đồng, ngọc nữ, lại có văn nhân, có trượng phu…
Ồ, nhưng khi vườn đào Nhật Tân đã hiện ra trước mắt rồi thì cả đám trẻ trong đó có tôi đều ngỡ ngàng và cho rằng mình “người trần mắt thịt” không thấy cái chi là đẹp cả.
Đứng trên đê nhìn xuống, chỉ thấy vườn đào chìm trong sương mờ. Những luống đất dăng hàng cây khẳng khiu đứng giơ cành gầy run rẩy trong gió lạnh. Trên mặt đất nâu sẫm nồng mùi phân tro, những cây đào trông khô héo như đang “chết ở trong lòng một ít” (thơ Xuân Diệu).
Nhưng kìa thầy Phạm Hổ đã để xe đạp lại bên triền đê và rảo bước đi vào tay bắt mặt mừng với ông chủ vườn đào. Cả đoàn trẻ con cũng để xe đạp lại bên vệ cỏ xanh nơi triền đê và nối đuôi nhau đi theo thầy như một đàn kiến con đi theo kiến chúa. Và, khi đó mới là lúc thực sự ngắm cây hoa đào Nhật Tân. Nhìn những cành cây, thoáng nhìn tưởng là khô, như rồi nhận ra cái bóng bảy mầu mỡ của cành cây đang nuôi những nụ hoa mới chỉ đang he hé lộ… Đúng là cây “đang yêu” thật. Những cành đào vóc dáng hao gày kia đang vươn mình cứng cỏi trong sương giá và gió lạnh và đang thai nghén và ấp ủ mùa xuân trong lòng.
Ông chủ vườn, người thợ trồng đào thủ thỉ nói chuyện với các cháu về nghề trồng đào Nhật Tân, nghệ thuật gìn giữ những nụ hoa để đến khi nào người mua hoa đem về nhà, đặt trên bàn thờ, bầy trong phòng khách… để đúng ngày mồng một Tết Nguyên Đán, hoa sẽ nở bừng sắc xuân hồng tươi làm ấm lòng người trong một ngày xuân mới.
Thuở ấy, có những ông chủ vườn đào hào phóng mở cửa vườn đào đón nhà thơ và lũ trẻ tập làm thơ vào ngắm hoa miễn phí. Chỉ miễn sao khi đi lại trong vườn các em đi nhẹ nói khẽ, và khi nhìn cây, ngắm hoa thì hãy “ngừng hơi thở lại xem trong ấy hiển hiện hoa và phảng phất hương” (thơ Xuân Diệu). Ông chủ vườn đào có lẽ biết thầy Phạm Hổ đến để chỉ ngắm đào và kể chuyện cho trẻ con chứ thầy không mua đào tại vườn. Thầy vẫn nói đùa: “Nhà tôi có 60 cây”. Quả đúng thế, nhà ông ở trên tầng ba nhưng ông có cả một vườn hoa trước hành lang. Hoa nhà ông phần đông là hoa nhỏ nhẹ mảnh mai và cũng không ít cây vào loại hiếm. Có lẽ vì thế mà ông quen biết nhiều người trồng hoa có nghề ở Hà Nội chăng?
Thuở ấy, không có nhiều máy ảnh như bây giờ, học trò cũng không có điện thoại chụp được ảnh như bây giờ, thành ra không có ai mải mê đi chụp ảnh tạo dáng riêng. Tất cả đều đứng xúm xít bên thầy Phạm Hổ và ông chủ vườn đào để lắng nghe những câu chuyện như là chuyện sự tích hoa đào. Để rồi những bàn tay xinh nhỏ chúm năm đầu ngón tay lại để so sánh hình tượng ấy với năm cánh hoa đào đang hé ra, đang chớm nở trên cành kia.
Nhưng may thay, trong đoàn đi hôm ấy lại có một anh phụ trách của Câu lạc bộ nhiếp ảnh - Cung thiếu nhi Hà Nội, anh đã bấm máy một kiểu ảnh để lại cho đời sau. Ngày nay, nếu các bạn có dịp đến Phòng Truyền thống Cung thiếu nhi Hà Nội, bạn sẽ được nhìn thấy bức ảnh đen trắng đó. Trong nó thật đơn sơ, có thể nói là nhũn nhặn ghi lại một thời nghèo nàn nhưng lại đầy thi vị và có lẽ có cả thiền vị nữa.
Những mùa xuân bây giờ vườn đào Nhật Tân không còn nữa, nơi ấy đã mọc lên một khu đô thị. Nhưng đối với người Hà Nội, đào Nhật Tân vẫn đến mỗi lúc xuân về. Và, đối với tôi, mỗi khi nhìn cánh hoa đào nở hồng tươi và ấm áp, tôi lại nghĩ về một buổi ngày giáp Tết đã cùng đi với đám trẻ con và nhà thơ Phạm Hổ đến vườn đào, để cảm nhận vẻ đẹp của hoa trong sắc thắm vào một phút nắng lên giữa trời đông lạnh giá. Và, để rồi mang những kỷ niệm về gió, về hoa, về mưa rơi, và về thi nhân lãng đãng theo mãi mãi trong cõi vô thường của đời người.
Những ngày giáp Tết Quý Tỵ - 2013