Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  ĐỒNG ĐỘI - Hoàng Kim Yến ĐỒNG ĐỘI - Hoàng Kim Yến , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Bố tôi dắt một ông già từ đâu về, đúng vào hôm 30 tết. Bố bảo, gặp bác ấy ở ngoài đường, cùng là đồng đội khi còn đánh Mỹ, có nhiều duyên nợ với nhau nên đón về ở cùng. Tôi nhìn ông cụ, mọi thứ đều đen nhẻm, đôi mắt không còn thần thái của người tinh tường. Lúc thì lờ đờ như mắt người đang buồn ngủ, khi vô hồn như mắt của manơcanh. Nhìn vào đó tôi không hiểu ông cụ đang nghĩ gì nhưng tôi đoán chắc ông đã từng nằm vật vờ ngoài bờ đường hay trong một xó chợ nào đấy nên tóc ông mới bết lại như mớ len bị nhầu trong bùn đất. Người ông cũng chẳng hơn gì, như trát đất, ruồi nhặng theo vào bâu quanh. Bố dắt ông cụ ngồi xuống ghế, tôi phát hoảng, cái nệm ghế trắng tinh vừa mới mua về diện tết mà để cái mông kia đặt lên thì còn gì là đệm. Tôi lao đến toan ngăn bố lại nhưng bố quắc mắt nhìn tôi, ánh nhìn như có lửa. Miễn cưỡng ngồi xuống ghế đối diện, tôi chất vấn:

 
- Con cái của ông ấy đâu? Sao bố phải đón về thêm rách việc. Tết nhất đến nơi rồi.
 
Ông cụ thọc tay vào túi áo moi ra cái cốc thuỷ tinh đã vỡ một nửa miệng dí vào mặt bố tôi:
 
- Cho xin cốc nước!
 
Bố tôi nhẹ nhàng:
 
- Để em lấy cốc khác cho anh uống, cái này bẩn rồi bỏ đi anh ạ!
 
- Em xin anh, em khát lắm rồi, cho em xin chút nước thôi mà. Em không ở đây lâu, làm bẩn nhà của anh đâu.
 
Bố tôi vội lấy cốc rót nước đưa tận tay ông cụ. Ông cụ gạt phăng chiếc cốc xuống nền nhà vỡ toang. Đôi mắt đầy hoảng hốt, ông luống cuống:
 
- Nước đái, nước đái, tôi không uống đâu.

Minh họa: Phạm Minh Hải
Ông cụ bật dậy, xô bố tôi ngã lăn xuống đất, lật bật lao ra sân. Có tiếng đổ vỡ ngoài sân. Đoán chiếc chậu hoa anh đào vừa mới được cậu nhân viên dưới quyền tặng bị vỡ, tôi nổi điên vừa lao ra sân vừa quát:
 
- Đi cái kiểu bỏ mẹ gì mà làm vỡ của tôi rồi.
 
Nhìn chậu hoa vỡ tan tành, cây hoa đổ rạp, bao nhiêu cánh hoa tôi đã từng nâng như nâng trứng bị giập nát hết, máu trong người tôi sôi lên. Tôi chỉ tay vào mặt ông cụ, gầm lên:
 
- Xéo! Xéo ngay!
 
Mắt ông cụ dại đi, đôi môi mấp máy nói không thành tiếng. Rồi ông quỳ sụp xuống, hai tay lạy tôi như tế sao:
 
- Tao mới là Cộng sản. Mày hãy giết tao đây này. Tha cho mẹ con cô ấy.
 
Tôi ngơ ngác, trân trân nhìn ông. Chợt ông cụ ôm lấy hai chân mình, kêu lên đau đớn. Ông ngã vật xuống đất, nằm thẳng đuột, rồi ông lại ngẩng phắt đầu dậy, cứ nằm thế mà lết về phía tôi, bàn tay cáu bẩn hướng về phía tôi chới với:
 
- Không! Trời ơi! Lan ơi!
 
Tiếng hét của ông đầy âm vực, nó vang và thống thiết như thể đang rút hết phần sinh lực cuối cùng trong cái thân hình rúm ró của ông. Ánh mắt của ông nhìn tôi đầy căm hận nhưng vẫn lộ rõ vẻ bất lực. Nhìn nó tôi thấy gai cả người. Bố tôi từ trong nhà lao ra ôm chặt lấy ông, nói trong nghẹn ngào:
 
- Anh Hùng! Anh Hùng! Em đây! Thắng đây! Thắng vẹo đây!
 
- Hừ! Hừ! Mày là thằng nào? Thắng nào?
 
- Thắng vẹo! Thắng cận vệ đây!
 
Ông cụ ôm chặt lấy bố tôi, nấc lên khùng khục. Rồi ông ném ánh mắt nảy lửa về phía tôi, chỉ tay vào mặt tôi và gào lên:
 
- Giết! Giết nó cho anh!
 
Bố tôi đứng phắt dậy, làm động tác nhận lệnh của quân đội rồi vơ vội lấy cái chổi chĩa vào tôi hét lớn:
 
- Tao thay thủ trưởng xử tội mày. Pằng! Pằng! Pằng pằng pằng! Thành, nằm xuống chết ngay!
 
Chẳng hiểu mô tê gì, nghe tiếng bố quát nằm xuống chết, tôi như cái máy nằm lăn xuống sân, chân tay duỗi thẳng đuột giả chết. Bố tôi nháy mắt cười với tôi vẻ hài lòng lắm. Ông quay sang đỡ ông cụ dậy, trấn an:
 
- Em đã thay anh xử tội thằng ấy rồi, đã rửa được thù cho chị Lan. Chị ấy sẽ ngậm cười nơi chín suối. Giờ anh em mình vào tắm rửa, ăn cơm với các đồng đội.
 
Tôi khẳng định với bố là bác Phong điên nhưng bố tôi lại bảo:
 
- Không phải bác ấy điên. Bác Phong đang sống ở cái ngày kinh hoàng nhất trong cuộc đời. Ngày hôm ấy, bác Phong đang bị thương ở bụng, nặng lắm, có lẽ không cứu chữa được. Đơn vị cho người về làng đón vợ con bác Phong lên thăm. Người mà bác ấy gọi là Lan ấy. Không may gặp trận càn của địch, cả đơn vị mải chiến đấu chỉ còn lại gia đình bác Phong trong lán. Bọn địch đến, thấy bác Lan liền định giở trò thú vật. Chúng bảo: “Bắn cho què nốt hai chân thằng Cộng sản để không còn nhúc nhích được, bắt nó ngồi đấy nhìn chúng ta hành xử.” Bác Lan quyết không chịu nhục đã đập đầu vào đá tự tử. Bác Lan chết rồi mà chúng còn lấy báng súng đập vào mặt cho đến khi không còn nhìn ra khuôn mặt tròn trịa, trắng hồng trước kia. Đau đớn khiến bác Phong ngất lịm. Tưởng bác ấy đã chết nên chúng bỏ đi. Trận đó bố bị mất cái chân, cùng về tuyến sau điều trị với bác ấy. Ngày chia tay, cũng đúng vào 30 tết, bác Phong được một người bà con đón về chăm sóc, còn bố về quê. Từ đó bặt tin nhau. Bố có đi tìm nhiều bận nhưng không thấy.
 
Tôi nhìn bác Phong ái ngại cho bố:
 
- Bác ấy thế này bố làm sao mà chăm nổi?
 
- Ấy là cái nghĩa tình con người. Giờ bác Phong đang trắng tay, lẽ nào mình lại cạn tình.- Mắt bố tôi ngầu đỏ. Bố tôi đang khóc, khóc không có nước mắt, có lẽ nước mắt đang rạch vào trong. Chưa bao giờ tôi thấy bố tôi như vậy. Kể cả cái lần ông nội tôi mất - Sự ra đi thanh thản của người thân không làm bố đau bằng việc thấy những người đang sống đau khổ.
 
- Bố đa đoan.
 
Bố quay đi giấu tiếng thở dài.
 
Từ đạo Bác Phong đến ở, nhà tôi bị xáo trộn hoàn toàn. Cái vườn hoa cây cảnh trước cửa nhà tôi trở thành toa lét của bác. Điều này mãi về sau tôi mới biết khi thấy bác Phong bảo với bố tôi, tao chẳng tìm thấy cái que nào để đi ngoài cả, cánh rừng trước mặt chắc bị bom napan làm cháy nên chẳng tìm thấy chiếc lá nào to bằng bàn tay để chùi. Tôi ngã ngửa, thảo nào lá trong vườn cảnh của tôi bị vặt trụi hết. Tôi ấm ức lắm, toàn những cây cảnh được uốn theo thế thì lấy đâu ra lá mà na với lại chả pan. Bực, nhưng tôi chẳng dám tỏ thái độ, bố tôi cũng yếu rồi, giờ mới có điều kiện để giúp đỡ đồng đội nên tôi không nỡ. Vả lại chăm bác Phong bố tôi cũng vất lắm, nhiều khi muốn tìm một người giúp việc chăm sóc thay bố nhưng bố tôi gặt phắt đi. Bố bảo: “Chính tình người mới sưởi ấm được lòng người, con ạ. Nếu chỉ nghĩ đơn giản như con thì bố đã đưa bác ấy vào viện dưỡng lão lâu rồi”.
 
Bác Phong rất thích chơi cờ, trong những ván cờ bác là người cực kỳ minh mẫn và thông minh. Bố tôi thường rủ bác đánh cờ để đánh thức phần quá khứ không bị méo mó trong bác và cũng giúp bác vực dậy trí nhớ của mình. Bố tôi thường giả bộ nói với bác Phong: “Anh em mình về lán nghỉ ngơi, chơi ván cờ chờ giặc đến nhé!”. Thế là đúng phóc của bác rồi, bác nhìn bố tôi cười, đầu gật liên hồi ra chiều vui lắm. Nhìn bác tôi nhớ đến thằng Tiến, con trai tôi, khi được mẹ hứa cho đi công viên nó cũng vui như thế. Thấy bác ngồ ngộ, tôi bật cười. Bác cũng quay sang cười với tôi, gật gật cái đầu ra chiều vừa ý lắm: “Vẫn biết nghĩ tới người khác, không nhiễm thói ích kỷ của người đời. Khá!”. Tôi giật mình. Chẳng nhẽ bác nhìn thấy sự khó chịu của tôi qua những cái nhíu mày trước đó. Tôi chợt nhớ đến cái hôm Hải đem quà đến biếu tôi, trong túi quà có nhiều tiền đô lắm. Tôi biết Hải muốn tôi cân nhắc cậu ấy lên chức trưởng phòng. Nhưng hiềm một nỗi năng lực cậu ấy kém hơn cậu Hùng. Đưa cậu ấy lên liệu có làm được việc. Tôi đang vò đầu phân vân thì có tiếng của bác Phong: “Tìm đến với thiên nhiên để thư thái. Ngồi trước món quà, mọi quyết định sẽ sai.”. Cứ nghĩ bác nói vu vơ chẳng may hợp cảnh chứ ai ngờ.
 
Thấm thoắt đã tròn một năm bác Phong về nhà tôi ở. Cũng ngày 30 tết, bận rộn biết bao nhiêu việc thế mà bố tôi lại muốn về quê thăm mộ đồng đội. Ông bảo, không thể không đi vì bố và các bạn đã hẹn nhau rồi. Tôi giãy nảy, vợ con về quê ngoại cả rồi, chỉ còn mình tôi với bác Phong, gặp phải lúc bác phát bệnh thì có trời mà xử lý. Bố tôi trấn an, không khó gì cả, người nào cũng có một thế giới riêng của họ, có điều con có muốn sống chung với họ hay không thôi, cần sự cởi mở ở lòng con đấy. Tôi nghe mà chẳng hiểu gì cả, nỗi sợ hãi đang lấn át tôi, làm mụ mị trí thông minh vốn có của tôi.
 
Để tránh việc bác Phong ra ngoài đi lung tung, không tìm được, tôi nhẹ nhàng đến bên bác rủ, bác cháu mình lên tầng thượng chơi cờ tướng. Trên đó vừa ngắm cảnh thành phố vừa ngồi đánh cờ, thú vị lắm. Bác nói mà không ngẩng lên nhìn tôi: “Sợ bác bỏ ra ngoài à?” Tôi giật mình chữa: “Không, đấy là cháu muốn bác vui. Nếu bác không thích thì ở dưới này cũng được”. “Không dám bảo vệ ý kiến của mình. Không được. Nào, ta đi!”. Bác chủ động vịn vào tay tôi đứng lên. Đối mặt với tôi, bác ghé vào tai tôi thì thầm: “Có trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao là tốt” rồi bác nhìn tôi thân thiện, ánh mắt ấm áp và nụ cười mủm mỉm. Tôi mạnh dạn luồn tay qua eo bác đỡ lên tầng. Mái đầu bạc kề rất sát vai tôi, cũng cái mùi thuốc lá hăng hăng, âm ấm quen thuộc của bố. Bất giác tôi cảm thấy gần gũi. Tôi hỏi: “Tại sao bác lại thích đánh cờ?”. “Vì bác muốn xem đời người bị xoay vần ra sao. Bác cháu ta cũng đang là những quân cờ trong bàn cờ cuộc đời đấy thôi. Cuộc đời này có nhiều dạng người lắm, người ngay thẳng, chuyên đi thẳng mà vẫn làm được việc như cái anh xe. Rất thân cận, trọn tình nhưng lại không có nhiều quyền lực như hai anh sỹ, chỉ quanh quẩn trong bốn ô vuông thôi. Thiếu nó cũng nhiều tai bay vạ gió. Cái anh tốt là bị coi thường nhất, ít quyền lực, lại luôn phải đứng đầu chịu mọi hòn tên mũi đạn nhưng có lúc chính anh tốt lại làm nên đại cục. Có điều cần cái giỏi của người cầm quân, biết đặt chúng vào những chỗ thích hợp với khả năng của chúng”. Tôi cười, bác giỏi gán ghép. Bác bảo, ấy là kết quả của cả một đời chiêm nghiệm. Mọi quân cờ đều có điểm mạnh và điểm yếu, phần xấu và phần tốt. Người cầm quân thế nào thì quân thế ấy.
 
Tôi đỡ bác Phong ngồi xuống cạnh bàn cờ, nhặt từng quân cờ xếp vào bàn. Bác dõi mắt xa xăm về phía thành phố, nói một mình: “Cờ hoa đẹp quá!”. Tôi bảo: “Cháu không giỏi đánh cờ. Bởi không có nhiều thời gian rỗi”. Bác bảo: “Thế không được, đánh cờ giỏi cháu sẽ giỏi cầm quân. Thời này không giỏi cầm quân thì nguy hiểm vô cùng. Nào ta oẳn tù tì, ai thắng được đi trước.”. “Không cần, bác đi trước đi!”. “Không được, người đi trước một bước bao giờ cũng ở thế tấn công. Đừng bao giờ để mình ở thế bị động.”. Tôi làm theo, được đi trước, tôi dí tốt. Bác điềm đạm đưa mã xuất quân, chẳng sao, tôi dí tiếp tốt lên nước nữa, bác ăn con tốt. Cũng chẳng sao, giờ tôi mới lên mã. Vài nước bác đã chiếu tướng tôi. Tiến tướng lên một bậc, tôi chạy. Bác bảo: “Sao cháu không cho xe xuống chắn? Làm thế xe bác sẽ phải chạy”. “Nhưng đó cũng là một cách mà”. “Không phải là cách tốt nhất. Cháu sẽ gặp nguy hiểm ở những nước tiếp theo, nếu cháu không biết dùng những người có khả năng giúp đỡ mình”. Tôi bỏ ngoài tai. Tôi thua thật, ba ván liên tiếp. Chẳng sao, chơi mà. Nhưng bác lại rất buồn, bác bảo, không nghe lời khuyên của người khác là hỏng. Ván thứ tư, tôi đang trên đà thắng, bàn cờ toàn quân của tôi. Bác chỉ còn hai sỹ bên tướng và một xe. Có lẽ bác xao nhãng vì buồn nên mới rơi vào tình thế này. Được thể, tôi lấn tới: “Bắt xe của bác chơi”. Nói là làm, tôi dồn bác vào thế phải lựa chọn, một mất xe, hai mất tướng. Bác ngồi thất thần, tôi cười thành tiếng trêu: “Phen này xe có chạy đằng trời”. Bác run run cầm tướng đi lên một nước, để lộ mặt xe phía sau. Chỉ chờ có thế, tôi cầm con xe của mình, chồm lên đầu con xe của bác. Bác giằng lấy con xe từ tay tôi lắp bắp: “Để bác cầm nó một chút.”. Bác ôm xe vào ngực vỗ về: “Em à, anh xin lỗi.” Bác nấc lên khùng khục: “Anh không còn lựa chọn nào khác”. Bác gào lên thống thiết: “Vì đại cục, anh đành chịu mất em”. Chợt mắt bác dừng lại phía bàn thờ, nơi có di ảnh của mẹ tôi. Bật dậy, bác lao về phía bàn thờ, giơ đôi tay lên chới với: “Lan, Lan em ơi! Lại đây với anh. Lan ơi!”. Tôi hoảng hốt, chạy lại ngăn không cho bác víu đổ bàn thờ. Bác gạt văng tôi ra. Không ngờ cái sức của ông già 80 tuổi lại có thế khoẻ đến như vậy. Có lẽ tấm ảnh của mẹ tôi đã cho bác Phong sức mạnh để bác gặt phăng mọi trở ngại. Bố tôi về đúng lúc tôi không còn khả năng để ngăn cản bác. Hai bố con phải vật lộn mãi bố mới tiêm được cho bác Phong một liều thuốc an thần. Bác ngủ mà trên gương mặt vẫn đọng đầy day dứt.
 
Bố bảo, ngày chia tay bác Phong ở trạm quân y, biết thần kinh bác Phong không bình thường bố đã bế con bác Phong về nuôi, lấy tấm ảnh bác Lan trong quyển nhật ký của bác Phong về lập bàn thờ. Bác Phong đã không nhầm, người trên ban thờ chính là bác Lan. Tai tôi ù đi, không còn nghe rõ bố nói. Bố ôm lấy vai tôi: “Bác ấy là bố của con, con ra với bố con đi. Phải lâu lắm bố mới tìm được ông ấy cho con đấy.” Tôi sững sờ, chân như bị chôn xuống đất. Bố cười, kéo tôi ngồi sát mép giường: “Con có thấy cái mũi to tướng này, cái trán dô bướng này và cả đôi lông mày sâu róm nữa, chúng có giống con như đúc không? Con không phải nghĩ cho bố, ông ấy đã phải chịu nhiều đau đớn rồi, chỉ có con mới có thể hàn nổi vết thương trong lòng ông ấy thôi.”. Tôi ôm ghì lấy bố, mắt ầng ậng nước. Bố gí ngón tay vào trán tôi: “Làm bố trẻ con rồi lại còn khóc nhè!”. Bố cầm tay bố Phong đặt vào tay tôi vỗ vỗ. Hai bàn tay ấm nóng của hai người bố đang nằm trong tay tôi nắm chặt. Tôi với tay ôm quàng lấy cổ hai người bố, bật khóc. Nghe có tiếng gọi bố, bố Phong bừng tỉnh, ngơ ngác. Bố tôi dẫn bác đến trước bàn thờ, đưa bác nén nhang, bảo bác hãy thắp cho chị Lan. Dưới suối vàng chị Lan sẽ vui lắm.
 
Tập ảnh từ ngày nhỏ của tôi được bố lấy ra. Bố bảo, thằng Thành con anh đây này, anh có nhận ra không? Bố tôi đưa cho bố Phong tấm ảnh ngày tôi còn bé, đang trần truồng ngồi trong chậu tắm. Bố Phong nhận ra ngay. Có lẽ đây là tấm ảnh chính bố Phong đã chụp cho tôi. Bố lại đưa tấm ảnh thứ hai, sau một năm thằng Thành lớn tưng đây anh ạ. Bố Phong cầm lên nhìn rất kỹ tấm ảnh rồi gật đầu cười. Bố lại đưa tấm ảnh thứ ba, hai năm sau thằng Thành lại lớn bằng ngần này, anh ạ. Bố Phong lại xem, lại gật đầu cười. Cứ thế cho đến cái ảnh mới chụp vào 30 tết năm ngoái, bố bảo, sau gần 40 năm, giờ nó lớn thế này, anh ạ! Rồi bố tôi dẫn tôi đến bên bố Phong. “Anh thấy thằng Thành trong ảnh có giống nó ở ngoài đời không?”. Bố Phong trân trân nhìn tôi. Lâu, lâu lắm ông mới nở nụ cười, rồi đứng bật dậy ôm chầm lấy tôi, không nói được lời nào chỉ đấm vào lưng tôi thùm thụp.
 
H.K.Y
            Theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội

  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65203849

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July