Nhà thơ Nguyễn Bính
Cha tôi sinh ra ở làng Thiện Vịnh (Vụ Bản) một vùng chiêm trũng nghèo khó đất Nam Định. Mới ba tháng tuổi, cha tôi đã mồ côi mẹ. Gia đình túng thiếu gieo neo, ông nội tôi đành đi thêm bước nữa, cay cực chồng cay cực. Xót các cháu sớm bồ côi bồ cút, anh ruột bà nội, cha tôi gọi bằng cậu (tức ông Bùi Trình Khiêm, một nhà nho cuối mùa lỡ vận, ông trút bỏ bút lông ngả theo Tây học và tham gia phong trào Đông kinh nghĩa thục, bị mật thám Pháp bắt quản thúc tại nhà. Về lại quê ông mở trường dạy học, trong số các học trò ông sau này có nhiều người tên tuổi đã đi vào lịch sử như nhà sử học Đẩu Nam Trần Huy Liệu, nhà báo Hồ Xanh Nguyễn Thượng Cát…), ông cậu đã đem anh em của cha tôi về nuôi dạy.
Tuổi thơ cha tôi gắn liền với quê ngoại, thôn Vân đẹp và buồn tĩnh lặng như bức tranh thủy mặc:
Thôn Vân có biếc có hồng
hồng trong nắng sớm biếc trong vườn chiều
đê cao có đất thả diều
trời cao lắm lắm có nhiều chim bay…
Đó là Con đê Ất Hợi chạy qua làng, con đường liên huyện, hàng năm vào tháng giêng – ba, người ta trẩy hội Phủ Giầy:
Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đõ khăn thâm trẩy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam mô
(Xuân về)
Thật là một bức tranh xuân quê đẹp và sáng tươi như cây lụa trắng, mẹ già chưa bán chợ đường xa. Nhưng vào kỳ lũ lụt thôn Vân nổi lên như một ốc đảo giữa bốn bề trời nước mênh mông, con đê Ất Hợi giờ như sợi chỉ mong manh thoi thóp quăng quật trong sóng cồn gió xoáy. Kỷ niệm về quê ngoại thôn Vân, những vui buồn sướng khổ đã in đậm dấu ấn trong ký ức cha tôi.
Ông Bùi Trình Khiêm không chỉ là người thầy người mẹ truyền thụ cho cha tôi về văn chương chữ nghĩa, lòng yêu nước thương nòi, thói đời tình người, ứng nhân xử thế… Cha tôi may mắn sớm tiếp thu được nguồn học vấn uyên thâm từ người thầy của mình, người đã có ảnh hưởng quan trọng trong suốt cuộc đời văn nghiệp của ông. Vào thời vua Lê Cảnh Thống thế kỷ XVI, dòng họ này có người đỗ Tiến sĩ, nay còn bia đá trong Văn Miếu, tiếp sau vẫn có Hương cống, Sinh đồ… Trải mấy đời hiển đạt vẫn giữ lấy nếp nhà, mở trường dạy học lấy kế sinh nhai. Phải chăng chính vì xuất thân dính dáng ít nhiều đến dòng họ khoa bảng mà cha tôi luôn lưu giữ trong thơ mình giấc mộng Trạng nguyên như lưu giữ giá trị tinh thần của dòng tộc, và của cả một thời rực rỡ đã qua. Những Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, những võng điều, lọng tía, vinh qui bái tổ… là khao khát ước vọng của bao đời, gốc rễ hàng nghìn năm ấy đã hằn sâu trong tâm thức người dân Việt làm nên giá trị truyền thống dân tộc của mấy nghìn năm văn hiến.
Thời trước, người đỗ Trạng nguyên là người có học vị cao nhất, được nhà vua trọng dụng, ban cho quyền cao chức trọng, vinh hoa phú quí, bổng lộc cao sang, làm vẻ vang gia đình dòng họ, là niềm vinh dự tự hào của quê hương bản quán. Và có lẽ đó cũng là khao khát của chính cha tôi nên tần số quan Trạng xuất hiện trong thơ ông khá đậm đặc:
Quan Trạng đi bốn lọng vàng
Cờ thêu tám lá qua làng Trang nghiêm
….
Thế rồi vua mở khoa thi
Thế rồi quan Trạng vinh qui về làng.
(Quan trạng)
Rõ ràng quan Trạng đương trai
Vua cho chạy ngựa ba ngày xem hoa
(Con nhà nho cũ)
Quan Trạng tân khoa tàn yến tiệc
Đi xem hoa nở mấy hôm liền
(Xóm Ngự Viên)
Mặc khác giấc mộng Trạng nguyên ám ảnh không nguôi trong tâm tưởng cha tôi để rồi luôn day trở trong thơ ông có lẽ còn vì: ông quá nghèo, sinh ra trong một gia đình nhà nho quanh năm túng thiếu, làng quê khốn khó, lớn lên trong nỗi cay cực. Để có được bát cơm ăn, quanh năm suốt tháng người dân quê tôi phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời, cõng nắng gùi sương có khi phải đổi bằng tính mạng bởi sóng gió trên đồng lật thuyền dìm chết người cứu lúa. Vào kì chiêm khê mùa thối, mưa trắng đất trắng trời, xóa trắng mùa màng, đói mờ con mắt, cả trời đất chìm trong một màu xám xịt. Đói kém hoành hành, dân làng phải tha phương cầu thực. Làng xóm tiêu điều xơ xác. Cảnh thực là vậy, ảm đạm tang thương là vậy nhưng nơi đó là quê hương ông, nơi bao đời nhau rún tổ tiên, linh thiêng nguồn cội, người sống người chết quyện vào hồn cốt đất đai, ăn sâu bám rễ vào tâm hồn cha tôi. Ông đối mặt với hiện thực cuộc sống đói nghèo, ảm đạm tù túng cố hữu của làng quê bằng sự cảm thông máu thịt, yêu thương cháy bỏng, khát vọng khôn cùng, ước ao nuối tiếc một thời thanh bình yên ả đã qua, một thời chỉ có thể có trong thơ ông mà thôi:
“Thuở ấy làm sao thật thái bình
Trai hiền bạn với gái đồng trinh”
Đời say men rượu thơm hoa rụng
Tràn những thơ ngây ngập cảm tình.
(hoa với rượu)
Hay:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo em rằng hát tối nay…
(mưa xuân)
Cảnh ấy tình ấy là mộng hay là thực, là thực hay là mộng đây? Thực đấy và cũng là mộng đấy, hay nói cách khác cha tôi đã đem cái phần mộng của hồn vía mình phả vào cảnh thực của đời. Hình ảnh thực của một làng quê lam lũ nhọc nhằn bước vào thơ cha tôi hiển hiện một cách đẹp đẽ, đằm thắm tươi sáng và thơ mộng, ông không kêu ca tán thán rên xiết khổ đau. Với ông quê hương đó là những gì thiêng liêng tươi đẹp nhất. Những Tháng chạp hoa non nở cánh vàng, hay hội làng mở giữa mùa thu/giời cao gió cả trăng như ban ngày/ hồn anh như hoa cỏ may/ một chiều cả gió bám đầy áo em… và những mưa xuân, mùa xuân xanh, chân quê… được sinh ra từ những cảnh tình ấy. Đó là khúc hát tâm tình ước vọng của người dân quê mà cha tôi là nghệ nhân của họ đã chạm khắc bức tranh quê ấy bằng hai phần đời thực và hồn mộng của mình. Từ cõi tâm linh của mình ông đã chạm vào cõi hồn quê, chạm vào cõi tâm linh của người dân quê. Và cũng có lẽ vì vậy mà đông đảo bạn đọc đã đồng hành cùng thơ ông suốt chiều dài năm tháng.
Trở lại thời xa xưa, trong cái xã hội thuần nông như ở nước ta, thì chuyện học hành thi cử là con đường duy nhất để lập nên công danh sự nghiệp. Và mỗi người ai có bổn phận nấy, trách nhiệm xã hội phân công rõ ràng, người đàn ông - người chồng chuyên tâm dùi mài kinh sử, sự nghiệp công danh, còn phụ nữ - người vợ sớm hôm tần tảo nuôi chồng ăn học:
Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi
Chồng tôi cưỡi ngựa vinh qui
Hai bên có lính hầu đi dẹp đường…
Tôi ra đón tận gốc bàng
Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem.
(thời trước)
Tất cả đều chung giấc mơ đổi đời nhưng vào thời của cha tôi sự học hành đỗ đạt khoảng cách giữa mơ và thực quá lớn không dễ gì với tới. Những gì trong đời thực không thực hiện được thì chỉ có thực hiện được trong mơ ước, trong thơ. Và cũng chính vì khoảng cách quá lớn giữa thực và mơ nên khát khao càng cháy bỏng, chắp cánh cho mộng ước bay cao bay xa bù đắp sự thiếu hụt, sự không có của phần đời thực. Có lúc cha tôi mơ thấy mình đi thi rồi đỗ Trạng được công chúa gieo cầu kén làm phò mã:
Trong triều thi cử vừa xong
Trạng nguyên tôi đỗ kiệu hồng tôi sang
Quả kim cầu ở tay nàng
làm sao lại ở giữa bàn tay tôi…
(lạy giời cấm cửa rừng mai)
Còn trong đời thực, cảnh tình thực cha tôi đã gặp phải một tình yêu ngang trái bẽ bàng, gia đình bên nhà gái không chấp nhận cuộc hôn nhân vì bên gia đình cha tôi nghèo, so với nhà gái không môn đăng hộ đối, ông cám cảnh mình chua xót thốt lên:
Mấy khoa thi chót thầy ơi
Sao không thi đỗ để rồi làm quan
Để rồi lắm bạc nhiều vàng
Để cho con được lấy nàng thầy ơi!
(nhà tôi)
Thế rồi sao? Giấc mơ bao giờ cũng huy hoàng tráng lệ, sự thật hụt hẫng xót xa:
Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà trai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo tiền cưới chừng đâu chín nghìn…
Vậy là anh lái đò nghèo không cưới được người mình yêu vì thói đời đen bạc trọng phú khinh bần. Anh lái đò trở về với đời thực:
lang thang anh dạm bán thuyền
có người trả chín quan tiền lại thôi
để rồi một chiều kia có người con gái khác đang tơ muốn sang thuyền anh qua bãi tước đay, anh lái đò đã rất thực mà từ chối thẳng thừng với một lý do rất mộng:
sao cô không gọi sáng ngày
giờ thuyền tôi chở đã đầy thuyền mơ
con sông nó có đôi bờ
tôi chưa đỗ Trạng, thôi cô lại nhà.
Trải bao biến động dữ dội của lịch sử, dân tộc ta chịu sự chi phối không nhỏ, sự chi phối ấy mang giá trị cách mạng sâu sắc, nhưng kèm theo những giá trị mới mẽ được tạo lập, thì sự xáo trộn những giá trị tinh thần của người xưa để lại là điều không thể tránh khỏi. Giấc mộng Trạng nguyên trong thơ cha tôi càng là một bảo tàng lưu giữ giá trị tinh thần truyền thống ngàn xưa đó.
Theo Hội nhà văn Việt Nam
|