Việt Nam, tình yêu và nỗi đau của tôi (Phần 2)
Việt Nam, tình yêu và nỗi đau của tôi (Phần1)
Hồi ấy, các phóng viên LX thường trú ở Bắc Kinh cũng thường đến Hà Nội. Phóng viên của báo Sự thật Viktor Sarapov là một người lúc nào cũng bình thản và ung dung, thậm chí ông thường nổi bật lên giữa những người sống lâu ở Hà Nội, có thể nói là đã nhiều lần “vào sinh ra tử.” Tôi nhớ có lần, từ sáng cho đến lúc hết ánh mặt trời, chúng tôi ngồi trong chiếc hầm đất sét ở sân khách sạn thành phố Vinh, cảm thấy mình là chiếc bia sống tuyệt vời cho những chiếc máy bay tiêm kích Mỹ suốt ngày thay nhau quần đảo và tìm mục tiêu để ném bom oanh tạc. Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi chúng tôi khổ sở lái xe mò trong bóng tối giữa các làng mạc, tìm trạm xăng để nạp nhiên liệu cho chuyến quay về, vì chỉ có vài người trong ban chỉ huy quân sự là biết vị trí của những trạm xăng này. Sau đó, suốt đêm, chúng tôi chạy từng đoạn một, ngang qua những chiếc xe tải bốc cháy dọc đường, những chiếc cầu bị đánh bom để về Hà Nội. Đôi lúc tưởng chừng như khó mà qua khỏi địa ngục ấy. Thế mà dọc đường Viktor cứ đùa bằng một câu tiếng Trung: “Hen hao, tun gie!” – Tốt lắm, đồng chí ạ.
Phóng viên báo “Sự thật thanh niên” Alekxandr Ter –Grigorian là một nhà Đông phương học lãng mạn, say mê tất cả những gì thuộc về khu vực văn hóa Trung Hoa cổ đại, mà theo một vài điều kiện nhất định, Việt Nam được coi là một phần của nó. Tôi còn nhớ có lần, trong khách sạn Metropol Hà Nội, ông đã viết một bức thư đùa bằng chữ tượng hình để tỏ tình cùng cô dân quân người Hoa, mỗi khi có báo động lại đội chiếc mũ sắt to tướng lên chiếc đầu nhỏ nhắn, nom rất buồn cười, để dẫn khách nước ngoài xuống hầm. Là một bậc thầy về ngôn từ văn học, Alekxandr dạy tôi những bí mật của nghề báo, mỗi khi tôi bỗng nhiên trở nên cẩu thả khi viết tin và phẩy tay, ý nói “ở tòa soạn người ta sẽ biên tập lại”, ông thường khuyên răn: “Hãy giữ gìn danh dự từ khi còn trẻ!”. Cùng với ông, chúng tôi đã đi hàng trăm km theo những con đường mặt trận ở VN, và đâu đâu cũng lặp đi lặp lại một khung cảnh không thể nào quên: chiếc xe mò mẫm bò chậm chạp trong ánh sáng của chiếc đèn gầm được che bớt bằng tờ giấy đen, hai bên đường những người nông dân cầm đòn gánh chạy theo quát thất thanh: “Tắt đèn! Máy bay địch!” (tiếng Việt trong nguyên bản – ND). Về đến Hà Nội, nhớ lại diễn biến chuyến đi, lần nào cũng vậy, chúng tôi vừa cười vừa hỏi nhau, trong những thời điểm đó ai trong chúng tôi là người sợ hơn – tôi, vì hiểu những người nông dân thét lên điều gì, hay là ông, là người không hiều gì mà chỉ dựa theo âm độ của những tiếng kêu thất thanh đó.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến những người bạn kiêm đồng nghiệp của tôi, những phóng viên thường trú Hà Nội, mặc dù họ đã mô tả tỉ mỉ về bản thân và công việc trong những quyển sách và bộ phim của họ. Đó là Ivan Sedrov và Alekxây Vaxiliev ở báo Sự thật, Mikhail Ilinxki ở báo Tin tức, Iuri Iukhananov và Leonid Krichevxki ở Đài phát thanh và truyền hình quốc gia, Igor Xavvichev ở Hãng thông tấn Novoxti, Xergey Aphonin ở TASS và báo “Sự thật comxomon”.
Số phận của những người bạn và đồng nghiệp mà công việc chung đã khiến chúng tôi gặp gỡ nhau trong thời chiến tranh tại Việt Nam đã được an bài theo những cách khác nhau. “Có những người không còn, những người khác thì xa xôi lắm…”, như người ta thường nói. Nhưng mỗi một người trong số họ, bằng sự lao động sáng tạo của mình, đã đóng góp một phần riêng, cho dù có nhỏ bé đi nữa, cho sự ủng hộ nhân dân Việt Nam anh hùng, cho sự hình thành phong trào toàn thế giới đoàn kết với cuộc đấu tranh của VN, có nghĩa là, nếu nói bằng ngôn ngữ cảm hứng, thì mỗi một người trong số họ đã làm gần lại ngày kết thúc khải hoàn của cuộc chiến kéo dài nhiều năm liền của những người yêu nước Việt Nam, vì sự giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.
Gần ba năm công tác phóng viên mặt trận của tôi đã trôi qua. Đó là một thời kì gian lao nhưng vô cùng tốt đẹp. Chưa có bao giờ trong cuộc đời mình mà tôi đã làm việc quên mình như vậy. Cho dù chẳng ai thúc dục, chẳng ai bắt buộc, vậy mà có những khi tôi đã truyền về nước năm, sáu bản tin trong vòng một ngày đêm. Khi đã về Moskva, bạn bè tôi kể lại rằng hầu như chẳng có ngày nào mà trong chương trình tin tức của đài phát thanh toàn liên bang lại không vang lên câu: “Phóng viên Evgheni Kobelev từ Hà Nội truyền về…”. Câu nói đó quen thuộc với thính giả đến nỗi được đưa vào tiểu thuyết trinh thám “Hai người giữa loài người” của Arkađi và Gheorghi Vainerov. Theo cốt truyện, trong cuộc điều tra, cả người làm chứng lẫn bọn tội phạm đều khai báo rằng vụ án xảy ra đúng vào thời điểm mà phát thanh viên đọc câu quen thuộc đó.
Vào thập niên 60, đường hàng không giữa CCCP và VN phải đi qua Trung Quốc. Đối với những người yêu thích những điều quốc dị thì điều đó quả là vô cùng thú vị. Nhưng vào năm 1965, khi cuộc “cách mạng văn hóa” đang lan tràn khắp Trung Hoa thì một chuyến bay như vậy chẳng khác nào một cuộc tra tấn thực sự. Vì vậy dễ hiểu tại sao tôi đã vô cùng vui sướng vì trước khi thời hạn công tác của tôi kết thúc vài tuần, tôi vô tình biết được rằng hóa ra có thể về nước bằng đường biển, từ Hải Phòng đến Vladivoxtoc hoặc Nakhođka – trên những chiếc tàu vận tải chở hàng viện trợ cho Việt Nam thế nào cũng có vài buồng tàu dành cho khách. Thêm vào đó, trên đường đi, những con tàu này thường cập bến vào những hải cảng nước ngoài như Hồng Công hoặc Iokogam mà thời đó những công dân Liên Xô bình thường không bao giờ được đặt chân tới. Sốt ruột vì một viễn cảnh hấp dẫn như vậy, trước tiên tôi đến gặp người phụ trách Lãnh sự Anh ở Hà Nội mà tôi có mối quen biết riêng và nhận được vida Hồng Công một cách dễ dàng. Một phóng viên báo “Iomiuri” mà trước đây tôi đã giúp đỡ trong đợt công tác ngắn ngày tại Hà Nội đã gửi cho tôi vida vào Nhật Bản. Chẳng bao lâu sau, tôi thỏa thuận được về chuyến đi nhờ với thuyền trưởng tàu chở hàng “Turkextan”, vào cuối tháng 6 năm 1967 đã đậu ở cảng Cẩm Phả, trong vịnh Hạ Long. Hành lí đã chuẩn bị xong, chỉ còn một ngày đêm nữa là khởi hành. Bỗng nhiên người ta đột ngột báo cho tôi một tin khủng khiếp: Trong một cuộc oanh tạc của không quân Mỹ vào cảng Cẩm Phả, mấy loạt đạn rốc két đã trúng tàu “Turkextan”. Thợ máy Ivan Rưbachúc hi sinh, một số thủy thủ bị thương nặng. Theo quyết định của thuyền trưởng, những thủy thủ bị thương được chuyển về quân y viện Hà Nội, còn chiếc tàu cùng với thi hài người thợ máy hi sinh đã nhổ neo trước hạn để ra biển và đang trên đường về Vladivoxtok.
Không hiểu trận xạ kích ấy là vô tình hay cố ý, nhưng sự kiện đó dĩ nhiên là đã gây nên một làn sóng bất bình trên báo chí xô viết. Về sau, con tàu vận tải được đổi tên là “Thợ máy Rưbachúc”, và nó còn không chỉ một lần chở hàng viện trợ đến Việt Nam.
Về phần tôi thì đáng tiếc là phải về nước bằng hành trình thông thường và phải lần nữa chứng kiến những cảnh điên rồ của cuộc “cách mạng văn hóa”. Những cảnh đó lập tức diễn ra, ngay sau khi chiếc Il -14 của Hàng không Trung Quốc rời khỏi đường băng sân bay Gia Lâm và bắt đầu lên cao. Trong tiếng hát “Đông phương hồng”, bài ca chính thức của Hồng vệ binh, lực lượng chính yếu trong cuộc “cách mạng văn hóa”, những cô chiêu đãi viên trẻ bắt đầu biểu diễn điệu múa cách mạng và thành thạo dùng những chiếc kiếm gỗ “đâm chém” những hành khách Liên Xô đang ngồi trong khoang…
Mấy lời về người con vĩ đại của Việt Nam
Năm 1975, nhân dịp sắp đến ngày sinh lần thứ 85 của Chủ tịch Hồ Chí Mình, tạp chí khoa học thường thức “ Lịch sử đương đại” của Liên Xô quyết định giới thiệu với độc giả trong nước thân thế và sự nghiệp vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam. Đồng thời, nhà xuất bản mong muốn không chỉ đưa ra một bản tiểu sử chính trị khô khan theo truyền thống, mà phải là một bút kí sinh động, với những chi tiết và sự kiện mới mẻ, ít được bạn đọc xô viết rộng rãi biết đến, hoặc hoàn toàn chưa được biết đến bao giờ. Ban biên tập của tạp chí đã đề nghị tôi viết cuốn sách này.
Mặc dù nhiệm vụ được giao hoàn toàn không phải là dễ dàng và đơn giản, nhưng từ lâu, về mặt tâm lí, tôi đã sẵn sàng đối với đề nghị ấy. Sau những năm học tập và làm việc ở Việt Nam, tôi đã nhiều lần có dịp gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghe Người phát biểu và nói chuyện. Lần đầu tiên, chuyện đó đã xảy ra vào mùa xuân năm 1959, khi các sinh viên trường đại học tổng hợp Hà Nội cùng nhân dân thủ đô tham gia lao động trồng cây ngày chủ nhật tại hồ Bảy Mẫu. Chúng tôi cảm thấy rất bất ngờ, khi Hồ Chủ tịch đột ngột xuất hiện giữa đám sinh viên, học sinh và dân chúng đang tham gia ngày lao động chủ nhật truyền thống. Người thân mật hỏi thăm, đùa vui và cùng nhân dân xới đất trông cây. Từ đó trở đi, mỗi lần tới Hà Nội, có dịp đi ngang qua vùng công viên giờ đây mang tên Lê nin, nhìn thấy những hàng cây tươi tốt được chăm sóc kĩ lưỡng, tôi lại nhớ tới những năm tháng trẻ tuổi của mình và mùa xuân đầu tiên của tôi giữa lòng thủ đô Việt Nam.
Cuộc tiếp xúc đáng nhớ tiếp theo của tôi với Hồ Chủ tịch xảy ra tại đại hội Đảng cộng sản Liên Xô lần thứ 22 (năm 1961), khi tôi đang là sinh viên trường đại học tổng hợp Lômônôxốp và được phân công dịch lời phát biểu củaNgười, khi đó là trưởng đoàn đại biểu Đảng lao động Việt Nam. Dĩ nhiên là trong khi dịch, tôi rất hồi hộp và đã xảy ra một chuyện khá buồn cười. Là người đã sống ở Nga tổng cộng cả thảy chừng sáu năm (trong giai đoạn từ 1920-1930) và biết tiếng Nga rất giỏi, trong phần kết luận của bài phát biểu, Hồ Chủ tịch đã nói bằng tiếng Nga. Theo phản xạ tự nhiên, tôi lập tức dịch to câu đó ra tiếng Việt, làm cho các đại biểu Liên Xô phải bật cười. Tại đại hội Đảng đó, lần đầu tiên tổ phiên dịch tiếng Việt được thành lập, nên sau ngày làm việc đầu tiên, đại diện trung ương Đảng CS Liên Xô hỏi ý kiến các đại biểu phái đoàn Việt Nam xem họ đánh giá thế nào về chất lượng công việc các phiên dịch Liên Xô. Không bao giờ tôi quên được chuyện Hồ Chủ tịch đã gọi tôi là: “Cậu thanh niên có giọng nói như đài Tiếng nói Hoa Kì…” Chẳng là hồi đó, xướng ngôn viên tiếng Việt của đài Hoa kì có giọng nam trung, tương đối lạ đối với người Việt Nam, mà giọng tôi cũng giống như thế.
Trong thời gian làm phóng viên TASS tại Hà Nội, dĩ nhiên là tôi có nhiều dịp hiện diện tại các buổi lễ long trọng với sự tham gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ riêng dung mạo bên ngoài của Người đã gây ấn tượng khó quên. Những điểm đặc biệt trên khuôn mặt của Người là chòm râu dài truyền thống của các cụ già Việt Nam và đôi mắt tinh anh một cách hiếm có ở độ tuổi ngoài 70, với ánh nhìn hiền hậu, lôi cuốn. Dáng đi lúc nào cũng nhanh nhẹn, tác phong sảng khoái, nhiệt tình trẻ trung trong ánh mắt, trong nụ cười của Người cũng thật đáng khâm phục. Thái độ ân cần, tính niềm nở lạ thường của Hồ Chủ tịch ngay từ phút tiếp xúc đầu tiên đã tạo ra được một bầu không khí thân thiện, thoải mái với người đối thoại. Bản thân tôi, cũng giống như những người ngoại quốc được may mắn tiếp xúc với vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, rất lấy làm kinh ngạc trước sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính khiêm tốn, giản dị hiếm thấy với ý chí sắt đá và lòng dũng cảm của người chiến sỹ ấy.
Hai năm sau, kể từ khi xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với nước VNDCCH, tại Hội trường Ba Đình đã diễn ra Đại hội chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứa nước toàn quốc, mà tôi có dịp tham gia với tư cách là đại diện báo chí. Sau khi một nhóm lớn các chiến sĩ được trao tặng huân chương anh hùng, từ trên bàn Chủ tịch đoàn, Hồ Chủ tịch bất ngờ đứng dậy và phát biểu ứng khẩu một đoạn dài. Chất giọng Nghệ An của Người khiến tôi không thể lĩnh hội được hết những tất cả, nhưng rất may có một sĩ quan phòng không ngồi bên cạnh đã “phiên dịch” hộ cho tôi hiểu. Đại để Người nói rằng: Không ai có thể bắt nhân dân Việt Nam khuất phục, cuộc xâm lược càng ác liệt thì nhân dân lại càng sinh ra nhiều người anh hùng, chứng cớ rõ rang cho điều đó là những ngôi sao anh hùng trên ngực áo của các đại biểu của đại hội.
- Và bây giờ, - Hồ Chủ tịch nói với những người vừa được khen thưởng: - các cháu hãy nhìn Bác và các thành viên chính phủ. Chúng tôi không có phần thưởng, không có của cải giàu có, nhưng chúng tôi làm việc đêm ngày không tiếc sức mình để lãnh đạo nhân dân chống lại giặc Mỹ xâm lược. Và đó là đặc điểm ưu việt của nước ta so với kẻ thù, và là đảm bảo cho thắng lợi cho sự nghiệp chính nghĩa của chúng ta…
Nói tóm lại, tôi sốt sắng bắt tay vào chuẩn bị cho bút kí tiểu sử được đặt viết. Một thời gian sau, tài liệu dưới nhan đề “Hồ Chí Minh – người con vĩ đại của nhân dân Việt Nam” được đăng dần trong ba số tạp chí. Sau đó, biên tập viên của tạp chí nói với tôi rằng bản in đó, theo ý kiến của ông, là cơ sở tốt để viết một quyển sách đầy đủ về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản đăng kí quyển sách đã được nhà xuất bản “Người cận vệ trẻ” chấp nhận ngay, và trong vòng ba năm liền, tôi đã lao vào tìm kiếm sưu tập và nghiên cứu tư liệu cần thiết.
Phải nói rằng đó là một công việc cực kì phức tạp, bởi vì trước khi lãnh đạo nước VN độc lập, Hồ Chủ tịch đã sống gần 30 năm ở nước ngoài: ở Anh, Mỹ, Pháp, Liên xô, Thái Lan, Hồng Công, Trung Quốc. Và mặc dầu khối công việc rất đồ sộ, đòi hỏi nhiều nhiều công sức, nhưng tôi nhớ tới ba năm đó với một tình cảm hài lòng sáng tạo rất sâu sắc. Ngoài niềm vui tự nhiên của người nghiên cứu lịch sử khi khám phá được những chi tiết mới hoặc một sự kiện thú vị, tôi còn thường xuyên cảm thấy như hàng ngày được tiếp xúc với một nhân vật phi thường, một Con Người viết hoa.
Năm 1978, quyển sách gần 400 trang nhan đề “Hồ Chí Minh”, thuộc tủ sách quen thuộc với độc giả LX “Cuộc đời và sự nghiệp các danh nhân thế giới”, đã được ấn hành. Năm 1983 quyển sách này lại được tái bản lần thứ hai, có sửa chữa và bổ sung. Quyến sách được đánh giá cao ở Việt Nam, trở thành một hiện tượng quốc tế, và kết quả là được dịch ra thứ tiếng Việt, Anh, Lào, Bungari, Mông cổ và các ngôn ngữ khác.
Kể từ ngày thành quả lao động của tôi chào đời đến nay, gần ba thập kỉ đã trôi qua, tưởng chừng như sẽ chẳng còn dịp trở lại. Và tôi đã ngạc nhiên biết bao, khi nhận được bức thư của nhà xuất bản “Thế giới” Hà Nội, qua đó tôi được biết rằng, nhân dịp kỉ niệm lần thứ 115 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 60 năm ngày độc lập của Việt Nam, nhà xuất bản quyết định tái bản quyển sách của tôi bằng tiếng Việt và tiếng Anh và nhân sự kiến này họ mời tôi sang Hà Nội.
Và tôi lại có mặt tại thành phố một thời tuổi trẻ của tôi. Những cuộc đón tiếp đầm ấm của lãnh đạo nhà xuất bản, thủ tục kí kết hợp đồng dễ chịu đã ở phía sau. Tôi đi trên những con phố đầy kỉ niệm mà không nhận ra chúng. Vẫn là những đường phố, những quảng trường với những cái tên thân thuộc đến đau đớn, nhưng đây đã là một thành phố hoàn toàn khác. Đặc khu công nghiệp với hàng trăm xí nghiệp công nghệ tiền tiến, những cửa hàng “Plaza” sang trọng, các khách sạn năm sao “Seraton”, vô số cửa hàng cà phê internet… Việt Nam đang khẩn trương vươn tới một tương lai văn minh mới.
Thiết nghĩ rằng, ngay cả một người lạc quan và nhìn xa trông rộng như Hồ chủ tịch cũng không thể đoán trước được Tổ quốc ông sẽ như thế nào sau khi cuộc kháng chiến trường kì kết thúc. Việt nam hôm nay là một trong những quốc gia có nền chính trị ổn định nhất Đông Nam Á, một trong những thành viên hàng đầu của tổ chức chính trị kinh tế khu vực ASEAN. Bằng phát triển không ngừng, đã hơn một thập kỉ nay có mức tăng trưởng GĐP hàng năm 7-8%, nền kinh tế Việt Nam, nói một cách có hình ảnh, đã nhân đôi, tức là ngày nay kinh tế Việt Nam đã lớn gáp đôi, so với trước thời kì đổi mới chính trị, do Đảng cộng sản Vn đề ra năm 1987.
Nhan đề của bài hồi kí này đã được tôi lựa chọn không hề ngẫu nhiên. Đó chính là tên gọi cho tập sách đầu tiên của tôi – những bài bút kí và phóng sự về chủ nghĩa anh hùng tập thể và những đau thương vô bờ bến của nhân dân Việt Nam anh em trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tháng giêng năm nay, khi tôi lại có mặt ở Hà Nội, ban biên tập đài “Tiếng nói Việt Nam” đã phỏng vấn tôi về thời kì học tập tại trường đại học tổng hợp Hà Nội, về giai đoạn làm phóng viên, về quyển sách “Hồ Chí Minh”, về công trình nghiên cứu “Việt Nam ngày nay: cải tổ, đổi mới, hiện đại hóa”, xuất bản tại Matxcơva năm 1999. Bài phỏng vấn đó đã được ban biên tập của đài phát đi dưới nhan đề “Việt Nam, tình yêu của tôi”. Và điều này có tính chất tượng trưng và hợp quy luật. Nỗi đau đã được quên đi và chỉ còn là một phần của quá khứ xa xôi. Giờ đây, chỉ tình yêu là còn lại.
EPGHENHI KOBELEP -Tiến sĩ sử học, hội viên Hội nhà báo Liên Xô từ năm 1966
NGUYỄN THỊ KIM HIỀN dịch
(Nguồn: Tạp chí Đoàn kết - CHLB Nga)
Theo Tạp chí văn nghệ Quân đội