Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 22/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Đỗ Bích Thúy trong căn gác áp mái Đỗ Bích Thúy trong căn gác áp mái , Người xứ Nghệ Kiev
 

  

Tập sách Trên căn gác áp mái, nhà xuất bản Phụ nữ vừa ra mắt cuối tháng 10, dày hơn 200 trang, tập hợp 31 bài viết của nhà văn Đỗ Bích Thúy, gồm nhiều câu chuyện, đều xoay quanh một cách nhìn, sự suy ngẫm về nhiều vấn đề; như cái thế nhìn ở trong hay trên “Căn gác áp mái“ của quê hương; song thực chất lại là cái nhìn từ Hà Nội, như tác giả sau thời gian xa cách, bay về “ngồi“ trên căn gác áp mái ở Hà Giang, nơi sinh ra chị, mà suy ngẫm, phát biểu, chiêm nghiệm nhiều chuyện đã qua… qua đời sống, qua thời gian xa cách chia tay, với những điều hiện tại liên quan tới dĩ vãng. Mà dĩ vãng ở đây là mảnh đất quê hương Hà Giang của tác giả, nơi nảy ra một nhà văn.


 

Con người ta, sinh từ một miền đất, nhiểu kẻ tới một miền đất khác sinh sống, ít nhiều phôi pha đi cái nguyên thủy; song ở Đỗ Bích Thúy, qua tập sách này, vẫn tàng giữ được cái lề: sự ấm áp, sâu lắng và thủy chung như chị từng xuất hiện thuở ban đầu, làm duyên với văn chương. Cô Thúy vẫn giữ nguyên cái sự tĩnh trí của một người có tâm hồn, từng yên tĩnh để suy nghĩ trên đỉnh núi, mà làm nên một thương hiệu truyện ngắn ngày nào... Dẫu như hôm nay, nhà văn Đỗ Bích Thúy không còn là cô gái trẻ viết văn ở xứ núi, chị đã khác nhiều khi tới ở Hà Nội, nơi giao lưu hội tụ tinh hoa Việt. Cởi, mở ra nhiều điều xa hơn, bởi qua thời gian, cô gái viết văn Đỗ Bích Thúy (cô Thúy), không còn một người phụ nữ có tâm hồn, mà đã là một cây bút cứng cáp, có bề dày chiêm nghiệm đời sống và văn hóa ở trung tâm văn hóa của đất nước. Cảm giác chung của toàn bộ tập sách là hơi văn trầm tĩnh, không có lối tỏ ra chơi chữ, xóc xách về câu. Các suy ngẫm từ những chi tiết đời sống rất chân thật, nhưng từ tốn và bao dung; nhiều đoạn mang tính triết luận, kể cả sự phản ứng tiêu cực thời cuộc, xã hội, trực tiếp đụng tới …

Chúng ta hãy đọc thử một đoạn rất ngắn trong bài Chị tôi (trang 31): “…Rốt cuộc, tôi thường nghĩ, con người khi đã tan vào đất đai, không còn hình hài đâu nữa, hơi thở mong manh cũng bị gió cuốn đi, thì cái duy nhất còn lại là nỗi nhớ nhung và niềm yêu thương da diết ngự trong những người còn sống dành cho họ…”  Đấy là suy ngẫm qua con người, còn sự suy ngẫm qua sự sống của vật, cụ thể là hai loài cây tầm thường, chị viết: “…cuộc đời này có những ngã rẽ kì lạ, có những cuộc trao đổi kì lạ, có những sự di chuyển kì lạ. Và có những câu hỏi kì lạ không bao giờ trả lời…“ (Cái cây - trang 61). Tôi cho là, đã là nhà văn không được tùy tiện, đơn giản là kể về hiện thực; hay ỷ vào tài giỏi, thông minh tháu cáy chữ nghĩa, dù phỏng hiện thực sinh động, cũng chưa làm nên chữ đạt của bản chất văn chương. Tô Hoài viết hai cuốn Cát bụi chân ai và Chiều chiều, đều là qua cái hiện thực đời sống, hé lộ tư tưởng, bộc lộ cõi nhân sinh của riêng ông. Như Chiều chiều là cách nhìn lại một cõi nhân gian, dựng nên các khúc quanh của đời sống, chứa kiếp nhân sinh. Ông gọi ra từng vạt bụi của thời gian đọng xuống…Những đau khổ và hệ lụy mà phát biểu ý kiến hay tư tưởng nhà văn với cả hệ thống xã hội một giai đoạn. Nhà văn viết như thế, âu là cách tựa vào một hay nhiều hiện tượng, nhân vật có thật, nói những điều bao trùm cả hiện thực cụ thể; qua đó phát hiện ra cả những quy luật sống của tự nhiên, mà trong đó đối tượng chính là Con Người. Nhà văn càng lớn, không kể chữ nhiều hay ít, dài hay ngắn, tiểu thuyết hay tản văn, vẫn rõ ra tư tưởng hay triết luận. Như thế, cũng chẳng kém như nhà triết lí phát biểu. Có điều, bởi danh xưng là Nhà văn viết văn, nên tư tưởng hay triết luận cần nói ra, không thô mộc, trực diện – direct, mà phải được chuẩn bị trước với các hình tượng có tính văn học. (1)

Về nghề nghiệp, cô Thúy ngay từ khi xuất hiện, đã khá giỏi về chi tiết qua cấu dựng truyện ngắn. Ưu thế, sở đoản này, cũng được chị phát huy, sử dụng nhuần nhuyễn trong nhiều bài viết ở cuốn Trên căn gác áp mái. Nhiều đoạn miêu tả, trần thuật tỏ ra quan sát tinh tế, làm nên sống động, có không khí; các nhân vật trong nhiều bài hiện ra như sự thao tác tạo dựng nhân vật cho một truyện ngắn, điển hình nhất như Ở phố. Con người trong phố cổ được đề cập, được khắc họa có dáng nét sinh động, mang hồn khí, vô hình trung tạo cả cái hồn cho một phố cổ hiện sinh hôm nay. Điều này mang hiệu ứng tạo ra sức nặng cho toàn cuốn sách từ sức nặng ở các bài đơn lẻ. Tác giả rất thận trọng với câu chữ ở từng trang viết, bài viết; Và, những điều cơ bản ấy đan chen vào nhau tạo thành sự hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc chạy hết tập sách, cho dù sách có vài bài viết ngắn, những điều cũng thường ngày, vụn vặt.

Trên căn gác  áp mái mở màn tập sách.  Đây là những suy tư, ăm ắp hồi ức, lục lại trong cái hòm gỗ ở căn nhà của chị trên Hà Giang. Câu chuyện chậm buồn, nhưng gợi cho người đọc những suy cảm.

Tình yêu quê hương xứ sở, đau đớn về nó, trăn trở và nhớ từ những điều nhỏ nhặt nhất, bình thường nhất. Là sự luôn nhắc lại, lặp lại toàn tập sách. Đấy là: Nỗi nhớ từng dằn vặt tôi…Nỗi nhớ từng in hằn xương quai xanh của tôi…Tôi không mang nó đi được. Tôi phải để nó lại đó, giữa ba bề rừng núi, một bề sông Lô trong vắt, mong manh trôi. Tôi phải để nó lại đó, nó sẽ như khói sương trong mỗi chiều bảng lảng bay, nó sẽ như một cánh cò lửa, nhập nhoạng  lại bay ra khỏi tổ” (Nơi về - trang 213). Thú thật, tôi đọc những trang viết như vậy mà rơi nước mắt. Có phải chăng, Đỗ Bích Thúy, thay cho những con cò lửa nhập nhoạng bay, khi hàng triệu người chúng tôi rời bỏ quê hương bản quán mà ra xứ người, đứng trong tuyết lạnh, cũng mong có một nơi hy vọng là Nơi về thương yêu tới như thế? Những trang văn cảm động làm nên linh hồn mà dẫn dắt bạn đọc. Nó là sở trường cần có, nhất định có của một nhà văn khi dụng bút. Nó là Một Tình yêu! Kể cả khi nhà văn thú nhận, không che đậy: rất khó quay lại Hà Giang, khi chị đã chuyển về Hà Nội. Cũng là sự chân thực không vô lương tâm mà dối trá với bạn đọc. Đỗ Bích Thúy tự biết: “Tôi sẽ mang tất cả những gì có thể về H.N, nhưng có một thứ tôi biết mình không thể mang được...” (Nơi về)

Nó, cái nguồn gốc của cô Thúy, mà hầu hết các bài trong sách đề cập, còn chỉ ra cái căn cốt câu chuyện của tác giả trở nên nhà văn từ gốc gác nào. Cũng là điều cho người ta phải suy ngẫm: dù ở những cương vị hay nghề nghiệp nào, cao trọng tới mấy, ai có thể phủ nhận được cái xuất xứ của mình, từ lỗ nẻ nào mà chui ra?

 Tôi cho rằng, “Quê hương bản quán và trách nhiệm, tấm lòng của mỗi cá nhân” là vấn đề được lặp lại nhiều lần trong sách, dù câu chuyện, đề tài khác nhau. Như câu chuyện Cái cây, chỉ kể về sự sống chết của loài dương xỉ và cỏ vừng. Dương xỉ từ rừng núi Hà Giang mang trồng ở Hà Nội; Cỏ vừng nói cái duyên, vô tình trôi dạt đậu lại hạt đất ấy! Hai cái cây danh phận chả có gì, lại gợi cho sự suy nghĩ sâu sắc có tính triết luận về thân phận của con người di dân và, nói được trách nhiệm của con người với nơi mình sinh sống, cả nguồn gốc và cả vùng đất mới, nơi mình đang nhờ vả nó... Những câu chuyện tưởng nhỏ nhặt, tương tự như thế, nhan nhản trong sách với các tựa khác nhau: Bjoocmạ, Chiếc vòng bạc có hình hoa cúc, Quê ngoại, Cái chậu gỗ và dòng sông, Rừng mả v.v… đều là cách Đỗ Bích Thúy dẫn người đọc rời bỏ Hà Nội, về với vùng đất đã sinh ra tác giả. Cái nhìn hôm nay không phải là cái nhìn  từ sau Bờ rào đá nữa, là cái nhìn ngược thời gian và không gian, mang tâm thức mới, trải nghiệm mới, quay trở về với Hà Giang, bàn được cả điều tốt đẹp và sự lụi tàn. Tôi đặc biệt lưu ý Chuyện của Thương. Câu chuyện này làm tôi nhớ tới Lỗ tấn với Cố Hương. Cái Cô Thương của Đỗ Bích Thúy và bản làng ấy, nhân vật như Thương và bà May là một dạng Cố hương hiện đại. Điều thú vị ở đây là tác giả không che đậy sự thật, hiện thực đời sống không bị che đậy để lãn mạn hóa. Chuyện của Thương, tiết điệu chậm buồn, kể ra điều những nhân vật truyện ngắn không được sống hạnh phúc như sự khát vọng, hy vọng của văn học, trên cái vùng đất tình yêu như huyền thoại của Tiếng đàn môi sau bờ rào đá. Chuyện của Thương xót xa buộc phải kể, phải thú nhận, là thái độ chân thực cần có của nhà văn khi cầm bút, dù trực tiếp như các bài viết dẫn ở trên, hay gián tiếp, ngay cả những bài kể về cố con gái của tác giả ở Hà Nội, vẫn là tinh thần quay lại với nguồn gốc để có thể tâm sự, day dứt.

Một điều đáng chú ý nữa là đọc văn Đỗ Bích Thúy người ta thông tỏ hơn về một vùng văn hóa vốn rất xa Hà Nội và gồm các sắc tộc thiểu số, với nhiều nét văn hóa khác biệt. Vấn đề này, đã một lần cô Thúy thuyết phục được cả các nhà làm phim tư nhân khó tính, bỏ ra cả chục tỉ, dựng làm phim nhựa, đưa cái hồn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá xù xì triềng ra khắp thế giới. Ở tập sách này, tính kí và báo chí giúp nhà văn mở ra một vùng văn hóa trực diện hơn. Những câu chuyện như trên dẫn, hay Tuổi thơ, Quê ngoại, Cơm Lam và, đặc biệt Rừng mả tỏ rõ cái bề dày văn hóa vùng miền của nhà văn. Nhân vấn đề này, tôi bàn thêm về cách đọc văn chương. Ở mạng FB, có độc giả tâm sự thất vọng khi tìm về những vùng miền hoang dã trong truyện ngắn cô Thúy viết. Họ không tìm thấy các hình ảnh lãng mạn nhà văn vẽ ra ở Hà Giang. Hà Giang có bao thay đổi theo thời gian. Tiêu cực nhiều hơn, nhất là vấn đề môi trường. Đây là tất yếu của bất kì cảnh trí văn học trôi qua thời gian. Cũng như Việt Nam, người ta sẽ hoài công, không bao giờ tìm lại ở Paris ngõ nhỏ y nguyên mà Thénardier hay Jean Valjean  từng sống. Nhưng nếu bình tâm lại, nhắm mắt mà lắng nghe văn hóa Pháp, chậm trãi ngắm người qua lại ở những vùng xa Paris, rồi quay lại Paris, bạn sẽ lại có cảm xúc của những cảnh trí mà Victor Hugo mang cho bạn ngày nào ở Những người khốn khổ. Và, còn có thể, nếu bạn lần mò trên những xóm thợ Ả Rập Paris hôm nay, bạn sẽ thấy chị Fantine đang đi tất tưởi trên phố, với chiếc váy hiện đại thế kỉ này. Cũng như vậy, về Hà Giang, nếu lược qua cái bên ngoài cảnh trí đã thay đổi bởi thời gian, đi sâu vào các bản làng, lắng nghe mùi rừng, hương núi, cả tiếng thở của con người và súc vật trên các nương ngô còn khét cháy mùi nắng, ta vẫn gặp lại tâm hồn Đỗ Bích Thúy, qua tầng văn hóa bất tử của người Mông. Theo tôi nên như vậy, khong phải riêng cho sach của nhà văn Đỗ Bích Thúy.

*

*      *

Trên căn gác áp mái là một tập sách nhiều dư vị đáng đọc. Nó không phải là một cuốn sách hot cho những ai muốn tìm sự giật gân hay của lạ vì tạng văn Đỗ Bích Thúy là văn chương muôn thuở, vẫn cập nhật tuy man mác buồn.

Một điều sau rốt nhỏ, nếu nhà xuất bản hay chính tác giả chú ý hơn nữa, ngay từ cách đặt tên cho toàn tập. Trên căn gác áp mái đâu phải là những tản văn, mà đặt ngoài bìa sách cái tên ấy!? 31 bài viết , ngắn dài khác nhau; có cái như truyện ngắn chưa gia giảm hư cấu; có cái như bút kí, hay tùy bút, mà trong đó đều chứa đựng một cốt truyện ăm ắp cảm xúc, đâu phải cái vụn vặt bâng quơ sao lại gọi là tập tản văn? Có lẽ cái tên tạp văn hợp hơn ở cuốn sách này. Đây là vấn đề xác lập thể loại, sự đòi hỏi khoa học trong văn học khi đặt 1 tên thể loại cụ thể cho một cuốn sách, chứ không hàm ý tạp  thì hơn hay kém tản.

NGUYỄN VĂN THỌ
Hà Nội , Thu 2011.

 

__________________

(1) Tôi nhấn mạnh ý này vì thực tế, nhiều cây bút thiếu kinh nghiệm, rất hay đè nhân vật tuôn ra các câu triết lí rất khô cứng, ngây ngô, là điều không chỉ không có gì mới, mà còn làm cho tác phẩm của họ trở nên giả, hoặc trở thành nhạt hoét. Cũng đồng thời phát biểu sự xác lập tư duy nhà văn, cho bớt đi sự nhầm lẫn giữa chuyện kể hay truyện ngắn, nặng nữa là lối viết minh họa thời nay, song ở dạng ngược lại với giai đoạn các nhà văn chống Mỹ vì nhiệm vụ chính trị của dân tộc phải viết vậy.


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65096405

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July